Vua Mèo cứu cha, đánh bại phát xít Nhật

12:18 | 26/08/2018

Cứu cha thoát khỏi nhà giam của Pháp, Vương Chí Sình trực tiếp chỉ huy người Mèo đánh bại quân Nhật trên đất Hà Giang.

Sau bản hòa ước đầu tiên với Pháp năm 1913, người Mèo ở Đồng Văn được sống bình yên trong chế độ tự trị kéo dài từ năm 1924 đến 1936.

Vua Mèo Vương Chính Đức cùng con cháu trong dòng họ và lính bảo vệ. Ảnh tư liệu

Đầu năm 1936, dưới thời toàn quyền Catroux, Pháp bắt đầu xây dựng hệ thống đồn bốt, công sự ở vùng biên giới để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh với Việt Minh. Số quân Pháp thường trực ở Đồng Văn được tăng cường lên gấp 3.

Trước tình thế đó, Vua Mèo Vương Chính Đức lãnh đạo người Mèo công khai chống Pháp. Sau hơn 10 năm chuẩn bị, lực lượng vũ trang người Mèo được củng cố vững mạnh, quy mô hoạt động rộng hơn.

Giữa năm 1936, một đoàn vận tải của Pháp chở quân trang, lương thực lên bổ sung cho quân đội ở Đồng Văn đã bị lực lượng vũ trang người Mèo tập kích tại Lao Va Chải (huyện Yên Minh ngày nay). Toàn bộ quân Pháp bị tiêu diệt. Người Mèo thu được nhiều chiến lợi phẩm.

Cứu cha khỏi nhà giam Pháp

Để trả thù cho hành động trên, chính quyền Pháp ở Đông Dương sắp đặt một âm mưu thâm độc. Một mặt, người Pháp coi như không có chuyện gì xảy ra. Ít lâu sau, chính quyền thuộc địa tổ chức cuộc đấu xảo ở Hà Nội, mời tất cả thủ lĩnh người Mèo, trong đó có Vương Chính Đức đến dự và bắt giam tất cả.

Theo chị Vàng Thị Chờ (chắt nội Vương Chính Đức, hiện làm thuyết minh viên khu nhà Vương ở Hà Giang), sau khi Vua Mèo bị bắt giam, chế độ tự trị của người Mèo ở Đồng Văn bị xóa bỏ. Việc cai trị do các đồn lính Pháp trực tiếp quản lý.

Không chịu khuất phục, một trong những người con trai của Vương Chính Đức là Vương Chí Sình (Vương Chí Thành) tìm mọi cách để cứu cha.

Sinh năm 1885, Vương Chí Sình khi còn nhỏ tên là Vàng Seo Lử. Gần nhà có một sĩ quan Pháp sau khi giải ngũ ở lại Đồng Văn, lấy vợ người Mèo. Ngày ngày Vàng Seo Lử đến cắt cỏ ngựa cho hắn để học tiếng Pháp.

Lớn hơn một chút, ông được bố cho sang Trung Quốc học tiếng Hán. Vàng Seo Lử thông thạo hai ngoại ngữ. Về nước, ông mở cửa hàng buôn bán tạp hóa, dầu hỏa, vải vóc, thuốc phiện ở Phó Bảng (Hà Giang). Ông mua thêm chức lý trưởng của Pháp để gây thanh thế. Việc buôn bán ngày càng mở rộng.

Từ Đồng Văn, Vàng Seo Lử đem thuốc phiện và các loại lâm thổ sản về Hà Nội, Hải Phòng để bán rồi mua vải vóc, dầu hỏa, đá lửa, đồ dùng sinh hoạt đem về Hà Giang. Ông mua ngôi nhà ở số 22 phố Hàng Đường (Hà Nội) làm nơi trung chuyển hàng hóa. Vàng Seo Lử tạo được mối quan hệ rộng khắp vùng Hà Nội.

Đầu năm 1937, nghe tin cha bị bắt, Vàng Seo Lử bí mật về Hà Nội tìm thuê luật sư cứu cha và các thủ lĩnh người Mèo. Chạy đôn chạy đáo khắp nơi, tiêu hết tiền, ông vẫn chưa tìm được cách giải thoát mọi người. Vàng Seo Lử đành tìm đến trường đua Quần Ngựa đánh cược đua ngựa và may mắn trúng 1.000 đồng Đông Dương. Đây là số tiền rất lớn thời điểm đó.

Ông làm quen và bỏ ra 800 đồng Đông Dương nhờ cậy nhà quý tộc Pháp Andre de Laborde de Monpezat, đồng thời là Trưởng phòng nhì Bộ Tổng tham mưu Pháp (cơ quan tình báo quốc phòng hải ngoại Pháp).

Tận dụng mối quan hệ trong giới chính trị và quý tộc, Andre de Laborde de Monpezat quay về Pháp gõ cửa nhiều nơi trong chính phủ và Bộ Thuộc địa Pháp. Một năm sau, ông quay lại Việt Nam mang theo công văn của Chính phủ Pháp gửi toàn quyền Đông Dương, quyết định trả tự do cho Vương Chính Đức và toàn bộ thủ lĩnh người Mèo đang bị giam giữ tại Hà Nội.

Quyết định ghi rõ, nếu có người bị chết trong thời gian giam giữ thì chính quyền Pháp phải cấp tiền để gia đình đưa về quê làm ma chu đáo. Nhưng cuối năm 1938, quyết định mới được thực hiện, Vương Chính Đức và các thủ lĩnh người Mèo được thả.

Buộc phát xít Nhật ký hòa ước

Trở về Đồng Văn, Vương Chính Đức cùng các con và người Mèo tiếp tục chiến đấu bảo vệ quê hương. Tháng 3/1945 bị Nhật đảo chính, quân Pháp từ Hà Nội chạy lên Hà Giang đề nghị hợp tác với người Mèo chống Nhật. Nhưng khi Nhật chiếm tỉnh lỵ Hà Giang, tiến quân lên Đồng Văn, Pháp bỏ mặc người Mèo, chạy sang Trung Quốc. Người Mèo vẫn kiên cường chiến đấu.

Khi quân Nhật tiến công vào Phó Bảng, lực lượng vũ trang người Mèo do Vương Chí Sình trực tiếp chỉ huy đã tiêu diệt toàn bộ đại đội bộ binh và trung đội kỵ binh Nhật. Chỉ huy quân Nhật chết tại trận. Xác lính Nhật và ngựa phơi đầy cánh đồng Phó Bảng. Đây là trận thắng phát xít Nhật lớn nhất, có tiếng vang nhất trên chiến trường Đông Dương thời bấy giờ.

Chiến thắng Phó Bảng buộc Nhật phải ký hòa ước với người Mèo. Nhật cam kết rút hết quân khỏi Đồng Văn, bồi thường cho người Mèo toàn bộ tổn thất do cuộc chiến gây ra bằng muối và bạc trắng. Số tiền và hàng hóa phải được giao đến các gia đình bị thiệt hại. Nhật được phép để lại một người làm nhiệm vụ liên lạc giữa người Mèo và quân Nhật. Đổi lại, những cuộc hành quân của Nhật ngoài vùng Mèo, người Mèo không được can thiệp, tập kích.

Vương Chí Sình thay mặt Vương Chính Đức ký vào bản hòa ước với Nhật. Đây là bản hòa ước thứ hai của người Mèo, sau khi buộc Pháp phải ký hòa ước 32 năm trước.

Vương Chính Đức. Ảnh tư liệu

Năm 1947, trước khi qua đời, Vương Chính Đức viết thư đề nghị Chủ tịch Hồ Chí Minh cử người lên nhận bàn giao lại đất biên cương. Cụ Hồ cử ông Mai Trung Lâm, Phó tư lệnh bộ đội Biên phòng khu tự trị Việt Bắc và ông Hoàng Đức Thắng, Thành ủy viên Hà Nội lên thăm hỏi và cùng con cháu họ Vương chôn cất ông Đức trên đỉnh núi La Gia Động, cách Sà Phìn, Đồng Văn 3 km.

Từ chàng trai mê thổi khèn, chỉ huy đội quân Hươu nai chống giặc Cờ Đen, đến khi trút hơi thở cuối cùng, Vàng Dúng Lùng – Vương Chính Đức đã hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo người Mèo chiến thắng hai đế quốc hùng mạnh, bảo vệ trọn vẹn mảnh đất quê hương.

Kế tục sự nghiệp của cha, Vương Chí Sình cùng người Mèo một lòng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo cách mạng. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946, ngân khố quốc gia cạn kiệt, Vương Chí Sình đã ủng hộ Chính phủ 2,2 triệu đồng bạc hoa xòe và 7 kg vàng.

Năm 1956, tròn 70 tuổi, Vua Mèo Vương Chí Sình đề nghị bàn giao toàn bộ vùng Mèo Đồng Văn và khu vực biên giới lân cận cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thay mặt Chính phủ, anh hùng Tía lên nhận bàn giao.

Năm 1962, Vương Chí Sình mất. Năm 2006, ông được truy tặng huân chương Đại đoàn kết dân tộc.

Theo VnExpress

Cùng chuyên mục

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô