“Từ ngày xửa ngày xưa, khắp nơi này còn là một đầm rộng và vô cùng lầy lội. Không có người sinh sống. Chỉ có bầy chim nhớn nhác bay đi kiếm mồi đến tối lại bay về tìm nơi trú ngụ.
Rồi cho đến một ngày không biết từ đâu có một đôi trai gái trẻ tuổi dắt nhau đến đây phát cây dựng lều nghỉ lại.
Đôi trai gái đến thật bất ngờ khiến lũ chim nhớn nhác. Lũ chim bay vụt lên kêu loạn xạ. Chắc là chúng định dùng tiếng kêu ầm ĩ của mình để muốn nói với đôi trai gái kia rằng “Đây đâu phải là nơi để họ dựng lều trú ngụ”. Đôi trai gái hình như không nghe được lũ chim nói gì. Họ ngước mắt lên nhìn lũ chim bay vụt cao mà cười vui vẻ.
Ngày ngày đôi trai gái đi vào rừng. Họ kiếm sống bằng cách lượm những thứ quả chín có thể ăn được. Và họ vãi những hạt trong những quả đã ăn xuống đất quanh túp lều của họ. Họ vãi cả những hạt trong những quả đã ăn xuống con đường ngày ngày họ đi. Ngày này qua ngày khác đôi trai gái dường như không cảm thấy chán nản. Họ sáng đi vào rừng và tối trở về túp lều của mình.
Một sáng của một ngày kia lũ chim không thấy đôi trai gái tỉnh dậy để đi vào rừng kiếm quả về ăn. Một sáng của một ngày kia lũ chim bay vút lên cao và chúng sững sờ nhận ra cả cánh đầm lầy hoang vu lau lách bỗng hồng rực lên.
Cả cánh đầm lầy sáng nay bỗng biến thành một đầm sen bát ngát. Hoa sen nở tươi dưới ánh mặt trời vừa nhú ra khỏi dãy núi phía Đông. Hoa sen nở thơm lừng cả một cánh đầm vốn hôm qua còn hôi hám và nồng nặc mùi bùn ướt nhớp. Đầm lầy đã biến thành một đầm sen rực rỡ. Lũ chim càng kinh ngạc hơn khi từ chỗ túp lều của đôi trai gái mọc lên một rừng cây xanh tốt.
Và trên dọc những con đường mà đôi trai gái đã từng đi qua cây cối cũng thi nhau vươn lên. Lá cây bỗng chốc che mát cả một vùng xưa hoang vắng. Chim chóc rủ nhau bay về nhiều hơn. Và cũng từ đó người khắp nơi kéo đến sinh sống. Họ dựng nên làng nên bản”.
***
Tôi được nghe câu chuyện ấy khi đang nhún nhảy bước chân theo vòng xòe. Người Tây Bắc vui là thế. Người Điện Biên cũng vui là thế. Người bản Noong Bua lại càng vui là thế. Cứ hễ gặp nhau là kể chuyện bản chuyện làng. Cứ hễ gặp nhau là kết vòng xòe. Điệu múa mang đậm tính cộng đồng phát sinh từ cuộc sống tuy giản dị mà quây quần. Tuy đơn sơ mà gắn kết. Điệu múa rủ rê trong câu hát lả lơi. Điệu múa chào mời với chén rượu nồng say.
“Đừng nhìn vào mắt em, bằng cái nhìn lửa cháy/ Đừng nói vào tai em, bằng câu nói thầm thì/ Anh đã đến đây rồi thì đừng xa đừng ngại/ Đừng dửng dưng như khách lạ đứng bên đường”.
Tôi miên man thả lòng vào câu hát và với những ý nghĩa của câu chuyện bên vòng xòe thân ái mà đó là lần đầu tiên tôi được tham gia. Ơ mà tên bản lại được hình thành từ một câu chuyện cổ tích kể cũng thật có ý nghĩa. Noong Bua theo tiếng Thái có nghĩa là đầm sen.
Bản mang tên một loài hoa thanh tao, trinh trắng. Thảo nào con gái Noong Bua cô nào cô nấy cũng xinh, nước da trắng như cánh hoa sen và lúc nào cũng thơm như thứ hoa “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” vậy.
Vòng xòe đang vào hồi rạo rực. Những chén rượu chuyền tay dường như đã ngấm nên dưới ánh lửa trại mặt ai cũng đỏ lên say đắm. “Hãy nắm chặt tay em, cho vòng xòe thêm rộng/ Hãy nắm chặt tay em, cho vòng xòe thêm đông”.
***
Tôi lên Điện Biên vào đúng mùa hoa ban nở. Có ai đó đã nói ví von rằng: “Hoa ban là đặc sản” mà thiên nhiên đã dành riêng cho miền núi rừng biên viễn phía Tây Bắc của Tổ quốc. Lời ví von quả không ngoa chút nào bởi khi vừa chạm mắt vào địa phận tỉnh Điện Biên, tức là khi chúng tôi vừa vượt qua đèo Pha Đin, đã thấy ngàn ngàn triệu triệu cánh hoa rừng trắng muốt đang rung rinh dưới nắng.
Nhìn xa xa ai cũng ngỡ mình đang được chiêm ngưỡng cả một rừng bướm trắng xinh xinh. Hoa ban, loài hoa rừng độc đáo đã góp phần làm nên “hương sắc” cho vùng đất tưởng như chỉ có cỏ gianh với nắng gió bạt ngàn này.
Ở Phòng Văn hóa thành phố Điện Biên Phủ chưa được hết câu chuyện hỏi han sức khỏe đi đường thì chúng tôi đã được giới thiệu “Xuống Noong Bua. Mời các anh chiều nay xuống luôn Noong Bua. Tối nay ở đấy bản mở vòng xòe vui lắm”.
Chúng tôi chẳng chút ngại ngần dù chặng đường xe còn chưa tan mệt mỏi. Hình như có ai đó vừa nhắc: “Lên Điện Biên mà không tới Noong Bua thì tiếc. Tới Noong Bua mà không vào vòng xòe thì phí”. Ái chà chà. Một cú hích kích thích tất cả những con tim vốn đã yêu say yêu đắm miền đất từng làm nên chiến công “Lừng lẫy năm châu. Chấn động địa cầu” này.
Đường về Noong Bua khá đẹp. Con đường trải nhựa mềm mại với hai bên đường là những ngôi nhà mới dựng. Con đường óng mượt chạy xuyên những dãy phố mới định hình. Chẳng mấy chốc chúng tôi đã tới Noong Bua. Đó là một bản văn hóa, một địa chỉ du lịch không chỉ riêng của thành phố Điện Biên Phủ, mà còn là của cả tỉnh Điện Biên.
Đến đây dường như du khách được lạc tới một miền ký ức vậy. Câu chuyện cổ tích hư hư thực thực mà tôi nghe được về sự hình thành nên bản nên làng đã được hun thêm. Một bản Noong Bua đẹp dịu dàng với những mái nhà sàn thấp thoáng bóng thiếu nữ Thái bên ô cửa sổ. Một bản Noong Bua đẹp hút lòng với những câu chào ân tình, với những ánh nhìn níu kéo.
“Da con gái Noong Bua vừa thơm vừa mát/ Tay con gái Noong Bua vừa ấm vừa mềm/ Anh đã đến đây rồi xin anh đừng ngại/ Đừng đứng nhìn em, đừng nói thầm thì/ Da em thơm bởi đất bởi rừng/ Đất rừng Noong Bua nở sen thơm ngát/ Hãy nắm chặt tay em, cho vòng xòe thêm rộng/ Hãy nắm chặt tay em, cho vòng xòe thêm đông”.
Câu hát ngân lên khi màn đêm vừa buông, cũng tức thì một vòng xòe được hình thành trên một khu đất rộng ở ngay giữa bản. Trên khu đất rộng ấy, những người dân trong bản đã chất một đống củi lớn. Lửa nhanh chóng bùng lên. Tiếng củi nổ lép bép. Tiếng lửa reo bập bùng khiến những người dụt dè nhất như chúng tôi cũng chẳng kìm nổi lòng. Tiếng cười tiếng nói hòa lẫn tiếng lửa reo thật như một “liều thuốc” công hiệu.
Rồi những cô gái tươi như hoa ban. Thơm như hoa sen bắt đầu chìa tay ý mời cùng bước vòng nhảy. Ai mà nỡ lòng từ chối được. Cô gái vừa đưa tôi vào vòng xòe có một cái tên thật đẹp, cô ghé tai tôi hỏi nhỏ sau khi cô đã nâng chén rượu “ép” tôi uống cạn. Cô cười ý nhị rồi mở to đôi mắt long lanh nói thầm thì “Em tên là Duyên. Lường Thị Duyên”.
Tôi giật mình nhưng là cái giật mình của sự “giật mình”, Duyên xinh và đằm thắm hệt như cái tên của em vậy. Duyên lắc lắc đầu, thoảng ngân thêm câu hát “Con gái Noong Bua, thích người con trai mạnh mẽ/ Con gái Noong Bua, đo lòng người con trai bằng chén rượu vòng xòe/ Hãy nắm chặt tay em, cho vòng xòe thêm rộng/ Hãy nắm chặt tay em, cho vòng xòe thêm đông”.
Phường Noong Bua có diện tích hơn 3 cây số vuông và chỉ cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ chừng mười cây số. Từ năm 2008 cho tới nay, đã qua mười năm nỗ lực xây dựng, Noong Bua từ một xã người Thái với những nếp nhà sàn truyền thống giờ đã trở thành một phường với những con phố rộng dài và đa dân tộc.
Ở đây đã xuất hiện nhiều cơ sở sản xuất, nhiều cơ sở kinh doanh nên bộ mặt thôn bản cũng như đời sống xã hội đã có nhiều thay đổi. Bên cạnh hoa sen từ trong ký ức và hoa ban từ thiên nhiên thì hoa muồng yến mới được người dân trồng với sắc màu vàng đã “nhuộm” vàng những con phố ngõ xóm. Sắc màu mới đã làm tăng thêm sự thu hút du khách mỗi khi tới Noong Bua.
***
Vòng xòe mỗi lúc mỗi rộng thêm ra. Người trong bản kéo đến. Khách du lịch dần dà cũng rủ nhau ùa vào. Những cái nắm tay dìu nhau nhún nhảy cùng tiếng cười giòn càng làm cho vòng xòe thêm náo nức. Những người trước đó còn xa xôi, còn ngại ngần giờ trở nên thân gần, trở nên quyến luyến. Lửa cháy đỏ rực tạo nên niềm phấn khích khôn tả. Tôi có cảm tưởng đêm nay là một đêm tuyệt vời nhất trong những đêm tuyệt vời.
Những chén rượu được các cô, các chị nâng trên tay và cứ sau một vòng xòe lại được đưa tới. Rượu vào làm tăng thêm chất men tình rạo rực. Nhìn ai cũng thấy tin yêu. Nhìn ai cũng thấy gần gũi: “Con gái Noong Bua, thích người con trai uống nhiều chén rượu/ Con gái Noong Bua, yêu người con trai nhảy lắm vòng xòe/ Anh có thực lòng yêu em thì hãy nắm tay em cho chặt/ Hãy uống cùng em chén rượu vòng xòe”.
Theo Văn hóa