Về miền đá ong

9:48 | 10/03/2020

Vùng đất Vạn Tường, xã Bình Hải (Bình Sơn) hiện còn nhiều ngôi nhà, giếng nước, mộ… làm bằng đá ong được người dân gìn giữ, bởi đó là không gian sống từng một thời gắn bó với bao thế hệ người dân nơi đây.


Lưu giữ ký ức

Bên cạnh nhà văn hóa thôn An Lộc mới được xây dựng ở xã Bình Trị (Bình Sơn) vẫn còn nguyên vẹn ngôi nhà cấp bốn làm bằng đá ong, do chính quyền và người làng An Lộc xây dựng từ trước những năm giải phóng. Đây từng là nơi sinh hoạt văn hóa của bao thế hệ người dân nơi đây. Từ sau khi nhà văn hóa được xây dựng bằng bê tông, cốt thép thì ngôi nhà đá ong không còn được sử dụng nhiều như trước.

Tuy nhiên, người làng An Lộc vẫn lưu luyến ngôi nhà đá ong gắn bó một thời gian khó, nên không ai nỡ phá bỏ. Không chỉ nhà văn hóa thôn An Lộc được làm bằng đá ong, mà ở nhiều nơi trên vùng đất Vạn Tường hiện còn nhiều nhà cửa, giếng, mộ… được làm bằng đá ong vẫn còn được gìn giữ.

Trẻ em ở thôn Hải Thượng, xã Bình Hải (Bình Sơn) vui chơi bên giếng nước đá ong.

Vẫn còn giữ thói quen sinh hoạt trong ngôi nhà đá ong, bà Nguyễn Thị Tửu (86 tuổi), ở thôn Vạn Tường, xã Bình Hải vẫn còn gìn giữ ngôi nhà lưu giữ biết bao kỷ niệm của bao thế hệ trong gia đình bà. Bà Tửu chia sẻ: Mặc dù đã có nhà bê tông được xây dựng kiên cố, nhưng tôi vẫn bàn với con cháu giữ lại ngôi nhà đá ong này.

Ngày xưa để làm được ngôi nhà bằng đá ong, cả gia đình tôi và nhiều bà con hàng xóm phải cùng nhau đi tìm đá suốt mấy tháng ròng. Những người thợ giỏi của làng sẽ đục đẽo, kết dính đá ong lại với nhau rất công phu. Nhà xây dựng bằng đá ong có độ bền cao, ấm vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Giờ trong làng vẫn còn nhiều gia đình vẫn sinh hoạt trong nhà đá ong.

Theo anh Đoàn Văn Bòng (46 tuổi) ở thôn Hải Thượng, xã Bình Hải, anh có nghe ông bà kể lại rằng, những năm đầu sau giải phóng, hầu như những công trình của làng, nhà ở… đều được làm bằng đá ong. Hiện trên địa bàn thôn vẫn còn hai ngôi mộ lớn được làm bằng đá ong. Theo bậc cao niên, hai ngôi mộ ấy đã có hàng trăm năm rồi. Thời xa xưa, những gia đình giàu có mới đủ điều kiện làm những ngôi mộ bằng đá ong lớn như vậy.

Cần được gìn giữ, phát huy

Ở miền Bắc nước ta có nhiều công trình bằng đá ong được xây dựng từ thời xa xưa, tuy trải qua hàng trăm năm nhưng hiện còn được gìn giữ. Nhiều công trình được xây dựng bằng đá ong trở thành biểu tượng văn hóa của địa phương, phát huy được nhiều giá trị về mặt giáo dục, kiến trúc, du lịch… Ở Quảng Ngãi, từ xa xưa cũng có nhiều công trình được làm từ đá ong, có giá trị về mặt kiến trúc.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Cao Văn Chư, nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có công trình nghiên cứu nào về đá ong. Có thể nhận định vào thời xa xưa, việc lấy vật liệu xây dựng của người dân rất khó. Người dân làm nhà tranh vách đất thì không chống chịu được mưa bão, mộ làm bằng đất cũng không trang trọng, hoặc làm giếng nếu để nguyên đất thì sẽ sụt lún.

Vì vậy, khi phát hiện ra đá ong ngoài tự nhiên có thể sử dụng trong xây dựng, nhiều người đã sử dụng để làm nhà, làm mộ, gia cố giếng nước, tường rào… rất chắc chắn. Bởi đá ong có độ kết dính cao, chống chịu được với sự khắc nghiệt của thời tiết. Sau này, kinh tế phát triển, xi măng “lên ngôi” nên những ngôi nhà đá ong cũng ngày một ít đi.

Hiện nay, nhiều xã như Bình Hải, Bình Phú, Bình Châu (Bình Sơn) có những hòn đá ong rất to được nhân dân dùng để làm các công trình của làng, xã. Nhưng rất tiếc là đến nay, nhiều công trình xây bằng đá ong dần bị phá bỏ. Nếu chúng ta biết gìn giữ, phát huy thì nhiều công trình xây dựng bằng đá ong chắc chắn sẽ tạo ra được nhiều giá trị.

Theo Báo Quảng Ngãi

 

Video hay

Cùng chuyên mục

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

NGHĨA TÌNH KHI HOẠN NẠN

NGHĨA TÌNH KHI HOẠN NẠN

“Hành trình về nguồn” ý nghĩa của Khối An ninh Nhân dân, Công an Thành phố Cần Thơ

“Hành trình về nguồn” ý nghĩa của Khối An ninh Nhân dân, Công an Thành phố Cần Thơ

HÀ TĨNH: Hơn 80 ngàn lượt du khách đến Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc trong tháng 3 lịch sử

HÀ TĨNH: Hơn 80 ngàn lượt du khách đến Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc trong tháng 3 lịch sử

SÔI NỔI GIẢI TENNIS “AMS VÀ DROPPII”

SÔI NỔI GIẢI TENNIS “AMS VÀ DROPPII”

Hơn 250 vận động viên tham dự Hội thao Công an Thành phố Cần Thơ mở rộng năm 2024

Hơn 250 vận động viên tham dự Hội thao Công an Thành phố Cần Thơ mở rộng năm 2024