Ngày 5/4, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ NN&PTNT, Cục Thú y cho biết, dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã xảy ra tại 23 tỉnh thành, với trên 73.000 con lợn bị tiêu hủy. Hiện có 3 ổ dịch ở xã Đức Hợp, huyện Kim Động (Hưng Yên), phường Ngọc Thụy, quận Long Biên (Hà Nội) và xã Đại Đồng, Tứ Kỳ (Hải Dương) đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh nên đã công bố hết dịch.
Ngoài ra, nhiều khu vực khác như Lương Sơn ( Hòa Bình) chỉ có 2 ổ dịch đã qua 28 ngày; Hoa Lư (Ninh Bình) đã có 1 ổ dịch qua 26 ngày; Bắc Kạn chỉ có 1 ổ dịch đã qua 22 ngày; các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình có nhiều ổ dịch đã qua nhiều ngày không phát sinh thêm lợn bệnh.
Ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, bệnh ASF không ảnh hưởng đến người. Do vậy, thịt lợn có nguồn gốc rõ ràng và được thú y kiểm soát vẫn đảm bảo an toàn. Tại các ổ dịch đều có các chốt kiểm dịch tạm thời, chính sách hỗ trợ cũng được công khai.
“Thời gian vừa qua, cùng với dịch tả lợn châu Phi, có vấn đề sán lợn, nhiều trường học đã thông báo là không dùng thịt lợn cho bữa ăn hàng ngày của các cháu học sinh. Cần ăn chín uống sôi, nếu nhiễm trứng sán thì ăn rau sống cũng bị chứ không chỉ ăn phải trứng sán từ thịt lợn”- ông Thành nói.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, bệnh ASF từ năm 1996 đến nay đã lan ra 60 quốc gia với đường lan truyền rất đa dạng, virus sống “dai” ngoài môi trường. Ông Tiến cho rằng, dịch lan ra 23 tỉnh thành, các địa phương lập chốt kiểm soát, khiến vấn đề lưu thông bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, giá thịt lợn đã tăng trở lại mốc hơn 40 nghìn đồng/kg hơi, so với mốc chỉ hơn 30 nghìn đồng/kg đợt dịch bắt đầu xuất hiện dịch, chứng tỏ người dân đã ăn thịt trở lại và đây là một tín hiệu tích cực.
Ông Tiến cũng cho biết, để tăng nguồn thực phẩm trong giai đoạn bệnh ASF chưa hoàn toàn dập tắt được, Bộ sẽ thúc đẩy tăng chăn nuôi gia cầm và gia súc lớn.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT đang phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&CN, cùng Bộ Y tế và các viện, trung tâm khoa học để trình Chính phủ về vấn đề nghiên cứu vaccine ASF.
Theo TP