Tháng 2, khi hoa gạo nở đỏ trên rẻo biên cương, chúng tôi lại tụ họp, ôn lại chuyện xưa. Mỗi lần nhắc về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (tháng 2/1979), ai cũng không giấu nổi niềm xúc động, nhớ lại câu chuyện in sâu trong ký ức tuổi thơ.
Chạy giặc
Bà Vũ Kiều Oanh (SN 1967, Phó Giám đốc Đài PTTH tỉnh Lạng Sơn) bồi hồi nhớ lại: “Quê tôi ở thị trấn biên giới Na Sầm, huyện Văn Lãng. Sáng 17/2/1979, mọi người bị đánh thức bởi những tiếng nổ vang trời ghê sợ. Trong cơn ngái ngủ, lũ trẻ bị cuốn đi trong dòng người bìu díu nhau theo đường mòn biên giới bỏ lại quê hương, sơ tán về tuyến sau”.
Bà Oanh kể tiếp: “Cả nhà quấn túm nhau chạy loạn, qua sông, đi mãi đến Hội Hoan rồi vượt đèo qua Bình Gia, nhằm hướng Bắc Ninh, nơi anh trai tôi đóng quân, có bố mẹ nuôi để tá túc, nương nhờ. Trước khi rời khỏi nhà, mẹ sắp xếp đồ đạc vào đôi quang gánh, một bên là nồi cơm nếp, nồi thịt gà kho gừng làm đồ ăn đi đường, một bên là quần áo chăn màn và tất tật những gì mẹ thấy quý giá, cần thiết cho chuỗi ngày sơ tán. Tiền nong mẹ cẩn thận gói vào ruột tượng, đeo chắc trong người. Chị Phượng dắt đứa em đằng trước, đứa địu sau lưng, xách thêm cái túi quần áo. Tôi cõng em Hà, em Quang đeo ba lô không nhớ có những gì. Bà nội chống gậy đi trước. Cả nhà hòa vào dòng người đông nghịt vượt sông Kỳ Cùng, đi miết trên đường, phồng rộp đôi chân”, bà Oanh hồi tưởng.
Góp chung câu chuyện, ông Trần Thanh Sơn (SN 1970, trước đây ở số nhà 19, phố Đinh Tiên Hoàng, phường Chi Lăng, thị xã Lạng Sơn, nay công tác tại Công ty Điện lực Bắc Kạn) cho biết: “Từ sáng sớm đã nghe tiếng súng đùng đoàng từ biên giới Việt – Trung vọng về. Khi ấy, tôi chừng 10 tuổi cùng chúng bạn trong khu phố chạy ra ngoài ngõ bám người lớn đang túm tụm bàn tán, hóng chuyện. Quân Trung Quốc đã tràn vào thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc), đang tiến đánh thị xã Lạng Sơn. Các gia đình được thông báo sơ tán gấp. Tất cả nháo nhào bê dọn nồi niêu xoong chảo, quần áo, chăn màn, gạo, lợn, gà… ầm ĩ cả khu phố”.
Gia đình ông Sơn may mắn được người hàng xóm tốt bụng cho chúng đi nhờ ô tô, rời thị xã theo quốc lộ 1A, cứ thế đi miết về tuyến sau. “Dọc đường, từng đoàn ô tô, xe ngựa, xe trâu, người đi bộ bồng bế nhau lếch thếch đầy đường. Bên kia đường, trên sườn núi có một số khẩu pháo có xe kéo của quân ta thỉnh thoảng lại bắn từng loạt. Sau gần một ngày, chúng tôi dừng chân tạm cư ở khu vực Mỏ đá 4 thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng”, Ông Sơn thuật lại.
Mưu sinh
Bà Vũ Kiều Oanh mau mắn kể chuyện “cơm áo gạo tiền” thời chiến: “Những ngày đầu nghỉ lại Nà Rảo trong ngôi trường cấp 2 của xã Nam La (huyện Văn Lãng), mẹ tôi nhanh nhạy tìm kiếm cách kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Bà mua trứng vịt trong làng, luộc lên rồi giao cho tôi ngồi bán cạnh đường. Mỗi ngày bán hai ba chục quả cũng kiếm đủ tiền rau. Chiến sự ngày càng phức tạp, gia đình chúng tôi vượt đèo núi tiếp tục về xuôi. Bà nội không thể đi được nữa, nhà tôi phải thuê 4 người lực lưỡng khiêng võng. Đường trơn, đèo đốc, số tiền thuê lên đến 36 đồng bạc, lớn lắm so với giá cả bấy giờ”.
Bà Oanh nhớ lại, sau mấy ngày đi bộ ròng rã, cuối cùng mọi người cũng đã đến thị trấn Đồng Mỏ. “Ngay lập tức, gia đình tôi họp bàn tìm kế sinh nhai. Nhà tôi mở quán cơm bụi ngay ở chợ. Mẹ tôi quần quật cả ngày đêm với hàng quán để nuôi cả nhà, còn lo dành dụm để sau này trở về sửa nhà sửa cửa. Khi tình hình yên ổn đôi chút, mẹ theo các bà các chị đi mua vải cũ cung ứng cho bộ đội lau súng; rồi mẹ theo xe tải lấy rau, lấy hàng từ dưới xuôi mang về Lạng Sơn bán buôn nôi gia đình”, bà Oanh kể lại với niềm xúc động dâng trào.
Còn ông Trần Thanh Sơn cho biết, sau khi về nơi sơ tán đã tạm ổn định, gia đình ông làm một cái nhà nhỏ tường vách đất, mái lá tranh gần cổng ra vào khu Mỏ Đá 4, thị trấn Đồng Mỏ. Trước hiên nhà, mở quán bán nước dạo với dăm ba điếu thuốc, chén nước kiếm sống.
Nghĩa tình son sắt
Phố núi Đồng Mỏ vốn bé nhỏ, hiền hòa bên dòng sông Thương bỗng trở thành “hậu cứ” lớn, bao bọc hàng ngàn người dân mạn biên giới chạy giặc đổ về. Không chờ cấp ủy, chính quyền địa phương kêu gọi, vận động, các gia đình ở Đồng Mỏ đều chủ động mời dăm ba hộ dân sơ tán đến ở cùng. Nhiều người dân còn nhớ, vào các phiên chợ Đồng Mỏ, phố sá náo nức, nhộn nhịp hẳn. Người thị xã Lạng Sơn, dân Đồng Đăng sơ tán về đây mở rất nhiều quán bán hàng. Đông nhất là quầy ăn uống. Lần đầu tiên ở Đồng Mỏ, dân bản địa được biết đến lò nướng bánh mì giòn tan, nóng hổi. Rồi nghề rèn, mộc, sửa chữa kính, khóa, đồng hồ được mở ra.
Ông Khổng Đình Quế, nguyên Phó chủ tịch UBND thị trấn Đồng Mỏ cho biết, thời chiến sự năm 1979 rất khó khăn, gian khổ nhưng tình người thủy chung, bền chặt. “Gần một phần ba người dân địa phương trở thành thông gia với các gia đình sơ tán về đây”, ông Quế cho hay. Kể từ năm 1989, sau khi tình hình biên giới ổn định, nhiều người dân sơ tán lần lượt trở về quê cũ ở. Tuy thế, mảnh đất Đồng Mỏ, Chi Lăng đã trở thành quê hương thứ hai của nhiều người.
Ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn) có dịp tâm sự với tác giả: “Ngày rời xa thị trấn Đồng Đăng đến tạm cư ở Đồng Mỏ, được đi học cấp 2, cấp 3 ở Chi Lăng đã cho tôi nhiều kỷ niệm. Chính mảnh đất, con người nơi đây đã nuôi dưỡng tôi khôn lớn, trưởng thành”.
Theo Tienphong