Mùa càng cúm ở La Gi

11:20 | 21/05/2019

Nhìn bề ngoài, cúm núm (hay còn gọi là càng cúm) có hình dáng thô ráp, xù xì, đôi càng chiếm phần lớn trọng lượng cơ thể. Cúm núm sống phân bố ở nhiều vùng biển ven bờ, đặc biệt là khu vực biển miền Trung, miền Đông và cả ở miền Tây Nam bộ. Thời gian này, cúm núm là nguồn thu chủ yếu của ngư dân vùng biển La Gi, Hàm Tân, Bình Thuận. Ngay sau khi khai thác, ngư dân chỉ lấy hai chiếc càng to của cúm núm, bỏ hẳn phần thân.



Món quà đại dương

Theo những ngư dân ở khu vực cảng cá La Gi mùa đánh bắt càng cúm là từ tháng Ba cho tới tháng Bảy, tháng Tám. Lúc này, ven biển khu vực Bình Thuận lúc nào cũng có càng cúm. “Thực tế, không có ngư dân nào đi biển chỉ đánh bắt riêng càng cúm mà thường là đánh bắt nhiều loại hải sản khác, nhưng những ghe bắt cua, tôm, ghẹ… là những ghe thường xuyên bắt được càng cúm. Như ghe gia đình tôi, có ngày bắt được tới hai chục ký lô càng cúm chứ không ít” – ông Đinh Văn Hòa, một ngư dân ở đây chia sẻ.

Cũng theo ông Hòa, phương pháp khai thác thủy sản giáp xác của ngư dân La Gi tương đối giống nhau là sử dụng lưới để kéo. Có thể là lưới đơn hoặc kéo đôi, tùy theo trang bị tàu và ngư trường. “Lưới kéo giáp xác thường đánh bắt khó khăn hơn so với đánh bắt cá, mực bởi loài giáp xác thường sống lẫn vào các khối san hô, đá dưới tầng đáy biển. Nếu không tính toán kỹ hay nắm rõ địa chất ngư trường thì ngư cụ hư hỏng hết. Hầu hết ngư dân chỉ kéo lưới ở tầng sát đáy hoặc thả lưới ở tầng đáy để chờ đợi chúng đi qua mà thôi”, ông Hòa cho biết thêm.

Mặc dù săn bắt khó khăn, nhưng theo nhiều ngư dân ở cảng La Gi, sơ chế càng cúm nói riêng và các loài thủy sản giáp xác nói chung mới là khâu khó khăn nhất. “Ghe của tôi có 4 phiến lưới, làm nghề thả bẫy giáp xác ở ngoài khơi Bình Thuận. Mùa này, các loài như càng cúm, cua, ghẹ, ốc… là sản phẩm chính. Sau khi rút lưới lên ghe, ngư dân phải gỡ chúng ra ngay.

Lúc này, những hải sản dính lưới thường bám chặt vào mắt lưới, rất khó gỡ. Nếu không có kinh nghiệm thì có thể còn làm hư hỏng lưới nữa. Vì thế, những ghe lưới này thường có đông lao động hơn để sơ chế hải sản gỡ được. Sau khi gỡ, lưới được thả xuống cho mẻ tiếp theo. Tuy nhiên, nếu cua, ghẹ, ốc gỡ xong là đóng bao đưa về cảng thì cúm núm còn phải bẻ càng, vứt phần thân đi”, anh Đào Văn Kiên, một ngư dân khác vừa cập ghe vào cảng vừa kể.

Những mẻ lưới có nhiều càng cúm

Đặc sản ngày càng khan hiếm

Hiện nay, khai thác cua ghẹ biển khó một thì khai thác càng cúm khó gấp 3 – 4 lần bởi chúng là loài không quá thông dụng. Bù lại, càng cúm có giá trị cao, được nhiều người săn lùng. “Mỗi ký càng cúm có giá tới 120.000 đồng tại cảng, trong khi ghẹ chỉ khoảng 70.000 – 80.000 đồng. Tuy nhiên, cũng không dễ để có được càng cúm vì chúng chỉ xuất hiện theo mùa và sản lượng cũng không nhiều.

Đặc biệt, cua ghẹ lại dễ nuôi nên hiện nay, ngư dân ven biển có thể dễ dàng nhân giống, nuôi trong các lồng bè trên biển chứ càng cúm là sản phẩm tự nhiên. Đó cũng chính là lý do khiến càng cúm luôn được chúng tôi ưu tiên thu mua và đem về thành phố ngay khi ghe thuyền cập cảng”, bà Sáu, một chủ thu mua hải sản ở khu cảng La Gi kể.

Theo bà Sáu, càng cúm có giá trị sử dụng tương đương như cua ghẹ bởi phần thịt chắc và ngọt. Tuy nhiên, phần thân của con cúm núm lại không có nhiều giá trị sử dụng bởi chúng rỗng như chiếc vỏ hộp… có chân vậy. Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu của một số người cũng bắt đầu thay đổi. “Năm nay, có nhiều mối hàng ở TPHCM đặt mua cúm núm nguyên con. Nghĩa là dù không sử dụng nhưng họ vẫn mua nguyên con cúm núm về, sau đó tự bẻ càng để ăn. Riêng những nhà hàng, họ còn quan tâm nhiều đến giá trị thẩm mỹ. Vì thế, nếu đặt con cúm núm trên dĩa sẽ đẹp hơn là chỉ đặt hai chiếc càng, dù phần thân của chúng không có giá trị sử dụng”, bà Sáu chia sẻ thêm.

Thời gian này đang là mùa cao điểm khai thác hải sản của ngư dân ở khắp vùng ven biển nước ta, cảng cá La Gi – một trong những cảng cá lớn của tỉnh Bình Thuận luôn nhộn nhịp ghe thuyền. Ngày nào cũng có hàng trăm tấn hải sản được cập cảng, phân loại để đưa đi tiêu thụ. Trong số đó, càng cúm chính là loại hải sản có giá trị ở đây.

 

Theo GDTĐ

Video hay

Cùng chuyên mục

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Khai mạc Giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2024

Khai mạc Giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2024

Tổ chức cuộc thi “Trạng Nguyên nhỏ tuổi” tri Ân các Vua Hùng

Tổ chức cuộc thi “Trạng Nguyên nhỏ tuổi” tri Ân các Vua Hùng

BẾN TRE: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xã Phú Hưng lần thứ VI

BẾN TRE: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xã Phú Hưng lần thứ VI

Sôi nổi Hội thi Nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ “Tổ liên gia an toàn PCCC” thành phố Hà Tĩnh năm 2024

Sôi nổi Hội thi Nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ “Tổ liên gia an toàn PCCC” thành phố Hà Tĩnh năm 2024

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

TẬP HUẤN NÂNG CAO KIẾN THỨC VÀ KỸ NĂNG TƯ VẤN PHÁP LUẬT CHO PHỤ NỮ LÀ NẠN NHÂN CỦA BẠO LỰC GIỚI

TẬP HUẤN NÂNG CAO KIẾN THỨC VÀ KỸ NĂNG TƯ VẤN PHÁP LUẬT CHO PHỤ NỮ LÀ NẠN NHÂN CỦA BẠO LỰC GIỚI

Thắp sáng ước mơ đến trường từ vốn tín dụng chính sách

Thắp sáng ước mơ đến trường từ vốn tín dụng chính sách