Bắc Kinh muốn đẩy nhanh tiến độ đàm phán và tranh thủ đưa các nội dung có lợi cho họ vào Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông.
Vừa rút khỏi chưa đầy một tuần, nhóm tàu Địa chất hải dương 8 của Trung Quốc (TQ) ngay lập tức ngang ngược quay lại khu vực bãi Tư Chính, nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam. Cùng giai đoạn này, TQ còn gây hấn ở EEZ của Malaysia và Philippines.
Trong khi đó trên bàn đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) với ASEAN, TQ lại tỏ ra rất lạc quan.Vì vậy, các động thái đe dọa trên biển do TQ thực hiện rất có thể đang nhằm gây sức ép lên khối ASEAN để đạt lợi thế về COC.
Chạy đua theo nhiệm kỳ Philippines
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, GS James Kraska, chuyên gia cao cấp về luật và chính sách biển tại Trung tâm Nghiên cứu luật quốc tế Stockton, ĐH Hải chiến Mỹ, cho rằng TQ đã trì hoãn tiến trình đàm phán COC để xây dựng lực lượng. “Bắc Kinh xem COC như một chiến thuật câu giờ, kéo dài thời gian đàm phán ròng rã 17 năm qua. Trong ngần ấy thời gian, TQ xây dựng kiên cố vị thế lẫn sức mạnh” – GS James Kraska nói.
Cùng quan điểm này, ThS Phạm Ngọc Minh Trang, giảng viên khoa Quan hệ quốc tế, ĐH KHXH&NV TP.HCM, nói với Pháp Luật TP.HCM rằng: Trước đây TQ trì hoãn COC để “câu giờ” cho việc xây dựng đảo nhân tạo. Bây giờ công việc đó đã xong, TQ thúc đẩy việc xây dựng bộ nguyên tắc ứng xử này.
Không chỉ xây đảo nhân tạo, thực tế thời gian qua TQ duy trì yêu sách đường chín đoạn lập lờ; bác bỏ phán quyết Tòa Trọng tài; nâng cấp các đội tàu hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư và đặc biệt tung ra các đội tàu dân quân biển hiếu chiến. Các chỉ dấu này cho thấy khó có khả năng TQ sẽ chấp nhận một COC dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – TQ diễn ra vào ngày 31-7 ở Bangkok, Thái Lan, Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị cho rằng COC “nhất định” sẽ đạt được đồng thuận trước thời hạn ba năm tới. Ý tưởng này đã được Thủ tướng TQ Lý Khắc Cường công bố trong Hội nghị ASEAN – TQ vào tháng 11 năm ngoái. Điều đó khiến không ít người nghi ngờ và tò mò về nội dung COC và chủ ý của Bắc Kinh.
Thời hạn ba năm trong bối cảnh hiện nay được giới quan sát đánh giá là “lạc quan”. Bà Trang cảnh báo rằng việc TQ thúc đẩy đàm phán COC “không đồng nghĩa TQ tuân theo pháp luật quốc tế. Dẫn chứng mới nhất là việc TQ cho tàu vào EEZ của một số nước ASEAN, cho tàu chiến đi qua vùng biển của Philippines, thậm chí luôn khẳng định giá trị của đường chín đoạn dù bị Tòa Trọng tài quốc tế bác bỏ. Cho nên COC mà TQ theo đuổi có thể chỉ nhằm xây dựng một luật chơi có lợi cho TQ”.
Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng Philippines là nước điều phối quan hệ ASEAN-TQ trong vòng ba năm kể từ năm 2018. Tổng thống Duterte từ khi nhậm chức đã theo đuổi cách tiếp cận ôn hòa với TQ. Manila hiện kỳ vọng một mối quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh sẽ mang lại hòa bình và có lợi cho Philippines trên bàn đàm phán biển Đông.
“Vì vậy, việc TQ muốn nhanh chóng đạt được COC trước khi Philippines kết thúc vai trò điều phối vào năm 2021 là điều không quá ngạc nhiên” – tờ Nikkei Asian Review nhận định.
Gây rối để tăng sức ép lên ASEAN
Để tận dụng tốt thời gian từ nay đến năm 2021 trên bàn đàm phán COC, việc TQ cùng lúc gây sức ép với các nước ASEAN là điều không lạ. Từ vụ tàu TQ xâm phạm bãi Tư Chính, ThS Phạm Ngọc Minh Trang nhận định: Trong việc đàm phán COC, các nước ASEAN, trong đó đặc biệt là Philippines, Malaysia và Việt Nam, có các quan điểm khác với TQ, ví dụ như tính chất pháp lý của văn bản này và khu vực địa lý áp dụng của văn bản.
Ngoài ra, TQ đã từng trì hoãn và kéo dài việc đàm phán xây dựng COC từ rất lâu nhưng hiện nay họ lại tỏ vẻ mong muốn kết thúc quá trình đàm phán và xây dựng COC. Từ hai chỉ dấu này, rất có khả năng những hành động gây rối trên thực địa của TQ gần đây là nhằm tạo ưu thế trên bàn đàm phán.
Trong khi đó, ThS Hoàng Việt, chuyên gia biển Đông, ĐH Luật TP.HCM, nhận định: “Việc TQ cùng lúc gây rối không chỉ ở biển Đông mà còn ở biển Hoa Đông; không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước khác có nhiều mục đích khác nhau. Một trong số đó là TQ nhắm tới việc tạo sức ép lên việc đàm phán COC”.
Ngoài ra, theo Nikkei Asian Review, thay vì đàm phán dưới danh nghĩa là một khối ASEAN, TQ đàm phán COC trên danh nghĩa độc lập từng quốc gia thành viên. Do đó, dự thảo COC đầu tiên tồn tại dưới dạng giống như 11 văn kiện khác nhau. Trong đó TQ có một văn kiện và từng thành viên ASEAN (gồm 10 nước) có một văn kiện đại diện cho lập trường của mỗi bên, thay vì hai văn kiện: Một của TQ và một của toàn bộ phía ASEAN. Việc TQ gia tăng sức ép lên các nước ASEAN, vì lẽ đó, cũng cho thấy mục tiêu gây ảnh hưởng lên nội dung của COC theo hướng có lợi cho TQ trong thời gian tới.
ASEAN sẽ không để TQ đạt mục đích
Thất bại lớn nhất của TQ đến lúc này có thể kể đến là phán quyết của Tòa Trọng tài vụ Philippines kiện TQ năm 2016 và chỉ trích, can dự của cộng đồng quốc tế với hành xử của TQ. Vậy nên Bắc Kinh rất có khả năng sẽ tìm cách (i) tuyên truyền rằng TQ thúc đẩy và có vai trò quan trọng thúc đẩy COC – một biểu hiện thượng tôn pháp luật; và (ii) loại bỏ sự ảnh hưởng của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) ra khỏi văn kiện COC. Qua hai động thái này, TQ muốn tiếp tục tránh né phán quyết của Tòa Trọng tài và tìm kiếm lại sự ủng hộ của dư luận, dù trong bối cảnh hiện nay điều này là rất khó.
Ngoài ra, các phát ngôn ngoại giao của TQ cho thấy Bắc Kinh tiếp tục muốn đẩy các quốc gia thứ ba ra khỏi biển Đông, không chỉ ở phương diện quân sự mà cả phương diện ngoại giao. Cụ thể, TQ muốn đẩy Mỹ và đồng minh ra khỏi biển Đông thông qua COC.
Tất nhiên ASEAN, đặc biệt các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông, sẽ không để ý đồ TQ thành hiện thực. Giới quan sát cho rằng ASEAN cần tránh đưa ra những quyết định vội vàng làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng trong khu vực. Theo nguồn tin nội bộ của Nikkei Asian Review, “ASEAN sẽ không nhượng bộ trước TQ”.
Mỗi bên ASEAN và TQ đều cố gắng tạo ra một COC có lợi cho mình nhất, mà có lợi cho bên này thì sẽ có hại cho bên kia. Ví dụ ASEAN muốn dùng COC để ngăn ngừa và kiềm chế TQ không tái diễn và gia tăng các hành động hung hăng, gây hấn. Trái lại, TQ muốn dùng COC để ngăn cản các quốc gia ASEAN bồi lấp các thực thể như TQ đã làm và hơn nữa TQ muốn dùng COC để ngăn cản sự tham gia và lên tiếng của Mỹ (được coi là bên thứ ba).
Vì thế, khi chưa có nội dung cuối cùng của COC thì chưa thể đưa ra kết luận về ảnh hưởng của COC. Nếu COC không có các nội dung cụ thể về sự ràng buộc pháp lý, lên án và ngăn ngừa các hoạt động như quân sự hóa các thực thể trên biển Đông, ngăn ngừa các quốc gia đơn phương tuyên bố vùng nhận diện phòng không trên khu vực biển này thì tác dụng của COC sẽ chẳng khác DOC là bao nhiêu.
ThS HOÀNG VIỆT, ĐH Luật TP.HCM
Dùng chủ thể ASEAN để “nói chuyện” với TQ
Thực tế khi đàm phán các hiệp ước quốc tế, các quốc gia đều có quyền đơn phương soạn thảo các văn bản thể hiện quan điểm của mình, rồi từ đó ngồi lại với nhau và thảo luận để ra một văn bản cuối cùng. Điều mà ASEAN cần phải làm hiện giờ là nên cho xuất hiện thêm một chủ thể mới trong bàn đàm phán COC hay các văn bản liên quan, đó là chủ thể ASEAN – một tổ chức quốc tế có vai trò chủ thể độc lập, để tiếp thêm tiếng nói cho các nước ASEAN trong đàm phán với TQ.
Sau khi ASEAN có Hiến chương ASEAN năm 2008, ASEAN đã có vị thế trong hệ thống luật pháp quốc tế như Liên minh Châu Âu (EU) hay Liên Hiệp Quốc, tức là tư cách chủ thể độc lập với vai trò lớn hơn của Ban Thư ký. Do đó, việc ASEAN tham gia đàm phán COC là điều hợp lý và cũng hợp pháp theo luật quốc tế.
ThS PHẠM NGỌC MINH TRANG, ĐH KHXH&NV TP.HCM