Tưởng nhớ Xuân Quý thân yêu: Bài thơ về hạnh phúc

14:03 | 02/03/2019
Kỷ niệm 50 năm ngày nhà văn anh hùng Dương Thị Xuân Quý hy sinh

 


BÙI MINH QUỐC

 

   I,

Thôi em nằm lại

Với đất lành Duy Xuyên

Trên mồ em có mùa xuân ở mãi

Trời chiến trường vẫn một sắc xanh nguyên

Trời chiến trường không một phút bình yên

Súng nổ gấp

Anh lên đường đuổi giặc

Lấy nỗi đau vô cùng làm sức mạnh vô biên

Bước truy kích đạp trăm rào gai sắc

Ôi mũi lê này hôm nay sao sáng quắc

Anh mất em như mất nửa cuộc đời

Nỗi đau anh không thể nói bằng lời

Một ngọn lửa thâm trầm âm ỉ cháy

Những viên đạn quân thù bắn em, trong lòng anh sâu xoáy

Bên những vết đạn xưa chúng giết bao người

Anh bàng hoàng như ngỡ trái tim rơi

Như bỗng tắt vầng mặt trời hạnh phúc

Nhưng em ạ, giây phút này chính lúc

Anh thấy lòng anh tỉnh táo lạ thường

Nhằm thẳng quân thù, mắt không giọt lệ vương

Anh nổ súng

Chị Quý và bé Ly trước ngày chị đi chiến trường

  II,

Hạnh phúc là gì ?

Bao lần ta lúng túng

Hỏi nhau hoài mà nghĩ mãi chưa ra

Cho đến ngày cất bước đi xa

Miền Nam gọi, hai chúng mình có mặt

Nhớ chăng em, cái mùa mưa đói quay đói quắt

Mỗi bữa chia nhau nửa bát măng rừng

Em xanh gầy, gùi sắn nặng trên lưng

Môi tái ngắt, mái tóc mềm đẫm ướt

Bao dốc cao em cần cù đã vượt

Và mỗi lần ngồi nghỉ, em nhìn anh

Em nói tới tương lai tươi thắm ngọt lành

Em nói tới những điều em định viết

Giữa hai cơn đau em ngồi ghi chép

Con sông Giằng gầm réo miên man

Nước lũ về… Trang giấy nhỏ mưa chan

Em vẫn viết, lòng dạt dào cảm xúc

Và em gọi đó là hạnh phúc…

Nhớ chăng em, ngày mở màn chiến dịch Đông-Xuân

Em lên đường phơi phới bước chân

B52 bom nghìn tấn dội

Kìa dáng em băng rừng bước vội

Vẫn nụ cưới tươi tắn ấy trên môi

Thôn 6 Bình Dương bãi cát sóng dồi

Nắng long lanh trong mắt người bám biển

Giặc mới lui càn khi em vừa đến

Bà mẹ già kể chuyện chặn xe tăng

Quanh những bờ dương bị giặc san bằng

Đã lại mở những chiến hào gan góc

Những em bé, dưới mưa bom, vẫn đi làm đi học

Những vồng khoai ruộng lúa vẫn xanh tràn

Trong một góc vườn cháy khét lửa Na-pan

Em sửng sốt gặp một nhành hoa cúc

 

Và em gọi đó là hạnh phúc…

Như chồi biếc gặp mưa xuân, như chim én say trời

Em mải mê đi, đi giữa bao người

Xuyên Thọ, Xuyên Châu, Xuyên Hoà, Xuyên Phú…

Những mảnh đất anh hùng quyến rũ

Phút giây đầu đã ràng buộc đời em

Như tự lọt lòng từng biết mấy thân quen

Em nhỏ giao liên, mẹ hiền trụ bám

Cô du kích dịu dàng dũng cảm

Sông Thu Bồn hằng xao động tâm tư

Có tiếng hò như thực như hư

Em đã đến, tắm mình trong sóng nước

Sông kể em nghe chuyện đôi bờ thuở trước

Em mở mắt nhìn kinh ngạc những làng thôn

Và kêu lên khi được thấy cội nguồn

Mỗi sự tích trên đất này thắng Mỹ

Em đã gặp bao anh hùng dũng sĩ

Đã cùng họ sẻ chia

Cọng rau lang bên miệng hố bom đìa

Phút căng thằng khi vòng vây giặc siết

Nỗi thống khổ ngút ngàn không kể hết

Của một thời nô lệ đau thương

Em lớn lên bên họ can trường

Giữa bom gào đạn réo

Em đã thấy những tâm hồn tuyệt vời trong trẻo

Những con người như ánh sáng lung linh

Mỗi đêm ra đi giản dị hiến mình

Để làm nên buổi mai đầy nắng

Em bối rối em sững sờ đứng lặng

Vẻ đẹp này em chưa biết đặt tên

Thức dậy bao điều mới mẻ trong em

Thức dậy bao điều  cao quý trong em

Nơi ngọn bút nghe cuộc đời thôi thúc.

 

Và em gọi đó là hạnh phúc…

 

Nhà văn Dương Thị Xuân Quý và nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn

    III,

Em ra đi chẳng để lại gì

Ngoài ánh mắt cười lấp lánh sau hàng mi

Và anh biết khi bất thần trúng đạn

Em đã ra đi với mắt nhìn thanh thản

Bởi được góp mình làm ánh sáng ban mai

Bởi biết mình có mặt ở tương lai

 

Anh sẽ sống đẹp những ngày em chưa kịp sống

Sẽ yêu trọn những gì em chưa kịp yêu

Em trong anh là mùa xuân náo động

Từ phút này càng rực rỡ bao nhiêu.

 

 

8/3/1969 – 6/9/-1969

Dương Thị Xuân Quý
Dương Thị Xuân Quý (1941-1969) là một nhà văn nữ, liệt sĩ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Bà được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật năm 2007.

Bà sinh ngày 19 tháng 4 năm 1941 tại Hà Nội, quê gốc thôn Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ông nội bà là cụ Dương Trọng Phổ, một nhà chí sĩ của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Hai người bác ruột là Dương Bá Trạc và Dương Quảng Hàm đều là những nhà giáo danh sĩ nổi tiếng. Bản cha thân của bà là ông Dương Tụ Quán cũng từng là nhà giáo, sau đó chuyển sang nghề báo, từng cộng tác với tờ Văn Học tạp chí, rồi tạp chí Tri Tân. Một người bác họ của bà là họa sĩ Dương Bích Liên, một trong Tứ kiện hội họa Việt Nam.

Trong các anh chị em họ của bà cũng có rất nhiều người thành danh như họa sĩ Dương Cẩm Chương, các giáo sư Dương Trọng Bái, Dương Thị Thoa, Dương Thị Cương, nhà báo Dương Linh…

Cuối năm 1946, bà cùng gia đình tản cư, về sống tại Thái Nguyên, thuộc chiến khu Việt Bắc. Tại đây, do ảnh hưởng của cha, bà sớm bộc lộ năng khiếu và lòng say mê văn chương từ năm 7 tuổi. Năm 1954, bà theo gia đình trở về Hà Nội và theo học trường phổ thông cấp 2 Trưng Vương. Sau khi tốt nghiệp trung học, bà tiếp tục theo học trường trung cấp mỏ tại Quảng Ninh.

Tuy nhiên, do năng khiếu văn chương, bà được giới thiệu theo học một khóa báo chí do Ban Tuyên huấn trung ương mở. Sau khi tốt nghiệp khóa học, bà được đưa về là phóng viên báo Phụ Nữ Việt Nam từ năm 1961 đến năm 1968. Trong thời gian này, bà theo học thêm tại lớp ban đêm chương trình ngữ văn của Đại học Sư phạm Hà Nội.

Năm 1965, bà tình nguyện xin được vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Tháng 2 năm 1966, bà lập gia đình với nhà thơ Bùi Minh Quốc. Tháng 12 năm đó, bà sinh con gái đầu lòng và cũng là duy nhất Bùi Dương Hương Ly. Tuy nhiên, 5 tháng sau, chồng bà lên đường vào chiến trường miền Nam. Đúng một năm sau, vào tháng 4 năm 1968, bà cũng gửi cho lại cho mẹ là bà Hoàng Thị Tín trông nom, lên đường đi chiến trường. T

háng 7 năm 1968, bà vào đến chiến trường, nhận nhiệm vụ phóng viên tạp chí Văn Nghệ Giải Phóng trung Trung bộ (Khu 5). Đêm 8 tháng 3 năm 1969, trong một trận càn quét ác liệt của quân Đại Hàn, bà đã hy sinh tại thôn Thi Thại, xã Xuyên Tân (nay là xã Duy Thành), huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam[1] Sau khi bà hy sinh, do xáo trộn bởi chiến tranh nên không thể tìm ra hài cốt. Cha của bà cũng qua đời sau đó đúng 19 ngày.

Mãi đến ngày 3 tháng 8 năm 2006, nhà thơ Bùi Minh Quốc mới tìm được di cốt và di vật được cho là của bà, và đã cải táng tại khu tưởng niệm bà tại xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

 

 

 

Bùi Minh Quốc/VHVN

Video hay


Cùng chuyên mục

Bế mạc Festival “Về miền Ví, Giặm – Kết nối tinh hoa di sản”

Bế mạc Festival “Về miền Ví, Giặm – Kết nối tinh hoa di sản”

Hội thảo Quốc gia về “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”

Hội thảo Quốc gia về “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”

Thiếu tướng Hoàng Sâm – Người con ưu tú của quê hương Quảng Bình

Thiếu tướng Hoàng Sâm – Người con ưu tú của quê hương Quảng Bình

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam