Đảng bộ và chính quyền từ Tỉnh xuống Huyện, xuống xã và nhân dân đều đồng lòng, đều quyết tâm đưa bà con làng chài lên bờ. Ngân sách phía UBND tỉnh đã chuẩn bị, quỹ đất đã sẵn sàng nhưng nhiều năm trôi qua, ước mơ đó vẫn còn dang dở vì cơ chế, chính sách … Chỉ tội hàng trăm người dân vạn chài đang ngày ngày đối mặt với cuộc sống muôn vàn khó khăn, bấp bênh và cả mạng sống của chính mình.
Lênh đênh ngàn năm, cay đắng phận “sống gửi, thác nhờ”
Có thể nói thẳng, làng chài Nguyệt Đức (xã Vạn Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) là một làng phụ trợ cho ngành “công nghiệp” sản xuất của làng gốm Thổ Hà (phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh) bên kia sông Cầu. Hình thành từ đời Lý, làng gốm Thổ Hà cần thuyền, nhân công để mua nguyên liệu sản xuất như củi, than … cũng như vận chuyển thương phẩm đi khắp nơi. Những thuyền chài thủa ấy nườm nượp trên sông Cầu rồi tỏa đi khắp cả nước, tạo nên một tên tuổi Gốm Thổ Hà lẫy lừng. Những ghe thuyền cùng gia đình họ tụ lại bên bờ sông, đối diện những lò gốm, dần hình thành một làng chài kéo dài gần 1000 m dọc sông Như Nguyệt với hàng trăm hộ dân. Gốm Thổ Hà sống, làng chài Nguyệt Đức sống, làng gốm mai một, làng chài Nguyệt Đức như chiếc lục bình không rễ, bập bềnh ven sông cả ngàn năm.
Làng chài Nguyệt Đức là hàng trăm ghe thuyền tụ lại dọc bờ sông Cầu thuộc địa bàn xã Vạn Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Nguyên Trưởng thôn Trần Văn An (67 tuổi) sinh ra, lớn lên ở làng chài. Cuộc đời ông gắn với con sông, chiếc đò nát, các con rồi các cháu ông đều như thế. Trong ông, những kỉ niệm đẹp đếm trên đầu ngón tay, còn lại … “Ngày xưa tôi học cao nhất làng đấy, hết lớp 7. Đa số dân làng chài xưa chỉ dừng ở mức đọc hiểu chữ là ghê gớm lắm” … Ông tâm sự, cá tôm chết hết rồi, “nước ô nhiễm lắm, toàn sủi bọt như xà phòng suốt đêm, dính vào da còn ngứa ngáy” nữa là. Không còn con cá, con tôm, dân vạn chài chuyển sang vận chuyển than, cát sỏi. Thời cực thịnh như năm 2002, làng chài có khoảng 100 chiếc thuyền vận chuyển nhưng rồi cũng vãn dần, tài nguyên cũng cạn kiệt, than không thấy thương lái thuê, cả làng nay chỉ còn khoảng 20 chiếc thuyền, công việc không đều đặn “ráo mái chèo, nhà hết gạo”. Ít học, ít va chạm xã hội, dân làng chài đi làm thuê bập bõm, đắp đổi cân gạo cho qua ngày. “Tiền đâu cho các cháu đi học, ăn còn chẳng đủ”. Mấy chục năm từ hồi hết bao cấp, cả làng chỉ có đúng 5 cháu được vào Đại học, còn thì dở dang hết lớp 9 rồi đi làm thuê, nuôi gia đình.
Đau đớn nhất là chuyện chôn cất người chết. Hồi làng Gốm Thổ Hà còn thịnh vượng, các cụ của làng có tầm nhìn xa đã vận động cả làng góp tiền, thuê một khoảng đất trên đồi Quả Cảm (nay là xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh) để chôn cất người thân. Hơn trăm năm đã qua, bao thế hệ đều vùi lấp lên đó, mảnh đất nhỏ, xương đè lên xương, thịt đè lên thịt, chả ai biết phần mộ tổ tiên chính xác chốn nào.
“Chúng tôi, sống thì ở đậu bên đất Vạn Hà, Bắc Giang, chết chôn gửi bên Bắc Ninh lênh đênh như bèo không rễ. Càng có tuổi, càng nghĩ, càng đau chú ạ.” Ông An hướng đôi mắt mờ đục, lấp loáng nước nhìn ra mặt sóng cuối chiều lăn tăn ánh bạc.
Không đươc học hành đầy đủ, không có nổi con đường dẫn lên bờ, không việc làm, không tương lai. Năm 2013, ông An làm Trưởng thôn, cuộc họp nào ở Xã, ở Huyện ông cũng đều xin phát biểu, kiến nghị, xin cho dân Nguyệt Đức lên bờ, kiếm miếng đất để thay đổi cuộc sống nhưng đều thất bại.
Chia tay ông An, chúng tôi ghé vào thắp nén nhang cho cháu Ph sinh năm 2018. Cháu chơi trên thuyền nhà, trượt chân, ngã xuống sông, tử vong vào trưa ngày 01/ 8/ 2023. Nỗi đau quá lớn khiến cả gia đình cháu gần như chết lặng. Bên ngoài, mấy chục đứa trẻ con làng chài vẫn hồn nhiên nhảy qua nhảy lại trên các con đò, chơi trốn tìm, cười đùa vui vẻ.
Lũ trẻ hồn nhiên nô đùa trên các ghe thuyền, bất chấp tử thần rình rập
Chia tay làng chài, đôi mắt trong như nước mưa của cháu Ph. trên di ảnh, những giọt nước mắt bất lực trên má của ông An khiến tim tôi như quặn thắt. Con đường nào cho những người dân làng chài quá khổ đau này? Bên cạnh tôi, Chủ tịch UBND xã Vân Hà, Nguyễn Đình Mỹ cũng chìm trong suy tư, Anh đã trực tiếp xuống làng chài nhiều lần, gặp gỡ bà con để tìm hiểu, chia sẻ và Anh cũng hiểu được khát vọng “lên bờ” của bà con, cũng tìm nhiều cách để hỗ trợ nhưng đến nay vẫn chưa thành công.
Lối thoát nào cho dân vạn chài Nguyệt Đức?
Chia sẻ cùng phóng viên, ông Nguyễn Đại Lượng, Chủ tịch UBND huyện Việt Yên cho biết: “Các thôn Yên Viên, Thổ Hà xã Vân Hà nằm ngoài đê Tả Cầu, các hộ dân xây dựng nhà ở sát bờ sông Cầu, hàng năm có hiện tượng sạt lở dọc bờ sông, để dọa tính mạng, tài sản của nhân dân. Thôn Nguyệt Đức có 183 hộ (100% số dân) sinh sống bằng nghề chài lưới, sống trên sông nước, cuộc sống không ổn định, trẻ em không có điều kiện học hành.
Theo kết quả rà soát của UBND huyện Việt Yên, tổng số hộ cần bố trí tương ứng với số lô là 139 hộ với 493 nhân khẩu. Các hộ dân này thuộc địa bàn thôn Yên Viện, thôn Thổ Hà, thôn Nguyệt Đức đều chưa có nhà ở, cuộc sống bấp bênh, không ổn định, không đảm bảo mức sống cơ bản; các hộ dân đều có có nguyện vọng di chuyển vào khu tái định cư để ổn định cuộc sống. Để đảm bảo an toàn tính mạng cho các hộ dân vùng thiên tai, thực hiện chủ trương an sinh xã hội trên địa bàn, việc đầu tư dự án là cần thiết”.
Từ năm 2020, Huyện ủy, UBND huyện Việt Yên đã có nhiều cuộc họp, quyết tâm đưa người dân làng chài Nguyệt Đức “lên bờ”. Dự án Sắp xếp và ổn định dân cư vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn xã Văn Hà, huyện Việt Yên dần hình thành với quy mô 5 héc-ta được bố trí tại khu Đồng Săng, xã Vân Hà, tổng mức đầu tư khoảng 72 (bảy mươi hai) tỷ đồng.
Dự án đã được sự quan tâm tuyệt đối từ phía Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Giang. Ngày 5/6/2022 Tỉnh ủy Bắc Giang có Thông báo số 1115 –TB/TU, thông báo về ý kiến của thường trực Tỉnh ủy về việc giao chủ đầu tư thực hiện dự án Sắp xếp ổn định dân cư vùng thiên tai xã Vân Hà, huyện Việt Yên. Qua đó, Thường trực Tỉnh ủy đã thảo luận và nhất trí chủ trương giao cho UBND huyện Việt Yên làm chủ đầu tư triển khai dự án.
Chủ tịch UBND xã Vân Hà, Nguyễn Đình Mỹ trao đổi cùng nguyên Trưởng thôn Trần Văn An.
Đảng bộ và chính quyền từ Tỉnh xuống Huyện, xuống xã và nhân dân đều đồng lòng, đều quyết tâm đưa bà con làng chài lên bờ. Ngân sách phía UBND tỉnh đã chuẩn bị, quỹ đất cho dự án đã sẵn sàng nhưng tại sao dự án chưa thể triển khai?
Có một nhận định đưa ra, nút thắt nằm ở địa hình của xã Vân Hà, xã có ba mặt được bao bọc bởi sông Cầu, là hành lang thoát lũ theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, tại Phụ lục V – Danh mục các bãi sông có thể nghiên cứu xây dựng (Ban hành kèm Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18 tháng 02 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ), mục 109 có ghi rõ tên Vân Hà – Tiên Sơn, vị trí K44+000 – K47+500 thuộc tỉnh Bắc Giang có diện tích 335 héc-ta. Và cũng theo Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18 tháng 02 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ, theo Phụ lục I thì sông Cầu thuộc Vùng không chịu tác động điều tiết các hồ chứa nước lớn. Vậy nhận định trên là có chính xác?
Một nguyên nhân khác ở đây có lẽ liên quan đến Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 ban hành ngày 12/7/2023 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Theo đó, có kế hoạch sát nhập hai xã Tiên Sơn và Vân Hà làm một, do đó, dự án bị đình trệ? Rõ ràng, lý do này không thuyết phục, bởi lẽ, có sát nhập hay không, thì điều đó cũng không liên quan đến việc sớm đưa người dân làng chài Nguyệt Đức “lên bờ”.
Những thế hệ tiếp nối của làng chài Nguyệt Đức liệu có một cuộc sống tốt đẹp hơn?
Như vậy đã rõ, lúc này, rất cần có một quyết định sớm từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để cho phép Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Giang “gỡ bỏ nút thắt”, sớm triển khai Dự án Sắp xếp và ổn định dân cư vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn xã Văn Hà, huyện Việt Yên. Quyết định nhân văn này sẽ đảm bảo an toàn tính mạng cho các hộ dân vùng thiên tai, thực hiện chủ trương an sinh xã hội trên địa bàn, cho người dân Nguyệt Đức một tương lai mà họ đã mơ ước cả ngàn năm qua.
Nhóm Phóng viên
Nguồn: TCVHVN