Vương phi Mỵ Ê trong lịch sử và văn hóa Việt

13:27 | 08/07/2024

Với 400 trang, khổ 13,5 x 20,5 “Vương phi Mỵ Ê trong lịch sử và văn hóa Việt”, được Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc ấn hành quý II. 2024. Đây là công trình khảo cứu bài bản, công phu, và có kết quả thuyết phục của nhà văn Châu Hồng Thủy (chủ biên) và Hoàng Thị Hiệp, về một nhân vật có lai lịch và số phận khác thường, đã để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử văn hóa và văn chương Việt Nam. Cứ ngỡ, đây đã trở thành chuyện xưa tích cũ, mờ ảo khói sương. Nào ngờ, các tác giả đã vén màn cổ sử, tạc lại bức chân dung một con người; rằng thương thì thật là thương, đạo cương thường giữ làm gương răn đời…

Cư nhà văn tự thuật, ông có 10 năm dạy học ở Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc, gần 30 năm sống ở Nga. Ông có nhiều công trình nghiên cứu, dịch thuật và sáng tác thơ văn, là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, từng tốt nghiệp trường Viết văn Gorki, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga, Tổng Biên tập Tạp chí “Người bạn đường”. Nhưng thảy đều viết về nơi đất khách quê người“chưa có một cuốn sách nào viết về mảnh đất quê hương”(huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). Trở về quê sau 50 năm đi xa, nhà văn “thấy mình còn nợ quê hương nhiều lắm, phải làm một điều gì đó để trả ơn cho cha mẹ và mảnh đất đã sinh ra, nuôi dưỡng tâm hồn mình từ thuở ấu thơ”. Nội cái động cơ ấy để làm cuốn chuyên khảo này, đã rất nhân văn và trân quý lắm. Vả lại, đây cũng là một đề tài còn nhiều điều để nói, nhiều việc để làm, nhằm bổ khuyết cho những gì quá sơ sài, giản lược. Tích xưa chuyện cũ, màn huyền sử trộn lẫn thực hư, chủ yếu diễn ra ngay trên quê hương ông – vùng quê “nằm trọn trong vòng ôm của hai con sông: sông Châu Giang (gọi tắt là sông Châu)bốn mùa êm ả xanh trong và Hồng Hà cuộn sắc phù sa đỏ”. Nơi ấy nhiều địa danh trở thành địa chỉ lịch sử – văn hóa, nhiều đình đền, miếu mạo gắn liền với những danh nhân trác việt (Trần Quốc Tuấn); với nơi tích trữ lương thảo của quân dân nhà Trần trong cuộc kháng chiến vệ quốc chống Mông – Nguyên; với bảo vật quốc gia (trống đồng làng Như Trác, huyện Lý Nhân do những người thợ đấu làng Ngọc Lũ huyện Bình Lục đào được); với cuộc đời bi thiết về “người con gái Nam Xương”.

Trong đó, dày đặc những di chỉ gắn liền với truyền thuyết đẹp mà bi tráng về Vương phi Mỵ Ê. Nhà văn có lợi thế là người sở tại, điền dã thực tế ngay trên quê mình, chứ không phải là “kẻ ngoại lai”, “cưỡi ngựa xem hoa”! Bằng tất cả cái tâm với quê nhà và sự hiểu biết, cùng niềm tin tâm linh, cơ hồ đã trở thành máu thịt, các tác giả của công trình đã thực hiện trọn vẹn câu chuyện về Vương phi “trong lịch sử và văn hóa Việt”. Đây là cả một công phu và cẩn trọng! Đọc xong sách mới thấy Châu Hồng Thủy cùng cộng sự tận dụng mọi nguồn tư liệu từ văn học và sử liệu dân gian trong Nam ngoài Bắc; sách vở, báo chí (gồm cả thơ văn) viết về Vương phi; các sắc phong của vua chúa; nghi thức thờ phụng, lễ hội; câu chữ trong các đình đền, miếu phủ…

Ngã ba sông Hồng và sông Châu Giang

Điều kì lạ, Vương phi là người ngoại quốc, Bà đang trên đường bị áp giải từ Chiêm Thành về non nước này. Sự hiện diện chưa được bao lâu, mới chỉ như gió thoảng mây bay, mà sau khi Bà cuốn tấm chăn chiên không chịu nhục, quyên sinh ở cửa Tuần Vường, thì cả thi thể lẫn tinh anh, đã hòa vào mạch chảy của lịch sử – văn hóa và tâm linh dân tộc Việt. Cuộc tuẫn tiết thật kì diệu và bí ẩn. Nhưng dường như ở Bà, sự kết thúc này lại mở một cuộc đời mới, với niềm cảm xúc, cảm khái bất tận của người đời, bao gồm cả người Việt lẫn đồng bào của bà. Khí tiết và khí phách của Bà vượt lên trên mọi kì thị sắc tộc, biên giới, thắng thua…Dường như, mẫu số chung của giá trị con người phải là đạo đức, nhân cách! Ngày xưa, thời nào Bà cũng có sắc phong; dân gian thì “đình miếu để thờ” và truyền tụng; sử sách thì ghi chép; các nhà thơ văn (có cả những đỉnh cao văn chương) thì trước tác, sân khấu thì tạo tích trò. Bà trở thành phúc thần, thành hoàng chở che cho muôn dân. Lạ kì thay, đến hoa lá cỏ cây cũng dành riêng một loài lấy tên vị Vương phi, mà cuộc đời có bao nỗi vân vi, thương cảm – hoa Mỵ Ê.

Người đời nay, vẫn còn quan tâm tới vị liệt nữ trung trinh ấy, trong các bài báo, các công trình khảo cứu. Trong đó, công trình của Châu Hồng Thủy (Chủ biên) là mới nhất. Nhìn vào bố cục để thấy sự công phu, thấy mạch kết cấu và sợi dây tư tưởng – cảm xúc xuyên suốt công trình.

Ngoài Lời nói đầu, Lời cuối sách, Lời cảm ơn và Tư liệu tham khảo, cuốn sách có 3 phần:

Phần I: Mỵ Ê – Từ huyền thoại dân gian đến sử sách. Phần này có 6 chương: Sơ lược tình hình nghiên cứu về Vương phi Mỵ Ê; Huyền thọai Mỵ Ê trong dân gian; Tên người – tên đất liên quan đến câu chuyện Mỵ Ê; Đi tìm Hành cung Lý Nhân; Việc thờ phùng Bà Mỵ Ê và các sắc phong dành cho bà; Vương phi Mỵ Ê bước vào văn học và sử sách Việt.

Phần II: Khảo sát các địa phương thờ phụng bà Mỵ Ê. Phần này gồm 8 chương: Trung tâm thờ phụng thứ nhất – Đền Ba Làng; Trung tâm thờ phụng thứ hai – Miếu Lăng và đình Phúc Mãn; Đình Lý Nhân Nội – vệ tinh thứ nhất của đền Ba Làng; Đình Lý Nhân Ngoại – vệ tinh thứ hai của đền Ba Làng; Đình Lam Cầu – vệ tinh thứ ba của đền Ba Làng; Các địa điểm khác thờ phụng Bà Mỵ Ê ở xã Phú Phúc; Việc thờ phụng Bà Mỵ Ê ở gần Cửa Tuần Vường; Việc thờ phụng Bà Mỵ Ê ở Thanh Liêm – Hà Nam, Hà Nội và một số nơi khác.

Qua đây mới thấy, Bà Vương phi bất diệt trong tâm linh – tâm thức dân gian tới mức nào. Những ai trong đời làm những việc trung trinh, liệt nữ, phò nghiêng đỡ lệch, hộ quốc an dân…,thì dù không phải là người trong một nước, nhưng tấm gương đáng soi chung, để lại được những bài học giáo huấn, làm lay động lòng người, thì muôn đời vẫn khói hương thờ phượng…Ở Việt Nam ta, đã từng có những nhân vật như thế. Uy vũ và đức độ như Quan Vân Trường chẳng hạn. Tinh thần dân chủ, lòng khoan hòa, thái độ không hẹp hòi, luôn dung hợp những giá trị văn hóa – đạo đức từ nhiều nguồn, để làm giầu có bản sắc dân tộc, làm nền tảng cho tư tưởng và vẻ đẹp tâm hồn người Việt, chẳng phải là một truyền thống, thông qua những ví dụ sinh động đó sao?!

Đồng thời qua đây, càng thấy các tác giả có tinh thần làm việc nghiêm túc khoa học, cái nhìn toàn diện, cách làm cẩn trọng công phu, trong việc điền dã, sưu tầm, khảo cứu để có được nguồn tư liệu phong phú và xử lý nó thành công. Nguồn tư liệu ấy được sắp xếp có hệ thống, đáng tin cậy và khỏa lấp được những gì bấy nay còn khiếm khuyết. Đây là một trong những thành công nhất, đáng trân quý của công trình khảo cứu này.

Phần III: Phụ lục (gồm có 7 mục: Các sách cổ ghi chép về Vương phi; Mỵ Ê-nguồn cảm hứng bất tận của thơ ca; Các sắc phong cho Bà ở đình Lam Cầu, xã Nhân Thịnh; Các sắc phong cho Bà mới tìm thấy ở điện thờ Trần Hưng Đạo Đại vương ở làng Lý Nhân Nội, xã Phú Phúc; Các sắc phong cho Bà ở Phủ Mẫu, làng Phú Cốc; Các sắc phong cho Bà hiện còn lưu giữ được ở đình Đông Trữ (đình Trà Trữ) xã Tiến Thắng; Một số hình ảnh thờ phụng Bà Mỵ Ê, hình ảnh hoa Mỵ Ê ở miền Trung Việt Nam).

Như trên đã nói, tấm gương liệt nữ của Vương phi đến nay đã trải gần 10 thế kỉ, qua bao đời. Thời gian đi qua, khoác lên những huyền tích mới. Cuộc đời Bà kết thúc bi thiết, nhưng lại mở ra bao khúc từ chương và hiển linh trong lịch sử, văn hóa và tâm linh người Việt. Tôi đọc thấy trong công trình khảo cứu một Con người, một phụ nữ được thần thoại hóa, bất tử hóa đầy cảm xúc thẩm mĩ và vẻ đẹp nhân văn.

Vương phi Mỵ Ê hóa thành thần ban phúc trừ tà, hóa thân thành hoa cho đời chiêm ngưỡng. Có huyền thoại kể rằng, Bà đã hóa phép cho bầy quạ tiêu diệt tên phù thủy độc ác và tinh tướng, khiến y bỏ mạng ở làng Đại Hoàng. Thiên tai, dịch bệnh, dân trong vùng cầu đảo, Bà đều hiển linh chở che phù hộ. Bà còn hóa thành “Mỹ nhân ngư”, có thân hình thắt đáy lưng ong – một loài cá quý hiếm, mà ngư dân xem là lộc trời, cá vàng cá bạc: da dùng làm chỉ khâu y tế, giá khoảng 2 ngàn đô la Mĩ / kg. Thịt cá “dùng làm món đặc sản trong những nhà hàng sang trọng, hiếm người được thưởng thức”.

Nhiều sử sách xưa đều kể về tiếng khóc ai oán của người liệt nữ nơi cửa sông, nơi Hành cung Lý Nhân. Chỉ đến khi có khói nhang của chúng sinh bầy tỏ lòng tôn quý, tình xót xa thương cảm và chia sẻ, thì âm thanh tức tưởi, nỉ non kia mới chấm dứt. Và giấc mơ. Giấc mơ nào của các đấng quân vương cũng đều thấy Bà hiển linh báo mộng cả. Trong đó, Bà luôn mặc y phục Chiêm Thành, tâu những lời thống thiết. Nhưng không bao giờ làm nhục quốc thể, hạ uy linh vua chồng mình. Người ấy “không thể cùng bệ hạ tranh sáng, nhưng cũng là người hiển hách ở một phương,thiếp thường chịu ơn nghĩa của chàng” Bà cũng không giấu giếm ước nguyện báo ơn vua chồng, muốn báo thù cho chồng, cho nước, nhưng phiền nỗi “liễu yếu đào tơ” và chưa có dịp. Bà xem cái việc bị đẩy đến bước đường cùng, phải cuốn tấm chăn, trẫm mình quên sinh là may mắn, ơn huệ. Chỉ có như thế mới vẹn đạo quân thần, nghĩa tình chồng vợ. Thật là tuẫn tiết trung trinh, xét cả trên nền tảng Nho giáo, lẫn quan niệm đạo đức Nhân dân.

Trong sự chi phối nghiệt ngã của cơ chế thị trường, sự lũng đoạn của kim tiền tạo nên sức mạnh xô đẩy và xáo trộn những giá trị đạo đức, cùng quan niệm và lối sống thời đương đại, thì những tấm gương trung trinh, liệt nữ như của Vương phi Mỵ Ê có còn cần thiết, có còn nguyên giá trị? Và nếu còn, nếu cần thì phải làm gì tích cực, thiết thực và đổi mới sáng tạo hơn nữa, để tạo nên sức mạnh lan tỏa và cộng hưởng? Thiết nghĩ những câu hỏi ấy đã được giải đáp ít nhiều trong bố cục và kết cấu của cuốn sách. Tuy nhiên, nên chăng cũng cần trực tiếp, quyết liệt và để lại dấu ấn rõ nét hơn.

Tôi muốn mượn mấy câu thơ của chính Châu Hồng Thủy, bài “Cửa Tuần Vường tuẫn tiết tuổi đôi mươi”, đặt ở gần cuối sách để kết lại mấy lời này: “Cuộc đời Nàng bước vào sử sách/ Thành suối nguồn cảm hứng của văn thơ/ Nàng Liệt nữ thành phúc thần che chở/ Dân ngàn năm dâng hương khói phụng thờ”. Có thể nói công trình khảo cứu do ông chủ biên đã đi theo ánh sáng tư tưởng – cảm xúc thẩm mĩ ấy. Và đó là thành công đáng trân trọng, sau bấy nhiêu thời gian, bấy nhiêu lớp huyền tích về một Con người. Xin cùng bạn đọc xa gần nâng trên tay và mở rất êm từng trang sách…

Đón chào mùa Hoa Phượng mới, 2024.

(Đôi điều cảm nhận của Đinh Thiên Hương)

 

Cùng chuyên mục

Đồng Nai: Liên quan biệt thự cổ ‘nhà lầu ông Phủ’ Sở Xây dựng đề xuất 4 phương án bảo tồn

Đồng Nai: Liên quan biệt thự cổ ‘nhà lầu ông Phủ’ Sở Xây dựng đề xuất 4 phương án bảo tồn

Niềm vui tà áo dài xứ Huế

Niềm vui tà áo dài xứ Huế

“Bản hùng ca bất diệt” bên dòng sông Thạch Hãn

“Bản hùng ca bất diệt” bên dòng sông Thạch Hãn

Tháng tri ân nhớ về một thành trì bất diệt

Tháng tri ân nhớ về một thành trì bất diệt

Di tích Võ Xuân Cẩn được công nhận là Di tích Lịch sử Quốc gia

Di tích Võ Xuân Cẩn được công nhận là Di tích Lịch sử Quốc gia

Trời Tây xa lắc

Trời Tây xa lắc

Về một bài thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên tặng hai người phụ nữ Bình Định

Về một bài thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên tặng hai người phụ nữ Bình Định

Lê Khánh Mai và hành trình nhà thơ nữ bứt phá

Lê Khánh Mai và hành trình nhà thơ nữ bứt phá

Thu Bồn – Tráng sĩ hề… dâu bể

Thu Bồn – Tráng sĩ hề… dâu bể