Bộ Y tế sẽ hoàn thiện chiến lược tổng thể về phòng chống dịch, tập trung vào vaccine, xét nghiệm, điều trị, để cả nước trở lại trạng thái bình thường mới vào 2022.
Chủ trì họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, sáng 11/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ trên cho Bộ Y tế.
Ông lưu ý các địa phương tránh hai khuynh hướng: lơ là, mất cảnh giác khi giãn cách thời gian dài, đạt được một số kết quả ban đầu và chủ quan, nóng vội muốn mở lại ngay các hoạt động sản xuất, kinh doanh, khi chưa chuẩn bị tốt. Đây là bài học từ thực tiễn trong nước và ngoài nước.
Lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Y tế hướng dẫn các biện pháp nới lỏng và khôi phục các hoạt động, theo nguyên tắc “mở cửa có lộ trình, từng bước, có kiểm soát, liên tục đánh giá để kịp thời điều chỉnh”. Bộ chủ động hơn nữa việc chuẩn bị vaccine cho năm 2022 và cho trẻ em.
Quan điểm sống chung an toàn với dịch bệnh đã được Thủ tướng nhiều lần nêu trong thời gian qua. Tại cuộc họp Chính phủ ngày 5/9, ông nói khi thực hiện được mục tiêu về tiêm vaccine, có thể thiết lập kịch bản thích ứng an toàn, trên các lĩnh vực giao thông, đi lại, sản xuất, dịch vụ. Cuối tháng 8, họp với các nhà khoa học lĩnh vực y tế, người đứng đầu Chính phủ đề nghị phải có giải pháp thích nghi an toàn với dịch bệnh, giảm tỷ lệ tử vong bằng vaccine và thuốc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, sáng 11/9. Ảnh: Nhật Bắc
Tại cuộc họp ngày 11/9, Thủ tướng nói, trong 23 địa phương giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, 8 tỉnh, thành kiểm soát tốt dịch; 12 địa phương tiếp tục lộ trình đạt tiêu chí kiểm soát dịch. TP HCM, Bình Dương “đã có nhiều cố gắng, tình hình đang chuyển biến theo hướng tích cực”.
Tại Kiên Giang, thủ tướng nêu rõ, tỉnh “quán triệt không hết, thực hiện không tốt các biện pháp chống dịch”. Nguyên nhân gây dịch bùng phát tại Kiên Giang đều đã có bài học từ những nơi khác nhưng “tỉnh vẫn chủ quan, lơ là”. Lãnh đạo tỉnh phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm.
Thủ tướng chỉ ra hàng loạt hạn chế trong công tác chống dịch thời gian qua, như một số xã, phường, thị trấn chưa quán triệt hết quan điểm của trung ương. Việc giãn cách chưa triệt để ở một số nơi, có nơi lại cực đoan. Quy định đi lại của người dân, lưu thông hàng hóa có khác biệt, gây nên ách tắc, chậm được tháo gỡ. Tốc độ xét nghiệm chậm hơn tốc độ lây lan. Một số biện pháp chưa chuẩn bị kỹ lưỡng và đánh giá tác động, gây bức xúc trong xã hội.
Ưu tiên hàng đầu thời gian tới là giảm ca tử vong, kiểm soát được dịch bệnh. “Không có người dân nào an toàn khi vẫn còn người mắc Covid-19. Không địa phương nào an toàn nếu địa phương khác còn phải chống dịch”, Thủ tướng nói.
Một trong những giải pháp được người đứng đầu Chính phủ nêu ra là tăng cường hợp tác công tư chống dịch, về xét nghiệm, cách ly, tiêm chủng, điều trị… Bộ Y tế sẽ hướng dẫn cụ thể. “Một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch, nhất là sự mất mát về tinh thần, sức khỏe, tính mạng của người dân”, Thủ tướng nêu rõ.
Bộ Thông tin và Truyền thông được chỉ đạo triển khai các nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung phục vụ chống dịch; xây dựng một ứng dụng (app) thống nhất để thuận tiện cho người dân.
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, tuần qua nhiều địa phương có tỷ lệ ca nhiễm Covid-19 cộng đồng giảm so với tuần trước, như Đà Nẵng, Bình Dương, Long An. Ca tử vong trung bình theo ngày trên toàn quốc giảm 30%; TP HCM giảm 30%; Đồng Nai giảm một nửa; Long An giảm 30%; Tiền Giang giảm 70%.
Dịch bệnh tại TP HCM giảm rõ trên hai tiêu chí là số ca nhiễm cộng đồng và ca tử vong. So với tuần trước, tỷ lệ ca dương tính trên tổng số mẫu xét nghiệm giảm. “Nếu không xét nghiệm diện rộng để bóc tách F0 thì Hà Nội đã có thể có hàng trăm nghìn ca nhiễm thời gian qua”, ông Long nói.
Việt Nam đã nhận hơn 34 triệu liều vaccine, tiêm được 27 triệu liều. TP HCM có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất. Dự kiến đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có thêm 103 triệu liều vaccine. Bộ Y tế đang đàm phán với các đơn vị cung ứng vaccine cho năm 2022, đảm bảo đủ cho toàn bộ dân số từ 5 tuổi và tiêm nhắc lại.
Viết Tuân
Theo VnExpress