1. Trong đợt khai quật khảo cổ Hoàng thành Thăng Long, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy dấu tích một con sông cổ chảy ngang qua kinh thành theo hướng Đông – Tây. Con sông mát lành, nước trong như ngọc, được gọi là sông Ngọc và thế là tên sông trở thành tên đất, tên làng. Đó là làng Ngọc Hà một thuở và là phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội hiện nay.
Làng cổ Ngọc Hà của Thăng Long xưa nổi tiếng với nghề trồng hoa. Đây là một trong thập tam trại – 13 làng quây quần xung quanh Hồ Tây chuyên sản xuất những nhu yếu phẩm cung cấp cho kinh thành. Làng Ngọc Hà xưa thuộc tổng Nội, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức. Cuối thế kỷ XIX, người Pháp lấy một phần đất của làng để xây dựng Phủ Toàn quyền, nay là khu vực Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ và Vườn hoa Bách Thảo.
Làng Ngọc Hà cũ có 5 xóm (Giữa, Trên, Trong, Ngoài, Đống Nước). Các xóm đều có đường thông ra phố Đội Cấn, phố Ngọc Hà và đường Hoàng Hoa Thám, làng Đại Yên. Cư dân trong làng có 3 họ lớn, như Trần Văn, Trần Lê, Trần Nguyễn, còn họ Phạm là họ ít đinh, lép vế, từng bị các họ trên chèn ép.
Ngọc Hà là làng nhỏ, nhưng dân đông. Vào năm 1926 đã có 990 suất đinh, nhưng không có ruộng cấy lúa, chỉ có vườn rau nên vườn và nhà đan xen nhau. Nghề trồng hoa có từ lâu đời. Về sau, nhiều quan lại khi về hưu đã đến làng mua đất làm nơi dưỡng lão, trồng hoa và cây cảnh để giải trí, từ đó hình thành nghề trồng hoa. Thời kỳ đầu, dân làng chỉ trồng các loại hoa để cúng như mẫu đơn, hồng, huệ, sói, cúc, thiên lý. Hoa được xâu vào lạt thành tràng hoa hoặc gói trong lá tươi buộc lạt. Người bán hoa (thường là các cô gái) đem treo lên cửa các nhà đặt mua trước hoặc các nhà có điện thờ. Đầu thế kỷ XX, người Pháp du canh hoa lay ơn, cẩm chướng, păng xê, cúc… và rau xà lách, hành tây, tỏi tây đến Ngọc Hà để trồng, phục vụ người Pháp dùng vào các dịp lễ, tết. Dân Ngọc Hà dần tìm học được kỹ thuật trồng các loại hoa này và trở nên thành thục nghề trồng hoa.
Thế là các quầy bán hoa bắt đầu mọc lên ở các ngã tư các phố Tây, tập trung ở khu vực Hồ Gươm và phố Hàng Lược. Vào dịp tết Nguyên đán ở đây trở thành chợ hoa Cống Chéo – Hàng Lược, chủ yếu do người làng Ngọc Hà bán.
Ngoài trồng hoa, người làng Ngọc Hà còn vào thành phố làm thuê, làm viên chức trong các công sở, công nhân trong các xí nghiệp. Đến năm 1981, làng Ngọc Hà trở thành phường thuộc quận Ba Đình. Năm 2005, thành phố tách khoảng 20ha đất và trên 5.000 nhân khẩu của phường Ngọc Hà cùng với 52ha diện tích tự nhiên và 13.000 nhân khẩu của phường Cống Vị để thành lập phường mới Liễu Giai.
Ngọc Hà có ngôi đình ở phía Đông Bắc làng, chính giữa một hồ nước, rộng trên một bán đảo, cách Vườn Bách Thảo một con đường cái. Đình thờ Huyền Thiên Hắc Đế – một nhân vật truyền thuyết đã âm phù vua nhà Lý đánh thắng giặc ngoại xâm. Đình đã bị hủy hoại trong cuộc chiến đấu bảo vệ thủ đô cuối năm 1946, đầu năm 1947. Đến năm 1952 dân làng dựng lại đình. Hội làng Ngọc Hà được tổ chức vào ngày 19 tháng Giêng, chung với làng Hữu Tiệp. Hai làng rước bài vị của thần đến núi Nùng, nay nằm trong Vườn Bách Thảo để cúng tế.
Làng Hữu Tiệp vào hồi đầu thế kỷ XIX là một trại cùng tổng Nội, huyện Vĩnh Thuận, Phủ Hoài Đức là một làng nhỏ, chỉ có hơn 30 mẫu đất, dân số hồi đó cách đây gần trăm năm chỉ có hơn trăm hộ với 445 nhân khẩu. Hữu Tiệp có 3 xóm: xóm Bảo Vân ở sát Đường Thành (đường Hoàng Hoa Thám), xóm Đình và xóm Thượng.
Giống như làng Ngọc Hà, làng Hữu Tiệp chỉ có đất để trồng hoa, không có ruộng đất để cấy lúa. Nhà và vườn trồng hoa đan xen nhau. Hai làng lại ở sát nhau, nên không có địa giới tự nhiên rành rọt. Do những đặc điểm chung này mà người Hà Nội trước đây gọi chung hai làng Hữu Tiệp – Ngọc Hà bằng một tên chung: Trại Hàng Hoa.
Người làng Hữu Tiệp biết kết hoa cho các xe tay, xe ôtô để dùng trong các dịp lễ tết, hội hay cưới xin, tang ma. Nghề trồng hoa làm cho cuộc sống của dân làng dễ chịu hơn so với các làng trồng lúa trong khu “Thập tam trại”. Ngoài trồng hoa, phụ nữ trong làng còn buôn bán hoa, nam giới đi làm thợ, số người đi học để làm công chức rất ít.
Dân làng Đại Yên xưa kia sống bằng nghề trồng lúa, một bộ phận lớn dân làng có nghề trồng hoa, trồng cây thuốc Nam và chế biến các bài thuốc Nam. Nhiều gia đình chuyên bán thuốc Nam trong các chợ lớn ở thành phố. Hiện nay, do đất đai thu hẹp, nghề trồng hoa không còn, nghề trồng thuốc, làm thuốc Nam cũng đang mai một dần. Trong làng Đại Yên xưa có núi đất thấp gọi là núi Voi, tương truyền là nơi nuôi voi của triều đình. Vào năm 1892, nhà tư sản Pháp là Hommel đã mua đứt quả núi này, lấy chỗ làm Nhà máy Bia Hommel, nay là Nhà máy Bia Hà Nội. Ở đây có nguồn nước ngầm đặc biệt tinh khiết dùng để nấu bia, nhất là bia Trúc Bạch ngon nổi tiếng, nay vẫn là loại bia giá cao mà vẫn được ưa chuộng.
Cuối làng Đại Yên, phía phố Đội Cấn có một ngôi chùa cổ là chùa Bát Tháp. Năm 1916 chùa Bát Tháp được trùng tu. Sách “Thiền uyển tập anh” ghi rằng, đây là ngôi chùa của Kinh thành Thăng Long được xây năm 1024 để Vua Lý Thái Tổ đến cúng Phật.
Tuy nhiên địa danh Làng Ngọc Hà lại thực sự được biết đến như một chứng nhân lịch sử kể từ sau Chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không vào tháng Chạp năm 1972 khi một máy bay B52 của Không quân Mỹ bị bắn hạ trên bầu trời thủ đô và rơi xuống khu vực làng Ngọc Hà. Cả phần thân máy bay B52 rơi xuống hồ Hữu Tiệp và từ đó đến nay đã tròn 45 năm.
2. Cuộc đụng đầu lịch sử với B52 trên bầu trời Hà Nội, bắt đầu vào đêm 18-12-1972 mà tôi được vinh dự chứng kiến. Thực ra đến lúc đó hiểu biết về B52 của chúng tôi khá hạn chế, dù biết rằng, trước đó 5 năm Bác Hồ đã lường trước dã tâm đưa B52 ném bom đánh phá Hà Nội. Trong rất nhiều thông tin tư liệu “khủng” về pháo đài bay có chi tiết B52 đời sau (kiểu D, G, H) có thể đem theo 30 tấn bom và rải thảm số bom đó trong 10-15 giây, tạo thành những loạt chấn động nổ có sức phá hoại cực mạnh. Những vệt bom dài với các điểm nổ cách nhau 12-20m, những hố bom chi chít kề nhau như cảnh tượng mặt trăng bị thiên thạch bắn phá.
Chúng tôi đã ghi vào sổ tay tác chiến những dòng chữ về nhận xét của John Foster Dallas, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dưới thời Harry Truman. Ông ta từng huênh hoang rằng, nằm dưới tầm B52, đối phương chỉ còn cách cầu Chúa.
Tuy nhiên, ngay trong đêm 18-12, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến người Hà Nội không cầu Chúa, khấn Phật, mà vào trận đánh B52 bằng pháo phòng không tầm cao, bằng tên lửa và bằng MIG 21. Tôi còn nhớ, 19h10’ ngày
18-12-1972, tôi nhận được tin từ Hội đồng Phòng không thành phố Hà Nội cho biết, có khả năng đêm nay B52 Mỹ sẽ đánh vào Hà Nội. Sau khi báo cáo với Tổng Biên tập Việt Nam Thông tấn xã Đào Tùng, chúng tôi đã sẵn sàng tác nghiệp với nhiệm vụ thông tin tố cáo tội ác hủy diệt, đưa Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá, tường thuật chiến thắng bắn rơi B52 trên bầu trời Hà Nội.
Lúc 20h13’, kíp chiến đấu Tiểu đoàn 59, Trung đoàn Tên lửa 261 đã phóng tên lửa tiêu diệt mục tiêu. Chiếc B52 đầu tiên bùng cháy sáng rực bầu trời Hà Nội, như một bó đuốc khổng lồ lao xuống phía Sóc Sơn. Ngay lập tức, mũi phóng viên ảnh của Việt Nam Thông tấn xã lên xe, vượt qua cầu phao Hàm Tử trực chỉ Sóc Sơn. Các anh đến cánh đồng Chuôm, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội khi các đám cháy chưa tắt. Tại đây, trong ánh lửa, phóng viên Văn Bảo chụp được tấm ảnh lịch sử ghi lại hình ảnh bàn chân dép lốp của nữ dân quân dẫm đạp lên mảnh xác máy bay có ghi rõ đây là máy bay B52. Còn tôi cũng vượt cầu phao Hàm Tử sang Thạch Bàn, Đông Anh ghi nhận tội ác giết người của B52 khi chứng kiến những thi thể nạn nhân chết vì mảnh bom, vì lửa xăng được lực lượng cứu hộ chuyển ra ven đường.
Chúng ta hãy nhớ đến người chỉ huy đơn vị lập chiến công “ghìm đầu vít cổ quái thú” xuống hồ Hữu Tiệp đêm 27-12-1972. Đó là Trung tá Phạm Văn Chắt, nguyên Thượng úy, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 72. Ông nhớ lại đêm 23, Tiểu đoàn 72 đang làm nhiệm vụ đánh địch bảo vệ thành phố Hải Phòng thì nhận lệnh cơ động ngay lập tức về vòng ngoài Hà Nội để tăng cường bảo vệ thủ đô. Bằng kinh nghiệm 7 năm chiến đấu ở đồng bằng, ven biển và miền núi, ông đã chỉ huy tiểu đoàn hành quân gấp về thủ đô với phương châm “Đi nhanh, đến đủ, trụ vững, đánh thắng, đơn vị an toàn”. Ngay trong đêm đó, tiểu đoàn có mặt tại trận địa Đại Chu, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh sẵn sàng chiến đấu.
45 năm rồi, nhưng ông Chắt vẫn không quên một chi tiết nào trong khoảnh khắc bắn tan xác B52 trên bầu trời Hà Nội đêm 27 rạng sáng 28 ác liệt ấy. Khoảng 23h, bộ đội radar thông báo phát hiện có một tốp B52 đang tiến về hướng Hà Nội. Khi máy bay địch vào trong tầm ngắm, ông ra lệnh phát sóng, các trắc thủ cự ly, góc tà, phương vị đã tóm gọn mục tiêu B52 trên màn hình. Chúng đang di chuyển vào tọa độ chết, ông Chắt đã ra lệnh cho sĩ quan điều khiển phóng 2 quả tên lửa SAM 2. Sau khẩu lệnh, hai con rồng lửa bảo vệ Thăng Long phụt lửa xé tan màn đêm, rồi một chùm lửa bùng lớn cháy thắp sáng một góc trời. Lặng im trong khoảnh khắc rồi cả trận địa vỡ òa hô vang: “Nó (B52) cháy rồi!”. Đó chính là chiếc máy bay rơi xuống làng hoa Ngọc Hà đêm 27-12-1972 khi mà chúng chưa kịp cắt bom hủy hoại thủ đô Hà Nội. Đêm ấy, 6 tên phi công của chiếc B52 này đã rơi xuống bầu trời khu vực Ngọc Hà – Bách Thảo và 4 tên bị bắt sống đưa ngay về Hilton – Hỏa Lò Hà Nội. Còn hai tên bị chết đến sáng mới được chuyển đi.
Tôi còn nhớ, lúc đó, một mảnh cánh máy bay to như tấm phản lớn rơi chềnh ềnh trên đường Hoàng Hoa Thám. Khi cùng mọi người kéo nó vào bên đường, tôi không biết một khúc thân B52 có cả càng bánh xe đã rơi xuống hồ Hữu Tiệp. Có một chi tiết nhầm lẫn trong sự kiện này: Thực ra mảnh vỡ của máy bay B52 rơi xuống là hồ Hữu Tiệp chứ không phải hồ đình làng hoa Ngọc Hà. Tuy nhiên, không rõ vì sao mọi người đều cho rằng, máy bay rơi ở hồ đình làng Ngọc Hà và vì thế, cả khu vực đó có tên là Ngọc Hà luôn. Ở làng này còn có người giữ được cả 2 động cơ B52 rơi xuống vườn nhà suốt hai chục năm trước cho đến khi bảo tàng đến xin mang về.
Nhà giáo Ưu tú, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngọc Hà có trên 20 năm gắn bó với di tích này nhớ lại sự kiện máy bay B52 rơi ở hồ Hữu Tiệp, ông đã truyền cho học trò hai câu thơ của nhà thơ Tố Hữu:
“Ngọc Hà em lộng lẫy hoa tươi
Xin thơm khắp miền Nam, miền Bắc”.
Thầy trò trường ông đã tiếp không biết bao nhiêu khách đến xem xác B52 dưới hồ ngay cổng và ghé thăm trường, tìm lại dấu vết quả bom rơi xuống một lớp học. Nhiều thế hệ học trò của ông ở Trường Tiểu học Ngọc Hà, trong có con tôi đã lấy xác “quái thú” làm mục tiêu của súng chun trong giờ ra chơi… Quanh hồ nay là quán bia B52, phở gà B52, cà phê B52 và những ngôi nhà mới khang trang của người Ngọc Hà. Hình ảnh xác chiếc máy bay B52 ngâm mình trong làn nước của hồ Hữu Tiệp năm xưa đã in sâu vào tâm trí của mỗi người dân đất Việt và trở thành biểu tượng của Chiến thắng lịch sử Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không mùa đông năm 1972.
Theo Trần Đình Thảo