Hành trình từ cô bé khuyết tật trở thành huyền thoại của nước Mỹ

16:40 | 02/06/2022

Bạn có bao giờ nghĩ một cô bé từ nhỏ đã không thể nghe hay nhìn thấy bất kể thứ gì sau này lại trở thành một nữ văn sĩ, nhà hoạt động xã hội và một diễn giả đầy động lực hay không? Có một cô bé như thế, người mà sau này đã trở thành một huyền thoại bất hủ của xứ cờ hoa.


Người phụ nữ ấy là Helen Adams Keller – người khiếm thị đầu tiên trên thế giới nhận bằng đại học, và sau đó trở thành Tiến sĩ danh dự của Đại học Harvard và nhiều trường đại học danh tiếng khác.

Tuy bị khuyết tật nhưng Helen Adams Keller là một người phụ nữ tràn đầy lạc quan và thiết tha yêu cuộc sống. (Ảnh qua Spiegel Online)

Đã có 7 vị Tổng thống Mỹ và Thủ tướng của nhiều nước dành thời gian tiếp kiến bà. Helen Keller đã cất công đi khắp thế giới để chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ, truyền động lực giúp họ tìm thấy niềm tin và hy vọng trong cuộc sống. Bằng tất cả những nỗ lực của mình, bà đã viết nên 12 cuốn sách – 12 bài ca huy hoàng nhất về sự vươn lên của con người…

Nhìn lại chặng đường mà bà đã đi qua, nhìn lại cách bà vượt qua những khó khăn, mất mát và đem đến cho thế giới những điều tốt đẹp, chúng ta không chỉ thấy những bài học quý giá về sự vươn lên, mà còn cả tình yêu thương, sự cảm thông sâu sắc của một tấm lòng nhân hậu và hơn thế nữa…

Tai họa ập đến từ những năm đầu đời

Helen Keller chào đời ngày 27/06/1880, ở Tuscumbia, một thị trấn nhỏ ở miền Bắc tiểu bang Alabama, nước Mỹ. Khi còn nhỏ, bà sống cùng gia đình ở khu điền trang Ivy Green (Thường xuân xanh) – nơi bà gọi là “thiên đường tuổi nhỏ của tôi”.

Thuở đó bà được sinh ra là một bé gái bụ bẫm, xinh xắn, đáng yêu, hoàn toàn khỏe mạnh, suốt ngày líu lo như chim hót và là niềm hạnh phúc của cha mẹ. Thế nhưng đến tháng 19, bất hạnh đã ập đến cuộc đời bà. Sau cơn bạo bệnh xung huyết dạ dày và não cấp tính, thị lực và thính lực của bà mất hẳn, hay nói cách khác, cô bé ấy đã mất đi gần như toàn bộ khả năng giao tiếp của một con người: Không nghe cũng không thấy bất cứ điều gì.

Từ một đứa trẻ khỏe mạnh nay đột nhiên phải sống trong sự u tối khiến Helen trở nên hung hăng, cáu gắt và khó kiểm soát bản thân trong suốt những ngày thơ ấu. Ở cái thời mà y học chưa phát triển, cha mẹ Helen tưởng chừng đã phải chấp nhận bi kịch của con gái trong vô vọng thì một cơ duyên đã xảy đến, làm thay đổi cả cuộc đời cô bé.

May mắn gặp được quý nhân

Nhờ những mối nhân duyên tình cờ, một ngày tháng 3/1887, Anne Mansfield Sullivan, một cô gái mới 20 tuổi vừa tốt nghiệp trường Perkins dành cho người khiếm thị đã đến Tuscumbia để làm cô giáo của Helen. Hơn ai hết, Anne hiểu được nỗi khổ sở mà cô học trò của mình phải trải qua. Bằng sự thấu hiểu và tình thương, cô đã giúp Helen tìm lại ánh sáng từ trong chính tâm hồn mình.

Một lần, cô giáo Anne tặng cho Helen một con búp bê bằng vải. Chờ Helen chơi một hồi, Anne cầm lấy bàn tay Helen và viết chữ “búp bê” (doll) lên lòng bàn tay cô bé. Helen rất thích thú với cách thể hiện này, từ đó về sau Anne thường xuyên tập cho Helen ghép chữ cái theo cách này. Sau 3 tháng, thông qua ngôn ngữ động tác tay và sờ xem cử động môi của Anne, Keller đã học được hơn 400 từ đơn cùng một số đoản ngữ.

Năm Helen lên 8 tuổi, Anne đưa cô học trò nhỏ tới học tại trường Perkins, nơi có các loại sách chữ nổi và các trẻ em bị mù-điếc khác. Chẳng bao lâu, Keller đã bộc lộ rõ tài năng vượt trội về các môn toán, địa lý, sinh học, tập đọc; bà còn học cả bơi, chèo thuyền, cưỡi ngựa, đi xe.

Lên 10 tuổi, Helen được Mary Swift Lamson dạy nói. Cuối cùng thì sau 9 năm im lặng, cô bé mù và điếc đã biết nói: “Bây giờ tôi không còn câm nữa”!

Hơn 49 năm ở bên Helen Keller, Anne Sullivan không chỉ là người thầy mà còn là người bạn thân đáng tin cậy. Từ dạy cách đánh vần những từ đầu tiên cho đến khi cô bé bắt đầu tập nói, Anne luôn luôn kiên nhẫn, thậm chí còn tìm đến những người có thể giúp đỡ Helen hoàn toàn phát triển được khả năng của mình. Câu chuyện của Helen Keller và Anne Sullivan tới nay vẫn là nguồn cảm hứng về nghị lực sống cho những người khuyết tật.

Nguồn: banmaihong

Bản lĩnh phi thường và một cuộc đời đáng kính 

Anne Sullivan đã mở khóa thành công những khả năng của Helen Keller. Tuy nhiên bản thân cô gái ấy cũng phải có bản lĩnh, ý chí và nghị lực sống kiên cường mới có thể đạt được những điều khiến người ta phải tôn cô thành vĩ nhân.

Ở tuổi thiếu niên, Helen đã sớm hạ quyết tâm bước chân vào cánh cổng đại học. Năm 1900, bà thi đậu vào trường Radcliffe College, học tài liệu chữ nổi dành cho người mù. Bà kiên trì học tới mức khi nào đầu ngón tay rớm máu mới chịu dừng. Sau này cái tên Helen được biết đến với tư cách người khiếm thính và khiếm thị đầu tiên có được tấm bằng Cử nhân chuyên ngành Nghệ thuật của trường Đại học Radcliffe.

Helen là người khiếm thính và khiếm thị đầu tiên có được tấm bằng Cử nhân chuyên ngành Nghệ thuật (Ảnh qua Meta Networks)

Trong suốt những ngày tháng ở Radcliffe, Helen đã có mong muốn mạnh mẽ rèn giũa ngòi bút của mình thật sắc bén. Cuốn sách đầu tay cũng là tự truyện mang tên “The Story of My Life” (Câu chuyện đời tôi) của bà đã được dịch ra hơn 50 thứ tiếng và nằm trên đầu giường của nhiều thế hệ trẻ.

Tuy bị tàn tật nhưng Helen là một người phụ nữ tràn đầy lạc quan và thiết tha yêu cuộc sống. Trong suốt cuộc đời, bà đã cống hiến tổng cộng 12 cuốn sách và hơn 475 bài diễn văn về những đề tài như đức tin, sự lạc quan, chiến tranh, giáo dục, phân biệt chủng tộc,…

Những thiệt thòi mất mát, những khó khăn vất vả từ thuở ấu thơ đã nuôi dưỡng bên trong bà một trái tim nhân hậu, có thể đồng cảm sâu sắc với những mảnh đời bất hạnh. Vì thế, dù phải sống một cuộc đời không ánh sáng, không âm thanh nhưng trong tâm bà từ sớm đã trỗi dậy một ước nguyện, một mong muốn cống hiến hết sức lực để đem lại niềm tin, niềm hy vọng cho những người tàn tật cùng hoàn cảnh như mình.

Và rồi từng bước, từng bước, bà đã thực hiện thành công mong ước ấy. Người phụ nữ này đã đi đến hàng chục quốc gia trên thế giới và truyền cảm hứng cho hàng triệu người gặp phải bất hạnh và kém may mắn.

Hai cuộc Thế chiến thứ nhất và Thế chiến thứ hai gây ra đau thương chết chóc và tàn phế cho hàng trăm triệu người. Keller đã tìm đến hơn 70 bệnh viện để an ủi bệnh binh, động viên họ kiên cường chống chọi với số phận, làm cho họ hiểu rằng tàn phế không có nghĩa là hết hy vọng trước cuộc sống.

Bà từng 3 lần sang thăm nước Nhật sau chiến tranh và được người dân Tokyo tiếp đón nồng nhiệt. Bà kể với mọi người rằng mình chỉ là một người không may mắn, nhưng đã dùng ý chí nghị lực để chống trả lại số phận trớ trêu, hoàn thành sự nghiệp khơi gợi tấm lòng nhân hậu của mọi người, nhằm mang lại tình thương cho người tàn tật.

Ngày 14/9/1964, Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson đã trao tặng bà Huân chương Tự do Tổng thống, một trong hai danh dự dân sự cao nhất của nước Mỹ. Một năm sau, bà được ghi tên vào Nhà Danh vọng Hoa Kỳ. Và nhiều năm sau nữa, bà vẫn không ngừng được những tổ chức uy tín trên thế giới tôn vinh.

Helen Keller gặp gỡ Tổng thống Mỹ Eisenhower. (Ảnh qua FNews)

Helen Keller đã từng nói: “Khi ta làm hết sức mình, ta không thể biết điều kỳ diệu nào sẽ xảy đến trong cuộc sống của ta, hoặc trong cuộc sống của người khác”. Có thể cuộc đời bạn sẽ không bằng phẳng hay nói cách khác, nó sẽ không bao giờ bằng phẳng, đôi lúc bất hạnh có thể ập đến bất cứ lúc nào. Nhưng, nhìn nhận những khó khăn và bất hạnh ấy như thế nào là do bạn.

Nếu một người cứ mãi nhìn vào sự bất hạnh của mình mà không hướng mắt ra để nhìn thế giới bên ngoài, nhìn con người bên ngoài thì bạn sẽ mắc kẹt trong nỗi bất hạnh của bản thân mà thôi. Nhưng nếu bạn hướng mắt ra bên ngoài, thì bạn sẽ thấy rằng còn rất nhiều rất nhiều những người không may mắn như thế trên cuộc đời này. Thay vì oán trách số phận thì sao bạn không thử đứng lên và tự tạo dựng cho mình một lối đi riêng, một con đường riêng, có như thế bạn mới có thể thay đổi cuộc đời bất hạnh của mình.

Vậy nên, đừng nghĩ rằng chỉ có bạn là người kém may mắn, là người bất hạnh trên đời, bởi lẽ chúng chỉ là thử thách trên con đường bạn đang đi mà thôi. Dù đường có hẹp cỡ nào, chắc chắn cũng sẽ có lối đi, chỉ e bạn không cố gắng tìm mà thôi, tìm thì sẽ nhất định thấy!

Và “Hãy có trách nhiệm với cuộc đời mình. Hãy nhớ rằng chính bạn là người sẽ đưa bạn tới nơi bạn muốn đến chứ không phải ai khác”. (Les Brown)

Sưu tầm/ Văn hiến Việt Nam

Cùng chuyên mục

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Vĩnh Linh – Viết tiếp bài ca truyền thống

Vĩnh Linh – Viết tiếp bài ca truyền thống

Tăng cường kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu làm bánh Trung thu

Tăng cường kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu làm bánh Trung thu

Đại hội Hội hữu nghị Việt – Nhật tại Đà Nẵng

Đại hội Hội hữu nghị Việt – Nhật tại Đà Nẵng

LỜI CHIA BUỒN CỦA TT HOA KỲ JOE BIDEN GỬI PHU NHÂN NGÔ THỊ MẬN VỀ VIỆC TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG TỪ TRẦN

LỜI CHIA BUỒN CỦA TT HOA KỲ JOE BIDEN GỬI PHU NHÂN NGÔ THỊ MẬN VỀ VIỆC TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG TỪ TRẦN

TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG TỪ TRẦN

TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG TỪ TRẦN