Xuân về trên cổng trời “Sa Pa” xứ Nghệ

23:48 | 03/02/2022

Nằm giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, xã Mường Lống (huyện Kỳ Sơn – Nghệ An) tựa như một bức tranh thủy mặc huyền bí, đẹp e ấp dưới tấm màn nhung mù sương mỏng tang.


Mảnh đất này được ví von là cổng trời, là “Sa Pa xứ Nghệ” với những ký ức đau thương một thời, nhưng giờ đây mọi thứ đã lùi sâu nhường chỗ cho những mầm xanh tươi tốt, những bài ca điệu múa vùng cao với tiếng suối, tiếng rừng làm nao lòng bao du khách ghé qua.

Từ “Thủ phủ thuốc phiện” đến “Làng Văn hóa”

Sau hàng giờ đồng hồ loanh quanh trên những cung đường uốn lượn như những sợi tơ trời vắt hờ hững qua mấy sườn núi chênh vênh, đoàn chúng tôi đã dừng chân ở cổng trời Mường Lống. Địa danh này nằm gọn trong lòng thung lũng của một ngọn núi cao đến 1.500m, kế dãy Trường Sơn. Mây trắng bịn rịn quấn quýt chân người, hoa vui đùa cùng cỏ dại giữa cái lạnh đặc trưng của miền núi pha lẫn với chút ánh nắng ấm áp khiến mọi thứ trở nên thật mơ hồ, thư thái.

Tôi vốn chẳng thích tiết trời lạnh, nó làm cho con người cảm thấy hanh hao, trống rỗng, ấy vậy mà sự se sắt lạnh của Mường Lống những ngày đầu xuân lại khiến cho người ta bồi hồi, vương vấn. Nhưng ít ai biết rằng một vùng đất nên thơ như vậy đã từng là thủ phủ của cây thuốc phiện, từng có biết bao câu chuyện chất chứa nỗi đau mà chỉ những con người nơi đây mới thấu hiểu.

Mường Lống (huyện Kỳ Sơn) nhìn từ trên cao.

Từ năm 1986 trở về trước, nhiều gia đình Mường Lống từng khuynh gia bại sản vì trong nhà có người thân bị nghiện ngập, có bản hơn 30% số dân bị nghiện khiến tinh thần suy sụp, sức khỏe giảm sút, sản xuất đình trệ, thiếu đói triền miên, dân trí thấp, tỷ lệ mù chữ cao và sinh đẻ vô tội vạ. Mãi đến năm 1990, thực hiện Chỉ thị 07 của Tỉnh ủy Nghệ An về đấu tranh phòng, chống ma túy, xóa bỏ cây thuốc phiện và giao đất giao rừng, thực hiện định canh, định cư để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, Ðảng bộ xã Mường Lống đã phối hợp bộ đội biên phòng, các cơ quan chức năng ở huyện, huy động các đoàn thể quần chúng làm cuộc cách mạng xanh trên nương rẫy.

Đó thực sự là giai đoạn vô cùng khó khăn bởi lẽ nơi cổng trời Mường Lống đất đai khô cằn khó canh tác, dân trí thấp, người dân lại có thói quen trồng cây anh túc từ lâu đời. Nhưng sau một thời gian dài kiên trì, xã Mường Lống đã loại bỏ được ma túy ra khỏi địa bàn, đồng bào xã Mường Lống đã vượt khó vươn lên làm tốt ba việc: Chống trồng cây thuốc phiện, chống buôn bán ma túy qua biên giới gắn với cai nghiện, chữa trị, cảm hóa người nghiện tại gia.

Ngày trước, người dân Mường Lống trồng cây thuốc phiện chẳng phải vì “cái bụng ác” mà bởi họ chưa biết cách làm kinh tế, không biết dùng cách nào khác để có chi phí duy trì sinh hoạt hằng ngày. Nhưng giờ đây, cái ấm, cái no đã đến với đồng bào khi họ được dạy trồng trọt, canh tác, chăn nuôi. Nơi đây giờ đã không còn những ám ảnh, quằn quại trong nỗi đau “quên, lạc” của đói nghèo và những mùa hoa anh túc…

100% con em trong độ tuổi đều được đến trường, những hủ tục cúng bái lạc hậu đã được thay thế bằng những phương thuốc hiện đại. Thậm chí có những gia đình đã sắm được xe máy, ti-vi, điện sáng cũng đã về với bà con thôn bản. Mường Lống từ đó đã trở thành một điểm sáng của vùng sâu, là bản Mông đầu tiên ở huyện miền núi Quế Phong được công nhận danh hiệu “Làng Văn hóa”.

Một góc Mường Lống mùa hoa mận nở. Ảnh: Sách Nguyễn.

Xuân đến trên “Sa Pa xứ Nghệ”

Trời Mường Lống mùa này cứ đỏng đảnh như cô con gái vào tuổi dậy thì, thoắt nắng, thoắt cái sương sà xuống bịt kín lối đi. Thời điểm chúng tôi ghé thăm đã là non trưa nhưng Mường Lống vẫn mơ màng ngủ trong thung lũng bình yên dưới cái nắng nhạt của tiết lập xuân. Những đám mây bồng bềnh vờn hoa cỏ, len lỏi quanh từng sợi tóc, nắng gió nhè nhẹ đẩy đưa hương vị núi rừng khiến chúng tôi quên ngay những mệt mỏi, ồn ào nơi phố thị.

Mường Lống của bây giờ bạt ngàn những mận tam hoa, đào Úc, táo Tàu, khoai sọ, nương ngô, bãi sắn tươi tốt. Màu tím ma mị của hoa anh túc đã được thay bằng sắc trắng tinh khôi của những cánh hoa mận, hoa lau vẫn còn e ấp sương mai, những cánh đào hồng đang chúm chím bung nở khoe duyên với đất trời báo hiệu nàng xuân đến; lác đác đâu đó còn có vài chú trâu, bò đang ung dung nhấm nháp những ngọn cỏ non ngọt khiến cho thung lũng ngàn cây này khoác lên mình một tấm áo mới mang màu xanh của hy vọng.

Những thiếu nữ Mông căng tràn sức sống đi dự hội Xuân. Ảnh: Quốc Ðàn

Chúng tôi được anh Nhác A Phong – một người dân bản dẫn đi tham dự những lễ hội nhộn nhịp tiếng kèn, chiêng và thưởng thức những món ăn đậm mùi vị dân tộc như gà nướng, xôi ép, cơm lam, bò giàng, măng núi…

Đặc biệt, nhắc đến đặc sản Mường Lống những ngày giáp Tết không thể không kể tới món bánh dày đặc trưng. Xôi được đồ chín và bỏ vào một cái máng bằng gỗ, những người đàn ông lực lưỡng dùng chày giã nhuyễn, sau đó vắt ra thành từng khối tròn lẳn, bọc trong lá chuối đã được hơ qua lửa và cuối cùng là nướng bằng bếp than củi. Vậy là những chiếc bánh dày Mường Lống ra đời, có màu trắng như màu của khói sương lảng bảng ở vùng núi này và vị ngọt dìu dịu của nước suối trong vắt.

Trong tiếng xập xèng của những đồng bạc gắn trên váy áo các cô gái, tiếng khèn dập dìu của chàng trai, chúng tôi ngồi bên bếp lửa ấm nồng, cùng nhâm nhi chén rượu ngô cay nồng ấm nóng thoang thoảng mùi thơm. Vừa thưởng thức phong vị ấm áp đậm chất dân dã vừa nghe ông Lầu Giống Cải – Chủ tịch xã Mường Lống tâm sự: Ngày còn trẻ, ông trồng nhiều cây thuốc phiện lắm.

Sau khi có chủ trương xoá bỏ cây thuốc phiện, đích thân ông đi phá sạch hết giống cây đó và bảo vợ con trồng mận Tam hoa, đào Úc, đào Pháp… nhưng vợ con ông không nghe. Dân bản ai cũng cho rằng, khi không trồng cây thuốc phiện nữa thì lấy gì mà sống, vì Mường Lống xưa nay chẳng biết trồng cây gì cho phù hợp với đất đai và khí hậu đầy khắc nghiệt. Thuyết phục mãi, cuối cùng bà con đã thực hiện 100%. Đến nay, gia súc, gia cầm, những lương thực tốt cho sức khỏe đã trở thành nguồn thu nhập chính của bà con bản H’Mông.

Những bản Mông thường quanh năm lẩn khuất trong sương. Ảnh Quốc Đàn.

Người đến Mường Lống chẳng còn “lạc lối” trong thuốc phiện nên vẻ đẹp hoang sơ, nguyên thủy của bản mường giờ đây có sức lôi cuốn thật kỳ lạ. Trên hành trình trở về của chúng tôi, hai bên đường hàng vạn cánh hoa mận trắng đang nở rộ khoe sắc dưới ánh nắng ban mai càng tăng thêm vẻ trắng muốt đến say đắm lòng người, báo hiệu một năm mới an lành, hạnh phúc và hứa hẹn có nhiều sự thay đổi tốt đẹp hơn đến với thung lũng yêu thương này.

Trần Phong

Nguồn Báo điện tử Công Luận

Video hay


Cùng chuyên mục

Chi cục Thuế quận Bình Tân tuyên dương người nộp thuế chấp hành tốt chính sách, pháp luật thuế năm 2023

Chi cục Thuế quận Bình Tân tuyên dương người nộp thuế chấp hành tốt chính sách, pháp luật thuế năm 2023

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

AQUA – Yến sào Nest100 được vinh danh trong hạng mục “Thương hiệu Vàng phát triển bền vững”

AQUA – Yến sào Nest100 được vinh danh trong hạng mục “Thương hiệu Vàng phát triển bền vững”

TP.HCM nghiêm cấm cán bộ đi nước ngoài do doanh nghiệp tổ chức, đài thọ

TP.HCM nghiêm cấm cán bộ đi nước ngoài do doanh nghiệp tổ chức, đài thọ

Vai trò của phụ nữ trong khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế vì sự phát triển bền vững

Vai trò của phụ nữ trong khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế vì sự phát triển bền vững

Cửa hàng Dân sinh triệu nụ cười Hải phòng – tiếp nối những yêu thương

Cửa hàng Dân sinh triệu nụ cười Hải phòng – tiếp nối những yêu thương

Công ty TNHH MTV Web Cộng Đồng Việt Nam – Nơi công nghệ kết nối với thành công

Công ty TNHH MTV Web Cộng Đồng Việt Nam – Nơi công nghệ kết nối với thành công

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn