20 chiếc xuồng PVC chạy dọc sông Hồng chiều 21/9, mang tặng thiết bị học trực tuyến, quà trung thu cho trẻ em làng chài Văn Đức, huyện Gia Lâm.
Đội xuồng xuất phát từ bến đò Khuyến Lương, mang theo 25 bộ máy tính, máy tính bảng kèm sim số, thiết bị phát sóng, quà Trung thu do Thành đoàn Hà Nội tặng trẻ em làng chài.
Xóm nằm ven sông Hồng, đi đường bộ khó tiếp cận và bốc dỡ, đội xuồng hơi phản ứng nhanh PVC đã hỗ trợ chuyên chở thiết bị sang bên kia sông.
Làng chài Văn Đức có 24 hộ với gần 100 nhân khẩu thường trú tại thôn Trung Quan 3, xã Văn Đức. Từ năm 1960 trở đi, những gia đình chài lưới trên sông Hồng dần tụ hội về đây, tạo thành xóm vạn đò ven sông. Nhà cũng chính là thuyền, đò, hoặc đổ bê tông từ thuyền. Đàn ông vẫn quen nghề chài lưới, nuôi cá lồng, phụ nữ làm lao động tự do. Hai tháng Hà Nội cách ly xã hội, người dân xóm chài không thể đi làm, sống chủ yếu từ khoản tiết kiệm và nhu yếu phẩm do các nhóm thiện nguyện hỗ trợ.
Trong xóm có hơn chục đứa trẻ đang đi học, phần lớn thiếu thiết bị học trực tuyến. Lãnh đạo xã Văn Đức cho biết, cấp tiểu học và trung học có 15 em thiếu thiết bị học trực tuyến, chính quyền cùng nhà trường đang kết nối tìm nguồn xã hội hóa hỗ trợ.
Máy tính, sim số, thiết bị phát sóng phần lớn từ nguồn xã hội hóa đóng góp.
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo tới ngày 12/9, khoảng 1,5 triệu học sinh ở 26 tỉnh, thành đang phải học trực tuyến nhưng chưa có máy tính. Các bộ ngành đã phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”, kêu gọi toàn xã hội hỗ trợ thiết bị học tập cho học sinh, đặc biệt các em ở vùng dịch.
Cập bến, thành viên đội xuồng PVC bê vác trang thiết bị. Để đảm bảo an toàn, người được chọn cho các chuyến đi đã được tiêm vaccine, sống ở vùng xanh trên địa bàn thành phố.
Chị Đặng Thị Tẹo (áo trắng) và Nguyễn Thị Hằng cùng ba đứa con đứng trước nhà ngóng đội xuồng cập bến. Hai người mẹ đều đi rửa bát thuê trong các quán ăn, nghỉ việc hai tháng nay.
Hai cậu bé Nguyễn Đức Anh (áo cam) và Nguyễn Văn Phú là anh em họ cùng học lớp 2, trường Tiểu học Văn Đức. Không có điện thoại thông minh cho con học, buổi tối hai chị thường dắt con đi bộ gần 2 km vào trong xóm học nhờ điện thoại, máy tính nhà họ hàng.
Trong “nhà thuyền” bên cạnh, kỹ thuật viên hướng dẫn cho Nguyễn Gia Bảo cách sử dụng máy tính bảng. Cậu bé lớp 3 cũng không còn phải dán mắt vào chiếc điện thoại có màn hình bé bằng bàn tay, vừa học vừa sạc pin của bố nữa.
Được tặng món quà lớn đầu tiên trong đời là máy tính bảng, Đức Anh học cách làm quen. Từ hôm nay, em sẽ không phải vào trong xóm đi học nhờ điện thoại của bác.
Cuộc sống của những đứa trẻ làng chài chỉ loanh quanh sông nước, sang thuyền nhau chơi. Chị Hằng, mẹ Phú (áo vàng) tâm sự muốn con được lên bờ, sống khác đời bố mẹ nên phải quyết tâm cho đi học. Nhưng thiếu thiết bị học trực tuyến đang trở thành rào cản với con chị Hằng.
Chị Hằng kể liên tục nhận được tin nhắn của cô giáo, nhắc Phú không nộp đủ bài tập. Người mẹ phân trần con thiếu thiết bị học tập, chị cũng không thể ra ngoài đi mua điện thoại khi thành phố đang áp dụng Chỉ thị 16. Nhiều hôm dắt con đi học nhờ, cả hai phải quay về khi con cái nhà họ hàng cũng bận học.
Cuộc sống chài lưới khiến nhiều cha mẹ theo thuyền đi đánh cá cả tháng, gửi con ở lại cho ông bà chăm bẵm, quán xuyến học hành.
Năm học bắt đầu với lễ khai giảng trực tuyến, học trực tuyến và hàng triệu học sinh chưa thể quay lại trường khi dịch vẫn phức tạp. Những học sinh thiếu thiết bị học tập chủ yếu là trẻ nông thôn, vùng cao, ven thành phố…
Phạm Chiểu – Hồng Chiêu
VnExpress