Làng gốm sứ Bát Tràng: Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia bên bờ Sông Hồng

17:30 | 20/09/2022

(CLO) Làng gốm sứ Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội có niên đại hàng trăm năm ở tả ngạn Sông Hồng. Nơi đây lưu giữ những nét văn hóa truyền thống lâu đời của một làng gốm cổ, đồng thời là cái nôi và là điểm cung cấp những sản phẩm gốm sứ chất lượng hàng đầu đất nước.
‘Làng gốm cổ’ có niên hàng trăm năm
Cách trung tâm Thủ đô Hà Nội gần 20km về phía Đông Nam tả ngạn Sông Hồng, làng gốm sứ Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) được người dân trong nước và quốc tế biết đến là một Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có niên đại hàng vài trăm năm. Đây là nơi sản xuất ra những sản phẩm gốm sứ chất lượng, lưu giữ những nét văn hóa truyền thống lâu đời nhất.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư và Dư địa chí của Nguyễn Trãi, làng gốm Bát Tràng được hình thành từ thời Lý, vào khoảng thế kỷ 14 – 15. Dù đã trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển nhưng đến nay, ngôi làng vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống đáng quý và giá trị nghệ thuật được đặt vào từng sản phẩm. Ngoài các mặt hàng phục vụ đời sống tâm linh, cúng bái của người Việt, các lò gốm ở Bát Tràng còn làm ra sản phẩm tiêu dùng, trang trí, trưng bày với mẫu mã, kiểu dáng, và chất liệu hiện đại hơn.

Một góc của làng nghề làm gốm sứ Bát Tràng – Ảnh: Đình Trung.

Theo người dân làng Bát Tràng cho biết, chữ Bát trong Bát Tràng có nghĩa “bát ăn”, chữ Tràng hiểu là “cái sân lớn”. Vì vậy, chúng ta có thể hiểu làng Bát Tràng là làng chuyên sản xuất sản phẩm bát, chén… Từ thuở khai sinh ra làng Bát Tràng, người dân nơi đây đã nổi tiếng khắp cả nước với bàn tay tài hoa khi tạo ra nhiều sản phẩm bằng gốm sứ chất lượng, độc đáo, đẹp đến lạ thường.

Ngoài ra, điều thú vị là du khách khi đến thăm làng gốm sứ Bát Tràng đều có thể trải nghiệm xem các nghệ nhân nơi đây chế tác ra một sản phẩm gốm sứ chất lượng, công phu, tỉ mỉ. Đặc biệt, du khách có thể tự tay tạo ra những sản phẩm gốm sứ mà mình yêu thích.

Ngày nay, khi xã hội càng phát triển với đầy đủ tiện nghi, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn theo năm tháng. Làng gốm sứ Bát Tràng dù trải qua niên sử hàng nghìn năm nhưng vẫn giữ cho mình nét mộc mạc, giản dị, nhiều ngôi nhà cổ vẫn mang đậm nét văn hóa truyền thống, thậm chí vẫn còn nguyên nét rêu phong thời xưa.

Theo PV ghi nhận, dọc đường làng ngõ xóm của làng gốm sứ Bát Tràng vẫn xuất hiện rất nhiều ngôi nhà cổ, đơn sơ, thậm chí nhiều bức tường nơi đây còn mọc đầy rêu xanh hay hình ảnh mang đậm nét văn hóa của người Việt xưa như cây đa – giếng nước – sân đình. Điểm đặc biệt là người dân làng Bát Tràng vẫn lưu giữ hình ảnh phơi sản phẩm gốm sứ trước cửa nhà đã khơi gợi cho người ta nhiều hoài niệm về tuổi trẻ, quá khứ.

Các sản phẩm gốm sứ Bát Tràng đều được chế tác bán thủ công dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân – Ảnh: Đình Trung.

Bà Quang (65 tuổi) – người dân làng Bát Tràng cho biết: “Người dân làng gốm sứ Bát Tràng vốn xem trọng văn hóa cội nguồn, muốn lưu giữ lại những gì mà cha ông để lại. Dù buôn bán gốm sứ nhiều lộc lãi nhưng rất ít hộ gia đình bỏ tiền ra xây dựng lại nhà cửa, vẫn để nguyên những mẫu nhà đã xây dựng hàng chục năm về trước, thậm chí có những ngôi nhà có niên đại hàng trăm năm”.

Trong khuôn viên làng gốm Bát Tràng có khu chợ nổi tiếng, nơi đây không bán các sản phẩm là tiêu dùng hàng ngày mà chỉ bán những sản phẩm liên quan đến gốm, sứ. Tại đây, những món đồ nhỏ làm bằng gốm như chai lọ, chậu hoa nhỏ… cho đến những sản phẩm chế tác thủ công tinh xảo kích thước lớn như bình hoa, đôi lục bình để thờ, chậu cây cảnh… đều được trưng bày tại hàng trăm gian hàng nằm sát nhau đã tạo lên không gian triển lãm gốm sứ số 1 tại làng gốm sứ Bát Tràng, thu hút số lượng lớn du khách trong và ngoài nước tới tham quan, chiêm ngưỡng.

Gốm sứ Bát Tràng: ‘Chất lượng trên từng sản phẩm’

Với niên đại hàng trăm năm nên gốm sứ Bát Tràng đã quá nổi tiếng trong và ngoài nước. Bởi vậy, các mặt hàng gốm sứ nơi đây được nhiều chuyên gia đánh giá là sản phẩm chất lượng nhất nhì Kinh kỳ (Thăng Long xưa). Các sản phẩm gốm sứ thủ công của làng Bát Tràng là sự giao thoa giữa thủ pháp kỹ nghệ tinh xảo cùng đôi bàn tay tài hoa và bộ óc sáng tạo của nghệ nhân, tạo ra sự khác biệt mang nét đặc trưng riêng, đậm nét văn hóa của người dân tả ngạn Sông Hồng.

Theo ghi nhận, hầu hết các hộ gia đình tại làng Bát Tràng đều sản xuất gốm sứ. Họ sản xuất đa dạng các mẫu mã, thậm chí có những sản phẩm gốm sản xuất ra dựa trên sự kết hợp giữa văn hóa Đông – Tây tạo nên một sản phẩm đặc sắc, ấn tượng, mang lại giá trị cao về kinh tế. Đơn cử như những mặt hàng trang trí như bình hoa, tranh gốm, tượng gốm tới những vật dụng thờ cúng như bát hương, lọ lục bình đều được các nghệ nhân chế tác tinh xảo, tỉ mỉ.

Lò Bầu cổ – một địa điểm du lịch độc đáo mà du khách có thể ghé qua bởi nơi đây du khách có thể trải nghiệm quy trình làm gốc và trực tiếp xem các nghệ nhân chế tác sản phẩm. Ngoài ra còn nhiều địa điểm khác như Bảo tàng gốm Bát Tràng hay nhà cổ Vạn Vân đều mang những bản sắc riêng của làng gốm sứ Bát Tràng – Ảnh: Đình Trung.

Theo ông Phạm Anh Đức, nghệ nhân làng gốm sứ Bát Tràng cho biết: “Không như những loại men thông thường khác, loại men mà các nghệ nhân nơi đây sử dụng được chế từ vỏ trấu. Cách điều chế loại men này là công thức gia truyền của nghệ nhân làng gốm sứ Bát Tràng…”.

Nghệ nhân Phạm Anh Đức cho biết thêm, loại men này cơ bản là lấy vỏ trấu đã đốt để nguội trộn với vôi bột, kết hợp với bùn đất theo tỷ lệ nhất định rồi rồi sau đó mới đem đi nghiền mịn. Với cốt đất đặc trưng lấy từ cát, phù sa của dòng sông Hồng, kết hợp cùng quá trình nung trong lò với nhiệt độ từ 1200 – 1300 độ C đã tạo nên màu men đằm, sâu, mang nét riêng của dòng gốm sứ cổ Bát Tràng.

Những kinh nghiệm, kỹ năng chế tạo gốm sứ tinh xảo của các nghệ nhân làng Bát Tràng được truyền từ đời này sang đời khác. Hàng trăm năm qua, những mặt hàng gốm sứ ngoài được phân bổ trên khắp cả nước, mà sản phẩm nơi đây còn được xuất khẩu tới nhiều trị trường tiêu thụ khó tính trên thế giới như Đan Mạch, Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Theo chị Lương Nguyệt Minh – Quản lý khu du lịch Lò Bầu Cổ chia sẻ: “Đa số những sản phẩm gốm sứ Bát Tràng được làm theo hình thức bán thủ công chứ không phải sản xuất theo kiểu dây chuyền (công nghiệp) máy móc như Trung Quốc…”.

Một số sản phẩm gốm sứ được bày bán tại làng gốm sứ Bát Tràng:

Không gian trưng bày, bán các sản phẩm gốm sứ tại làng Bát Tràng – Ảnh: Đình Trung.
Có rất nhiều sản phẩm được bày bán như bình đựng hoa kích thước lớn, đôi bình gốm cảnh, bình đựng hoa… đều được chế tác tinh xảo, tỉ mỉ – Ảnh: Đình Trung.
Cận cảnh sản phẩm làm thủ công tại làng gốm Bát Tràng – Ảnh: Đình Trung.

Ngoài ra, còn nhiều sản phẩm bình gốm mẫu mã khác nhau cũng được bày bán tại khuôn viên làng gốm Bát Tràng – Ảnh: Đình Trung.

“Mọi công đoạn làm gốm vẫn phải có những máy móc để hỗ trợ, chỉ hỗ trợ những bước cố định. Trong khâu tạo hình thì phải có máy in tạo hình, nhưng đến khâu tiện sửa, đắp nặn hoặc trang trí thì bắt buộc phải thủ công bằng đôi bàn tay của nghệ nhân”, chị Nguyệt Minh giải thích về sản phẩm gốm sứ làm bằng hình thức bán thủ công.

Quản lý khu du lịch Lò Bầu Cổ cho biết thêm, vào năm 2019, làng gốm sứ Bát Tràng đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bởi vậy, khi du khách đến với làng Bát Tràng, tận mắt chiêm ngưỡng những sản phẩm gốm sứ làm bằng bán thủ công chắc hẳn mọi người sẽ vỡ òa trong cảm xúc và cảm thấy ấn tượng đến lạ thường bởi chi tiết trên từng sản phẩm được chế tác quá tỉ mỉ và họa tiết vô cùng độc đáo, bắt mắt.

Theo Congluan.vn

https://www.congluan.vn/lang-gom-su-bat-trang-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-ben-bo-song-hong-post214174.html#p-0

Video hay


Cùng chuyên mục

Bế mạc Festival “Về miền Ví, Giặm – Kết nối tinh hoa di sản”

Bế mạc Festival “Về miền Ví, Giặm – Kết nối tinh hoa di sản”

Hội thảo Quốc gia về “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”

Hội thảo Quốc gia về “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”

Thiếu tướng Hoàng Sâm – Người con ưu tú của quê hương Quảng Bình

Thiếu tướng Hoàng Sâm – Người con ưu tú của quê hương Quảng Bình

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Chi cục Thuế quận Bình Tân tuyên dương người nộp thuế chấp hành tốt chính sách, pháp luật thuế năm 2023

Chi cục Thuế quận Bình Tân tuyên dương người nộp thuế chấp hành tốt chính sách, pháp luật thuế năm 2023

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế