Hai ngộ nhận lớn trong bảo tồn và phát huy dân ca quan họ

16:27 | 25/02/2019

Chương trình kỷ niệm 10 năm nghệ thuật dân ca quan họ được UNESCO vinh danh là di sản phi vật thể đại diện thế giới của Bắc Ninh cho thấy quê hương quan họ đâ làm rất tốt cam kết bảo tồn và phát huy di sản bằng một chương trình toàn diện, lầu dài và mạnh mẽ mà chưa có một địa phương nào trong nước có di sản làm được như việc đầu tư khôi phục phong trào quan họ cơ sở, có chế độ chính sách cho các nghệ nhân quan họ, đưa quan họ vào truyền dạy chính thức tại các trường học, xây dựng các nhà chứa quan họ và trung tâm trình diễn quan họ. Là người rất yêu dân ca quan họ, tôi hết sức biết ơn lãnh đạo Bắc Ninh và xin đóng góp bài viết này như một tham khảo cho việc tiếp tục bảo tồn và phát huy quan họ trên quê huwong Bắc Ninh giàu đẹp, yêu nghệ thuật…


NGỘ NHẬN VỀ VIỆC TRIỆT TIÊU KHÔNG GIAN TINH THẦN, ĐỘNG LỰC TINH THẦN CỦA SINH HOẠT VĂN HÓA QUAN HỌ TRUYỀN THỐNG

Đây là loại quan điểm được không ít nhà nghiên cứu đưa ra khi nói đến khả năng bảo tồn và phát triển sinh hoạt văn hoá quan họ cổ truyền trong đời sống đương đại. Trên cơ sở nhận định: việc xã hội hoá, hiện đại hoá hay đô thị hoá, toàn cầu hoá đã triệt tiêu không gian tinh thần, động lực tinh thần của sinh hoạt văn hoá quan họ truyền thống cũng như việc khảo sát tình hình sinh hoạt văn hoá quan họ đang thất truyền nghiêm trọng ngay tại các làng quan họ gốc, các nhà nghiên cứu này cho rằng không còn cơ sở để khôi phục và bảo tồn được lối chơi quan họ, sinh hoạt văn hoá quan họ truyền thống.

Có thể nói ngay rằng đây là một ngộ nhận sai lầm cả về lý luận và thực tiễn.

Trước hết, cần khẳng định rằng: sự phát triển, biến đổi trong nhiều thế kỷ qua và cả hôm nay, xã hội hoá, hiện đại hoá hay đô thị hoá chỉ có thể làm biến đổi không gian diễn xướng, mục đích diễn xướng, các hình thức diễn xướng, các lề lối, luật lệ của sinh hoạt văn hoá quan họ nhưng sẽ không bao giờ triệt tiêu được không gian tinh thần, động lực tinh thần của sinh hoạt văn hoá quan họ. Bởi không gian tinh thần, động lực tinh thần của sinh hoạt văn hoá quan họ chính là tình yêu quê hương, đồng loại, tình bạn, tình yêu đôi lứa, một khát vọng sống có văn hoá, tinh tế, thanh lịch, một lý tưởng sống nhân ái, một nỗi mơ ước cháy bỏng về một xã hội bình đẳng dân chủ cũng như tình yêu và ham muốn thể hiện mình trong lời ca tiếng hát là những điều đã trở thành bất tử, không sức mạnh nào có thể tiêu diệt nổi trong tâm hồn người dân Kinh Bắc cũng như bất cứ nơi đâu trên đất nước chúng ta. Bằng chứng là rừng Lim cổ thụ có thể biến thành đồi Lim, hoa lan có thể không còn trên cánh đồng Thổ Lỗi, dòng Tiêu Tương đã bị lấp từ lâu, các vương triều nối tiếp nhau thịnh suy, hưng vong, phong kiến đi, thực dân đến… nhưng các liền anh liền chị Lũng Giang – Tam Sơn, Diềm – Bịu, Bùi – Chọi, Đình Bảng – Cổ Pháp và các làng quan họ xứ Kinh Bắc chưa bao giờ ngừng hát quan họ, sáng tạo quan họ, từ ví, trống quân, đúm đơn sơ đến 36 giọng lề lối rồi tới hàng trăm giọng vặt, giọng giã bạn trăm màu nghìn vẻ, với các tuyệt chiêu kỹ thuật vang, rền, nền, nẩy, có nghĩa là chưa bao giờ ngừng làm cho quan họ quê mình đẹp thêm, giàu thêm, hay thêm mãi.

Cũng thật là phiến diện khi chỉ thấy ở các xu hướng không thể đảo ngược trong phát triển hôm nay như đô thị hoá và toàn cầu hoá những ảnh hưởng tiêu cực đối với văn hoá truyền thống dân tộc. Cần nhận ra rằng, đô thị hoá và toàn cầu hoá không chỉ đem đến cho văn hoá truyền thống nói chung và văn hoá quan họ nói riêng nhiều nguy cơ mai một, thất truyền gay gắt mà còn cả những cơ hội khôi phục, phát triển to lớn.

Nhiều nhà khoa học đã chỉ ra rằng quá trình toàn cầu hoá, giao lưu hội nhập quốc tế toàn diện giữa các quốc gia sẽ là quá trình thức tỉnh mạnh mẽ ý thức về bản sắc văn hoá dân tộc, tạo nên động lực lớn lao cho các hoạt động chấn hưng văn hoá truyền thống của mỗi quốc gia. Một trong các tuyên ngôn quan trọng nhất của các nguyên thủ APEC là tuyên ngôn về việc bảo vệ sự đa dạng văn hoá như một trong những điều kiện hàng đầu đảm bảo sự thành công và ý nghĩa tích cực của toàn cầu hoá.

Từ các chính khách, doanh nhân, các nhà hoạt động văn hoá nghệ thuật đến người dân bình thường của mỗi quốc gia đều dần ý thức được rằng bản sắc văn hoá dân tộc là tấm căn cước, là chiếc giấy thông hành có giá trị nhất, là một “đảm bảo bằng vàng” cho một đất nước hoà nhập thành công trong cộng đồng quốc tế.

Thực tiễn những năm đổi mới, phát triển, giao lưu hội nhập vừa qua, dưới ánh sáng của đường lối “xây dựng một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” của Đảng ta, cho thấy đây là thời kỳ bùng nổ ý thức văn hoá dân tộc, bùng nổ các hoạt động tìm về các giá trị văn hoá cội nguồn, các đặc sản nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Nhiều giá trị văn hoá nghệ thuật truyền thống được nhận diện đầy đủ, toàn diện hơn, được nghiên cứu sâu sắc, phục hồi có hệ thống hơn (từ văn hoá lối sống, văn hoá phong tục, văn hoá lễ hội, văn hoá ẩm thực đến các hình thức nghệ thuật…) và đã chứng minh được sức sống, sự hấp dẫn cũng như tác dụng của mình trong đời sống xã hội đương đại không chỉ với các chương trình quốc gia quy mô của nhà nước về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể mà còn với rất nhiều hoạt động phong phú của các tổ chức kinh tế, xã hội, văn hoá khác và của người dân tại các làng quê truyền thống.

Như vậy, có thể thấy, ngay cả trong thời đại công nghiệp hoá hiện đại hoá, đô thị hoá và toàn cầu hoá, cũng như các sinh hoạt văn hoá truyền thống tinh hoa khác của dân tộc, không gian tinh thần, động lực tinh thần của sinh hoạt văn hoá quan họ truyền thống không hề bị triệt tiêu mà vẫn đang phát triển với những biểu hiện mới, cấp độ mới.

Sinh hoạt văn hoá quan họ cổ truyền không chỉ phải đối diện với nguy cơ mai một thất truyền nghiêm trọng mà còn đứng trước những thời cơ tốt đẹp để bảo tồn và phát huy các giá trị tinh hoa của mình.

Vấn đề là chúng ta phải có những lựa chọn đúng, những giải pháp phù hợp, hữu hiệu trong những điều kiện mới, những yêu cầu mới như cha ông ta đã từng làm trong nhiều thế kỷ gìn giữ và phát triển sinh hoạt văn hoá quan họ để quan họ luôn luôn mới, thanh xuân, tươi trẻ nhưng vẫn không đánh mất những vẻ đẹp bất hủ của mình, vẫn luôn là quan họ.

NGỘ NHẬN VỀ VIỆC PHẢI CẢI BIÊN NÂNG CAO DÂN CA QUAN HỌ THEO NHỮNG TIÊU CHUẨN GỌI LẦ “KHOA HỌC, HIỆN ĐẠI” CỦA ÂM NHẠC HỌC THẾ GIỚI.

Không thể phủ nhận dân ca quan họ là thể loại dân ca truyền thống hiện đang được biết đến nhiều nhất trong cuộc sống đương đại ở nước ta hiện nay và cũng là thể loại dân ca Việt Nam được bạn bè quốc tế biết đến nhiều nhất. Gần như không có đoàn nghệ thuật ca nhạc chuyên nghiệp nào, không có một hội diễn nghệ thuật quần chúng nào trên nhiều miền đất nước lại không có một tiết mục dân ca quan họ.

Ngay tại TP. HCM và tỉnh Đồng Nai, hai trung tâm kinh tế và công nghiệp lớn nhất đất nước ở phương Nam xa xôi, cũng có khá nhiều câu lạc bộ dân ca quan họ mang những cái tên rất quan họ như “Mười nhớ”, “Trúc xinh”, “Còn duyên”…được hình thành và hoạt động rôm rả từ năm 1990 đến nay.

Trên các phương tiện truyền thông đại chúng, dân ca quan họ cũng thường xuyên xuất hiện và được yêu thích. Ở chương trình giáo dục âm nhạc phổ thông, trong số lượng ít ỏi các bài dân ca được truyền dạy, quan họ cũng chính thức có mặt hai bài “Lý cây đa” và “Trống cơm” . Gần như không một người Việt Nam nào không biết đến và yêu thích một vài giai điệu mượt mà, trong trẻo và lời ca đằm thắm tình tứ của dân ca quan họ. Được coi là một đặc sản âm nhạc cổ truyền nổi bật của dân tộc, dân ca quan họ cũng đã trở thành một mặt hàng khá được ưa chuộng trong nhiều nhà hàng đặc sản lớn nhỏ, các khu du lịch không những ở Bắc Ninh, Bắc Giang, thủ đô Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Nha Trang mà còn ở nhiều thành phố thị xã trong cả nước.

Tuy vậy, thật đáng tiếc là những gì mà công chúng rộng rãi cả nước cũng như bạn bè thế giới được giới thiệu, được biết đến và tiếp nhận nồng nhiệt với tên gọi dân ca quan họ qua các kênh truyền bá trên lại không phải là dân ca quan họ với những vẻ đẹp vốn có của nó.

Có thể khẳng định rằng hầu hết chúng chỉ là những phiên bản lai tạp, pha trộn, biến dạng, có khi rất nghiêm trọng, của dân ca quan họ. Thực chất đây là một thứ ca khúc trình diễn mới đã được các nhạc sĩ chuyên nghiệp lấy âm hình giai điệu và ca từ một số bài quan họ truyền  thống “cải biên nâng cao” theo những tiêu chuẩn được coi là “khoa học, hiện đại” của âm nhạc học bình quân thế giới với các quan niệm về âm chủ, âm ổn định, các điệu thức trưởng thức cố định, các kết cấu vuông vức cân phương, các lối tổ chức cao trào âm nhạc và kết thúc đóng của phương pháp tác khúc châu Âu, bỏ qua các thủ pháp tác khúc độc đáo của quan họ truyền thống mà họ ngỡ là đã lỗi thời, lạc hậu. Trường hợp tiêu biểu là bài hát được nhiều người biết đến và được sử dụng nhiều nhất, “Người ơi!Người ở đừng về”, được nhạc sĩ Xuân Tứ “cải biên nâng cao” theo những nguyên tắc trên. Đây có thể là một ca khúc tân nhạc rất hay dựa theo giai điệu và ca từ quan họ nhưng lại hết sức xa lạ với hệ thống âm nhạc quan họ truyền thống.

Điều tất nhiên là các ca khúc được “cải biên nâng cao” theo những nguyên tắc phi quan họ này đã được trình diễn quảng bá rộng rãi bằng các hình thức đơn ca hoặc song ca nam nữ theo lối trình diễn của nhạc pop châu Âu với dàn nhạc đệm theo các tiết điệu nhạc pop, với cách hát cộng minh rung giọng của thanh nhạc châu Âu, không hề quan tâm học hỏi, khai thác phương pháp thanh nhạc độc đáo, tinh tế của quan họ truyền thống với các luyến láy đặc trưng và lối ngân nẩy hạt tuyệt vời.

Người nhạc sĩ chuyên nghiệp theo phương pháp bình quân luật châu Âu trong “cải biên nâng cao” đã đưa cái gọi là dân ca quan họ của mình rời xa cái gốc của nó một bước, các ca sĩ trình diễn các bài quan họ “cải biên nâng cao” này lại tiếp tục đưa nó đi xa nhiều bước hơn nữa, xa đến mức lắm khi khó có thể nhận ra gốc gác nguồn cội của nó.

Thực ra, việc chuyển thể dân ca quan họ từ ca khúc truyền thống sang hình thức tân nhạc bình quân luật, từ một hình thức ca khúc sinh hoạt giao lưu tâm tình sang hình thức ca khúc trình diễn, để dễ dàng phổ biến truyền bá những tinh hoa của giai điệu và ca từ quan họ là một việc làm cần thiết trong một hoàn cảnh lịch sử nhất định và có tác dụng không thể phủ nhận.

Nhưng việc làm trên trong thực tế hơn 4 thập kỷ qua đã gây nên hai sự ngộ nhận nguy hiểm:

Thứ nhất, do không được giới thiệu đầy đủ, cặn kẽ, những bài quan họ được chuyển thể, được “dịch” sang một thứ ngôn ngữ âm nhạc khác, một hình thức ca hát khác, những bài quan họ lơ lớ quan họ này lại được đông đảo công chúng, thậm chí cả các nhà hoạt động văn hoá, cả giới nghệ sĩ chuyên nghiệp trong và ngoài nước coi như những bản quan họ gốc, những tinh hoa của dân ca quan họ, hoàn toàn yên tâm với sự hiện diện thường nhật của dân ca quan họ qua những phiên bản lai tạp, pha trộn, méo mó này mà không quan tâm tìm hiểu một thứ quan họ thuần khiết, đích thực, trọn vẹn và tuyệt đẹp như nó vốn có, thứ quan họ vẫn đang tồn tại và đang có nguy cơ thất truyền trong các làng quê Kinh Bắc.

Thứ hai, việc chuyển thể, dịch, cải biên, phóng tác, tân nhạc hoá dân ca quan họ được chính những người trong cuộc, các tác giả và những người sử dụng chúng, mặc nhiên coi việc làm của mình như một hoạt động “cải biên, nâng cao” quan họ truyền thống với quan điểm “bỏ thô lấy tinh” theo những tiêu chuẩn “khoa học hiện đại” của âm nhạc học thế giới. Đây là một ngộ nhận tiêu biểu của một thời kỳ ấu trĩ của một bộ phận nhạc sĩ chỉ có nền tảng kiến thức hệ thống âm nhạc học bình quân luật châu Âu và coi những tiêu chuẩn của hệ thống này là chuẩn duy nhất của âm nhạc học thế giới mà không biết rằng còn có chuẩn của một hệ thống âm nhạc học khác của các dân tộc châu Á và Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Mịch Quang và các GSTS Trần Văn Khê, Nguyễn Thuyết Phong đã từng chỉ trích mạnh mẽ cái khái niệm “nâng cao” mà các ông cho là đầy lố bịch và quá hài ước này. Theo các ông, âm nhạc học phương Đông và phương Tây là hai hệ thống khác nhau với những cái chuẩn khác nhau và vẻ đẹp khác nhau, không thể lấy cái chuẩn phương Tây để nâng cao các tác phẩm của âm nhạc phương Đông và ngược lại.

Hơn nữa, một thể loại âm nhạc đã đạt đến đỉnh cao như dân ca quan họ thì tự nó đã là một sản phẩm toàn bích, không ai có thể cải biên nâng cao hơn được. Việc tân nhạc hoá dân ca quan họ của một số nhạc sĩ chỉ có thể được coi là một hoạt động chuyển thể, dịch quan họ sang một thứ ngôn ngữ âm nhạc khác để phổ biến đại trà, dù có tài tình đến mấy cũng không thể được coi là việc “cải biên nâng cao” dân ca quan họ truyền thống. Nhiều cái “thô” mà các nhạc sĩ này đã bỏ theo quan niệm châu Âu có khi lại là những vàng ngọc thực sự của âm nhạc phương Đông và Việt Nam.

Các việc làm này cũng không thể được coi như hành động phát triển dân ca quan họ truyền thống, tạo nên một thứ quan họ mới như nhiều người lầm tưởng, bởi nó đã đi theo những chuẩn khác, những nguyên tắc khác những cái chuẩn, những nguyên tắc của âm nhạc quan họ trên nhiều phương diện.

Với trực giác quan họ tinh tường, việc các nghệ nhân nhiều thế hệ quan họ cổ truyền không công nhận các hình thức quan họ mà họ cho là quan họ đoàn, quan họ đài này gia nhập vào đại gia đình làn điệu quan họ lúc nào cũng rộng mở rõ ràng không hề là các phản ứng cực đoan, hẹp hòi, mà có cơ sở khoa học âm nhạc sâu sắc.

Giống như bên lĩnh vực sân khấu truyền thống, các sáng tác mới trong chèo, cải lương, tuồng, ca kịch bài chòi của các nghệ sĩ bị coi là “mù” nhạc mới nhưng lại rất nhuần nhuyễn âm nhạc của bộ môn sân khấu mình, đã nhanh chóng gia nhập và kho tàng làn điệu truyền thống các bộ môn sân khấu này, trong khi rất nhiều sáng tác mới của các nhạc sĩ tân nhạc cự phách chỉ được coi như những khách lạ tình cờ đến nhầm nhà.

Trong dân ca quan họ cũng vậy, việc hàng loạt bài hát mới do các cụ Tư La, Nguyễn Đức Sôi sáng tác đã gia nhập ngọt xớt kho tàng quan họ cổ truyền trong khi các loại quan họ “cải biên nâng cao”của nhiều nhạc sĩ tài danh dù đã được lưu truyền rộng rãi và được công luận ca tụng hết lời vẫn bị giới quan họ cổ truyền coi như những kẻ ngoại đạo. Đây không phải là vấn đề tài năng mà là một vấn đề có tính chất hệ thống, hay đúng hơn, có tính chất huyết thống, trên lĩnh vực âm nhạc.

 

 

Nguyễn Thế Khoa/VHVN

Video hay

Cùng chuyên mục

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học