Trong cuốn “Thái Căn Đàm” (một tác phẩm thời nhà Minh) có nói rằng: “Tình người qua lại, thế gian gập ghềnh”. Cuộc đời này, nói dài không dài, nói ngắn cũng không phải là ngắn. Tôi đã thấy sự lạnh lùng và ấm áp của tình người, cũng đã trải qua đủ cay, đắng, ngọt, bùi của đời người.
Thời gian khiến con người ta trưởng thành, năm tháng khiến con người ta chững chạc, dần dà, họ hiểu sâu hơn về cách ứng xử. Làm người, cần có thái độ hòa nhã, làm việc cương nghị và tấm lòng tĩnh tại thì bạn mới có thể sống thật tuyệt vời giữa cuộc đời đầy giông bão này.
Thái độ hòa nhã
Trong cuốn sách xử thế kỳ thư “Vi lô dạ thoại” có nói:
“Chào đón mọi người với thái độ hòa nhã, đáp lại mọi việc bằng tình yêu thương”. Dùng thái độ hòa nhã để giao tiếp với người khác sẽ khiến đối phương cảm thấy thoải mái. Đây là cách tu dưỡng tuyệt vời cho một người.
Người xưa cũng có câu “Hòa khí sinh tài vận”. Trong mắt người xưa luôn tồn tại khái niệm “Dĩ hòa vi quý”. Người hòa nhã thường lương thiện như nước, lấy nhu khắc cương, biến mâu thuẫn thành vô hình, không ngừng tu dưỡng và cũng tích được nhiều phúc khí.
Sau khi bình định cuộc nổi dậy An Thạch, Quách Tử Nghi được coi là trụ cột của nhà Đường.
Với những công lao to lớn, ông luôn ở vị trí cao , đến 84 tuổi thì qua đời, có thể coi ông có một cuộc sống viên mãn. Tất cả những điều này không thể tách rời khỏi thái độ hòa nhã của Quách Tử Nghi đối với mọi người.
Có một lần, viên quan Lô Kỉ đến nhà chơi, người này tướng mạo xấu xí, hắn là một nhân vật phản diện xảo quyệt nổi tiếng trong sử sách.
Để tránh người nhà cười nhạo, Quách Tử Nghi đã lệnh cho tất cả người nhà tránh đi. Sau đó một mình ở chính đường tiếp khách. Trong suốt cuộc tiếp đón, Quách Tử Nghi không hề tỏ ra khó chịu, từ đầu đến cuối luôn tỏ ra tôn trọng, thái độ hòa nhã.
Sau này, Lô Kỉ được hoàng đế Đức Tông yêu mến, phong làm tể tướng quản việc triều chính. Ông ta liền trả đũa những người ngày trước coi thường mình. Người thì bị giáng chức, người thì bị tống giam. Chỉ riêng với Quách Tử Nghi, Lô Kỉ chưa từng ngược đãi ông, ngược lại còn lên tiếng bênh vực cho ông khắp nơi.
Có thể thấy, đối xử hòa nhã với người khác là lá bùa hộ mệnh hữu hiệu nhất. Đồng thời nó cũng chính là tăng thêm phúc khí và may mắn cho cuộc sống của chính mình.
Trong cuốn sách “Tiểu song u ký” (tạm dịch: Ký sự ô cửa nhỏ) có câu: “Bạn phải nghiêm khắc với bản thân mình và giữ hòa khí với người khác”.
Một người thân thiện với người ngoài là khôn ngoan, thân thiện với người nhà chính là tu dưỡng. Dù bạn là ai thì lòng người đều tương thông. Nếu bạn đối xử tử tế với người khác thì tự nhiên người khác sẽ báo đáp công đức bằng nhân đức.
Tóm lại, người có thái độ hòa nhã, tinh thần tốt và tướng mạo tốt, vận khí sẽ tự nhiên đến, theo đó mà đường tài lộc cũng ngày càng rộng mở.
Làm việc cương nghị
Tục ngữ có câu: “Nói năng thì nhỏ nhẹ, làm việc phải cứng rắn”. Một người khôn ngoan thực sự không phải là làm mọi việc trơn tru, mà phải kết hợp giữa cứng rắn và mềm mỏng, giữ vững nguyên tắc trong lòng.
Sinh ra là con người làm việc nếu thiếu đi sự cứng rắn thì cũng giống như mất đi xương sống vậy, gặp khó mà lui làm việc gì cũng sẽ thất bại. Có thể nói làm việc cứng rắn chính là nền tảng sống của chúng ta.
Mạnh Tử từng nói: “Ta rất giỏi trong việc bồi dưỡng những gì mình có”.
Sự mạnh mẽ và ngay thẳng chính là tinh thần của chúng ta, giúp chúng ta nâng cao sự tôn nghiêm và phẩm giá của mình.
Mưa to gió lớn hãy cứng rắn lên một chút, đứng thẳng và làm việc một cách quang minh lỗi lạc, tin tưởng rằng bản thân có thể vượt qua. Chỉ bằng cách không khổ thẹn với Trời, không xấu hổ với người khác thì mới có thể được người khác tôn trọng và công nhận, mới có thể đi được dài và xa hơn.
Tâm hồn thanh tịnh
Tục ngữ có câu: “Mỗi khi có việc gì lớn xảy ra cần phải bình tĩnh, đừng tin là ngày nay không có hiền nhân xưa”.
Bình tĩnh là gạt bỏ đi những nóng nảy trong lòng và nhìn rõ bản chất của sự việc.
Nếu một người trong lòng nóng nảy, khi gặp nạn sẽ mất đi sự cân bằng, chỉ khiến bản thân có những hành vi bất thường, tiến thoái lưỡng nan. Và cho dù hoàn cảnh ra sao, người có thể giữ cho tâm mình tĩnh lặng mới là người mạnh mẽ nhất. .
Trong trận Phì Thủy nổi tiếng, Đông Tấn và Tiền Tần đã giao chiến với nhau, Đông Tần quân số chưa đầy một vạn, còn Tiền Tần tuyên bố có trăm vạn quân tinh nhuệ. Tình thế vô cùng nguy cấp.
Vào thời điểm sinh tử tồn vong quan trọng như vậy, cả nước đều rơi vào tình trạng hoang mang, chỉ có Tể tướng Tạ An vẫn bình tĩnh, lấy tư cách đại đô đốc chinh phạt để xử lý việc quân và cử 8 vạn quân tinh nhuệ đi nghênh chiến.
Ngày thường, Tạ An vẫn đánh cờ, đánh đàn, làm thơ, nhưng về chiến sự giữa hai bên thì lại không hề đề cập đến nửa lời. Trước khi khởi hành, chủ soái Tạ Huyền đã đến hỏi ý kiến về mưu kế để đánh bại đối phương, Tạ An tỏ vẻ bình tĩnh và đáp: “Triều đình đã có sự sắp xếp khác”.
Nhìn thấy dáng vẻ tự tin của Tạ An, lòng Tạ Huyền càng thêm quyết tâm, cùng các tướng lĩnh khác thi hành nhiệm vụ, huấn luyện binh lính, quân dân trên dưới đều sẵn sàng chiến đấu.
Tạ An đang chơi cờ với khách thì tin tức về việc nhà Đông Tấn chiếm được Thọ Dương và đánh bại quân Tần đến.
Nghe thấy tin tức tốt lành từ tiền tuyến, Tạ An vẫn không đổi sắc mặt tiếp tục đánh cờ, vị khách đoán đó là tin báo trận từ tiền tuyến, không nhịn được hỏi: “Tình hình chiến sự thế nào?”
Tạ An từ tốn nói: “Bọn trẻ đã đánh bại kẻ thù rồi.”
Bớt nóng nảy một chút, điềm tĩnh hơn một chút là bạn có thể vượt qua nghịch cảnh, liễu rũ thì hoa sẽ tươi hơn.
Có một câu trong cuốn “Chiêu đức tân biên”: “Khi nước yên tĩnh thì hình ảnh trong suốt, khi tâm mà tĩnh thì trí tuệ được sinh ra”.
Những người làm đại sự tâm nhất định phải tĩnh, chỉ cần gặp chuyện không hoảng sợ để đối phó với mọi việc thì họ mới có thể tạo ra trí tuệ từ sự tĩnh lặng. Vì thế mà khi gặp khó khăn, bạn có thể thoát khỏi những xáo trộn của thế giới bên ngoài và trở về với tâm hồn tĩnh lặng, thì mọi thứ sẽ bỗng nhiên trở nên rất rõ ràng.
Ý nghĩa thực sự của cuộc sống và bí quyết sống an nhàn lại ẩn chứa trong ba chữ “khí”.
Thái độ hòa nhã (hòa khí) , hãy làm tan biến mây mù bằng một nụ cười, những lời chúc phúc tự nhiên trở lên sâu đậm.
Hãy làm việc cứng rắn (cương khí), mạnh mẽ, tận tâm tận lực, mới không thấy khổ thẹn với lương tâm.
Tâm thanh tịnh (tịnh khí), bình tĩnh khi gặp vấn đề, và bạn có thể mỉm cười đến cuối cùng.
Cầu mong bạn và tôi có thể tu thân, dưỡng khí, đối xử hòa nhã với người khác, hành động khiêm tốn, tĩnh tâm, biến mọi thăng trầm trên đường đời thành dưỡng chất để đi lên và thành đạt hơn.
Sưu tầm/ Văn hiến Việt Nam