Đó là tư tưởng xuyên suốt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021 và Hội nghị đối ngoại toàn quốc sau đó. Bởi hội nghị đối ngoại toàn quốc cũng là nơi Tổng bí thư chủ yếu nói về văn hóa: văn hóa đối ngoại. Tại hai hội nghị trên, Tổng bí thư đã tổng kết rất khúc triết, rất ngắn gọn nhưng đầy đủ thuyết phục đường lối của Đảng ta về văn hóa từ ngày thành lập đến nay và đưa ra những nhận định, đúc rút rất thiết thực, rất tích cực về văn hóa.
Một tiết mục trong Chương trình nghệ thuật “Niềm tin và khát vọng” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Ảnh: VOV
Một định nghĩa rất tích cực về văn hóa
Mở đầu phát biểu, sau khi cho biết văn hóa là phạm trù rất rộng, có rất nhiều cách hiểu cách tiếp cận khác nhau, có tới gần 200 nghĩa về văn hóa trên thế giới, Tổng bí thư cho rằng “Chung quy có thể hiểu theo hai nghĩa: Nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Nghĩa rộng thì văn hóa là trình độ phát triển về tinh thần và vật chất của nhân loại trong mỗi giai đoạn lịch sử nhất định (thời kỳ đồ đá, thời kỳ đồ đồng,… văn hóa Đông Sơn, văn hóa lúa nước,…). Nghĩa hẹp thì văn hóa là những hoạt động tinh thần của một xã hội, gồm có những lĩnh vực: Giáo dục, khoa học, văn học, nghệ thuật, đạo đức (lối sống, cách cư xử, ứng xử giữa người với người…). Văn hóa cũng bao gồm cả văn hóa vật thể (các di tích lịch sử, các công trình văn hóa, di sản văn hóa, những sản phẩm văn hóa: Kim tự tháp, đình, chùa, miếu thờ…) và phi vật thể (ca dao, dân ca, hò vè, lễ hội; các phong tục, tập quán của mỗi quốc gia, mỗi vùng miền, mỗi dân tộc, mỗi địa phương…). Văn hóa chúng ta bàn ở đây chủ yếu là theo nghĩa hẹp”.
Liền sau đó ông bất ngờ đưa ra một định nghĩa về văn hóa: “Nhưng dù theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp thì khi đã nói đến văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ (một con người có văn hóa, một gia đình có văn hóa, một dân tộc có văn hóa; lối sống văn hóa, nếp sống văn hóa, cách ứng xử có văn hóa…). Còn những gì xấu xa, việc làm ti tiện, đớn hèn, những hành động phi pháp, bỉ ổi… là vô văn hóa, phi văn hóa, phản văn hóa”.
Đây là một định nghĩa rất thiết thực, rất tích cực về văn hóa.
Nhiều học giả trong và ngoài nước coi văn hóa là tất cả mọi thứ con người tạo ra, là một bộ phận trong đời sống con người, cả tốt lẫn xấu, có cao có thấp, tinh hoa và rác rưởi, chấp nhận tính hai mặt của văn hóa, có văn hóa lý tưởng và văn hóa thực tế. Năm 2002, UNESCO từng đưa ra định nghĩa về văn hóa như sau: Văn hóa nên được đề cập đến như là một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội và nó chứa đựng, ngoài văn học và nghệ thuật, cả cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin.
Tuy vậy, cũng có một quan niệm khác về văn hóa, của những người căn cứ vào nghĩa gốc của chữ la tinh “Cultus” có gieo trồng, trong đó có “gieo trồng vật chất” và “gieo trồng tinh thần” tức là “sự giáo dục bồi dưỡng tâm hồn con người”. Mà đã là gieo trồng và giáo dục thì trước tiên phải chọn lọc nên chỉ có thể có nghĩa tốt, là cao, là tinh hoa, chẳng ai đi giáo dục và gieo trồng cái xấu, cái thấp hèn và những rác rưởi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng định nghĩa về văn hóa như sau: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng với nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”. Nhưng trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (ngày 24/11/1946), Người đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng, tính đi trước đón đầu của văn hóa: “Số phận dân ta là ở trong tay dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”.
Cụ thể hóa quan điểm “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, trong hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh văn hóa phải là những gì “tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ” và coi “những gì xấu xa, việc làm ti tiện, đớn hèn, những hành động phi pháp, bỉ ổi… là vô văn hóa, phi văn hóa, phản văn hóa”. Trên cơ sở định nghĩa đó, ông khẳng định mạnh mẽ: “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”.
Văn hóa là bản sắc, là hồn cốt dân tộc
Trong Hội nghị văn hóa toàn quốc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Việt Nam là một đất nước có hơn 4 nghìn năm lịch sử, trải qua không biết bao nhiêu sự biến đổi, thăng trầm do thiên nhiên và con người gây ra, đã tích lũy, tạo ra và phát huy được nhiều giá trị, bản sắc văn hóa riêng của dân tộc, làm nên hồn cốt của dân tộc; đồng thời tiếp thu và góp phần đóng góp vào nền văn hóa chung của nhân loại…Đó là một tài sản vô cùng quý báu do tổ tiên, cha ông ta mấy nghìn năm để lại, không phải nơi nào cũng có được; chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, trân trọng và phát huy. Nếu không là chúng ta có tội với lịch sử, là vong ân bội nghĩa với tổ tiên, cha ông chúng ta”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng hoa, quà tri ân các thầy, cô của Trường Đại học Y Hà Nội. Ảnh: TC
Không cần lý luận dài dòng, học tập Bác Hồ, Tổng bí thư đã cụ thể hóa bản sắc văn hóa, hồn cốt của dân tộc bằng những câu ca dao tục ngữ như “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”; “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”; “Thương người như thể thương thân”; “Lá lành đùm lá rách”; “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”; “Anh em như thể chân tay”; “Vợ ta đói rách ta thương, vợ người áo gấm xông hương mặc người”; “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn; Thuận bè thuận bạn tát cạn biển Đông”; “Đói cho sạch, rách cho thơm”; “Lời chào cao hơn mâm cỗ”; “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”… Ông cho rằng những lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh như: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”; “Nước Việt Nam là một, Dân tộc Việt Nam là một! Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!” đã trở thành lẽ sống thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam, là hồn cốt thiêng liêng của văn hóa Việt Nam!”. Ông cũng nhắc đến các bài thơ “Chân quê” của Nguyễn Bính, “Việt Bắc” của Tố Hữu hay phần “Đất nước” trong “Bài thơ Hắc Hải’’ của Nguyễn Đình Thi” với những câu thơ như:, “Van em! Em hãy giữ nguyên quê mùa” hay “Thương nhau, chia củ sắn lùi/Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng” hay “Đạp quân thù xuống đất đen, súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa!” coi đó là những biểu hiện của bản sắc văn hóa dân tộc.
Trong Hội nghị đối ngoaị toàn quốc Tổng bí thư nói thêm: “Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, độc lập, tự cường và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc luôn luôn là nguyên tắc bất biến, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt”. Và ông cho rằng nền đối ngoại Việt Nam trong tiến trình lịch sử luôn mang đậm bản sắc riêng, rất độc đáo của văn hóa Việt Nam là “Đầy hào khí, giàu tính nhân văn, hoà hiếu, trọng lẽ phải, công lý và chính nghĩa, đem đại nghĩa thắng hung tàn; lấy chí nhân thay cường bạo”. Thú vị hơn, ông coi hình ảnh “Cây tre Việt Nam” là biểu tượng cho bản sắc văn hóa dân tộc. Tổng bí thư nhắc đến bài thơ “Tre xanh” của Nguyễn Duy, bài thơ với những câu thơ như “Thân gầy guộc, lá mong manh/mà sao nên luỹ nên thành tre ơi?”, “Rễ siêng không ngại đất nghèo/tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù”, “Thương nhau tre không ở riêng/luỹ thành từ đó mà nên hỡi người”, “Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh/tre xanh không đứng khuất mình bóng râm” hay “Năm qua đi, tháng qua đi/tre già măng mọc có gì lạ đâu”…
Từ đó ông viết: “Chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam. Đó là: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn…Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, tuỳ cơ ứng biến, lạt mềm buộc chặt”!…
Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội
Trong phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, sau khi khẳng định những thành tựu to lớn về văn hóa đã đạt được của đất nước, Tổng bí thư cho rằng cũng cần nhìn thẳng vào những hạn chế, tồn tại, bất cập, yếu kém trên lĩnh vực văn hóa, tìm ra nguyên nhân và giải pháp để khắc phục. Và ông nhấn mạnh: “Hạn chế, yếu kém nổi bật được nhắc lại nhiều lần lâu nay là văn hóa chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ, tương xứng với kinh tế và chính trị”.
Tổng bí thư nhấn mạnh để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc như tinh thần Đại hội Đảng lần thứ XIII, giải pháp quan trọng đầu tiên là “Phải quán triệt nghiêm túc quan điểm “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.
Giải pháp quan trọng thứ hai, Tổng bí thư nói đến là “xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới; sớm khắc phục tình trạng chắp vá, tùy tiện trong bố trí cán bộ làm công tác văn hóa, ở cả trung ương và địa phương”.
Có thể thấy Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bắt rất đúng hai chỗ yếu kém, bất cập trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa. Đấy chính 2 vấn đề: chính sách, luật pháp và cán bộ.
Đảng ta đã có hệ thống đường lối, chủ trương rất đúng đắn và ngày càng phong phú, toàn diện và cho đến nay đã đạt đến độ hoàn thiện, có giá trị lâu dài, gần như không cần thêm bớt gì. Vấn đề là việc chính sách hóa, luật pháp hóa các chủ trương đường lối ấy rất trì trệ, chậm chạp, lạc hậu không đáp ứng được yêu cầu của phát triển.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh cùng các đại biểu. Ảnh: Trần Hải.
Dù đã nói rất lâu, qua nhiều kỳ đại hội Đảng nhưng quan điểm “văn hóa phải được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội” vẫn chưa được thực hiện bởi vì chưa có hoặc chưa có đầy đủ các chính sách, cơ chế và luật pháp liên quan. Ví dụ như chính sách đầu tư, chưa ai trả lời tỷ trọng đầu tư cho văn hóa từ ngân sách nhà nước là bao nhiêu để hiện thực hóa quan điểm này nên ngân sách cấp cho ngành văn hóa, một ngành có tầm quan trọng hàng đầu luôn vào loại hạng bét. Hay như việc huy động các nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư cho hoạt động văn hóa, tức là chủ trương xã hội hóa văn hóa, xây dựng công nghiệp văn hóa vẫn chưa có đầy đủ các cơ chế, luật pháp đi theo. Như đã có luật điện ảnh, nhưng chưa xây dựng được luật nghệ thuật biểu diễn hay luật hợp tác công tư để thực hiện nghị quyết 19 của Trung ương Đảng khóa 12 về tiếp tục đổi mới tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp văn hóa. Hay nhân sự kiện hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ 2, một nguyên ủy viên Trung ương vừa phát biểu như sau: “Đảng đã xác định quan điểm văn hóa có vị trí ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội nhưng hiện nay ngay cả cán bộ ngành văn hóa cũng không thấy mình ngang hàng với cán bộ các lĩnh vực vừa nêu, thậm chí không thích làm văn hóa. Hình như ở đây có nguyên nhân sâu xa là lợi ích kinh tế, là quyền lực”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đại biểu Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẩn thiết yêu cầu “sớm khắc phục tình trạng chắp vá, tùy tiện trong bố trí cán bộ làm công tác văn hóa, ở cả trung ương và địa phương”. “Chắp vá, tùy tiện” là chê trách rất nặng của người đứng đầu Đảng ta. Nhưng rất đúng: trên thực tế, đội ngũ cán bộ ngành văn hóa trên cả nước đang là báo động đỏ. Các cơ quan tổ chức coi ai cũng có thể làm văn hóa, nên có khi một cấp ủy viên không biết bố trí về đâu thì tham mưu bố trí về văn hóa. Đảng, Bác Hồ nói “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” nhưng các cấp lãnh đạo thì coi văn hóa chỉ là một ngành bưng bê, “cờ, đèn, kèn trống”. lãnh đạo, cán bộ từng hoặc đang làm tại các cơ quan văn hóa trung ương và địa phương thì thấy ngành mình đang ngày một yếu kém hơn, thất thế hơn. Lãnh đạo các cấp luôn miệng nói về tầm quan trọng hàng đầu của ngành văn hóa nhưng thực tế thì ngày càng xa lánh nó, cả ở cấp cao nhất. Trước đây, các vị lãnh đạo đất nước luôn gần gũi, gắn bó, thực sự coi trọng các nhà văn hóa, các văn nghệ sĩ. Bác Hồ, các đ/c Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt thường xuyên mời trò chuyện với trí thức, văn nghệ sĩ, đọc sách mới, xem nghệ thuật biểu diễn. Đã rất lâu rồi chuyện ấy không còn diễn ra hoặc chỉ năm thì mười họa. Giữa các nhà lãnh đạo với trí thức, văn nghệ sĩ và văn hóa nghệ thuật nói chung là cả một khoảng cách xa vời…
Tổng bí thư thấy được thực trạng nhức nhối này, nên ông nêu rõ: “ Công tác lãnh đạo và quản lý văn hóa không chỉ đòi hỏi có phẩm chất chính trị mà còn phải có trình độ chuyên môn, am hiểu đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, có tầm nhìn sâu rộng, có khả năng vận động và thuyết phục các tầng lớp nhân dân tham gia vào công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa”. Và ông yêu cầu: “Đặc biệt chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ làm công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật. Đổi mới chính sách đãi ngộ, sử dụng đối với đội ngũ văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa. Tôn vinh tài năng và cống hiến của họ cho sự phát triển văn hóa nước nhà”.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã không ít lần nhắc chuyện này. Chúng ta cầu mong lần này những gì ông nói sẽ được thực hiện nghiêm túc, triệt để.
Nguyễn Thế Khoa