50 năm xây dựng và phát triển điện ảnh Bình Định

14:30 | 12/06/2018

Tháng 3 năm 1968, tại Đồi Chè, xã Cát Sơn, huyện Phù Cát, Ban Tuyên huấn tỉnh Bình Định phối hợp với Điện ảnh Khu 5 quyết định thành lập Đội chiếu bóng tỉnh Bình Định để phục vụ các nhiệm vụ cách mạng, đây là đơn vị tiền thân của Điện ảnh Bình Định sau này. Nhìn lại chặng đường 50 năm xây dựng và phát triển (1968 – 2018), Điện ảnh Bình Định luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và có những đóng góp xứng đáng cho đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trên địa bàn tỉnh.


Dân làng xem chiếu bóng.

1. Giai đoạn “khói lửa” của Điện ảnh Bình Định (1968 – 1975)

Đội chiếu bóng đầu tiên của tỉnh Bình Định được thành lập gồm 6 người do đồng chí Trần Văn Tuân làm Đội trưởng và các thành viên: Lý Hồng Xum, Đỗ Hữu Lý, Bùi Quang Châu, Hồ Văn Hòa và Ngô Văn Duyên. Đây là những hạt nhân đầu tiên của Điện ảnh Bình Định.

Về phương tiện hoạt động, Đội chiếu bóng được trang bị 1 máy chiếu phim 16mm, loa, tăng âm, máy phát điện và một bộ phim Khúc ruột Miền Trung. Những năm tháng chiến tranh khốc liệt, với cách hoạt động duy nhất là gùi cõng máy chiếu, phim ảnh và vũ khí, Đội chiếu bóng không ngại hy sinh, gian khổ ngày đêm băng rừng, vượt suối đến các vùng giáp ranh, vùng tranh chấp chiếu phim tuyên truyền, động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ. Trên chiến trường Bình Định, trong lúc làm nhiệm vụ chiếu bóng phục vụ, một cán bộ của Đội chiếu bóng đã vĩnh viễn nằm lại trên vùng đất chiến hào khói lửa, đó là liệt sĩ Ngô Văn Duyên.

2. Điện ảnh Nghĩa Bình mang “luồng gió mới” đến với đồng bào các vùng, miền trong tỉnh (1976 – 1985)

Sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, ngày 09/3/1976, UBND tỉnh Nghĩa Bình quyết định sáp nhập Chiếu bóng Bình Định và Chiếu bóng Quảng Ngãi thành Quốc doanh Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh Nghĩa Bình.

Trong tình hình chung của đất nước sau bao nhiêu năm bị chiến tranh tàn phá, Điện ảnh Nghĩa Bình cũng gặp muôn vàn khó khăn. Tuy vậy, Điện ảnh tỉnh nhà đã vượt qua mọi khó khăn, đưa phim cách mạng đi sâu vào đời sống quần chúng nhân dân.

Ngoài hoạt động chiếu phim, Điện ảnh Nghĩa Bình còn tổ chức những hoạt động văn hóa khác nhằm quảng bá điện ảnh, được đồng nghiệp các tỉnh bạn và đông đảo các tầng lớp nhân dân, thanh thiếu niên hưởng ứng như: “Dạ hội Điện ảnh”, mời các nhà làm phim, các diễn viên và đồng nghiệp các tỉnh bạn về giao lưu; thành lập “Câu lạc bộ Điện ảnh” sinh hoạt thường kỳ‎ vào tối thứ 7 hàng tuần, đây là nơi gặp gỡ và giao lưu cho các bạn trẻ yêu thích điện ảnh; “Hội thi Kể – Vẽ theo phim”, là hoạt động thường niên được tổ chức vào các dịp hè, luôn thu hút đông đảo thiếu nhi tham gia.

3. Giai đoạn “hoàng kim” của Điện ảnh Bình Định (1986 – 1993)

Đây là thời kỳ ngành Điện ảnh tỉnh nhà vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, doanh thu năm sau cao hơn năm trước. Ngành đã đầu tư trang thiết bị, nâng cấp nhiều cơ sở chiếu bóng khang trang nên lượt người xem phim tăng lên đáng kể.

Cuối năm 1989, tỉnh Nghĩa Bình được tách ra thành 2 tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi. Thời gian này Quốc doanh Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh Nghĩa Bình được đổi tên thành Công ty Điện ảnh Bình Định. Có thể nói, đây là thời kỳ đỉnh cao của ngành Điện ảnh Bình Định, các rạp chiếu bóng được nâng cấp, xây dựng mới như rạp chiếu bóng Lê Lợi, rạp chiếu bóng 1-4 (hiện nay là 31-3), rạp chiếu bóng 1-5. Các cơ sở chiếu bóng ở Quy Nhơn và các huyện An Nhơn, Phù Cát, Tây Sơn… là những tụ điểm giải trí được đông đảo nhân dân tìm đến thưởng thức điện ảnh, có lúc tổ chức từ 5 đến 6 suất chiếu/ngày và lượng khán giả đến rạp tấp nập phải xếp hàng mua vé vào xem.

Đặc biệt những Đội chiếu bóng lưu động luôn phải hoạt động hết công suất, có những bộ phim phải chiếu chạy hai đến ba điểm chiếu trong một đêm, có phim hay phải chiếu liên tục 3 đêm liền tại một điểm chiếu mới phục vụ hết nhu cầu của khán giả. Điện ảnh Bình Định cũng đã tổ chức tốt công tác tuyên truyền các đợt phim, tuần phim, đáp ứng được nhu cầu của khán giả, doanh thu cao vượt kế hoạch hằng năm, đóng góp tích cực cho ngân sách Nhà nước.

Về công tác đào tạo, Điện ảnh Bình Định đã liên kết với Trường Sân khấu Điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh mở lớp Tuyên truyền phim tại Bình Định, đào tạo những hạt nhân bổ sung cho lực lượng chiếu bóng các địa phương hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi. Ngoài ra thường xuyên tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa bổ ích để đưa nghệ thuật điện ảnh đến gần với khán giả như: Câu lạc bộ Điện ảnh, Dạ hội Điện ảnh, Kể – Vẽ theo phim, Hội thi tìm hiểu Điện ảnh…

Bước sang giai đoạn đổi mới, Nhà nước chuyển đổi từ chế độ bao cấp sang nền kinh tế thị trường có sự tài trợ một phần của Nhà nước, số lượng phim các hãng trong nước sản xuất thu hẹp dần, thể loại phim video mới xuất hiện với những bộ phim dài tập của Hồng Kông, Đài Loan được du nhập làm khuynh đảo thị trường điện ảnh.

Theo nhu cầu thị trường của khán giả, Điện ảnh Bình Định cũng phải tìm hướng đi mới, Công ty Điện ảnh Bình Định được đổi tên Công ty Điện ảnh – Băng hình Bình Định, các quầy cho thuê băng video được mở ra khắp nơi để phục vụ người xem đam mê phim bộ đem lại nguồn thu khá lớn. Đồng thời, Công ty Điện ảnh – Băng hình Bình Định được UBND tỉnh cho phép thành lập Khu trung tâm kinh doanh dịch vụ gồm các phòng hát Karaoke, Minilab, Khách sạn – Nhà hàng Điện ảnh, trở thành thương hiệu một thời kỳ vàng son, tạo việc làm cho cán bộ, viên chức và đóng góp không nhỏ vào ngân sách Nhà nước.

4. Điện ảnh Bình Định “Bắt nhịp cùng thời đại” (1994 – 2000)

Cuối năm 1993, một làn sóng phim nước ngoài tràn ngập vào Việt Nam với những bộ phim bom tấn ăn khách của Mỹ, Hàn Quốc, Hồng Kông. Trào lưu phim thương mại Việt Nam bắt đầu phát triển, điện ảnh trở thành một thị trường với nhiều hãng phim tư nhân tham gia nổi lên một làn gió mới trong lĩnh vực sản xuất, phát hành và phổ biến phim.

Rạp chiếu bóng 31-3 Quy Nhơn được nâng cấp, trang thiết bị hiện đại, khán giả bắt đầu lấy lại thói quen tới rạp xem phim. Những bộ phim nước ngoài đoạt các giải thưởng quốc tế và những bộ phim thị trường có đề tài phong phú, đa dạng đã thu hút đông đảo người xem. Nhưng khi mà thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, truyền hình phủ sóng khắp nơi…, Điện ảnh Bình Định lại phải loay hoay tìm hướng đi mới nhằm tháo gỡ những khó khăn để duy trì hoạt động của ngành.

Ngày 17/7/1995 Chính phủ ban hành Nghị định số 48/CP về “Tổ chức và hoạt động Điện ảnh”, đây là cơ sở pháp lý, là điều kiện cần thiết để xây dựng và phát triển một nền điện ảnh vừa mang tính dân tộc, vừa mang tính hiện đại. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa nhằm nâng cao mức hưởng thụ văn hóa và điện ảnh cho nhân dân, Điện ảnh Bình Định đã xây dựng và củng cố các Đội chiếu bóng lưu động, thực hiện cơ chế, chính sách về tài chính, trang bị máy móc và triển khai kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chính trị, tổ chức chiếu phim lưu động tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, đưa ánh sáng văn hóa đến với nhân dân.

Song với hoạt động chiếu bóng, khu Trung tâm kinh doanh dịch vụ được đẩy mạnh và phát triển nhằm tăng thu nhập cho cán bộ, nhân viên, góp phần nộp ngân sách Nhà nước.

5. Điện ảnh Bình Định “Trong xu thế đổi mới” (2001 – 2010)

Thực hiện chủ trương xã hội hóa điện ảnh, Chính phủ cho phép thành lập hãng phim tư nhân, vừa sản xuất vừa phát hành. Mối quan hệ giữa các khâu sản xuất, phát hành và phổ biến phim gần như bị tách rời, Fafilm không đảm bảo nguồn phim nhựa 35mm cho chiếu bóng.

Công ty Điện ảnh các tỉnh phải giao dịch với nhiều hãng phim tư nhân để có nguồn phim nhưng mang tính nhỏ giọt, không đảm bảo chương trình màn ảnh. Công nghệ phát triển, máy chiếu kỹ thuật số đạt chuẩn quốc tế ra đời, nhưng do giá thành cao Nhà nước không đầu tư, máy chiếu phim nhựa trở nên lạc hậu và không còn phim nhựa 35mm để phổ biến trên tuyến rạp. Từ đó, công tác phát hành phổ biến phim gặp nhiều khó khăn trong việc phân phối phim theo luồng tuyến ổn định.

Năm 2006, UBND tỉnh Bình Định quyết định tổ chức lại Công ty Điện ảnh – Băng hình Bình Định thành Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Bình Định, là đơn vị sự nghiệp có thu, trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (nay là Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định). Khối rạp 31-3 Quy Nhơn vừa chiếu phim có thu vừa phục vụ các đợt phim, tuần phim; Đội chiếu bóng lưu động các huyện với chức năng tổ chức chiếu phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ đồng bào miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn hẻo lánh, bãi ngang, xã đảo, vùng đặc biệt khó khăn và các đối tượng chính sách khác… Khu trung tâm dịch vụ gồm Khách sạn – Nhà hàng Điện ảnh có chức năng hoạt động kinh doanh tạo nguồn thu để trang trải các khoản chi phí và góp phần hỗ trợ nâng cao hoạt động chiếu bóng lưu động.

Bên cạnh việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ đặc thù của ngành điện ảnh, Trung tâm thực hiện việc liên doanh, liên kết‎ đầu tư kinh doanh dịch vụ để tạo việc làm cho cán bộ, viên chức, tăng thêm nguồn thu cho đơn vị, hỗ trợ chiếu bóng lưu động, góp phần nộp ngân sách Nhà nước.

Nhà nước chủ trương xã hội hóa, cho phép tư nhân mở các hãng phim vừa sản xuất vừa phát hành và khai thác phổ biến phim trên tuyến rạp với đầy đủ các thiết bị hiện đại đã tạo nên một quy trình khép kín đem lại hiệu quả cao. Còn các rạp chiếu phim quốc doanh không được sửa chữa, nâng cấp đầu tư trang thiết bị máy chiếu kỹ thuật số hiện đại nên không thể theo kịp thị hiếu người xem, do đó nguồn thu kinh doanh chiếu bóng của rạp không đạt hiệu quả.

Tuyến Đội chiếu bóng lưu động chỉ chờ nguồn phim của Cục Điện ảnh và đơn vị phát hành phim và chiếu bóng địa phương tự xoay sở. Phải nói rằng, công tác phát hành phổ biến phim trong giai đoạn này thực thi những biện pháp tạm thời để thích ứng với hoàn cảnh thực tế, các rạp chỉ khai thác phim nhằm duy trì hoạt động của ngành.

6. Điện ảnh Bình Định “Thời kỳ hội nhập” (2011 đến nay)

Để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần nhân dân các vùng, miền trong tỉnh, các Đội chiếu bóng lưu động đã tổ chức đi sâu rộng khắp các địa bàn, kể cả những vùng khó khăn, xa xôi hẻo lánh. Trước buổi chiếu phim chính, đều tổ chức phổ biến các văn bản của địa phương, Trung ương và các phim chuyên đề xây dựng nông thôn mới, cách làm trang trại, an ninh trật tự, gia đình văn hóa…

Đặc biệt, một số Đội chiếu bóng lưu động đã tìm mọi cách lên phục vụ đồng bào vùng cao An Toàn, huyện An Lão; làng Canh Giao, làng Kà Bông, huyện Vân Canh; làng O2 huyện Vĩnh Thạnh…, đây là những bản làng của đồng bào dân tộc thiểu số có vị trí địa lý hẻo lánh, đường giao thông hiểm trở và chưa có điện, chỉ có chiếu bóng lưu động gùi cõng máy vượt qua sông, suối đến phục vụ.

Năm 2016, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Bình Định đã tổ chức làm phim tài liệu Làng Kà Bông, xã Canh Liên, huyện Vân Canh được Cục Điện ảnh Việt Nam đánh giá cao về hoạt động chiếu bóng phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao tại tỉnh Bình Định, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen.

Xe phục vụ chiếu bóng lưu động.

Trung tâm còn phối hợp với Cục Điện ảnh Việt Nam tổ chức mở lớp Bồi dưỡng phổ biến phim năm 2017 tại Bình Định cho các cán bộ, công nhân chiếu phim thuộc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam (32 tỉnh, thành phố) đạt kết quả tốt đẹp được Cục Điện ảnh và Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng các tỉnh khen ngợi và đánh giá cao.

Thực hiện chủ trương của Nhà nước về xã hội hóa lĩnh vực điện ảnh. Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Bình Định đã xây dựng Đề án hợp tác đầu tư cơ sở rạp chiếu bóng 31-3 và Khách sạn – nhà hàng Điện ảnh thành Cụm rạp chiếu phim kỹ thuật số tiên tiến hiện đại. UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư, hiện nay Trung tâm đang phối hợp với các cơ quan chức năng và doanh nghiệp triển khai thực hiện Đề án.

Qua 50 năm xây dựng và phát triển, Điện ảnh Bình Định đã đạt được những thành tựu đáng tự hào, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng những phần thưởng cao quý: Huân chương Giải phóng hạng ba (năm 1973); Huân chương Lao động hạng ba (năm 1979); Huân chương Lao động hạng nhì (năm 1991); Cờ thi đua của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (1991);

– Cờ thi đua của Bộ Văn hoá Thông tin 3 năm liền là đơn vị dẫn đầu các Công ty Điện ảnh toàn quốc (1991 – 1992 – 1993);

– Bằng khen của Bộ Văn hóa, đã có thành tích xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ năm 1984 – 1985 – 1986;

– Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về thành tích xuất sắc trong xây dựng và tổ chức hoạt động điện ảnh tại địa phương năm 2013 và 2016;

– Cờ thi đua của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2017;

Và nhiều Bằng khen, cờ thi đua của UBND tỉnh Bình Định và các cấp, ngành Trung ương, địa phương khác.

 

Võ Văn Tiễn

Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Bình Định

Video hay

Cùng chuyên mục

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

NHCSXH huyện Krông Nô: Tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng

NHCSXH huyện Krông Nô: Tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Tuyên truyền phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội cho các em học sinh

Tuyên truyền phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội cho các em học sinh