Trong tình hình khá bi quan của Sân khấu dân tộc giữa cuộc đọ sức không cân sức với các loại hình nghệ thuật và truyền thông mới, đặc biệt là các nghệ thuật du nhập từ nước ngoài đang chiếm thế thượng phong trong đời sống văn hóa đất nước, việc có một thông điệp truyền thông về nghệ thuật Sân khấu dân tộc đúng và phương thức quản lý thông điệp hiệu quả thích hợp là rất cấp thiết với báo chí về Sân khấu dân tộc.
Đề tài “Quản lý thông điệp về nghệ thuật Sân khấu dân tộc trên tạp chí ở Việt Nam hiện nay” (khảo sát trên tạp chí Nghệ thuật Biểu diễn, tạp chí Sân khấu và tạp chí Văn hiến Việt Nam) hệ thống hóa các vấn đề lý luận và khảo sát thực tế, đề xuất các giải pháp cơ bản về quản lý thông điệp nghệ thuật Sân khấu dân tộc trên tạp chí ở Việt Nam hiện nay để báo chí có được những thông tin kịp thời, sâu sắc, chất lượng, hiệu quả, hấp dẫn có tác động mạnh mẽ tới sự sáng tạo của các nghệ sĩ, các đơn vị nghệ thuật cũng như khả năng thưởng thức ngày càng chủ động của công chúng sân khấu tạp chí nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của Sân khấu dân tộc hôm nay và mai sau.
Trong đề tài này tác giả đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu tổng hợp, phân tích, phỏng vấn sâu nhằm làm rõ thực trạng…. Qua đó, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thông điệp về nghệ thuật Sân khấu dân tộc trên tạp chí ở Việt Nam hiện nay.
1. Một số vấn đề lý luận quản lý thông điệp nghệ thuật Sân khấu dân tộc trên Tạp chí
Quản lý thông điệp là sự tác động của chủ thể chiến dịch hay phương tiện truyền thông đến việc xây dựng, phổ biến các thông điệp truyền thông nhằm đạt đến hiệu quả cao nhất của mục tiêu truyền thông đặt ra.
Tạp chí là một sản phẩm của loại hình báo in. Tạp chí là loại hình báo chí xuất bản định kỳ từ tuần/kỳ trở lên gồm tuần san, bán nguyệt san (nửa tháng/kỳ), nguyệt san (tháng/kỳ), bán niên san (nửa năm/kỳ và niên san (năm/kỳ)). Tạp chí bao gồm tạp chí in và tạp chí điện tử.
Thông điệp truyền thông về nghệ thuật Sân khấu dân tộc trên tạp chí được định hướng trên cơ sở chủ trương đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về văn hóa và nghệ thuật Sân khấu.
1.2.1. Vai trò của quản lý thông điệp về nghệ thuật Sân khấu dân tộc trên tạp chí
– Đối với chủ thể quản lý
Chủ thể quản lý thông điệp truyền thông chính là cơ quan (tạp chí), cụ thể hơn là Tổng biên tập, các phó Tổng biên tập, thư ký tòa soạn, trưởng các ban chuyên môn, biên tập viên, phóng viên, họa sĩ trình bày… Cơ quan tạp chí có thể đưa thông tin, phân tích, giải thích và giải đáp những vấn đề phức tạp một cách hệ thống, sâu sắc với độ chính xác cao, tác động vào thị giác, nhằm thu phục lý trí và tình cảm của con người bằng tính logic và chiều sâu của nghệ thuật lập luận, thông qua các luận điểm, luận cứ, luận chứng và số liệu chân thực.
– Đối với khách thể tiếp nhận thông điệp
Khách thể tiếp nhận thông điệp của tạp chí chính là công chúng tạp chí. Người đọc có thể hoàn toàn chủ động về địa điểm, thời gian và tư thế trong việc tiếp nhận thông tin; mặt khác, có thể đọc đi đọc lại một ấn phẩm để nhận thức, khai thác các tầng nấc thông tin về những vấn đề phức tạp, tế nhị. Nhiều người cùng đọc hoặc có thể truyền tay nhau các ấn phẩm tạp chí, do đó, công chúng trực tiếp có khả năng lây lan, phát triển và việc hình thành dư luận xã hội bền vững hơn.
1.2.2. Đặc điểm của thông điệp truyền thông và quản lý thông điệp về nghệ thuật Sân khấu dân tộc trên tạp chí
1.2.2.1. Đặc điểm của thông điệp truyền thông về nghệ thuật Sân khấu dân tộc trên tạp chí
Thông điệp truyền thông về nghệ thuật Sân khấu dân tộc trên tạp chí được xây dựng trên cơ sở những đặc điểm của nền nghệ thuật Sân khấu dân tộc. Có thể thấy đó là những đặc điểm nổi bật sau: Nền Sân khấu có lịch sử lâu đời, nhiều kịch chủng, mang đậm bản sắc dân tộc; Nền Sân khấu có những vở diễn lớn, những tác giả lớn, những nghệ sĩ, đạo diễn, nhà lý luận sân khấu lớn; Nền Sân khấu được đông đảo nhân dân yêu thích, là vũ khí tinh thần sắc bén trong sự nghiệp giữ nước và dựng nước của dân tộc; Nền Sân khấu đang đứng trước những nguy cơ, những câu hỏi nan giải trong bảo tồn và phát triển, giao lưu hội nhập.
Việc quản lý thông điệp truyền thông nghệ thuật Sân khấu dân tộc trên báo chí nói chung và tạp chí nói riêng sẽ góp phần trân quý và bảo tồn, phát triển những báu vật của dân tộc ta theo hướng bền vững.
1.2.2.2. Đặc điểm quản lý thông điệp truyền thông về nghệ thuật Sân khấu dân tộc trên tạp chí
Quản lý thông điệp truyền thông về nghệ thuật Sân khấu dân tộc trên tạp chí có những đặc điểm cơ bản sau: Quản lý thông điệp phải đảm bảo để thông điệp phản ánh một cách chân thật khách quan, phong phú đa chiều những sự việc, những vấn đề của nền nghệ thuật Sân khấu dân tộc; Quản lý thông điệp nghệ thuật Sân khấu phải đảm bảo phải thể hiện rõ quan điểm tư tưởng của Đảng trong nhìn nhận, đánh giá các sự kiện nhân vật, vấn đề của nghệ thuật Sân khấu dân tộc nhất là ở những sự kiện, vấn đề phức tạp, có những đánh giá khác nhau; Quản lý thông điệp về nghệ thuật Sân khấu dân tộc phải đảm bảo phù hợp với tôn chỉ mục đích và đáp ứng được nhu cầu thông tin của công chúng tạp chí.
Thông điệp truyền thông về nghệ thuật Sân khấu dân tộc trên tạp chí được định hướng trên cơ sở chủ trương đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về văn hóa và nghệ thuật Sân khấu. Các thông điệp truyền thông phải thấm nhuần đường lối của Đảng về văn hóa mà tập trung nhất là ở Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về việc “tiếp tục xây dựng, phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”, Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI), Nghị quyết 33 của Đảng về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Nhà nước đã ban hành một hệ thống văn bản pháp quy về văn hoá, thông tin, trong đó có văn học nghệ thuật. Các văn bản pháp luật quan trọng là: Hiến pháp (1992, sửa đổi và bổ sung, 2001 các điều 30, 31, 32, 33, 34), Luật Báo chí (1989, sửa đổi và bổ sung, 1999, 2016), Luật Xuất bản (1993), Luật Di sản văn hoá (2001)…
Trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, báo chí truyền thông cần thực hiện nhiệm vụ là kênh thông tin hữu ích giúp Đảng, Chính phủ lãnh đạo, điều hành và quản lý tốt hơn mọi lĩnh vực trong cuộc sống.
2. Thực trạng quản lý thông điệp nghệ thuật Sân khấu dân tộc trên Tạp chí ở Việt Nam hiện nay
Những thông điệp truyền thông mang hướng tích cực về nghệ thuật Sân khấu dân tộc sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề bảo tồn và phát huy nghệ thuật Sân khấu nước nhà – một trong những vấn đề bảo tồn di sản văn hoá góp phần xây dựng nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
2.2.1. Về quản lý nội dung thông điệp
Kết quả khảo sát trên ba tờ tạp chí: Sân khấu, Nghệ thuật biểu diễn, văn hiến Việt Nam trong thời gian 2 năm (2016 – 2017) cho thấy: Trong tổng số 734 tin, bài liên quan đến nghệ thuật Sân khấu xuất hiện trên 3 tạp chí mà tác giả đã khảo sát có 154 tin, bài được đăng tải chứa thông tin gián tiếp về nghệ thuật sân khấu và 480 tin, bài đề cập trực tiếp đến nghệ thuật Sân khấu.
Trong thời gian 2 năm, tạp chí Sân khấu đăng tải 504 tin, bài liên quan đến nghệ thuật Sân khấu, có: 144 tin, chiếm 33,9% tổng số tin, bài đăng tải và 360 bài, chiếm 66,1%. Đây là tạp chí chuyên viết về nghệ thuật Sân khấu nên số lượng tin, bài viết về nghệ thuật Sân khấu đứng thứ 1 trong số 3 tạp chí khảo sát.
Cũng trong cùng khoảng thời gian như vậy, tạp chí Nghệ thuật biểu diễn đăng tải 96 bài (chiếm 66,66%), 48 tin (chiếm 33,33%) về nghệ thuật Sân khấu (chiếm 59,5%). Trong đó, được đề cập trực tiếp là 16 tin, bài và đề cập gián tiếp là 21 tin, bài.
Trong số ba tờ tạp chí được khảo sát, tạp chí Văn hiến Việt Nam là tờ không thuộc chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn, nhưng lại đăng tải số lượng bài viết về nghệ thuật phong phú khá đa dạng: 96 bài, không có tin.
Bảng 2.1. Thống kê số lượng tin, bài trên các tạp chí Sân khấu, Nghệ thuật biểu diễn, Văn hiến Việt Nam
Cụ thể, số lượng bài viết phân bổ ở mỗi nhóm nội dung thông tin trên mỗi tạp chí như sau:
Bảng 2.2. Sự phân bổ số lượng tin, bài ở mỗi nhóm nội dung thông tin về nghệ thuật Sân khấu trên tạp chí Sân khấu, Nghệ thuật biểu diễn, Văn hiến Việt Nam.
Số liệu ở Bảng 2.2 cho thấy, nội dung thông tin về Vấn đề, sự kiện Sân khấu chiếm tỷ lệ nhiều nhất ở cả 3 tạp chí. Bên cạnh đó, số lượng tin, bài thuộc nhóm nội dung thông tin về Hợp tác, giao lưu Sân khấu trong nước và Sân khấu quốc tế là ít nhất ở cả 3 tạp chí.
2.2.2. Về quản lý hình thức thông điệp
Trong số 734 tin, bài đề cập đến nghệ thuật Sân khấu trên tạp chí Sân khấu, Nghệ thuật Biểu diễn, Văn hiến Việt Nam trong thời gian 2 năm (2016 – 2017), các thể loại được sử dụng chủ yếu là tin, bài phản ánh và bài phỏng vấn.
Nhìn chung, cả ba tạp chí được khảo sát đều sử dụng nhiều hình thức khác nhau để thể hiện các nội dung liên quan đến nghệ thuật Sân khấu. Tuy nhiên, số lượng bài viết được phân bổ ở các thể loại không đều nhau (hầu hết chỉ sử dụng hình thức tin và bài phản ánh).
Các khảo sát đã cho thấy những nhược điểm hạn chế của các thông điệp truyền thông về Sân khấu dân tộc trên tạp chí, nổi bật là việc một số hoạt động quan trọng, một số vấn đề khá nhức nhối của nền Sân khấu dân tộc còn chưa được phản ánh hoặc chưa được phản ánh thật trung thực, toàn diện, đúng mức trên các tạp chí, tính khám phá, phát hiện, tính chiến đấu của nhiều bài báo còn yếu, việc cập nhật Sân khấu hiện đại thế giới để học hỏi còn nhiều khiếm khuyết…
2.4. Những nguyên nhân ảnh hưởng đến quản lý thông điệp về nghệ thuật Sân khấu dân tộc ở Việt Nam hiện nay trên các tạp chí khảo sát
2.4.1. Những nguyên nhân chủ quan
– Gồm: từ phía các cơ quan tạp chí; từ phía những người làm báo; nguồn kinh phí thực hiện; nhu cầu thông tin của công chúng.
2.4.2. Những nguyên nhân khách quan
– Bao gồm: xu hướng thương mại hóa báo chí; còn thụ động cơ chế tài chính; sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin.
Những nguyên nhân chủ quan và khách quan đưa đến những thành công cũng như những tồn tại hạn chế sẽ là những bài học cần rút ra trong tổ chức xây dựng, hoàn thiện, truyền dẫn các thông điệp truyền thông về Sân khấu dân tộc trên các tạp chí trên chặng đường phát triển phía trước.
3. Giải pháp và khuyến nghị về quản lý thông điệp nghệ thuật Sân khấu dân tộc trên Tạp chí ở Việt Nam hiện nay
3.2.1. Về quản lý nội dung thông điệp
– Đối với chủ thể quản lý
Thứ nhất, cần có sự phân công rõ ràng nhiệm vụ truyền tải thông điệp truyền thông về nghệ thuật sân khấu dân tộc trên tạp chí in và tạp chí điện tử.
Thứ hai, chú trọng tính bao quát của các nội dung thông tin và thông điệp truyền thông.
Thứ ba, bên cạnh phản ánh, khen ngợi, biểu dương những thành tựu các tạp chí phải quan tâm phản ánh những hạn chế, những tiêu cực, những góc khuất trong đời sống sân khấu đất nước.
Thứ tư, nâng cao tính khám phá, phát hiện, sức lan tỏa trong đời sống thực tế của các nội dung thông tin và thông điệp nghệ thuật Sân khấu trên tạp chí.
Thứ năm, cần nhanh chóng khắc phục nhược điểm là thiếu vắng các thông tin và thông điệp truyền thông về sân khấu thế giới hôm nay.
– Đối với khách thể quản lý
Để phản ánh sâu, có hệ thống các vấn đề thiết thân của sân khấu hôm nay, tạp chí nên thường xuyên tổ chức các cuộc trao đổi trên cả tạp chí in và điện tử các chuyên đề thu hút sự quan tâm của cả giới sân khấu và bạn đọc.
– Đối với nội dung và phương thức quản lý
Nội dung thông tin và thông điệp truyền thông về sân khấu dân tộc trên các tạp chí điện tử phải mang tính phổ thông cao, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ lan tỏa. Nội dung thông tin và thông điệp truyền thông trên các tạp chí in phải giàu tính chuyên môn, tính học thuật.
3.2.2. Về quản lý hình thức thông điệp
Các tạp chí in cần tập trung đầu tư cho hình thức từ lựa chọn giấy in, kỹ càng hơn trong việc chọn ảnh cũng như tăng cường nhiều ảnh hơn trong minh họa bài vở hay tăng cường các phóng sự ảnh để thỏa mãn hơn nhu cầu nhìn của công chúng. Các tạp chí in cũng cần nâng cao nghệ thuật trình bày tạp chí từ bìa đến ruột, đặc biệt chú trọng bìa 1 phải vừa có đẳng cấp văn hóa vừa hấp dẫn được công chúng.
3.3. Một số khuyến nghị khoa học
Tác giả đề nghị các tạp chí chú trọng tăng cường tính khám phá, phát hiện, bên cạnh việc biểu dương các thành tựu, các mặt tích cực, nêu rõ các nhược điểm hạn chế, các biểu hiện xấu, xa, tiêu cực trong hoạt động sân khấu. Từ đó, đưa ra khuyến nghị: cần nhận thức tầm quan trọng của quản lý thông điệp về nghệ thuật Sân khấu dân tộc; cần có chính sách và nguồn lực phù hợp để quản lý hiệu quả.
Nghiên cứu này của tác giả tập trung vào thực trạng quản lý thông điệp nghệ thuật Sân khấu dân tộc trên tạp chí ở Việt Nam hiện nay nhằm đưa ra những điểm mạnh cũng như hạn chế của quản lý thông điệp nghệ thuật Sân khấu dân tộc trên tạp chí. Trong xu thế chung của các bộ môn nghệ thuật truyền thống đang thiếu vắng nhiều mặt: lớp diễn viên kế cận, kịch bản hay, lực lượng khán giả trẻ… rất cần sự vào cuộc đều tay, nhiệt tình của đội ngũ báo chí trên cả nước, góp phần vào việc tuyên truyền, quảng bá bộ môn này đến với đông đảo công chúng gần xa và khắc phục phần nào những khó khăn hiện tại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Văn Dững, ( 2013), Cơ sở Lý luận báo chí, Nhà xuất bản Lao động, Hà Nội.
2. Nguyễn Văn Dững (chủ biên) và TS. Đỗ Thị Thu Hằng, (2012), Truyền thông, Lý thuyết và kỹ năng cơ bản,Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội.
3. Đinh Văn Hường (2006), Các thể loại báo chí thông tấn, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.
4. Nhiều tác giả, (2015), Báo chí với di sản văn hóa dân tộc, Nhà xuất bản Sân khấu, Hà Nội.
5. Luật Báo chí 2016, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, Hà Nội.
Phạm Thị Ngọc Anh