Đâu là “bến đỗ” mới của Anh thời hậu Brexit?

11:34 | 21/10/2018

Chỉ còn khoảng 5 tháng nữa là tới thời điểm Anh chính thức rời “mái nhà chung” châu Âu, hay còn gọi là Brexit, nhưng nguy cơ về một Brexit “không thỏa thuận” hiện đang lớn hơn bao giờ hết do những vướng mắc về biên giới Ireland.

Theo nhận định của giới chuyên gia, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có thể là “bến đỗ” mới của xứ sở sương mù sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và đây sẽ là cơ hội bù đắp một số tổn thất, mở ra khả năng tiếp cận các thị trường mới và tạo ra cơ hội để định hướng lại nền kinh tế.

Khó có thể thiết lập một đường biên giới cứng với Ireland

Trong bài viết mang tiêu đề “The return of the Irish question”, nhà bình luận chính trị Chris Patten chỉ ra rằng, sau khi Thỏa thuận hòa bình Ngày thứ Sáu tốt lành (Good Friday Agreement – GFA) được ký kết năm 1998 bởi hai vị Thủ tướng của Vương quốc Anh và Cộng hòa Ireland – Tony Blair và Bertie Ahern, biên giới giữa hai nước chỉ còn như một đường kẻ trên bản đồ: không còn rào chắn, trạm thuế quan, hoặc những biểu tượng gây chia rẽ khác để thể hiện nơi mà địa phận một quốc gia kết thúc và địa phận quốc gia kia bắt đầu.

Hàng hóa và con người có thể tự do di chuyển giữa hai nước. Trong hai thập niên qua, Vương quốc Anh và Ireland đã tận hưởng quả ngọt của một mối quan hệ hòa bình và tôn trọng lẫn nhau. Có rất nhiều điều để những người Anh ngưỡng mộ ở Ireland: tăng trưởng kinh tế, phục hưng văn hóa trong văn học và âm nhạc, sự cuốn hút đối với người nhập cư trên toàn thế giới – những người hiện chiếm tới 17% dân số Ireland. Với sự trưởng thành phi thường của mình, Ireland đã bỏ lại phía sau tư tưởng giáo quyền hạn hẹp, trở thành một quốc gia hiện đại và hào phóng.

Tuy nhiên, những thách thức nghiêm trọng cũng đang bắt đầu xuất hiện. Ở Bắc Ireland, chính phủ chia sẻ quyền lực đã sụp đổ, và chính phủ Vương quốc Anh không đủ mạnh để giúp phục hồi lại sự hợp tác mang tính xây dựng.

Để đảm bảo tỉ lệ đa số trong Hạ viện sau cuộc bầu cử sớm thảm họa năm ngoái, Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Anh Theresa May đã phải liên minh với đảng Liên hiệp Dân chủ (DUP) – vốn có truyền thống cực đoan về việc coi Bắc Ireland phải là một phần của Vương quốc Anh. Kết quả là, chính phủ Anh dường như không thể đóng vai trò một người trung gian công bằng.

Cuộc đàm phán Brexit hiện nay đang khiến vấn đề càng trở nên phức tạp hơn bao giờ hết, bởi dường như không ai biết cách giải quyết hậu quả đối với Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland, khi hai bên sẽ bị chia tách bởi biên giới của Anh với EU.

CPTPP – cơ hội tuyệt vời không chỉ cho Anh mà còn cho các nước châu Âu khác.

Trong khi nhiều chính trị gia nói rằng họ muốn có một đường biên giới trơn tru, Thủ tướng Theresa May và các cộng sự đã bàn luận về việc rời khỏi cả thị trường chung cũng như liên minh thuế quan, qua đó đưa Anh ra khỏi khu vực phi thuế quan – nơi mà thương mại được diễn ra thuận lợi nhờ vào những luật lệ chung. Họ cho rằng Bắc Ireland cũng phải có cùng những quy định thương mại với phần còn lại của nước Anh.

Điều này dẫn đến 2 khả năng: hoặc là một cơ chế thương mại chung vận hành trơn tru trên khắp quần đảo Anh, hoặc là một đường biên giới cứng cắt ngang Ireland. Sau tất cả, các quốc gia EU khác sẽ không bao giờ cho phép Anh, Scotland và Xứ Wales rời khỏi thị trường chung và liên minh thuế quan, trong khi lại để Bắc Ireland ở lại.

Điều đó sẽ khiến việc trốn tránh luật lệ trở nên quá dễ dàng, ví dụ như quy định về xuất xứ hàng hóa, khi một quốc gia không thuộc EU có thể xuất khẩu hàng hóa vào Ireland để chuyển tiếp tới Anh, hoặc ngược lại. Những vấn đề tương tự cũng có thể xảy ra với việc di cư tự do trong khối EU – điều mà Anh không muốn bị ràng buộc.

Không thách thức nào trong số này nên được coi là một bất ngờ. Những cảnh báo đã được đưa ra từ rất lâu trước đó nhưng chính phủ Anh chỉ đơn giản là bỏ qua chúng. Những giải pháp tiềm năng vẫn còn là một bí ẩn, chính quyền dù sớm hay muộn cũng sẽ phải đối mặt với vấn đề này. Dĩ nhiên sẽ không có một giải pháp kỹ thuật đơn giản nào.

Cơ hội thuận lợi đối với Anh sau Brexit

Xung quanh triển vọng Anh gia nhập CPTPP, theo chuyên gia Stephen Nagy, giáo sư khoa chính trị và nghiên cứu quốc tế của Đại học Quốc tế Cơ đốc ở Tokyo, cần phải làm rõ một số vấn đề quan trọng sau. Thứ nhất, liệu London sẽ thực sự gia nhập CPTPP?  Có hai yếu tố quan trọng liên quan đến vấn đề này. Trước hết phải hiểu rõ, CPTPP là một thỏa thuận mới được ký kết giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và các đối tác của ông.

Thỏa thuận được thiết kế để loại bỏ mọi hạn chế, kể cả những hạn chế áp đặt bởi Mỹ. Không chỉ các đối tác trong khu vực mà cả các đối tác ngoài khu vực, ví dụ như Anh, cũng có thể trở thành thành viên của hiệp định này. Điều quan trọng cần lưu ý là thỏa thuận này được thiết kế sao cho Mỹ có thể tham gia dù theo cách này hay cách khác.

Do đó, CPTPP sẵn sàng kết nạp Vương quốc Anh sau khi nước này rời khỏi EU. Thủ tướng Shinzo Abe mới đây đã khẳng định luận điểm này khi nói rằng, các quốc gia tham gia CPTPP sẽ rất vui lòng chào đón Anh.

Thứ hai, liệu việc tham gia CPTPP có phải là một triển vọng hấp dẫn đối với Anh? CPTPP có sự tham gia của các quốc gia rất đặc biệt như Nhật Bản, Canada, Mexico, Peru, Australia và New Zealand. Tất cả các quốc gia này đều là thị trường tiêu dùng đầy hứa hẹn. Sau khi tham gia CPTPP, Anh có thể xuất khẩu hàng hóa sang các nước này.

Đây là điều cực kỳ quan trọng đối với Anh bởi sau khi rời khỏi EU, London phải tìm thị trường mới đảm bảo sẽ không có biện pháp trừng phạt và hạn chế nào đối với hàng hoá của Anh, ví dụ như đối với một số sản phẩm châu Âu. CPTPP là một cơ hội thuận lợi đối với Anh sau Brexit. Để tham gia hiệp định, London nên tìm cách cân bằng giữa sáng kiến này và một số thỏa thuận thương mại hiện có, cũng như thỏa thuận thương mại Brexit hiện đang được thảo luận tại EU.

Thứ ba, liệu việc tham gia CPTPP sẽ giúp Anh bù đắp phần nào tổn thất kinh tế sau khi chính thức rời EU? Chuyên gia Stephen Nagy cho rằng, thật khó để khẳng định điều đó vào lúc này. Đối với Anh, việc tham gia CPTPP là cơ hội bù đắp một số tổn thất, mở ra khả năng tiếp cận các thị trường mới và tạo ra cơ hội để định hướng lại nền kinh tế.

Trước đây, nước Anh chưa có cơ hội thuận lợi như vậy. Tuy nhiên, cũng cần hiểu rõ rằng mối quan hệ kinh tế giữa Anh và EU đã trải qua chặng đường 40 năm, do đó, sẽ vô cùng khó khăn để cắt đứt các mối quan hệ này trong một sớm một chiều. Thứ tư, rõ ràng rằng, EU là một khu vực giàu có gần gũi với Anh, mức sống của người tiêu dùng châu Âu cao hơn nhiều so với khu vực Thái Bình Dương, vậy triển vọng để Anh rời khỏi EU và đến với CPTPP là gì?

Vấn đề này cho thấy việc định hướng lại nền kinh tế vô cùng phức tạp. Trên thực tế, nền kinh tế thế giới đang di chuyển theo hướng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, không còn tập trung vào khu vực Đại Tây Dương.

Theo CAND

Cùng chuyên mục

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

Giải bóng chuyền Nam thanh niên Công an Hà Tĩnh vào giờ khai cuộc

Giải bóng chuyền Nam thanh niên Công an Hà Tĩnh vào giờ khai cuộc

HÀ NỘI: Tỏa sáng từ mái trường Ngọc Lâm thân yêu

HÀ NỘI: Tỏa sáng từ mái trường Ngọc Lâm thân yêu

PHÓ ĐỨC PHƯƠNG VÀ KHÁT VỌNG SỬ CA

PHÓ ĐỨC PHƯƠNG VÀ KHÁT VỌNG SỬ CA

Tấm gương sáng ngời của thế hệ trẻ Việt Nam

Tấm gương sáng ngời của thế hệ trẻ Việt Nam