Từ xa xưa, nhân loại luôn cảm thấy nỗi khát khao muốn kiếm tìm chân lý. Nhiều người quyết tâm rời bỏ các cám dỗ trần tục để tiếp cận với những cảnh giới tâm linh. Tuy nhiên vượt qua dục vọng không phải là một thử thách dễ dàng đến vậy…
Nhân loại luôn muốn vươn lên, nhưng thường hay bị mắc kẹt giữa dục vọng và lý trí. Thậm chí, cả những hiệp sĩ cứng rắn nhất cũng luôn phải đối mặt với quan ải khó khăn này.
Bức “Giấc mơ của người hiệp sĩ”
Một người hiệp sĩ trẻ ngủ quên trên ghế, đầu dựa vào cánh tay, giấc mơ của chàng được miêu tả bởi những biểu tượng trên chiếc bàn bên phải, trong đó có sách, bản nhạc, vũ khí, bộ giáp, tiền bạc, đồ trang sức, những bông hoa, quả địa cầu, một chiếc mặt nạ… Trong các tác phẩm hội họa với chủ đề này, bộ giáp, vũ khí và quả địa cầu biểu thị cho ước muốn quyền lực, đồ trang sức biểu thị cho ham thích sắc đẹp, sách biểu thị cho kiến thức, bản nhạc và chiếc mặt nạ là các hình thức giải trí nghệ thuật.
Nổi bật lên trong bức tranh là một chiếc đầu lâu, ngoài ra còn có một cái đồng hồ, một ngọn nến tàn lụi, những bông hoa. Đó là những biểu tượng thể hiện sự phù hoa, bấp bênh, sớm nở tối tàn. Nếu để ý kỹ, người xem còn phát hiện ra một chiếc đầu lâu thứ hai đang bị lật, thể hiện phía bên trong hộp sọ. Tất cả chỉ để nói lên rằng quyền lực, ham muốn, kiến thức, hay giải trí đều không phải là những thứ bền chặt, là “phù hoa”, là những dục vọng mà một người luôn phải đối mặt.
Bên cạnh người hiệp sĩ đang ngủ, một thiên thần khẽ bay đến, mang theo một miếng vải với dòng chữ: “Aeterne pungit, cito volat et occidit”. Người ta khó mà có thể dịch nguyên nghĩa của câu nói viết bằng tiếng La Tinh cổ này, vì có vẻ như đến cả ngôn ngữ dưới trần gian cũng chẳng thể tồn tại mãi mãi. Tuy nhiên, đại ý của nó là: “Chúng luôn khuấy động và giày vò tâm can của chúng ta, nhưng rồi cũng bay đi và mục nát mất”. Vậy nên vượt qua dục vọng là điều mà một người hiệp sĩ chân chính cần làm được.
Bức “Dụ ngôn giấc mơ của người hiệp sĩ”
Một người hiệp sĩ nằm ngủ phía trước một cây nguyệt quế. Cái cây chia bức tranh ra làm hai phần, mỗi phần có một người phụ nữ. Người phụ nữ bên trái ăn mặc giản dị, cầm một thanh kiếm và một cuốn sách giơ lên phía trên đầu của hiệp sĩ. Còn người phụ nữ bên phải trang điểm xinh đẹp và lãng mạn, trên tay cầm một cành hoa. Con đường và cảnh tượng phía bên trái mang cho người ta cảm giác khó khăn, ngược lại, cảnh vật phía bên phải bức tranh khá thơ mộng.
Thanh kiếm và cuốn sách biểu thị cho trách nhiệm của người hiệp sĩ, còn bông hoa biểu thị cho dục vọng. Trách nhiệm luôn kèm theo gánh nặng và chông gai, còn dục vọng an nhàn thì rất dễ dàng đạt được, do đó vượt qua dục vọng là điều hết sức khó khăn. Có thể họa sĩ Raffaello Sanzio da Urbino đã lấy cảm hứng cho bức tranh từ những dòng thơ trong trường ca Punica của Silius Italicus, những dòng thơ kể câu chuyện về viên tướng Scipio phải chọn lựa giữa Venus (lạc thú) và Minerva (đức hạnh).
Bức “Sự tiết chế của Scipio”
Về Scipio, cũng có một bức tranh khác mô tả một lựa chọn hiếm hoi của viên tướng La Mã tài giỏi này. Vào thời bấy giờ, khi một thành trì bị chiếm giữ, những người phụ nữ trong thành sẽ bị bắt làm nô lệ và bị ngược đãi tàn tệ, không có ngoại lệ dù là đối với quý tộc.
Chuyện kể rằng sau khi thành Carthage bị Scipio chiếm giữ, và người vợ chưa cưới xinh đẹp của hoàng tử Allucius bị bắt, thay vì lạm dụng cô như một nữ tù nô lệ, Scipio đã bất ngờ trả lại cô cho cha mẹ và chồng chưa cưới. Đồng thời, Scipio cũng lấy quà tặng lớn mà mình nhận được từ họ làm quà cho đám cưới của hai người.
Trong văn học và nghệ thuật cổ điển phương Tây, hành động đi ngược lại thông lệ của Scipio đã trở thành một trong những ví dụ rất điển hình về sự hào phóng và tiết chế dục vọng trong chiến tranh.
Đề tài “Phù hoa” trong hội họa
Trong các bức tranh phương Tây, đề tài về những thứ “Phù hoa”, những theo đuổi bất tận mà tiếc nuối của con người cũng được nhiều nghệ sĩ khắc họa rõ nét. Đó là danh vọng, là tiền bạc, là nhan sắc, là những thú vui… Thậm chí các học giả cũng không thoát khỏi vòng luẩn quẩn truy cầu tri thức.
Trong bức “The Allegory of Vanity” của Giovanni Benedetto Castiglione, chúng ta cũng có thể chứng kiến những điều tương tự. Ngay lập tức thu hút người xem là những nhạc cụ được vứt ngổn ngang, là các bình hoa, bộ giáp, quả địa cầu, v.v. Phía xa bên trái chúng ta cũng có thể chứng kiến những kẻ đang chìm trong rượu và dục vọng. Nhưng đứng ở giữa và là tâm điểm của bức tranh, thu hút cái nhìn khâm phục của kẻ khác, là một người đội vòng nguyệt quế bước ra, vượt qua tất cả và tìm được chân lý.
Sự phù hoa vô thường đôi khi cũng được miêu tả bằng một bức tĩnh vật trong một tòa thành cổ. Trong bức “Large Vanitas Still-Life”, nổi bật lên là các vương miện khác nhau của các thời kỳ khác nhau, và thậm chí đến cả những đỉnh điểm danh vọng như Đức Giáo Hoàng cũng không thể tránh khỏi sức mạnh của thời gian mà qua đi trong phút chốc.
Trong bức “Allegory of Vanity” của họa sĩ Jan Miense Molenaer vẽ một người con gái đang cầm những sợi tóc của mình lên và suy ngẫm về sự phù du của những giá trị mà mình đang có. Phía trên giá là nhiều loại nhạc cụ khác nhau, và một tấm bản đồ thế giới, ám chỉ sự tài hoa của người thiếu nữ này. Phù hoa không chỉ là quyền lực, danh vọng, ham muốn với nam giới, mà còn là nhan sắc, tài hoa với nữ giới.
Ngắm nhìn những tác phẩm này, người xem chúng ta, nhất là người phương Đông lại quay về với những câu hỏi lớn về chân lý cuộc đời như: Ta là ai? Ta tới thế gian để làm gì? Chết rồi sẽ đi về đâu? Liệu quy luật nhân quả và báo ứng có là sự thật?
Quang Minh/VisionTimes