Về 41 di sản độc đáo tại Hà Tĩnh không thể kiểm đếm vì vấn đề… “tâm linh”

16:44 | 24/03/2024

Trên Văn hiến Việt Nam đã liên tục đăng tải loạt bài về “câu chuyện 41 bản Sắc phong tại Chùa Am” (Đức Thọ, Hà Tĩnh), từng bước làm sáng tỏ công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc tại địa phương nhằm bảo vệ các giá trị văn hoá đích thực. Theo tìm hiểu, 41 bản Sắc phong vốn được phát hiện tại Chùa Am, một Di tích Lịch sử Văn hoá cấp Quốc gia, thì có 26 bản đã được di dời về xã Ân Phú (huyện Vũ Quang) và được “cất giữ” trong phòng làm việc riêng của Bí thư – Chủ tịch UBND xã.

Bà Nguyễn Thị Việt Hà – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Vũ Quang (bên trái) dự Lễ tại Đền Vại sáng ngày 21/3 (tức 12/2 âm lịch)

Sắc phong là di sản văn hoá độc đáo, có ý nghĩa rất quan trọng về khoa học, lịch sử và văn hoá gắn liền với mỗi địa phương. Việc di dời hay bảo quản cần phải được các cấp ban ngành liên quan xem xét và thực hiện một cách nghiêm túc. Trong các bài viết trước, Văn hiến Việt Nam đã làm rõ những bản Sắc phong này ngoài một số bản được giữ tại xã Ân Phú, số còn lại hiện tại vẫn đang được bảo quản tại Chùa Am, và đang chờ phương án xử lí. Tất nhiên, tất cả các bản Sắc phong này cũng chỉ “nghe nói” và “báo cáo miệng” còn trên thực tế 41 Sắc phong đang ở đâu vẫn là “điều bí ẩn” bởi chưa ai được “kì mục sở thị”? Cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này là Sở VHTTDL tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa có câu trả lời?

Bà con nhân dân xã Ân Phú làm mâm cỗ để tỏ lòng biết ơn một trong những người khai thôn lập ấp tại Đền Vại.

Trong buổi làm việc trước đây với ông Trần Văn Thư, Bí thư – Chủ tịch UBND xã, ông Thư khẳng định “Hiện tại tất cả các sắc phong đang được bảo quản ở phòng làm việc của tôi đây, toàn bộ được bỏ vào trong 3 chiếc hộp, chỉ được đưa ra khỏi tủ đựng khi rước vào Đền Vại vào ngày lễ 12/2 (âm lịch) hàng năm”. Ông Thư cũng cho biết thêm: “Vì là ít mở ra để kiểm đếm, chỉ mở ra vào ngày lễ trọng đại để cho người dân rước về đền cúng bái, rồi trả về cho xã nên số lượng cụ thể từng tờ thì trong đợt lễ sắp tới tôi sẽ kiểm đếm chi tiết hơn. Sau đó sẽ thông báo cụ thể với báo chí”.

Đúng hẹn với ông Thư, để mục sở thị những bản Sắc phong đang được lưu giữ tại xã, nhóm phóng viên Văn hiến Việt Nam tiếp tục chờ đợi đến ngày 21/3, tức ngày 12/2 âm lịch. Đây là ngày lễ trọng đại của nhân dân xã Ân Phú được tổ chức tại Đền Vại, một Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh. Đây là nơi thờ tự Hoàng hậu Lê triều Ngô Thị Quận Quân, hay còn gọi là Bà Vương Mẫu. Bà được cho là một trong những người khai dân mở ấp, thành lập nên cộng đồng người dân ở xã Ân Phú ngày nay.

Ông Trần Văn Thư – Bí thư, Chủ tịch UBND xã Ân Phú sau khi rước “hộp gỗ đựng Sắc phong” về lại trụ sở xã thì tiến hành cúng bái tại phòng làm việc của riêng chủ tịch xã, cũng là nơi “cất giữ” sắc phong.

Trong những bản Sắc phong được phát hiện ở Chùa Am, thì có một số bản (7 bản) được nhắc đến tên bà và đền Vại, cùng các vị thần linh theo quan niệm của người xưa. Bên cạnh bà là đức Phu quân phối vị Đô chỉ huy sứ Tượng Sơn Cao Liệt Lê Ngọc Xán (Cù Ngọc Xán giữ chức Binh bộ thượng thư thời Lê sơ, tước Tuấn vũ hầu, vì có công với nước nên ông được vua Lê ban cho quốc tính (họ vua) nên được gọi là Lê Ngọc Xán). Tương truyền, Đền có từ khi Đức Bà tạ thế và hiển thánh tại đây, khoảng thời gian cuối thế kỷ 15, đầu thế kỷ 16.

Theo ghi chép của Đền và khẳng định của Bí thư, Chủ tịch UBND xã Ân Phú, chỉ riêng sắc phong về Đền Vại đã có đến 7 bản do các đời vua Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân và Khải Định phong tặng. Trải qua bao thăng trầm biến cố lịch sử, Đền Vại được xây dựng và tôn tạo nhiều lần, trước năm 1949 có một am miếu, hai căn nhà gỗ tọa lạc trên một không gian linh thiêng, có thủ từ trông giữ. Cũng trong năm 1949 thực hiện chính sách hợp tự, lúc đó xã Ân Phú ngày nay là thôn 7 thuộc xã Đồng Công cho nên nhập tự về chùa Am – phần lớn Đền bị phá bỏ, một ngôi nhà gỗ đưa về làm trụ sở xã, một ngôi đã bán đi mất tích không còn dấu vết. Theo lời kể của lãnh đạo xã Ân Phú thì mãi sau này khi xây dựng lại trụ sở làm việc, ngôi nhà gỗ kia mới được mang trả lại cho Đền.

Trong chiếc hộp này nay ông Thư cho biết chỉ có 7 Sắc phong liên quan đến Đền Vại, không như trước đó ông nói sẽ đưa tất cả các Sắc phong vào Đền Vại dâng hương ngày 12/2 âm lịch và sẽ kiểm đếm để thông tin công khai cho báo chí

Lễ ở Đền Vại được tổ chức có sự tham dự của lãnh đạo huyện gồm bà Nguyễn Thị Việt Hà, Tỉnh ủy viên – Bí thư Huyện ủy Vũ Quang; ông Lê Thanh Yên – Phó Chủ tịch HĐND huyện, tổ trưởng Tổ công tác chỉ đạo xã; Lãnh đạo xã Ân Phú, cùng đông đảo cán bộ và bà con nhân dân trong xã.

Trước khi diễn ra buổi lễ, Ban tổ chức Đền Vại cùng lãnh đạo xã Ân Phú tổ chức rước hộp đựng Sắc phong từ trụ sở xã về Đền để cúng bái, sau khi xong lễ, lại diễn ra nghi thức trả những bản Sắc phong từ Đền về cho xã. Tuy nhiên, trong quá trình đó không hề mở hộp đựng Sắc phong cho bà con chiêm bái, bởi vậy, trong “hộp gỗ đựng Sắc phong” hiện có bao nhiêu bản Sắc phong thì vẫn đang còn là bí mật. Điều này trái ngược với buổi làm việc trước đó, khi ông Trần Văn Thư nói sẽ mở ra kiểm đếm cụ thể và thông tin đầy đủ cho báo chí được biết. Điều này một lần nữa dấy lên sự hoài nghi về công tác di dời, bảo quản các di sản văn hoá lịch sử. Không những thế, liệu trong “hộp gỗ đựng Sắc phong” kia có chứa bao nhiêu Sắc phong? Có còn đầy đủ nguyên vẹn Sắc phong hay không hoặc là thất lạc? Hoặc hư hỏng hay không để còn có phương án xử lý phù hợp?

Nhân dân xã Ân Phú đến Đền Vại trong ngày lễ giỗ

Nhóm phóng viên mang thắc mắc này cùng đi theo “hộp gỗ đựng Sắc phong” đến cuối buổi lễ, về lại trụ sở UBND xã Ân Phú. Tại đây, ông Trần Văn Thư – Bí thư, Chủ tịch UBND xã cho rằng số lượng bản Sắc phong chứa trong hộp gỗ là đúng với bài báo mà Văn hiến Việt Nam đã nêu trong số trước. Tuy nhiên về vấn đề tâm linh, ông không được phép mở ra dù hộp gỗ không có khoá, và mong anh chị em phóng viên… thông cảm.

Giải thích về việc trước đó, cũng tại trụ sở xã, đã có việc mở hộp gỗ cho một số phóng viên chụp ảnh quay phim lại một số bản sắc phong, đó cũng là nguồn cơn dấy lên sự nghi ngờ về người có công phát hiện và dịch nghĩa những bản Sắc phong này. Ông Thư cho biết: “Hôm đó ngay tại bàn này, chúng tôi đang phân loại để cất giữ, dù không đếm kỹ nhưng ở đây có phân thành 3 loại sắc, loại về các nhiên thần, thần linh, thần sông thần núi… mà dân họ tôn sùng. Hôm đó cũng là nhân dịp lễ 100 năm nhà thơ Huy Cận, mọi người tập trung ở lễ và có nói là trên xã này có giữ các bản Sắc phong, và đang kiểm đếm nên mọi người mới đến xem thôi. Ở đây có Kê Quan Đại vương, Sông đồng Ngọc nữ, thờ thần trên núi Môồng Gà và một số vị Thánh, theo thông tin trước đây, vùng đất này có 12 ngôi đền, cả 12 đền đó đều có các sắc phong cả. Bây giờ chỉ có Đền Vại là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh, nên chủ yếu tập trung thờ tự ở đây, riêng của Đền Vại là 7 bản Sắc phong rồi”. Nghe ông Thư trình bày, các phóng viên quan sát kĩ thì cho thấy, nếu trải Sắc phong ra để kiểm tra, kiểm đếm và phân loại thì chiếc bàn làm việc của ông Thư chỉ vừa đủ bày cho 2 bản Sắc phong? Còn nếu chỉ bỏ ra đếm số lượng thì nhất định phải có con số chính xác là 41 hoặc 26 chứ không “tiền hậu bất nhất” như đã diễn ra?

Quang cảnh buổi lế tế tại Đền Vại

Như vậy, công tác quản lý và bảo tồn các di sản văn hoá vẫn còn đang dang dở, chưa thực sự được bảo vệ và phát huy theo nguyên tắc, mà còn chủ yếu dựa vào phong tục tập quán của địa phương. Bên cạnh đó, phụ thuộc quá nhiều vào một nhóm người hoặc hành động của một số cá nhân. Nên Ngành Văn hoá tỉnh Hà Tĩnh cần sớm có phương án để các di sản văn hoá phải được quản lý và bảo tồn theo đúng qui định của Luật Di sản. Cũng qua công tác thu thập tài liệu của PV Văn hiến Việt Nam đã khẳng định các Sắc phong di dời về xã Ân Phú chỉ có 26 bản khi ông Trần Văn Thư chưa làm chủ tịch UBND xã, nên việc công bố thông tin xã Ân Phú lưu giữ 41 Sắc phong chỉ là mạo nhận và bịa đặt. Tuy nhiên, tất cả các bản Sắc phong “nguyên bản” hiện đang ở đâu vẫn cần phải tiếp tục làm rõ bởi chưa có bất kì cá nhân hoặc tổ chức nào đứng ra cung cấp sự thật. Riêng xã Ân Phú lấy lý do “tâm linh” để báo chí không được tiếp cận thực tế đã cho thấy có những góc khuất trong vấn đề về trật tự văn hoá ở đây? Nhóm phóng viên Văn hiến Việt Nam sẽ tiếp tục làm rõ mọi vấn đề khúc mắc phía sau câu chuyện này.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH TẠI XÃ ÂN PHÚ TRONG NGÀY 12/2 ÂM LỊCH:

Thực hiện: Trần Hoàng – Ngọc Trâm – Minh Điệp


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình