Nhớ bài báo cuối cùng của Phạm Văn Đồng

18:41 | 11/11/2018

Nhân dịp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25/10/2018), chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà báo Nguyễn Thế Khoa về những đóng góp quý giá cho Đảng, cho đất nước trong những năm cuối cuộc đời của nhà lãnh đạo được toàn Đảng, toàn dân tin yêu, đ/c Phạm Văn Đồng.


 

Những đóng góp quý giá cho Đảng, cho đất nước trong những năm cuối cuộc đời của nhà lãnh đạo được toàn Đảng, toàn dân tin yêu, đ/c Phạm Văn Đồng. 

Đó là bài báo có tựa đề “Nêu cao danh hiệu Đảng Cộng sản Việt Nam, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam” được viết khi tác giả đã 93 tuổi,đăng trên trang nhất báo Nhân Dân, ngày 19 tháng 5 năm 1999. Bài báo đề cập đến hai vấn đề có tính chất sống còn của Đảng là chống suy thoái tham nhũng và chống máy móc giáo  điều. Sau gần 20 năm, bây giờ đọc lại, ta thấy bài viết tâm huyết này như vừa mới được viết ra, các con chữ chứa đựng biết bao dằn vặt thao thức tưởng chừng chưa ráo mực.

Cần phải nhắc rằng kể từ khi không còn là Thủ tướng chính phủ, từ năm 1987 đến năm 2000, đến trước khi mất, ngày 29 tháng 4 năm 2000, Phạm Văn Đồng đã dồn thời gian tâm sức tập trung nghiên cứu về lãnh tụ Hồ Chí Minh, về con đường giữ vững độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, về văn hóa Việt Nam và công cuộc đổi mới. Thời gian này, dù tuổi cao, sức yếu, mắt kém rồi bị mù hẳn, nhưng với vốn trí thức uyên bác và luôn cập nhật, với những kinh nghiệm phong phú tích lũy được sau hơn 60 năm hoạt động cách mạng cùng nghị lực và sự minh mẫn phi thường, ông đã hoàn thành đến 8 cuốn sách nghiên cứu lý luận giá trị.

Theo tôi, với những tác phẩm này, cống hiến trong những năm cuối đời của Phạm Văn Đồng có lẽ cũng lớn lao không kém thời hơn 30 năm ông đương chức một trong trong những đạo chủ chốt của Đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam: qua việc nghiên cứu có hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh và văn hóa Việt Nam, ông đã góp phần tổng kết những bài học lịch sử, những quy luật thành bại của cách mạng dân tộc dân chủ và xã hội chủ nghĩa ở nước ta, vạch ra con đường đi tới thành công của sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam độc lập, xã hội chủ nghĩa.

Trong các tác phẩm cuối đời của Phạm Văn Đồng, chúng ta luôn đọc thấy, bên cạnh niềm tin mãnh liệt vào tài năng trí tuệ của nhân dân, sức sống kỳ diệu của văn hóa dân tộc, tầm vóc và giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh, luôn thường trực nỗi lo lắng về tình trạng mất dân chủ ngày càng phổ biến trong sinh hoạt Đảng và đời sống xã hội, sự phai nhạt và phản bội lý tưởng, sự suy thoái phẩm chất đạo đức trong một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên. Chính Phạm Văn Đồng đã sớm gọi tình trạng trên là một “quốc nạn” ngay từ những năm đầu sự nghiệp đổi mới.

Còn nhớ, tại buổi lễ do Đảng và nhà nước tổ chức để trao tặng huân chương Sao Vàng cho ông, ngày 1/3/1990, buổi lễ dành tôn vinh ông, trong lời phát biểu rất ngắn gọn của mình, Phạm Văn Đồng không hề nói gì đến bản thân mình, ông chỉ nhắc tới Bác Hồ, những điều căn dặn của Người rồi bức xúc cảnh báo: “Tôi cho rằng cái nhà của chúng ta hiện nay đang nhiều rác rưởi và dơ bẩn, làm cho quần chúng nhân dân phẫn nộ một cách chính đáng.

Trong tình hình như vậy, việc chúng ta phải đặt lên hàng đầu công tác quét cái nhà của chúng ta, quét dọn mọi rác rưởi và dơ bẩn, làm cho nó ngày càng sạch sẽ, có như vậy chúng ta mới có môi trường và cơ hội thuận lợi để làm tốt các công tác khác”.

9 năm sau, nhận thấy thực trạng đau lòng trên không những không giảm đi mà còn nhức nhối hơn, mở đầu bài báo “Nêu cao danh hiệu Đảng Cộng sản Việt Nam, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam”với tinh thần “cần thấy sự thật, nói đúng sự thật, nói hêt sự thật”. 

Sau khi khẳng định những thành tựu trong công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo là rất to lớn và đáng tự hào, Phạm Văn Đồng đã một lần nữa bức xúc nhấn mạnh: “Nhiều người có chức, có quyền trong hệ thống tổ chức của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể quần chúng hư hỏng quá, thoái hóa biến chất, chạy theo chức, quyền, tiền, danh và lợi. Những người ấy đang làm cho nhân dân ta ngày càng giảm lòng tin vào Đảng ta, đưa đến tình hình nguy kịch không thể coi thường…tất cả có thể đưa đến sự mất còn của chế độ”.

Thực trạng ấy thật đáng lo ngại, nhưng điều còn đáng lo hơn với Phạm Văn Đồng là dường như các tổ chức của Đảng ta chưa ý thức rõ điều mà ông gọi là “tình hình nguy kịch” đó. Ông vạch ra sự lạc quan giả dối trong báo cáo của các tổ chức Đảng: “Chúng ta thường được báo cáo rằng chất lượng tổ chức Đảng và đảng viên là trong sạch, lành mạnh, chiếm đến 70% – 80%.

Nhưng thực sự đâu có vậy, đảng viên một phần không nhỏ không có phẩm chất chính trị, tư tưởng và tác phong của người cộng sản”.Ông thẳng thắn nêu lên xu thế các thành phần tiên tiến trong quần chúng nhân dân như công nhân, trí thức, nhất là lớp người trẻ, không còn tha thiết với Đảng, không quan tâm đến việc gia nhập Đảng: “Ba lớp người này không muốn vào Đảng bởi vì họ thấy nhiều tổ chức Đảng và đảng viên chưa xứng đáng là đảng viên cộng sản, chưa xứng đáng với Đảng của Hồ Chí Minh…Một tình hình có ý nghĩa như một sự cảnh báo nghiêm trọng là tuổi đời trung bình của đảng viên đã lên đến 44 tuổi. Nếu cứ cái đà này tiếp diễn mà không được cải thiện thì 5 – 10 năm nữa Đảng ta chỉ còn là Đảng của những người đứng tuổi và cao tuổi”.

Vì thế, để nuôi dưỡng sức sống và sự hấp dẫn của Đảng, niềm tin của dân với Đảng, Phạm Văn Đồng một lần nữa khẩn thiết yêu cầu Đảng ta “Phải làm trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước, các đoàn thể quần chúng bằng cách thay đổi người có chức, có quyền hư hỏng, thoái hóa, biến chất. Phải rèn luyện, chủ yếu là qua thực tế công tác, để người có chức, có quyền thực sự xứng đáng là người đầy tớ trung thành và người lãnh đạo của nhân dân, được dân tin, dân mến”.

Để làm được việc này, Phạm Văn Đồng khẳng định không có cách nào khác là “Phải sử dụng vũ khí tự phê bình và phê bình trong toàn Đảng từ trên xuống dưới”như Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở.Nhưng ông cũng lưu ý ngay rằng việc phê bình và tự phê bình trong Đảng nói thì dễ nhưng làm được là “điều cực kỳ khó khăn”. Bởi nhiều hội nghị Trung ương đã nhấn mạnh, nhiều nghị quyết của Đảng đã ban hành nhưng trên thực tế việc này “rất dễ sa vào hình thức, làm qua loa, không kiên quyết, không có kết quả thiết thực”.

Để tránh tình trạng trên, giúp việc phê bình, tự phê bình đạt kết quả thiết thực, theo Phạm Văn Đồng, không có cách nào tốt hơn là lấy hành động thực tế trong sự kiểm tra giám sát chặt chẽ của nhân dân làm thước đo. Bởi phạm vi tự phê bình và phê bình rất rộng bao gồm cả tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, rấtdễ tràn lan, có khi bỏ cái chính, sa vào cái phụ, nên ông đề nghị “Phải tập trung vào những khuyết điểm, sai lầm nặng nhất, phổ biến nhất, nổi cộm nhất, nhân dân bất bình và chê trách nhất.

Đó là tham nhũng, tư lợi và quan liêu cửa quyền, phiền hà sách nhiễu dân và biết bao ảnh hưởng tiêu cực của nó đang gây ra một cách rộng khắp với những tác hại không lường hết được mà Bác Hồ đã nói: Trăm con mắt đều nhìn vào, trăm ngón tay đều chỉ vào. Đây là một chuỗi của những sai lầm, những hư hỏng có liên quan mật thiết đến tình hình phức tạp hiện nay của đất nước..Cho nên việc tự phê bình và phê bình phải từng bước thanh toán những sai lầm, hư hỏng ấy, đem lại nguồn ánh sáng cho đất nước và nguồn phấn khởi cho nhân dân…tăng thêm lòng tin của nhân dân, cải thiện quan hệ giữa Đảng và dân, gắn bó Đảng với dân, dân với Đảng và đó là nguồn gốc sức mạnh của Đảng ta”.

Cùng với việc nêu ra nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng bằng vũ khí phê bình và tự phê bình một cách thực chất như một nhiệm vụ cấp bách của Đảng ta, trong bài báo trên, Phạm Văn Đồng cũng nêu lên một nhiệm vụ cấp bách khác của Đảng là nghiên cứu lý luận về xây dựng xã hội chủ nghĩa trên đất nước ta.

Về tầm quan trọng của vấn đề này, ông nhận định: “Có thể nói chúng ta đang đứng ở ngã ba đường…Xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta trong thời đại và thế giới ngày nay là việc làm mới mẻ, chưa có tiền lệ, vừa mò mẫm vừa làm, điều này càng đòi hỏi chúng ta phải đi vào thực tế cuộc sống của nhân dân với thái độ cách mạng và đổi mới để tìm tòi, nghiên cứu tổng kết thực tiễn và từ thực tiễn nâng lên thành lý luận. Phải nói rằng về mặt này chúng ta làm chưa tốt, nhiều vấn đề nảy sinh trong cuộc sống chưa có giải đáp, chưa có hướng ra”.

Trong bài báo cuối cùng này, tuy Phạm Văn Đồng chưa nói rõ những thành tựu quý giá mà bản thân ông đã làm được trong lĩnh vực cực kỳ khó khăn hóc búa này. Nhưng đọc các trước tác cuối đời của ông như “Hồ Chí Minh – Một con người, một dân tộc, một sự nghiệp, một thời đại”, “Hồ Chí Minh – Quá khứ, hiện tại, tương lại”, “Văn hóa và đổi mới”…chúng ta có thể thấy rõ, từ lâu, nhất là từ khi  chủ nghĩa xã hội lâm vào khủng hoảng lớn cả về lý luận và thực tiễn, nhiều quái thai mang danh xã hội chủ nghĩa như Đại cách mạng văn hóa vô sản, Khơ me đỏ, các chế độ độc tài gia đình trị ở một số quốc gia đang làm người ta kinh sợ, có ác cảm nặng nề với chủ nghĩa xã hội.

Việc Phạm Văn Đồng âm thầm bền bỉ nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh và văn hóa trong tiến trình lịch sử của loài người và của dân tộc chính là nhằm mục tiêu góp phần xây dựng nền móng cho một lý luận đúng đắn về xây dựng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Và trên lĩnh vực đặc biệt quan trọng này, ông đã để lại cho hậu thế những tư tưởng rất phóng khoáng, rất sáng tạo, rất minh triết.

Trong các công trình trên, với sự phân tích đầy sức thuyết phục, Phạm Văn Đồng cho rằng sự sụp đổ của Liên xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu không hề là sai lầm của chủ nghĩa xã hội mà chỉ là hậu quả tai hại của việc nhận thức lệch lạc, máy móc, giáo điều, duy ý chí, phản khoa học về chủ nghĩa xã hội.

Trong cuốn sách“Văn hóa và đổi mới”, khi điểm lại hành trình của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, Phạm Văn Đồng cũng đã nghiêm khắc phê phán những sai lầm do nóng vội, duy ý chí mà Đảng ta phạm phải trong lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước sau đại thắng mùa xuân năm 1975. Ông viết với những tự vấn chân thành: “Tôi muốn dừng lại ở đây để rút một bài học rất bổ ích về tính “lãng mạn cộng sản” (Lênin), lấy lòng mong muốn thay cho thực tế. Trong cách nghĩ và cách làm sai lầm này, điều nguy hiểm nhất là bất chấp quy luật của lịch sử, muốn đốt cháy giai đoạn, không tính đến điểm xuất phát về tình hình mọi mặt của nước ta lúc bấy giờ.

Bản thân tôi, hồi tưởng lại tâm trí của mình, tôi vô cùng ngạc nhiên sao mà mình có thể quay lưng lại với biết bao sự thật hàng ngày diễn ra trước mắt mình để lao vào những sai lầm với những cái giá đắt phải trả. Rõ ràng đây là một sự thiếu sáng suốt trong nhận thức và hành động, trong lý luận và thực tiễn”.

Lo lắng về tình trạng hiểu về chủ nghĩa xã hội còn đơn giản, hình thức, sơ lược, máy móc, giáo điều, lạc hậu trong Đảng ta, cũng là một mối nguy lớn của Đảng, trong các tác phẩm về Hồ Chí Minh, ở phần nghiên cứu về cống hiến của Bác trong việc phát triển học thuyết Mác Lênin về xây dựng chủ nghĩa xã hội, Phạm Văn Đồng từng nhiều lần nhấn mạnh: “Trong lịch sử chưa có một mô hình xã hội chủ nghĩa nào, thậm chí những nhà sáng lập học thuyết Mác Lê nin cũng chưa bao giờ đề ra một định nghĩa có tính chất hình mẫu về chủ nghĩa xã hội khoa học. Những ông thầy của chúng ta là bậc thầy ở chỗ những nhà khoa học lỗi lạc đó để lại cho chúng ta những nguyên lý, những luận điểm, những phương pháp giúp chúng ta đi sâu tìm tòi, nghiên cứu và phát hiện những bài toán nảy sinh từ cuộc sống và tìm ra câu giải đáp.

Chủ nghĩa Mác Lênin không phải là một tín điều mà là lý luận và phương pháp luận về sự phát triển có quy luật của thiên nhiên, xã hội loài người. Bản chất của nó là chống trì trệ xơ xứng, chống giáo điều rập khuôn, chống duy ý chí trái quy luật, chống tách rời cuộc sống, xa cách nhân dân…Chủ nghĩa xã hội không phải là một mô hình cứng nhắc, thu lại trong một số tiêu chuẩn, mọi dân tộc đều phải rập khuôn, mà là một xã hội tiên tiến, kế thừa mọi thành quả  xưa nay của loài người, do nhân dân lao động thực sự làm chủ”.

Trên cơ sở những nghiên cứu sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng đã đi đến một kết luận dứt khoát, quyết liệt: “Không có chủ nghĩa xã hội ngoài dân tộc, cũng không có một khuôn mẫu chủ nghĩa xã hội chung cho mọi dân tộc. Chủ nghĩa xã hội phải được xây dựng trên mảnh đất của từng quốc gia, gắn liền với đặc điểm lịch sử, truyền thống văn hóa của từng dân tộc. Không có chủ nghĩa Mác Lê nin với những kết luận độc đoán và vĩnh hằng. Trong thời đại hiện nay, không thể bằng lòng với những nguyên lý có sẵn cách đây trên dưới100 năm, nảy sinh từ sự tổng kết lịch sử đương thời. Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam phải mang đậm dấu ấn của thiên tài và cốt cách dân tộc”.

Trong cuốn sách “Hồ Chí Minh – quá khứ, hiện tại và tương lai”, Phạm Văn Đồng nhận xét: Sinh thời, Hồ Chí Minh chưa có điều kiện để thấy đầy đủ, cụ thể về cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong giai đoạn mới của thời đại.

Tuy nhiên, theo ông, những gì mà Người đã nói về tương lai xã hội chủ nghĩa từ 70 năm, 50 hay 25 năm trước đó như “đem lại cho mọi người, không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc, sự tự do, bình đẳng, bác ái, niềm vui, hoà bình, hạnh phúc” hay “nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do”, “một xã hội không có người bóc lột người, một xã hội bình đẳng, có nghĩa là ai cũng phải lao động và có quyền lao động, ai làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng” …đã là quan niệm rất thiết thực, rất cốt lõi về nguyên tắc và mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, dù thời đại đã thay đổi, không cần phải thêm gì vào.

Từ đó, Phạm Văn Đồng đã tổng kết mục tiêu xây dựng xã hội chủ nghĩa ở nước ta một cách ngắn gọn, giản dị, dễ hiểu: đó là giữ vừng độc lập dân tộc, làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng văn minh, nhân dân thực sự làm chủ, nền văn hóa tiên tiến mang đậm bản sắc dân tộc.

Ông cũng nêu ra hệ thống động lực xây dựng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là: nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường, cơ chế quản lý kinh tế mới, sự khuyến khích lợi ích vật chất đi đôi với sự động viên nhiệt tình yêu nước và cách mạng của người lao động, tận dụng thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, môi trường xã hội lành mạnh, sự hợp tác quốc tế rộng rãi.

Khi nói về nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Phạm Văn Đồng nhấn mạnh thực chất đó là việc tạo mọi điều kiện cho nhân dân thực sự làm chủ chế độ, coi trọng bảo đảm dân quyền, cả quyền con người và quyền công dân, không ngừng chăm lo cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng căn dặn. Còn khi đề cập đến kinh tế thị trường, Phạm Văn Đồng coi đây là chiếc chìa khóa mở ra việc dân chủ hóa đời sống kinh tế, với ông “Kinh tế thị trường không đồng nghĩa với chủ nghĩa tư bản.

Chúng ta phải nhận rõ kinh tế thị trường là một thành quả to lớn mà nhân dân lao động trên thế giới đã sáng tạo ra và ngày càng hoàn thiện trong lịch sử cho đến thời đại ngày nay”. Tất nhiên, Phạm Văn Đồng cũng nhắc nhở, trong phát triển kinh tế thị trường, vừa cần phải loại bỏ những thành kiến tai hại vừa tránh rơi vào sự sùng bái quá đáng, không nhận thấy những khuyết tật, hạn chế của nó để tìm cách khắc phục.

Như vậy trong bài báo cuối cùng chỉ chưa đầy 2000 chữ của mình, nhà lãnh đạo tận tụy và sáng suốt, “một tấm gương trọn đời vì nước vì dân, một con người liêm khiết, có chính khí cao, một nhân cách Việt Nam trọn vẹn không tì vết”, (như đánh giá của nhà sử học, nhà cách mạng lão thành Trần Văn Giàu), đã để lại những di huấn thật quan trọng thật đúng đắn cho Đảng ta.

Quả thật, để Đảng ta tiếp tục xứng đáng được nhân dân tin yêu, quy tụ được sức mạnh của dân tộc và thời đại, có khả năng lãnh đạo thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới trên đất nước ta, không có cách nào khác là phải vừa chống lại nguy cơ suy thoái biến chất, loại bỏ bằng được những thành phần tham nhũng tư lợi, làm trong sạch bộ máy lãnh đạo Đảng, nhà nước, các đoàn thể quần chúng vừa phải chống lại nguy cơ những giáo điều, máy móc, duy ý chí lỗi thời đã bị thực tế lịch sử bác bỏ đang tìm cách sống lại kìm hãm, phá hoại sự phát triển.

Hiện nay, đó vẫn đang là những thách thức thời sự nóng bỏng.

NB. Nguyễn Thế Khoa

Video hay

Cùng chuyên mục

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

Giải bóng chuyền Nam thanh niên Công an Hà Tĩnh vào giờ khai cuộc

Giải bóng chuyền Nam thanh niên Công an Hà Tĩnh vào giờ khai cuộc

HÀ NỘI: Tỏa sáng từ mái trường Ngọc Lâm thân yêu

HÀ NỘI: Tỏa sáng từ mái trường Ngọc Lâm thân yêu

PHÓ ĐỨC PHƯƠNG VÀ KHÁT VỌNG SỬ CA

PHÓ ĐỨC PHƯƠNG VÀ KHÁT VỌNG SỬ CA

Tấm gương sáng ngời của thế hệ trẻ Việt Nam

Tấm gương sáng ngời của thế hệ trẻ Việt Nam