6 cao thủ về chữ Nhẫn thời Tam Quốc

11:35 | 16/02/2022

Khổng Tử viết: “Tiểu bất nhẫn tắc loạn đại mưu”, nghĩa là việc nhỏ không nhẫn được sẽ làm loạn mưu lớn. Đạo gia cũng có thuyết rằng: “Nhẫn nhịn là pháp bảo rời xa tai họa”. Một nhà Nho lỗi lạc cũng từng nói: “Đối mặt với vận mệnh, nhẫn nại là phương pháp duy nhất để đi đến thành công”. Nhẫn không chỉ là một loại trí tuệ, mà còn là một loại mưu lược. Trong lịch sử có rất nhiều nhân vật nhờ chữ Nhẫn mà làm thành được việc lớn, nổi bật lên là những anh kiệt thời Tam Quốc.


Những năm cuối thời Đông Hán, Tào Ngụy, Thục Hán, Đông Ngô chiến hỏa tràn ngập, bậc anh hào thay nhau nổi lên, vô số anh hùng oai phong một cõi, quan văn có Gia Cát Lượng, Tư Mã Ý, Quách Gia, Giả Hủ… quan võ có Lã Bố, Quan Vũ, Triệu Vân… Những nhân vật Tam Quốc sống mãi trong lòng hậu nhân mà rất nhiều người nổi bật lên là vì dựa vào một chữ Nhẫn.

 

 

Triệu Vân trong trận Trường Bản. (Tranh trong Di Hòa Viên tại Bắc Kinh, Rolf Müller chụp, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

1. Tư Mã Ý: Người nhẫn chịu thành công nhất

Trong thời Tam Quốc, Tư Mã Ý được mệnh danh là “ông vua nhẫn nhịn”. Ông là trọng thần phò tá bốn đời quân vương nhà Tào Ngụy, thời trẻ sớm đã bị Tào Tháo coi là mầm mống đe dọa cho cơ đồ nhà Nguỵ. Nhưng nhà Ngụy phải nhờ có Tư Mã Ý mới có thể khiến non sông thu về một mối. Khi về già, Tư Mã Ý được Nguỵ đế Tào Duệ trước lúc hấp hối ủy thác, gửi gắm sứ mạng phụ chính đại thần cho nhà vua mới.

Cuối cùng tới khi hơn 70 tuổi, Tư Mã Ý mới làm binh biến, nắm lấy đa số quyền lực, tái diễn lại màn kịch nắm quyền soán ngôi của nhà Ngụy đối với nhà Hán trước kia. Tư Mã Ý là người thật sự có thể giấu mình chờ thời, được coi là nhân vật thành công nhất thời Tam Quốc.

2. Tào Tháo: Người có khí phách nhẫn nhịn nhất

Trong tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa, Tào Tháo để lại cho người đọc cảm giác là con người bất nhẫn và đa nghi. Thực ra để có thể biến Nguỵ quốc trở thành nước mạnh nhất thời Tam Quốc, ngoài việc có tài chính trị và quân sự, Tào Tháo còn là người có tâm đại nhẫn và mến người tài.

Tào Tháo bị Nễ Hành mắng như tát nước vào mặt, thế nhưng vẫn rộng lượng lặng yên với sự càn quấy của Nễ Hành, thậm chí còn đưa ông ta an toàn tới Kinh Châu với Lưu Biểu.

Khi Viên Thiệu tiến công Tào Tháo, Trần Lâm có giúp Viên Thiệu viết ba bài hịch, mắng chửi cha ông nhà Tào Tháo. Thậm chí khi đọc những bài hịch của Trần Lâm, chính Tào Tháo cũng phải vã mồ hôi. Sau này, khi bắt được Trần Lâm, Tào Tháo chẳng những tha chết mà còn để ông ta giữ trọng trách.

Đây chính là tâm đại nhẫn với phong độ cao quý của Tào Tháo. Vì thế mà xung quanh ông mới tập hợp được nhiều văn thần võ tướng với tố chất cao, giúp ông biến Tào Ngụy trở thành nước lớn mạnh nhất trong thời Tam Quốc.

3. Tôn Quyền: Người có tâm đại nhẫn nhìn xa trông rộng

Trong Tam Quốc Chí có viết: Tôn Quyền là người có thể nhận thức được đại cục, có thể chịu nhẫn nhục, biết cách dùng người tài để thi hành sách lược của mình, giống như Việt Vương Câu Tiễn, là người hoàn hảo tài ba trong những bậc anh dũng. Vì vậy ông mới có thể kiểm soát được Giang Đông, có được thành quả và cơ nghiệp chắc chắn.

Tôn Quyền có chí hướng từ thời trẻ, khi mười tám tuổi đã lên nắm quyền lớn ở Giang Đông, thay cho anh trai là Tôn Sách đã mất. Do Tôn Quyền có tài, lại chú ý hội tụ mọi người nên nhanh chóng giành được uy vọng, khiến cho cục thế Đông Ngô ổn định giữa thời hỗn loạn. Tôn Quyền cũng thiết lập liên minh với Lưu Bị, chung cuộc giành thắng lợi trong trận Xích Bích. Sau đó, Tôn Quyền còn lấy lại được Kinh Châu vốn bị Lưu Bị chiếm cứ, chém được Quan Vũ là mãnh tướng.

Năm 220 sau khi Tào Tháo chết, Tôn Quyền giành lại được Kinh Châu. Lúc này Tôn Quyền vì để bảo toàn đất đai của nước Ngô, cũng kìm chân Lưu Bị, nên đã xưng thần với Tào Phi.

Mãi cho tới năm 229, Tôn Quyền mới chính thức lên ngôi, dời đô vun đắp cơ nghiệp. Tôn Quyền cũng là một trong những bậc quân vương tại vị lâu nhất, sống thọ nhất trong thời Tam Quốc. Đây quả là người đại nhẫn có tầm nhìn xa trông rộng.

4. Hán Hiến Đế: Người đại nhẫn đau xót nhất

Hán Hiến Đế là người có thể nhẫn chịu một cách bất lực nhất, đau xót nhất trong thời Tam Quốc. Để có thể bảo toàn triều Hán đang sắp suy vong, ông đã nhẫn chịu 36 năm. Ông nhẫn chịu Hà Tiến, nhẫn chịu Đổng Trác, nhẫn chịu Tào Tháo, mất đi quý phi và nhạc phụ, cũng mất đi hoàng hậu và quốc cữu, chung cuộc vẫn bị Tào Phi bức tử. Vậy nên Hán Hiến Đế chính là người có tâm đại nhẫn đau xót nhất.

5. Lưu Bị: Người đại nhẫn nhún nhường nhất

Khi cuộc thế Tam Quốc chưa phân định rõ ràng, người không có thế để ỷ vào nhất chính là Lưu Bị. Ông chỉ dựa vào việc “là dòng dõi xa của hoàng gia nhà Hán”, cùng với Quan Vũ, Trương Phi, Gia Cát Lượng, từng bước từng bước gây dựng nghiệp lớn, chiếm lấy một cõi, khiến người khác kính phục.

Tích “Tam cố mao lư”, Lưu Bị ba lần đến lều cỏ cầu Khổng Minh. (Public Domain).

Nguyên nhân lớn nhất giúp Lưu Bị có thể thành công là ở cách thức của ông: nhẫn nhịn chờ thời. Khi chưa có thực lực tranh giành Trung Nguyên, ông chỉ có thể ở trong hình tượng là một người hiền, không muốn làm nên nghiệp lớn, chỉ là yêu quý anh tài, trọng tình nghĩa, quý trọng thuộc hạ, được lòng người. Lưu Bị từng sống nhờ sống gửi, chịu nhục chịu khổ đi nương tựa người những người như Lưu Yên, Lư Thực, Lã Bố, Tào Tháo, Viên Thiệu, Lưu Biểu…

Thậm chí khi đi “mượn Kinh Châu”, dù rằng biết rõ đây là âm mưu, trong tình cảnh gặp phải “mai phục” ở khắp nơi, ông vẫn rộng lượng lặng lẽ nhẫn chịu.

6. Giả Hủ: Người đại nhẫn thiện chung

Giả Hủ là mưu sĩ lừng danh của Tào Tháo, cũng là bậc công thần khai quốc của nhà Tào Nguỵ. Đây là mưu sĩ được Tào Tháo tin tưởng nhất. Giả Hủ là người sáng tạo, lại biết tính người, nhìn thấu tâm can người khác, “biết người cũng tự biết mình”.

Sau khi đầu hàng Tào Tháo, Giả Hủ hiểu rõ thân phận địa vị mình, một người đa mưu nhiều kế luôn là đối tượng để quân chủ lợi dụng và rồi đề phòng, vứt bỏ. Vả lại Giả Hủ cũng mang tiếng là “phản đồ”, nên có thái độ đối nhân xử thế cực kỳ dè dặt. Giả Hủ khởi đầu ít đề cập, ít khi bày mưu mô, không mấy giao thiệp bạn bè, việc hôn nhân cũng không kết với danh môn vọng tộc, khép mình rất chặt.

Giả Hủ là phụ tá cho Tào Tháo, ủng hộ Tào Phi, đứng hàng thứ ba trong tam công. Ông vì tuổi già sức yếu nên mất khi 77 tuổi. Trong suốt cuộc thế của mình, ông đã chứng tỏ mình là người cơ trí, biết thời thế, và là người con có hiếu.

Nhiều mưu sĩ thời Tam Quốc có kết cục không hay, có người chết yểu (Quách Gia), có người phản lại (Mao Giới), có người chết bí ẩn (Tuân Úc), có người chết oan (Hứa Du). Giả Hủ thì thanh nhàn vô lo, sống đến trọn đời. Vậy nên Giả Hủ là người có kết cục thiện lành, người xưa gọi là “thiện chung”.

Có thể nói rằng các nhân vật thời Tam Quốc đã để lại rất nhiều điều trong văn hóa phương Đông. Họ cũng chứng minh cho hậu thế thấy rằng người muốn đạt được đại sự cần phải có chí lớn, và “nhẫn” chính là một loại sức mạnh thể hiện tầm vóc của ý chí. Vậy nên người có tâm đại nhẫn là không gì sánh được.

 

Theo Vision Times tiếng Trung

Video hay

Cùng chuyên mục

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Khai mạc Giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2024

Khai mạc Giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2024

Tổ chức cuộc thi “Trạng Nguyên nhỏ tuổi” tri Ân các Vua Hùng

Tổ chức cuộc thi “Trạng Nguyên nhỏ tuổi” tri Ân các Vua Hùng