Rất vui vì hôm nay trên báo chí và mạng xã hội hầu hết đều không còn gọi ngày 30/4 là ngày đại thắng mà là ngày hòa bình thống nhất đất nước, là ngày hòa hợp dân tộc. Đó cũng là cảm giác rất thật của chúng tôi những người từng có mặt chiều 30/4 ở Sài Gòn cũng như những ngày đầu tiên vào Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, những đô thành mà trước đó chúng tôi vẫn coi là sào huyệt của địch.
Vâng, tại đó, trong những ngày tháng đó, nói như một câu thơ rất hay của nhà thơ Trần Vũ Mai “Tôi ấy à, tôi toàn gặp thương yêu”, chúng tôi được sống trong niềm vui hòa bình thống nhất to lớn, bao trùm và sự chào đón chân thành, tình yêu thương hồn hậu của nhân dân Sài Gòn và các đô thành đó. Vẫn còn có một vài phát súng bắn tỉa của những kẻ căm thù hòa bình, hòa hợp và một vài đồng đội của chúng tôi vẫn ngã xuống sau ngày 30/4 nhưng chúng tôi vẫn coi những ngày đầu “giải phóng thành đô” ấy là tuần trăng mật của hòa bình thống nhất đất nước của mọi người VN yêu nước, bất chấp chính kiến, bất chấp lợi ích.
Tiếc thay, tuần trăng mật ấy đã kéo dài không lâu khi ngày hòa bình thống nhất sau cả núi máu xương của dân tộc nói như cố thủ tướng Võ Văn Kiệt “có triệu người vui thì cũng triệu người buồn” ấy, được một bên gọi là “đại thắng”, một bên kêu là “quốc hận” thì điều gì đã xảy ra chúng ta đều đã biết.
Nhưng 46 năm đã trôi qua, hôm nay chúng ta mới thấm thía thật sâu sắc vì sao Tổng bí thư Lê Duẩn ngày đầu vào Sài Gòn đã nhấn mạnh ngày 30/4 là ngày chiến thắng chung của cả dân tộc, của mỗi người VN, là ngày của hòa bình thống nhất đất nước, hòa hợp dân tộc sau 30 năm chiến tranh, chia cắt. Hơn ai hết, ông Lê Duẩn là người hiểu rõ chiến thắng 30/4 là chiến thắng của cả dân tộc ta trước những kẻ âm mưu chia cắt lâu dài nước ta và không bao giờ muốn đất nước ta độc lập tự do lớn mạnh mà tiêu biểu là Trung Quốc.
Sau 46 năm, bên “đại thắng” đã thực tâm gọi ngày 30/4 là ngày hòa bình thống nhất, ngày hòa hợp dân tộc thì bên “quốc hận” cũng thôi “hận” đi để về với niềm vui hòa hợp dân tộc, chung tay vì một nước VN hòa bình, thống nhất, đoàn kết và thịnh vượng.
Dù biết đường đã rộng mở nhưng vẫn dài vẫn nhiều bom mìn, tôi vẫn tin tuần trăng mật mà chúng tôi cảm nhận được ở Sài Gòn 46 năm trước nhất định sẽ trở về và lần này sẽ vĩnh viễn ở lại trên đất nước thân yẻu của chúng ta trong tiếng hát “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao: Từ đây người biết quê người/Từ đây người biết thương người/Từ đây người biết yêu người…
Nhà báo Nguyễn Thế Khoa (TBT)