“Xứ này xứ rắn mà. Nhiều người ở chùa Phật Nhỏ, Vồ Thiên Tuế, Vồ Chư Thần… thấy mấy ổng to cỡ cột nhà”. PV Tuổi Trẻ đến chân núi Cô Tô tìm sự thật.
Ông Phan Văn Nghiệp (hạt trưởng Hạt kiểm lâm Tịnh Biên, An Giang)
Thất Sơn kỳ bí ẩn hiện nhiều am thờ ‘ông Mây’. Chúng tôi đến chân núi Cô Tô (huyện Tri Tôn, An Giang) để tìm sự thật linh miếu mãnh xà.
Ở khu du lịch Suối Vàng (xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, An Giang), am thờ ‘ông Mây’ đã trăm năm hương khói.
Hang tu của “ông Mây”
Bà Chính, 68 tuổi, người đã quản lý miếu hơn 40 năm, thành kính kể: “Hang ông Mây nằm ngay phía sau miếu thờ linh xà của sư tổ để lại gần trăm năm nay. Hằng ngày tôi vẫn thường thắp nhang vào sáng và tối ở cửa hang này. Khách hành hương cũng hiếu kỳ vào thắp nhang rất nhiều sau khi nghe huyền thoại ông Mây”.
Thấy chúng tôi tò mò tìm miệng hang, bà Chính nghiêm giọng: “Đừng ham tìm ổng, hồi đó đến giờ người nào đụng ổng cũng gặp xui xẻo”.
Theo bà Chính, sư tổ ngày trước vô tình nhặt được hai trứng rắn trên núi, thương tình mang về để vào cái chuông. Không lâu sau, cặp trứng nở hai con rắn. Mỗi lần sư tổ tụng kinh thì chúng cuộn tròn lại hai bên để nghe. Dần dà hai con rắn lớn khổng lồ khiến các sư đệ lo sợ.
“Sư phụ tôi kể lúc đó cặp rắn to bằng bắp chuối rồi. Thấy nhiều người sợ hãi, sư tổ kêu hai “ổng” xuống hang tu đi. Từ đó các huynh đệ cũng ít thấy. Chỉ có sư tổ thường hay thăm và tụng kinh ở hang đó cho hai “ổng” nghe. Có điều đặc biệt là ai vô tình thấy “ổng” đều bị xui xẻo” – bà Chính nhớ lại.
Bà cho biết mình đã 40 năm giữ miếu cũng không gặp cặp linh xà này. “Tôi chỉ nghe kể đã sợ rồi, nên không muốn gặp. Có khách hành hương nghe chuyện, vào đó thắp nhang. Hang ông Mây lớn lắm, gần đây đá cứ rơi xuống hoài nên từ từ hẹp lại” – bà Chính kể.
Thực hư rắn độc núi Cấm
Những ngày gần đây, dòng người nườm nượp kéo nhau về đồi Tức Dụp để coi bằng được rắn hổ mây khổng lồ vừa bị bắt nhốt. Không ít chuyện nhuốm màu hư ảo đã tạo lòng tin loài linh xà kỳ ẩn như rắn hổ mây là sợi dây liên kết giữa cuộc sống bình thường với thế giới siêu nhiên.
“Xứ này ứ rắn mà. Rắn còn nhiều lắm. Nhiều người ở chùa Phật Nhỏ, Vồ Thiên Tuế, Vồ Chư Thần… thấy rắn to cỡ cột nhà. Giờ người đông, mấy “ổng” ẩn xuống hang hết rồi” – Hai Bưởi, người buôn bán rau rừng gần chùa Phật Lớn, núi Cấm, quả quyết dân Bảy Núi cứ trăm người thì cũng chừng ấy người tin có rắn khổng lồ.
Nhiều người trước đây bán tín bán nghi sự tồn tại của loài “linh xà” cũng trở nên tin hơn khi ông Ba Lưới (Nguyễn Văn Y), người được cho là “huyền thoại cuối cùng”, kể mình từng chiến đấu với rắn hổ mây nặng hàng trăm ký. Ông Ba Lưới mất năm rồi, để lại nhiều hoài nghi rắn khổng lồ núi Cấm.
Ngay tại khu đông đúc nhất trên đỉnh Cấm Sơn, nhiều người chứng kiến cảnh rắn hổ mây vào “quậy tưng” nhà một người dân, khi ông này trót mang khúc rắn được nhóm công nhân làm đường cho để về hầm sả.
Người ta kể, mãnh xà này nổi điên vì bạn tình bị giết hại, nên nó giận dữ vào phá hư bàn thờ nhà người ăn thịt rắn.
Đó là một trong những lần người dân Cấm Sơn tận mắt thấy “tâm tánh” mãnh xà. Dù con rắn được mô tả chỉ to năm, bảy ký, nhưng “hành vi” của nó rất trùng hợp với những chuyện “rắn trả thù” nhân gian truyền miệng.
Có rắn, có thầy trị rắn
“Chưa thấy ở đâu rắn nhiều như núi Cấm. Từ rắn hiền đến rắn độc, loại nào cũng có…” – anh Huy, nhà ở gần Vồ Chư Thần trên đỉnh núi Cấm, quả quyết. Mấy hôm trước, trùng ngày người ta phao tin bắt được rắn hổ mây to mấy chục ký, anh Huy ra rừng đào ngãi đã bị rắn hổ tượng đớp vào chân.
Hơn 1 giờ sau, người nhà chở anh sang Núi Voi để tìm thầy thuốc rắn Tư Đền, một thầy thuốc rắn được nể trọng trong vùng. Hình ảnh được người nhà ghi lại lúc đó anh Huy chỉ còn là cơ thể bất tri giác. Không hiểu ông thầy thuốc rắn trị thế nào mà chẳng lâu sau nạn nhân tỉnh dậy, nói năng bình thường dù chân vẫn còn sưng nhức.
Một lần nữa, ông Tư Đền thành ân nhân cứu mạng dân núi Cấm. Ông giúp không cần trả ơn. Danh sách những người được ông cứu cứ kéo dài ra, từ những tăng ni ẩn dật đến thầy cô giáo, anh xe ôm, thợ rừng…
Trong số họ, có người quả quyết từng nhìn thấy loài rắn khổng lồ “thân to bằng xô nước”. Chính anh Huy vừa chết đi sống lại cũng góp vào pho huyền hoặc về rắn khổng lồ núi Cấm, khi kể có đêm anh nghe nó vùng vẫy tắm dưới suối, làm cây to cả ôm tay rung rinh.
Ông Tư Đền kể, không chỉ núi Cấm, hệ thống hang động ở những dãy núi khác như Cô Tô, Bà Đội… rất có thể là nơi ẩn náu của nhiều mãnh xà huyền thoại. “Hôm nào rảnh cậu lên đây, tôi dẫn đi xem hang động. Chỉ cần nghe mùi là biết ngay có rắn” – ông Tư Đền khẳng định.
Ông kể mình nhiều lần chạm mặt với rắn hổ mây, chúng là rắn dữ, phun nọc. Tuy nhiên, thấy cặp rắn đang được trưng bày tại đồi Tức Dụp, ông lại lắc đầu: “Chắc rắn nuôi, chứ hổ mây thiên nhiên dữ lắm. Người tới gần hay bị nó tấn công. Rắn to vậy mà phun nọc thì khối người hiểm nghèo đấy”.
Đã ngoài 80 tuổi, ông Tư Đền tâm sự đang truyền nghề thuốc rắn cứu người cho 8 đệ tử, trong đó có con trai út của ông – anh Nguyễn Văn Cành đang khét tiếng với nghề bắt rắn bằng tay không. Ông Tư Đền thở dài: “Do mưu sinh thôi. Tôi sẽ kêu nó nghỉ mần sinh nghề tử nghiệp này!”.
“Hồi đó, tiểu đội trinh sát của tui đêm đêm tuần phục quân Khmer Đỏ dưới chân núi Cấm. Người dân than hay bị trộm gà vịt, nhưng tụi tui kiểm tra không thấy dấu vết người mà lại có đường loằng ngoằng trơn nhẵn như con gì đó bò. Tui cho tiểu đội nằm phục thì phát hiện cặp rắn từ hướng núi trườn vào chuồng gà”.
Ông Chắc nhớ lại hai con rắn lớn ngang nhau, dưới bóng trăng nhìn chúng đen trùi trũi như cột nhà cháy. Ban đầu, tiểu đội định bắt sống nhưng ông thấy nguy hiểm quá nên cho bắn. Cả hai khẩu AK cùng xả gần nửa băng đạn mới hạ gục cặp mãnh xà này.
“Người dân cân, mỗi con nặng hơn 40kg. Hồi đó dám bắn, chứ quy định bảo tồn nghiêm ngặt như giờ chắc không dám nổ súng” – ông Chắc nhớ đã cho dân một con, còn một con cả trung đội liên hoan thời bộ đội còn khó khăn.
Theo Tuoitre