Về Tuyên Quang xem trai bản chân trần nhảy múa trên lửa

11:35 | 28/09/2023

Nhảy lửa là lễ hội tiêu biểu của người Pà Thẻn, thường được tổ chức hàng năm vào lúc giao thời giữa năm cũ và năm mới hoặc khi vào vụ thu hoạch lúa mùa tháng 10, tháng 11 âm lịch. Tận mắt chứng kiến du khách sẽ phải trầm trồ về sự kỳ bí của lễ hội nhảy lửa này.


Người Pà Thẻn ở Tuyên Quang cư trú chủ yếu tại thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình và xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa, với khoảng 840 nhân khẩu. Theo phong tục truyền thống của người Pà Thẻn, việc nhảy lửa nhằm truyền dạy cho con cháu đời sau cách để xua đi nỗi sợ hãi, yếu đuối. Kết hợp với các bài cúng, bài chú xin sức mạnh từ thần linh, nhảy lửa giúp cho những người Pà Thẻn thêm can đảm, mạnh mẽ.

Màn nhảy lửa vô cùng ấn tượng của các chàng trai dân tộc Pà Thẻn Tuyên Quang.

Những đôi chân trần nhảy lên đống than đỏ rực, sức nóng của than có thể tan chảy mọi thứ nhưng không một ai bị bỏng cùng những cú nhảy đẹp mắt khiến cho du khách cảm thấy huyền bí và thích thú.

Để có thể tổ chức lễ hội này, ông thầy phải làm lễ để xin phép tổ tiên, xin phép thần lửa, thần nước cho dân làng được tổ chức. Một đống lửa lớn được đốt lên trên khoảng sân rộng và thầy mo bắt đầu làm lễ. Mọi người xung quanh ai cũng hồi hộp dõi theo.

Trong 30 đến 40 phút đầu, thầy cúng sẽ ngồi trên chiếc ghế dài, tay cầm que sắt gõ vào một thanh sắt phía dưới ghế, phát ra những âm thanh gấp gáp liên tục từ 3 đến 4 giờ đồng hồ. Tiếp đó, thực hiện các bài ca nghi lễ với nội dung mở đường lên trời tìm “thần” và âm binh rồi gọi về nhập vào những người tham gia nhảy lửa. Khi thầy mo gõ đàn và làm lễ cúng, từng thanh niên một sẽ ngồi đối diện với thầy, và đó chính là lúc nhập đồng cho người nhảy lửa.

Trong 30 đến 40 phút đầu, thầy cúng sẽ ngồi trên chiếc ghế dài, tay cầm que sắt gõ vào một thanh sắt phía dưới ghế, phát ra những âm thanh gấp gáp liên tục từ 3 đến 4 giờ đồng hồ.

Thời điểm báo hiệu họ sắp có sức mạnh chính là khi thầy kết thúc các nghi lễ ban đầu. Lúc này, cơ thể của những người tham gia nhảy lửa bắt đầu rung lên. Tiếng gõ đều đều của thanh tre trong tay thầy cúng như thôi thúc các chàng trai dũng cảm để nhảy vào đám than hồng đang ở độ rực rỡ nhất, nóng bỏng nhất. Họ bắt đầu bật lên, cúi người, nhảy lò cò và tiến ra gần đống lửa. Một nguồn năng lượng nào đó nâng bổng người thanh niên nhảy bật lên bằng cả hai chân và lao vào giữa đống lửa cháy rừng rực.

Càng lúc thanh niên tụ tập xung quanh thầy mo càng nhiều và lần lượt thay nhau ngồi lên chiếc ghế dài. Những người tham gia nhảy lửa sẽ dùng cả tay và chân trần để phá cho tới khi tàn lửa. Khi nhảy, họ nhắm mắt và như được thần dẫn đi nên bản thân họ không biết là đang lao vào đống lửa. Không có bất cứ một vật dụng nào để lót cho đôi chân của những chàng trai, có chăng đó chỉ có thể là lớp da dày sau nhiều ngày đi bộ, rong ruổi nơi dốc cao, suối sâu của đại ngàn, khiến họ không hề bị bỏng rát trong đống than đỏ rực.

Các chàng trai Pà Thẻn nhảy trên những viên than hồng rực.

Đống lửa sau khi đã tàn, cũng là lúc kết thúc lễ. Lúc này, thầy cúng sẽ chiêu mộ các học trò về lại hàng chiếu phía sau và cảm ơn các vị thần đã tới dự lễ chung vui cùng dân làng, cầu mong các vị thần phù hộ cho dân làng được ấm no, mạnh khỏe, hẹn lần nhảy lửa sau sẽ lại mời các thần xuống tham gia.

Chia sẻ sau phút thăng hoa, anh Phù A Nông, xã Hồng Quang – Lâm Bình, cho biết: “Khi cơ thể đã rung lên dường như có một nguồn sức mạnh dồi dào, vạm vỡ đang ở trong cơ thể mình, mách bảo bản thân đi đến những đám than hồng, chân tay không hề có cảm giác đau đớn hay trầy xước gì cả”.

Những người tham gia nhảy lửa tay không hề có cảm giác đau đớn hay trầy xước gì cả.

Bà Trần Thị Thảo, một du khách Hà Nội tham dự lễ hội nhảy lửa thích thú cho hay: “Đây là sản phẩm văn hóa của dân tộc, đáng để trân trọng và lưu giữ. Trong những năm tới, chắc chắn tôi sẽ giới thiệu cho các bạn mình đến đây để được trải nghiệm văn hóa nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn”.

Anh Vũ Tân, du khách Quảng Ninh chia sẻ: “Chứng kiến lễ hội nhảy lửa, thực sự không giải thích nổi, vì sao người ta có thể thực hiện những động tác như thế. Nếu như kể lại thì chắc chắn mình sẽ không tin, nhưng khi được chứng kiến thì thực sự rất huyền bí. Mong rằng lễ hội nhảy lửa sẽ được gìn giữ và nhiều người biết đến để quảng bá du lịch dân tộc Việt Nam cũng như của Lâm Bình nói riêng”.

Lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn gây ấn tượng mạnh với du khách.

Lễ nhảy lửa có tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến đời sống tâm linh, đến việc hun đúc nên tâm hồn, tính cách người Pà Thẻn và mang bản sắc riêng của bà con dân tộc nơi đây. Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao Chứng nhận Lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho đại diện lãnh đạo huyện Lâm Bình.

Ông Nguyễn Văn Quang – Phó chủ tịch xã Hồng Quang cho biết: “Thời gian tới, để làm tốt công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy bền vững giá trị di sản, rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các ngành chức năng cũng như sự chung tay của cả cộng đồng. Các di sản cần được quản lý và tổ chức tốt, đặc biệt cần tuyên truyền để người dân nhận thức rõ việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản sẽ đem lại lợi ích trong phát triển kinh tế; phát huy giá trị di sản cần gắn với nâng cao đời sống của người dân, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương”.

Tỉnh Tuyên Quang đang từng bước xây dựng Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn trở thành “sản phẩm” du lịch đặc thù để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước

Hiện tỉnh Tuyên Quang đang từng bước xây dựng Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn trở thành “sản phẩm” du lịch đặc thù, để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước muốn khám phá văn hóa độc đáo mỗi dịp Tết đến Xuân về. Hãy đến với xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, để cùng phiêu linh với than hồng và mê hoặc trước lễ hội nhảy lửa độc đáo, bí ẩn của dân tộc Pà Thẻn nơi đây.

Thanh Hoài

Nguồn: Congluan.vn

https://www.congluan.vn/ve-tuyen-quang-xem-trai-ban-chan-tran-nhay-mua-tren-lua-post266413.html


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả