Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TP Hồ Chí Minh vừa có một thành công lớn với tấm huy chương vàng dành cho vở diễn “Lê công kỳ án” tại Hội diễn Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc do Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN tổ chức tại Quảng Ngãi tháng 10/2018. Đây là một vở diễn rất hay về Tả quân Lê Văn Duyệt thời ông làm Tổng trấn Gia Định thành với chính sách an dân, diệt trừ tham nhũng, khai mở kênh mương, phát triển kinh tế. “Lê công kỳ án“ tập trung vào chuyện Lê Văn Duyệt diệt trừ tham nhũng bất kể đó là cháu mình như Lê Tắc hay là cha vợ vua như Phó Tổng trấn Gia Định thành Huỳnh Công Lý, người đã bị Lê Văn Duyệt dùng quyền “tiền trảm hậu tấu” để trực tiếp thi hành án tử sau khi xử án rất nghiêm minh.
Vở tuồng xuất sắc trên có thể được coi là đặc sản “của nhà làm được” khi thực hiện hoàn toàn bằng ê kip “cây nhà lá vườn”, tác giả: Hữu Danh, đạo diễn: Nguyễn Hoàn, cố vấn nghệ thuật: NSND Trần Ngọc Giàu. Đây là một ê kíp thực sự tài năng, bởi không có thực tài, họ không thể làm nên một vở diễn hay như “Lê công kỳ án”…
7 tháng sau, Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP Hồ Chí Minh đến với Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2019, một festival nghệ thuật được cho là có đẳng cấp cao hơn do Cục Nghệ thuật Biểu diễn phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa tổ chức, chắc chắn với những hy vọng lớn hơn sau thành công vang dội tại Quảng Ngãi.
Lần này, Nhà hát tin tưởng trao cả sinh mệnh mình cho vị “Tổng tư lệnh” của ngành sân khấu: Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN, NSND Lê Tiến Thọ, khi chọn kịch bản “Vụ án Lệ Chi viên” của ông và mời ông trực tiếp làm đạo diễn.
Có thể thấy, vở diễn “Vụ án Lệ Chi viên” đã được đầu tư lớn, kỹ càng, với niềm tin chiến thắng lớn. Ngay program phát cho khán giả Liên hoan cũng được thực hiện trên một cái quạt nhựa khá đẹp. Vở diễn lại được diễn vào đêm cuối cùng của Liên hoan với sự có mặt của đại diện lãnh đạo Sở VHTT TPHCM, dường như muốn tạo nên một cái kết đẹp cho Liên hoan.
Xem vở diễn, ta càng thấy rõ sự đầu tư công phu này qua trang trí, phục trang rất lộng lẫy của vở cũng như sự cố gắng hết mình của những nghệ sĩ tâm huyết qua một số cảnh diễn có tính nghề nghiệp cao. Nhưng thật đáng tiếc, cuối cùng mọi sự công phu tâm huyết dường như đã đổ sông đổ biển, khi vở diễn dài nhất, được chờ đợi nhất trở thành một “thảm họa”về nội dung vở diễn của Liên hoan.
Quả thật, chẳng ai ngờ, tại một Liên hoan sân khấu tầm cỡ quốc gia giữa thế kỷ 21, lại xuất hiện một vở diễn “tệ” đến thế về hai danh nhân lớn của dân tộc. Trong suốt gần 2h30 phút, tài đức, nhân cách cao đẹp của Nguyễn Trãi, bộ óc và trái tim của cuộc kháng chiến vĩ đại chống xâm lược Minh, cũng như Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ, người mà sử sách nhà Lê phải công nhận là “đã cảm hóa được Lê Thái Tông, thuyết phục vua chăm chỉ đèn sách, lại giúp vua nhiều ý kiến để sửa trị nước” được thể hiện rất mờ nhạt, nông cạn. Càng ngạc nhiên hơn là không biết vì sao nghệ sĩ đảm nhiệm vai Nguyễn Trãi nhiều khi thể hiện nhân vật đại trí, đại nhân này láo liên như một gian thần.
Được biết “Vụ án Lệ Chi viên” được NSND Lê Tiến Thọ chuyển thể từ vở kịch “Đêm Ức Trai” của tác giả Lưu Quang Hà, năm 1993 để dàn dựng tại Nhà hát tuồng VN. Vở kịch của Lưu Quang Hà cũng đã từng được NSUT Lê Chức phỏng theo làm nên kịch bản “Oan khuất một thời” được NSND Doãn Hoàng Giang dàn dựng cho Nhà hát Chèo Hà Nội, tạo nên một vở diễn gây chấn động kịch trường cả hai miền Nam Bắc.
Gần đây, NSND Lê Tiến Thọ không ghi tên mình trên kịch bản “Vụ án Lệ Chi viên” là tác giả chuyển thể mà thành tác giả phóng tác. Từ chuyển thể thành phóng tác, tôi đã nghĩ chắc NSND Lê Tiến Thọ, nhiều năm trên cương vị Thứ trưởng rồi Chủ tịch hội, sẽ tiếp thu được những thành tựu nghiên cứu mới của giới sử học nước nhà về Nguyễn Trãi và nhất là về Nguyễn Thị Lộ. Tuy nhiên, trong “Vụ án Lệ Chi viên” không hề thấy điều này. Không có gì mới, và những cái hay của tác giả gốc Lưu Quang Hà giờ còn khá ít ở kịch bản phóng tác của NSND Lê Tiến Thọ.
Xem xong “Vụ án Lệ Chi viên”, một nhà nghiên cứu sân khấu vốn khá thân thiết với Chủ tịch Lê Tiến Thọ, nói với tôi: “Thật là một thảm họa phóng tác”. Không biết anh có dám nói thẳng với NSND Lê Tiến Thọ điều này?
Anh còn nói thêm giá như Lê Tiến Thọ đừng quá tham, chỉ làm đạo diễn thôi, thì đã không đến nỗi…
Chỉ tội cho Nhà hát Hát bội TPHCM, đã trắng tay tại Liên hoan lại còn bị chê trách là ham danh tiếng hão, “hàng nội” hay thế không dùng cứ theo “hàng ngoại”, được bài học nhớ đời!
Nguyễn Thế Khoa/VHVN