Còn một tháng nữa lại kỷ niệm sự kiện ngày 30-4

11:03 | 30/03/2022

Còn chừng một tháng nữa (30-4-2022), chúng ta lại kỷ niệm sự kiện trọng đại này lần thứ 47. Một lần nữa ký ức của buổi trưa hào hùng ngày 30-4-1975 sẽ trở lại với thế hệ những người “trong cuộc”, ngày một ít đi và trao truyền cho các thế hệ trẻ ngày càng đông hơn qua sử, sách, các phương tiện truyền thông hay các loại hình nghệ thuật. Ai cũng mong những “ký ức được nối dài”, chính là lịch sử của sự kiện ấy phải là sự thật.


Nhưng thời gian vừa lại “thứ thuốc hiện hình” giúp cho người ta nhận chân ngày một rõ ràng hơn nhưng cũng lại có thể là thứ “thuốc lú” làm quên lãng hay biến dạng cái hiện thực trong quá khứ lịch sử…Đã có biết bao nhiêu câu chuyện lịch sử được nâng lên đặt xuống hay nhận thức được hoặc bị thay đổi… do rất nhiều tác nhân khác nhau…kể cả cái thói xấu có ở mọi thời là “tranh công đổ tội…”.

Gần đây, thấy trên mạng đang lưu hành một văn bản mang nội dung “kết luận của Thường vụ Quân ủy Trung ương về việc người soạn thảo lời Tuyên bố đầu hàng cho Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh trưa ngày 30-4-1975”. Văn bản đưa ra vào thời điểm này phải chăng nhằm tìm sự đồng thuận trong nhận thức liên quan đến sự kiện lịch sử này. Và tên gọi cơ quan ban hành cho thấy đấy là quan điểm chính thống được đưa ra mang tính chỉ đạo và định hướng liên quan đến nội dung lịch sử này.

Nhưng vì đây là văn bản đóng dấu “MẬT” nên chưa thể có những bình luận trực tiếp nội dung văn bản, nên chờ đợi đến khi nào công bố công khai rộng rãi cho nhân dân trong đó có những người làm công tác nghiên cứu lịch sử biết để tham khảo và khai thác…

Tuy nhiên, cũng chính vào thời điểm này 11 năm trước, ngày 30-3-2011, bản in Tập II của Bộ sách “LỊCH SỬ NAM BỘ KHÁNG CHIẾN” của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia được phát hành. Đây là công trình được tổ chức nghiên cứu biên soạn theo Quyết định số 143 của Bộ Chính trị ngày 7-11-2001 và Quyết định số 89, ngày 25-1-2002 của Thủ tướng Chính phủ do Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt làm Chủ tịch Hội đồng biên soạn. Tập II của Bộ sách này ứng với lịch sử cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975), dày 1666 trang. Cần chú ý rằng thời điểm tổ chức biên soạn bộ sách này (thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI) các nhà lãnh đạo và những nhân chứng lịch sử chủ chốt đều còn sống và được huy động tham gia trực tiếp nghiên cứu hoặc cung cấp tài liệu hay đóng góp ý kiến vào bản thảo và được tổ chức nghiệm thu rất nghiêm cẩn. Công trình cũng đã tiếp thu và xử lý nhiều cuộc tranh luận liên quan đến nhiều vấn đề lịch sử cụ thể trong đó có những sự kiện liên quan đến ngày 30-4-1975 tại Dinh Độc lập…

Do vậy , sách cũng đề cập tới nội dung mà văn bản của Quân ủy để cập tới (quá trinh soạn thảo và người soạn thảo lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh trưa ngày 30-4-1975) được thể hiện rất cụ thể và cho đến nay có thể coi là “chuẩn xác nhất”. Và trong hơn một thập kỷ qua, những người viết sử nghiêm túc liên quan đến giai đoạn lịch sử và sự kiện lịch sử này đều lấy bộ sử này làm căn cứ, được coi là đáng tin cậy nhất.

Ảnh bìa sách “Thành phố Hồ Chí Minh giờ khắc số 0-Những phóng sự về kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm” của nhà báo Tây Đức Borries Gallasch viết và tập hợp . Bản tiếng Đức được phát hành vào thang 9-1975, bản dịch Tiếng Việt do Tạp chí Xưa&Nay tổ chức biên dịch và NXB Thời Đại phát hành vào tháng 4-2012.

Nay xin đăng lại đoạn trích tử sách “Lịch sử Nam Bộ kháng chiến”, tập II (1954-1975); Nxb Chính trị Quốc gia, 2010, tr.988-994. liên quan đến nội dung này để cùng nhau tham khảo và có cơ hội thẩm định với những ý kiến đưa ra sau công trình này… “…Lực lượng Quân đoàn 2 tiến vào dinh Độc lập theo 2 ngả : Hồng Thập tự và Đại lộ Thống nhất (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai và Lê Duẩn). Mũi dẫn đầu tiến vào Dinh Độc lập gồm những chiếc xe tăng của Đại đội 4 Lữ đoàn xe tăng 203, tiếp sau đó là một bộ phận của Trung đoàn bộ binh 66.

Chiếc xe tăng số 483 dẫn đầu Đại đội 4 xe tăng do Trung úy Đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ huy tiến vào, húc cánh trái cổng Dinh Độc lập, nhưng đột nhiên chết máy phải tạm dừng. Chiếc xe 390 do trung úy Chính trị viên Đại đội 4 Vũ Đăng Toàn chỉ huy, tiến lên húc đổ cánh cổng chính, tiến trước vào sân Dinh Độc lập, sau đó là xe 843. Một chiếc xe Jeep của biệt động giương cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng cũng tiến qua cổng. Nhiều xe tăng khác của Quân đoàn 2 tiếp tục tiến vào triển khai đội hình xung quanh dinh.

Tổng thống, Nội các Sài Gòn đều đang ở tư thế chờ quân cách mạng vào sẵn sàng chấp nhận các điều kiện của bên cách mạng. Tổng trưởng thương mãi và kỹ nghệ Nguyễn Văn Diệp (cơ sở cách mạng) với băng vải trắng đón quân Giải phóng ở dưới lầu. Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh hướng dẫn các chỉ huy quân Giải phóng vào phòng họp, nơi Tổng thống Dương Văn Minh và Nội các Sài Gòn đang chờ “ bàn giao”, gồm các trung tá Nguyễn Tấn Tài, Bùi Văn Tùng, Lữ đoàn trưởng và Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 thuộc Quân đoàn 2; Đại úy Phạm Xuân Thệ Trung đoàn phó Trung đoàn 66 và một số cán bộ chiến sĩ khác.

Tại phòng họp Dinh Độc lập lúc bấy giờ có đủ mặt Tổng thống, Phó Tổng thống, Thủ tướng và các bộ trưởng trong Nội các Sài Gòn. Tiếp sau mũi thọc sâu của Quân đoàn 2, lần lượt có mặt các cán bộ tình báo: Đại tá Nguyễn Văn Khiêm ( Sáu Trí), Tô Văn Cang (đang mang danh nghĩa “ lực lượng thứ ba” để tiếp cận Dương Văn Minh). Trong dinh có mặt một số chiến sĩ biệt động, an ninh T4, sinh viên, học sinh. Các phóng viên có mặt trong, ngoài dinh có phóng viên người Đức Borries Gallasch, nhà báo Pháp De Mulder (người chụp ảnh các xe tăng húc cổng), phóng viên hãng Reuters…

Trước đó, lúc 9h 30 các chiến sĩ Ban An ninh khu Sài Gòn-Gia Định dưới sự chỉ huy của Lê Thanh Vân (Sáu Ngọc) đã xuất hiện trên tầng 2 Dinh Độc Lập. Chánh võ phòng của phủ Tổng thống, hướng dẫn Bùi Quang Thận (cùng Tiểu đội phó Trần Đức Tình) lên nóc dinh, hạ cờ ba sọc, giương cờ đỏ sao vàng. Lúc đó là 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975.

Trả lời đề nghị của Dương Văn Minh “Chúng tôi xin bàn giao chính quyền cho Cách mạng”; Trung tá Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 Bùi Văn Tùng nói: “Các ông không còn gì để bàn giao, chỉ có đầu hàng vô điều kiện.” Trong giờ phút lịch sử này, đối với mọi chiến sĩ cách mạng, dân sự hay quân sự, tại chỗ hay từ xa vào, mệnh lệnh của Tổ quốc, của nhân dân, cũng như tâm huyết của mỗi người là giải quyết triệt để một chính quyền do Mỹ dựng lên và nuôi dưỡng đã hơn 20 năm, giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, giành lại hòa bình, độc lập thống nhất Tổ quốc. Trên tinh thần như vậy, lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 2 tiến vào dinh Độc lập đã chấp hành nghiêm mệnh lệnh của Bộ chỉ huy chiến dịch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Theo tường thuật của nhà báo Borries Gallasch và Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, Tổng thống Dương Văn Minh tỏ ra bình tĩnh và giữ tư thế đúng mực. Trung tá Bùi Văn Tùng đưa tay ra bắt tay Dương Văn Minh và nói : “Ông Minh, chúng tôi muốn ông cùng chúng tôi đến ngay Đài phát thanh kêu gọi quân đội đầu hàng hoàn toàn để không đổ máu nữa”. Dương Văn Minh nói : “ Tôi đã tuyên bố đầu hàng rồi.” Tô Văn Cang thuyết phục : “Lúc nãy tuyên bố hàng mà chưa tiếp xúc với quân Giải phóng, còn bây giờ thì gặp nhau rồi nên tuyên bố lại.” Dương Văn Minh đồng ý.

Hai chiếc xe Jeep lần lượt rời dinh Độc Lập để đến Đài phát thanh ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, nơi Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 66 đang chiếm giữ. Trên xe đi trước ( do chiến sĩ lái xe Đào Ngọc Vân lái) có Đại úy Phạm Xuân Thệ, Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu. Trên xe đi sau ( do nhà báo Hà Huy Đỉnh lái) có Bùi Văn Tùng, nhà báo Borries Gallasch và một luật sư. Nhà báo Borries Gallasch tường thuật giai đoạn này như sau : “Chúng tôi đi vào phòng thu nhỏ trên lầu một…Chúng tôi ngồi bất động một lát. Tổng thống Dương Văn Minh và Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 Bùi Văn Tùng ngồi trên 2 chiếc ghế và tôi ngồi giữa họ tại một chiếc bàn nhỏ. Ông Tùng thảo văn kiện đầu hàng trên một mảnh giấy màu xanh…”

Tuyên bố chấp nhận đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh đã phát trên Đài phát thanh là bản viết tay của Trung tá Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 Bùi Văn Tùng, được chỉnh sửa vài lần và đã được Dương Văn Minh đọc để ghi vào băng. “Tôi Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi quân lực Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn hoàn.” Vũ Văn Mẫu phát biểu tiếp theo: “Trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, tôi Giáo sư Vũ Văn Mẫu, Thủ tướng, kêu gọi tất cả các tầng lớp đồng bào vui vẻ chào mừng ngày hòa bình của dân tộc, trở lại sinh hoạt bình thường. Các nhân viên của các cơ quan hành chính quay trở về vị trí cũ theo hướng dẫn của Chính phủ Cách mạng.”

Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 Bùi Văn Tùng đọc lời chấp nhận đầu hàng : “Chúng tôi đại diện lực lượng quân Giải phóng miền Nam Việt Nam long trọng tuyên bố thành phố Sài Gòn đã được giải phóng hoàn toàn, chấp nhận sự đầu hàng vô điều kiện của Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn.” Các lời tuyên bố ấy được phát đi phát lại nhiều lần, xen kẽ là những tiếng nhạc, tiếng người nói chuyện, có cả tiếng người nước ngoài góp vào không khí bình ổn của Sài Gòn… (Tạp chí “Xưa&Nay” số 4-2011, tr.5-6, cũng đã đăng đoạn này ngay sau khi sách công bố)

Như thế, căn cứ vào nội dung của bộ sách này thì Trung tá Bùi Văn Tùng là người đã có mặt ngay tại Dinh Độc lập, là người đối đáp trực tiếp với Ông Dương Văn Minh khước từ việc “bàn giao” và yêu cầu “đầu hàng”. Trung tá Tùng cũng là người yêu cầu Ông Dương Văn Minh ra Đài phát thanh nhưng đi bằng chiếc xe khác cùng với nhà báo Đức B,Gallasch. Trung tá Tùng cũng là người soan thảo văn bản để Ông Dương Văn Minh tuyên bố trên đài đồng thời với tư cách “đại diện lực lượng Quân Giải phóng miền Nam long trọng tuyên bố Thành phố Sài Gòn đã được giải phóng hoàn toàn” và “chấp nhận sư đầu hàng không điều kiện của Tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quuyền Sài Gòn”. Còn trong cuốn sách “Thành phố Hồ Chí Minh giờ khắc số 0” của B.Gallasch thì mô tả : “Sự lộn xộn chấm dứt khi người chỉ huy của Quân Giải phóng được giao nhiệm vụ bàn giao chính quyền, Chính ủy Bùi Văn Tùng xuất hiện”

Còn Đại úy Phạm Xuân Thệ là người có mặt sớm hơn tại Dinh Độc lập, là người đi cũng xe với Ông Dương Văn Minh đi từ dinh sang đài và người có vinh dự được chứng kiến toàn bộ sự kiện lịch sử trọng đại này. Sách của nhà báo B.Gallasch thì xác nhận “Đại tướng Minh Lớn (tức Dương Văn Minh) , Tổng thống của Việt Nam Cộng hòa đã bị bắt bởi Phạm Xuân Thệ, chỉ huy của Doan Don Son (nguyên văn của nhà báo) của quân đội giải phóng. Tay cầm súng ngắn đã lên đạn, một khẩu K55 của Nga. Thệ rất phấn khích la lớn : “Ông Minh, chúng tôi muốn ông đi ngay ra Đài phát thanh với chúng tôi để tránh đổ máu, để ông ra lệnh cho quân đội ông đầu hàng”. Như vậy là Đại úy Phạm Xuân Thệ cũng đã thực thi đúng với chức trách của mình trước khi Trung tá Tùng tiếp cận với Ông Dương Văn Minh. Tuy nhiên, sau đó thì trình tự mọi việc được diễn ra như mô tả của bộ “Lịch sử Nam Kỳ kháng chiến”.

Nhưng như chính Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt khi chỉ đạo biên soạn công trình này đã xác định : “Không ít sự việc đã đi vào văn kiện chính thức với sự đánh giá cụ thể, song như vậy không có nghĩa là người sau phải chấp nhận như không còn gì để bàn cãi- thực sự, vẫn là con người đánh giá các sự việc với cả mặt sáng suốt lẫn hạn chế của con người trong cuộc. Như vậy, nếu công trình Lịch sử Nam Bộ kháng chiến này có chỗ nào không hoàn toàn thống nhất với đánh giá, thậm chí kết luận – trước đây cũng là bình thường”.
Và cũng theo nguyên lý “lịch sử chỉ diễn ra một lần nhưng nhận thức về nó là một quá trình” cùng với thời gian, chúng ta vẫn tiếp tục khai thác các nguồn tư liệu mới, ứng dụng những phương pháp nhận thức khoa học mới để tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn quá khứ. Đó cũng chinh là sức sống của sử học.

Dương Trung Quốc/Tạp chí Văn Hiến bản in

Cùng chuyên mục

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú