Nhắc đến Huế, người ta thường nghĩ ngay đến những công trình kiến trúc độc đáo như Đại Nội, Lăng Tự Đức, Chùa Thiên Mụ,…Cùng với những cảnh sắc thiên nhiên đầy thơ mộng và trữ tình như Sông Hương, núi Ngự, cầu Tràng Tiền,…Thêm vào đó Huế còn làm người ta nhớ mãi với những ngôi trường cổ kính và trang nghiêm như trường Quốc Học Huế, trường Hai Bà Trưng. Thế nhưng ít ai biết rằng ở Huế còn có một ngôi trường xưa kia vốn rất nổi tiếng, đó là Trường Quốc Tử Giám – ngôi trường Đại Học đầu tiên được xây dựng trên mảnh đất cố đô này.
Đường đến Văn Miếu Quốc Tử Giám
Văn Miếu Quốc Tử Giám ở Huế thực tế có 2 nơi.
Địa điểm thứ nhất: tại địa phận An Ninh Thượng, huyện Hương Trà, cách kinh thành Huế chừng 5 km về phía Tây, trường nằm cạnh Văn Miếu, mặt hướng ra sông Hương.
Địa điểm thứ hai: nằm ở địa chỉ số 1 đường 23/8, phường Thuận Thành trong khuôn viên kinh thành Huế.
Để đến được 2 nơi này bạn có thể di chuyển bằng ô tô hoặc xe máy, chỉ mất tầm khoảng 10 – 15 phút là đến nơi. Để đến được nơi thứ nhất bạn đi thẳng đường Kim Long, chạy tiếp qua chùa Thiên Mụ một đoạn tầm 2km sẽ đến nơi. Nơi thứ hai từ trung tâm thành phố Huế, bạn đi thẳng đường Bùi Thị Xuân khoảng 2km thì rẽ trái qua cầu Dã Viên sau đó rẽ tiếp vào đường Lê Duẫn, đi thẳng khoảng 2km sẽ đến được Trường Quốc Tử Giám Huế.
Lịch sử về ngôi trường cổ kính nhất xứ Huế
Văn Miếu là một trong những công trình thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế, được nhà Nguyễn lập ra để tôn vinh các thánh hiền của đạo Nho, đồng thời là nơi đào tạo nhân tài của đất nước bấy giờ. Sách sử còn ghi: Năm 1808, Gia Long cùng triều đình quyết định chọn một ngọn đồi thấp phía trên chùa Thiên Mụ, sát tả ngạn sông Hương, tức thuộc địa phận An Ninh Thượng, huyện Hương Trà, cách kinh thành Huế chừng 5 km về phía Tây để xây dựng đầu tiên. Bấy giờ, trường Quốc Tử Giám cũng được lập ra ở đây và hoạt động mãi cho đến năm 1908 mới dời về Thành Nội.
Trường Quốc Tử Giám được xây dựng đầu tiên ở gần chùa Thiên Mụ Huế
Trường Quốc Tử Giám có diện tích khá rộng. Năm 1821, ngôi trường được xây dựng thêm tòa Di Luân Đường gồm 5 gian 2 chài, phía sau là giảng đường 7 gian 2 chái. Hai dãy nhà học đều 3 gian 2 chái và xung quanh là tường thành bảo vệ.
Văn miếu Quôc Tử Giám sau khi được di dời và sửa chữa
Đến năm 1908, thời vua Duy Tân, Quốc Tử Giám được dời vào bên trong Kinh thành, bên ngoài, phía Đông Nam Hoàng thành (tức vị trí hiện nay). So với kiến trúc cũ, Quốc Tử Giám mới được xây dựng mới thêm nhiều công trình phụ, trong đó, kiến trúc cũ của Di Luân Đường được giữ nguyên. Hai bên là hai dãy phòng học vẫn như cũ và cư xá sinh viên; phía sau trường, ở giữa là tòa Tân Thơ Viện, hai bên là nhà ở của quan Tế tửu, Tư Nghiệp (hiệu trưởng, hiệu phó) và các viên chức khác của trường. Trong số các công trình kiến trúc này, Di Luân Đường, Tân Thơ Viện và tòa nhà dành cho vị Tế tửu Quốc Tử Giám ở là những công trình kiến trúc gỗ theo phong cách truyền thống có giá trị nghệ thuật cao (Tân Thơ Viện, Di Luân Đường đều có nguồn gốc từ các công trình kiến trúc của Cung Bảo Định). Năm 1923, Tân Thơ Viện trở thành Bảo Tàng Khải Định nên trường Quốc Tử Giám phải lập một thư viện mới mang tên Thư Viện Bảo Đại ở phía sau Di Luân Đường.
Quốc Tử Giám Huế sau này
Bia tiến sĩ ở quốc tử giám cũ
Đến với Văn Miếu hay Trường Quốc THuếử Giám Huế bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên với sự cổ kính và lịch sử học tập của những con người nơi đây. Đến đây bạn sẽ được chiêm ngưỡng 32 tấm bia khắc tên 293 tiến sĩ triều Nguyễn bắt đầu từ khoa thi đầu tiên năm Minh Mạng đến khoa thi cuối cùng vào năm Khải Định.
Tính đến nay Quốc Tử Giám Huế là trường đại học duy nhất thời phong kiến còn tồn tại trên đất nước ta. Nơi đây đã trở thành một bộ phận trong quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế Giới.
Minh Quang/VHVN