Văn hóa vẫn bị bỏ lại phía sau, bị coi nhẹ

13:54 | 14/12/2021

Trước ngày diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc, phóng viên VietNamNet có cuộc trao đổi với nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin Phạm Quang Nghị một số vấn đề về sự phát triển văn hóa đất nước. VHVN xin giới thiệu lại cuộc trao đổi rất đáng chú ý này.


Ông Phạm Quang Nghị.

Sau 35 năm đổi mới, ông có thể cho biết những thành tựu đạt được cũng như khó khăn, hạn chế của lĩnh vực văn hóa?

Để đưa ra một đánh giá tổng quát hay liệt kê những thành tựu, những yếu kém của lĩnh vực văn hóa là việc khó. Nhưng xét một cách tổng thể, bao quát, đó là sự đan xen giữa thành tích và yếu kém, giữa được và mất.

Qua 35 năm đổi mới, đất nước đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đương nhiên trong đó có đóng góp, có kết quả của văn hóa. Kinh tế phát triển đi lên, văn hóa cũng được quan tâm đầu tư nhiều hơn, đời sống tinh thần của người dân cũng được cải thiện; mức độ và chất lượng hưởng thụ văn hóa của người dân cũng hơn trước.

Nhưng so một cách tương đối, cảm nhận chung của mọi người đều cho rằng, giữa thành tựu kinh tế và thành tựu trên lĩnh vực văn hóa còn có khoảng cách. Văn hóa vẫn bị bỏ lại phía sau, bị coi nhẹ trong nhận thức và trong những việc làm cụ thể.

Việc phát triển văn hóa được đánh giá chưa ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội…, theo ông đâu là nguyên nhân?

Trong tự nhiên hay trong xã hội, không có gì là bỗng dưng mà có. Có gieo trồng mới mong gặt hái. Có chăm sóc tốt mới hy vọng được mùa. Nhân nào thì quả ấy.

Việc phát triển văn hóa chưa ngang tầm phát triển kinh tế, chung quy có 2 nguyên nhân lớn, cơ bản. Một là về nhận thức, không phải chủ yếu về phía người dân, mà là từ phía lãnh đạo, chưa coi trọng đúng mức vị trí, vai trò, tầm quan trọng của yếu tố văn hóa đối với sự phát triển bền vững của xã hội.

Có vô số dẫn chứng, từ mức đầu tư kinh phí, ngân sách quốc gia và các nguồn lực khác cho văn hóa luôn không tương xứng với vị trí, vai trò của văn hóa (chưa bao giờ được 2% ), không bằng lĩnh vực khoa học công nghệ; thấp hơn giáo dục, y tế rất nhiều.

Nguyên nhân thứ 2 cũng từ nhận thức ấy, dẫn tới hành động, chỉ đạo, điều hành. Các cấp, các ngành từ Trung ương tới cơ sở, hầu hết các nhà lãnh đạo, quản lý khi phải lựa chọn các dự án, giữa lĩnh vực kinh tế và văn hóa, đa số đều ưu tiên chọn dự án kinh tế. Vì thấy nó sinh lời, đem lại nguồn thu, tăng trưởng… Còn dự án dành cho phát triển văn hóa, nhiều người không nhìn thấy những cái được cơ bản, lâu dài và bền vững mà nó mang lại: đạo đức, tâm hồn, lối sống, lòng yêu nước, thương người… mà luôn nghĩ đó là dự án tiêu tốn ngân sách. Tôi đã từng làm việc với các cơ quan cấp phát kinh phí, ngân sách nên tôi hiểu được điều đó.

Qua 35 năm đổi mới, đất nước chúng ta luôn tự hào – mà tự hào chính đáng, đã xây dựng, khánh thành hàng nghìn công trình lớn nhỏ, đường cao tốc, sân bay, khu  đô thị, trung tâm thương mại hiện đại… Nhưng TP.HCM lớn bậc nhất đất nước, đề xuất làm một nhà hát; hay ngành văn hóa đề nghị xây bảo tàng lịch sử quốc gia, như mọi người đã biết, thảo luận, nghiên cứu qua mấy chục năm luôn vấp phải bao nhiêu là sự cản trở, phản đối, khiến cho những dự án văn hóa ấy cho đến hôm nay không thể triển khai được. Không ít dự án trên lĩnh vực kinh tế đã gây thua lỗ, lãng phí, thất thoát hàng trăm nghìn tỷ, nhà nước vẫn phải gánh chịu. Nhưng những dự án trong lĩnh vực văn hóa quy mô đầu tư nhỏ bé hơn nhiều nhưng lại không bố trí được vốn… Ấy là chưa nói đến những bất cập về chế độ, chính sách đãi ngộ, thù lao đối với đội ngũ những người lao động sáng tạo văn hóa, nghệ thuật.

Cũng cần nói thêm, xu hướng chung của xã hội, cũng như từng con người đều luôn thiên về lợi ích, nhất là những lợi ích có thể cầm, nắm, đếm, tính được. Chỉ những ai tự giác, hiểu rõ được sự cần thiết, những yêu cầu, đòi hỏi của sự phát triển bền vững cho đất nước, cho xã hội chứ không phải cho riêng cá nhân mình, ngành, lĩnh vực mình mới thực sự quan tâm đúng mức đến văn hóa.

Nếu văn hóa không được đặt đúng vị thế, có thể gây ra những hệ lụy gì, thưa ông?

Đây là câu hỏi dường như đã có sẵn câu trả lời. Đó là thực tế đang diễn ra hàng ngày trong đời sống xã hội chúng ta, là sự mất cân đối giữa phát triển kinh tế và văn hóa. Thành tựu trên lĩnh vực kinh tế nhiều hơn, nổi bật hơn lĩnh vực văn hóa.

Đất nước chúng ta được thế giới ca ngợi về tiềm năng, tốc độ phát triển (kinh tế) vào tốp cao nhất thế giới. Đó là thực tế không cần phải nhiều lời chứng minh. Nhưng chúng ta cũng nên nghiêm túc tự đánh giá, tự nhìn nhận hình ảnh đất nước, con người Việt Nam xét về phương diện văn hóa, đạo đức, tinh thần… liệu chúng ta có thể ngẩng cao đầu tự hào như một thời chưa xa, Việt Nam được thế giới ngợi ca là lương tri của thời đại?

Chúng ta đang cảm thấy lo âu, trăn trở, vì sao đạo đức xã hội sa sút, xuống cấp như vậy? Tội phạm xã hội hàng ngày diễn ra nhiều như vậy? Những khuyết điểm ấy do đâu? Tất cả những điều đó không phải nguyên nhân duy nhất từ văn hóa, nhưng nếu lĩnh vực văn hóa được chú ý, coi trọng hơn, nhất định những yếu kém sẽ ít đi.

Thời điểm này, văn hóa, đạo đức xã hội bị đánh giá là xuống cấp? Theo ông, vì sao văn hóa bị nhiều người xem nhẹ, cho là hoạt động bề nổi “cờ, đèn, kèn, trống”?

Vì sao văn hóa bị nhiều người xem nhẹ? (cười). Vì văn hóa không được nhiều người coi trọng, nhất là những ai đó, xét trên phương diện lãnh đạo, quản lý vĩ mô, hay trên phương diện lợi ích, như tôi vừa nói, không nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò, chức năng của văn hóa trong đời sống xã hội. Đôi khi họ đã bị những lợi ích vật chất thôi thúc, cám dỗ, muốn có ngay những thứ ăn được, đếm, tính được.

Những người coi văn hóa chỉ là những hoạt động bề nổi “cờ, đèn, kèn, trống” một phần cũng do trình độ nhận thức, nhưng cũng còn một lý do khác mà về phương diện lãnh đạo, quản lý cần phải nghiêm túc tự vấn, tự sửa chữa, khắc phục từ bên trên. Đó là căn bệnh chuộng hình thức, chỉ chú trọng bề nổi; thích họp hành, lễ hội, mít tinh, kỷ niệm…tràn lan. Nhiều người cũng thích được đăng ảnh to trên báo, cũng thích được tặng hoa, thích có cờ, có trống, tụ tập đông người đón rước… Tự mình làm cho việc “cờ, đèn, kèn, trống” trở nên quan trọng hơn là phải quan tâm chú ý đến những vấn đề thiết thực về nội dung. Những biểu hiện như vậy tự nó làm xấu đi ý nghĩa của văn hóa.

Xây dựng văn hóa rất cần sự nêu gương của cán bộ lãnh đạo

Trong bài viết nhân dịp kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới; phát triển giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ là quốc sách hàng đầu. Ông nghĩ thế nào về nội dung này?

Trong những bài viết gần đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân 90 năm thành lập Đảng, 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh… cũng như trong các Văn kiện, Nghị quyết của Đảng đều nói rất đúng, rất trúng, rất sâu sắc về vấn đề văn hóa, vấn đề con người. Nếu cần phải trích, phải nhắc lại thì không ai không tán thành và mong muốn phải làm được như thế: “…phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với thực hiện tiến bộ xã hội ngay trong từng bước đi…”; “Chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển và xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ công bằng xã hội…”.

Đấy là những điều đã được ghi trong Nghị quyết Đại hội, Nghị quyết chuyên đề về văn hóa, trong các bài nói, bài viết của Tổng Bí thư, nhưng trong nhận thức và tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, thật đáng tiếc, hãy còn khoảng cách khá xa.

Khi làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin, tại kỳ họp tháng 11/2002, tôi đã có bài phát biểu khá “lâm li” trước Quốc hội, nói về mức đầu tư cho văn hóa quá thấp, rất không tương xứng với vị trí, vai trò và trách nhiệm của ngành. Sau khi phát biểu, Quốc hội đồng ý điều chỉnh tỷ lệ phân bổ ngân sách cho ngành văn hóa – thông tin từ 1% tăng dần qua các năm lên 1,4%, rồi 1,6%. Khi làm việc với Bộ Tài chính về vấn đề này, đồng chí Bộ trưởng phải thừa nhận “Mức đầu tư ngân sách cho lĩnh vực văn hóa -thông tin của nước ta (một năm) không bằng tiền chuyển nhượng một cầu thủ bóng đá ở Châu Âu”. Đó là một sự so sánh hết sức ấn tượng và hoàn toàn chính xác.

Trong các Văn kiện chính thức của Đảng, phát biểu của các đồng chí lãnh đạo cũng luôn nhấn mạnh: Phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Điều đó hoàn toàn đúng cả về lý luận và thực tiễn. Đất nước và nhân dân cũng rất mong đợi phải làm được như thế.

Con người và văn hóa là không thể tách rời nhau. Chỉ có con người mới suy nghĩ, thực hành, giao tiếp, ứng xử  theo quy ước, chuẩn mực, thói quen văn hóa. Văn hóa là mục tiêu phấn đấu, hoàn thiện con người. Con người là chủ thể xây dựng, phát triển văn hóa. Để đánh giá từng con người hay cộng đồng người, hơn, kém, cao thấp theo các thước đo giá trị, thì bao giờ tiêu chí văn hóa cũng được đặt lên hàng đầu. Mọi người khó nhận biết ai đó hàng ngày ăn, ở tiện nghi cao sang đến đâu, nhưng rất dễ nhận biết văn hóa của người đó như thế nào.

Xét rộng ra, với một cộng đồng, một quốc gia, dân tộc cũng vậy, văn hóa là một thứ căn cước mang theo những giá trị và bản sắc riêng, dễ dàng nhận biết.

Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, theo ông thời gian tới chúng ta cần phải làm gì?

Tôi không thể trả lời hay hơn, đúng hơn những gì Bác Hồ đã nói, Nghị quyết đã viết, lãnh đạo đang chỉ đạo.

Chúng ta đã có những chủ trương đúng, có rất nhiều bài học tốt trong quá khứ. Đất nước ta có truyền thống văn hóa tốt đẹp hết sức đáng tự hào, lại sống trong một thế giới giao lưu rộng mở. Chúng ta có một nhân dân giàu lòng yêu nước, sáng tạo và thông minh. Dân tộc Việt Nam là một dân tộc yêu văn hóa và có truyền thống văn hóa “Bầu ơi thương lấy bí cùng”; “Thương người như thể thương thân”…

Có nhiều điều nhân dân trông thấy rõ. Đảng cũng đã nhìn thấy và đang quyết tâm chỉ đạo. Như lúc này, để khắc phục những yếu kém, rất cần sự nêu gương của lãnh đạo, của cán bộ, đảng viên. Nêu gương trong tư duy đổi mới, sáng tạo; trong nói và làm; trong rèn luyện, phấn đấu. “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Đấy là câu khẩu hiệu đầy chất văn hóa, mãi mãi đúng và cần được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày. Đấy là khẩu hiệu thống nhất giữa chính trị và văn hóa; giữa nói và làm. Đấy cũng là ý Đảng, lòng dân.

 

Hương Quỳnh (thực hiện)

Video hay

Cùng chuyên mục

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê