Một lần nữa giá dầu thế giới lại biến động mạnh và chệch xa dự tính cân đối ngân sách của Việt Nam, cùng những tác động đáng ngại hơn.
Kể từ ngày 15/8/2021, giá dầu WTI đánh dấu chuỗi tăng giá không ngừng nghỉ cho đến nay. Giá dầu WTI giao tháng 12/2021 hiện đã vượt mốc 83 USD/thùng.
Việt Nam thường giao dịch với dầu Brent Biển Bắc. Giá dầu này cũng đã tăng không ngừng nghỉ, vượt mốc 85 USD/thùng.
Ngày càng xuất hiện nhiều hơn các dự báo giá dầu sẽ vượt mốc 100 USD/thùng, thậm chí có cả cảnh báo có thể leo thang hơn nữa…
Với giá nhiên liệu này, những tình huống khó ngờ vẫn có thể xẩy ra. Không xa, tháng 4 năm ngoái giá dầu WTI xuyên thẳng về mức âm, tạo hiện tượng hoảng hốt chưa từng có trên toàn cầu.
Biến động rất lớn và khó lường như vậy khiến dự tính của nhà cân đối ngân sách Việt Nam cũng liên tục chệch xa thực tế.
Cụ thể, năm ngoái, giá dầu liên tục lao dốc và hạch toán bình quân năm 45,7 USD/thùng, trong khi Bộ Tài chính và ngân sách nhà nước (NSNN) trước đó dự toán thu được giá 60 USD/thùng.
“Rút kinh nghiệm” năm ngoái, năm nay NSNN dự toán thu từ dầu thô với giá dự toán chỉ 45 USD/thùng, còn thực tế thì cơn sốt giá dầu đang thể hiện như trên. Từ cơn sốt không phải để trong ngoặc kép nữa.
Vậy Việt Nam đã và đang như thế nào trong những chao đảo và chệch xa dự tính với giá dầu như vậy?
Năm 2020, khi giá dầu WTI âm, giá dầu Brent rơi thẳng từ 70 USD/thùng xuống dưới 20 USD/thùng, lãnh đạo vụ chuyên trách của Bộ Tài chính từng phân tích: thu từ dầu thô chỉ còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng thu NSNN, vì vậy ảnh hưởng tiêu cực không quá lớn; ngược lại, do Việt Nam nhập khẩu xăng dầu lớn hơn nhiều so với xuất khẩu nên nền kinh tế hưởng lợi.
Cái lợi đó được phân tích là một chi phí đầu vào của nền kinh tế giảm thiểu đi đáng kể, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có thêm điều kiện tốt hơn, bớt khó khăn hơn…, qua đó thêm sức đóng góp cho thu nội địa đối với NSNN.
Năm nay, tình hình đảo ngược hoàn toàn. Nhưng tỷ trọng thu từ dầu thô trong thu NSNN vẫn thấp, thậm chí giảm rất mạnh so với những giai đoạn trước, nên cơn sốt giá dầu tạo lợi ích không quá lớn cho nguồn thu.
Năm 2021, Bộ Tài chính công bố giá dự toán 45 USD/thùng, thu từ dầu thô theo được dự tính chỉ còn chiếm khoảng 1,7% thu NSNN, với khoảng 23,2 nghìn tỷ đồng. Thế nhưng, như trên, giá dầu lên cơn sốt, thu từ dầu thô đã vượt xa dự toán.
Cụ thể, mới chỉ qua 9 tháng đầu năm, thu từ dầu thô đã đạt 29,4 ngàn tỷ đồng, bằng 126,64% dự toán, vượt xa con số 23,2 nghìn tỷ đồng dự toán cả năm nói trên. Tỷ trọng đóng góp cho NSNN hiện đã đạt khoảng 2,7%, cao hơn nhiều dự toán 1,7% trước đó.
Dù vậy, tỷ trọng trên đã giảm đi nhiều so với mức độ từng lên tới khoảng 13% giai đoạn 2011-2015, rồi sau đó giảm xuống còn khoảng 4% giai đoạn 2016-2018.
Với tỷ trọng chỉ còn khoảng 2,7% thu từ dầu thô như hiện nay, cơn sốt giá đã và đang thể hiện mang lại lợi ích không quá lớn cho NSNN. Trong khi đó nó mâu thuẫn với chi phí đầu vào của nền kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà bất lợi cho thu nội địa.
Nhất là với Việt Nam, như đề cập ở trên, nhập khẩu xăng dầu cao hơn nhiều lần so với xuất khẩu.
Ngay đầu năm nay, khi giá dầu bắt đầu có chiều hướng phục hồi mạnh, Tổng cục Thống kê đã có báo cáo riêng về tình hình, trong đó cân đối xuất nhập khẩu được so sánh chi tiết. Dữ liệu cho thấy Việt Nam đã bắt đầu nhập siêu lớn lượng dầu thô từ năm 2018. Và đến năm 2020, trong khi lượng dầu thô xuất khẩu chỉ 4,66 triệu tấn thì lượng nhập khẩu đã lên tới 11,75 triệu tấn.
Dấu mốc đột biến nhập siêu từ năm 2018 gắn với Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động.
Một điểm được chú ý, theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, lượng xuất khẩu dầu thô 9 tháng đầu năm 2021 của Việt Nam ước chỉ đạt 2,1 triệu tấn, lại giảm khoảng 46% so với cùng kỳ năm trước.
Câu hỏi đặt ra, Việt Nam đã không đẩy mạnh khai thác và xuất khẩu để nắm cơ hội giá cao, trong điều kiện NSNN đang gặp khó khăn bởi COVID-19?
Câu hỏi trên cũng gián tiếp được Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề cập trong báo cáo thẩm tra tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV ngày 20/10 khi nhìn về năm tới, rằng: “Trong điều kiện giá dầu thế giới tăng cao thì việc dự kiến sản lượng khai thác giảm so với ước thực hiện năm 2021 là chưa phù hợp”.
Sản lượng khai thác dự kiến giảm, cũng như sơ bộ xuất khẩu giảm qua 9 tháng đầu năm nói trên, còn gắn với vấn đề khác. Những thông tin phản ánh thời gian qua định hình nguyên nhân rằng: một phần các mỏ dầu của Việt Nam tuổi đời khai thác đã lâu và trữ lượng giảm thiểu đi, trong khi giá dầu năm qua lao dốc cùng tác động COVID-19 khiến hoạt động thăm dò và khai thác mỏ mới… bị hạn chế.
Với thực tế trên, Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục nhập siêu lớn nguồn nhiên liệu này.
“Trong thời gian tới nhu cầu nhập khẩu dầu thô của Việt Nam sẽ vẫn tăng cao để chế biến và sử dụng cho sản xuất và tiêu dùng. Do đó, việc tăng, giảm giá dầu thế giới sẽ tác động đến sản xuất và tiêu dùng trong nước. Đồng thời, sự thay đổi về giá của mặt hàng này sẽ kéo theo sự biến động nhất định về giá của các mặt hàng khác, thể hiện qua sự thay đổi CPI”, Tổng cục Thống kê nhận định trong một báo cáo phân tích đầu năm.
Hướng tác động là tiêu cực. Một chi phí đầu vào của nền kinh tế đang đội lên rõ rệt, giá xăng dầu trong nước đã nhanh chóng lên đỉnh ba năm qua, tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh và liên quan là thu nội địa cho NSNN.
Đáng ngại hơn, giá xăng dầu có trọng số đối với lạm phát, chi phí vận tải, dịch vụ… Năm nay, COVID-19 đánh mạnh vào sức cầu và chuỗi cung ứng, che lấp áp lực lạm phát. Song, khi nền kinh tế phục hồi, sức cầu phục hồi, độ trễ các tác động gồm giá xăng dầu đã lên đỉnh ba năm (cao hơn cả trước khi đại dịch xẩy ra) dần rút ngắn, tác động đến lạm phát hẳn là sự cảnh giác từ lúc này.
Trong khi đó, như trên, giá dầu thế giới vẫn tăng chưa ngừng nghỉ, với nhiều dự báo/cảnh báo mốc 100 USD/thùng đã gần trước mặt.
Theo BizLive