Sáng 06/12/2019, tại trụ sở Bộ Nội vụ, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội phối hợp với Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam và Viện Quản trị Chandler, Singapore tổ chức Hội thảo quốc tế “Đào tạo nhân lực cho nền công vụ đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân và hội nhập quốc tế”. Tham dự và điều hành Hội thảo gồm có PGS.TS. Triệu Văn Cường – Thứ trưởng Bộ Nội Vụ; PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến – Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội; PGS. TS. Vũ Minh Khương – Thành viên Hội đồng Cố vấn, Viện Quản trị Chandler; Ông Jean-Marc Chneider – Giám đốc phụ trách nhân sự và hợp tác quốc tế, Tổng cục Hành chính và công vụ, Bộ Cải cách nhà nước, phân cấp và công vụ, Cộng hòa Pháp.
Tham dự Hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các nước: Pháp, Italia, Nga, Thụy Điển, Singapore, Malaysia, Campuchia, Nigeria; các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ và các thầy cô trong Ban Giám hiệu, Hội đồng trường, Trưởng, Phó các đơn vị và đông đảo viên chức, giảng viên cùng tham dự.
Với mong muốn, tạo ra diễn đàn trao đổi học thuật, từ đó làm rõ những luận cứ, luận điểm khoa học để kiến nghị với các cơ quan chức năng trong việc hoạch định và thực thi các quyết sách về đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tổ chức Hội thảo quốc tế “Đào tạo nhân lực cho nền công vụ đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và hội nhập quốc tế”. Hội thảo là dịp để các nhà khoa học trong nước và quốc tế cùng bàn luận, trao đổi các nội dung về về đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp, đội ngũ tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng; các điều kiện bảo đảm và kinh nghiệm quốc tế trong việc nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực cho nền công vụ,…
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết: “Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam nói chung, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội trực thuộc Bộ Nội vụ nói riêng đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác với các quốc gia có kinh nghiệm về cải cách hành chính để trao đổi, học hỏi trên nhiều phương diện, trong đó có công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực khu vực công. Hội thảo khoa học quốc tế này nằm trong nỗ lực chung nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân và hội nhập quốc tế, góp phần cải cách hành chính. Hội thảo quốc tế được tổ chức có ý nghĩa lớn cả về mặt lý luận và thực tiễn, góp phần chia sẻ những kinh nghiệm giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Bộ Nội vụ tôi xin hoan nghênh Trường Đại học Nội vụ Hà Nội đã nỗ lực vượt qua những khó khăn để tổ chức Hội thảo quốc tế ngày hôm nay. Việc Tổ chức Hội thảo quốc tế lần này hết sức có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn, góp phần chia sẻ những kinh nghiệm giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước trong việc đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tôi hy vọng và mong muốn thông qua Hội thảo sẽ cung cấp những cơ sở quan trọng để Bộ Nội vụ tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền trong việc hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách về đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức – Thứ trưởng Triệu Văn Cường nhấn mạnh.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PSG.TS. Nguyễn Bá Chiến, Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội khẳng định: “Nguồn nhân lực là nguồn lực quan trọng nhất của tổ chức, quyết định sự thành bại của tổ chức, là chìa khóa để giải quyết các vấn đề của tổ chức. Đầu tư vào nguồn nhân lực là đầu tư cho phát triển. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức không chỉ ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của từng cơ quan nhà nước mà còn ảnh hưởng tới kết quả hoạt động của nền công vụ quốc gia, tác động tới hiệu quả quản trị quốc gia. Kết quả công việc, năng lực thực thi công vụ của cán bộ, công chức phản ánh rõ nét nhất hiệu quả hoạt động của nền công vụ, hiệu quả của hoạt động điều hành kinh tế – xã hội của Chính phủ. Vì vậy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là nâng cao chất lượng hoạt động động công vụ. Nhà nước Việt Nam xác định, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức vừa là yêu cầu trước mắt, vừa là nhiệm vụ lâu dài nên phải thực hiện thường xuyên để nâng cao năng lực cán bộ, công chức, viên chức hướng đến mục tiêu xây dựng nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại”.
Để Hội thảo thành công và đạt hiệu quả cao, PSG.TS. Nguyễn Bá Chiến đề nghị các quý vị đại biểu, các nhà khoa học cùng tập trung trao đổi, thảo luận về các vấn đề: quản trị quốc gia với mục tiêu xây dựng nền hành chính phục vụ, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt những yêu cầu, cơ hội, thách thức gì đối với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; các nội dung, giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trong cơ quan nhà nước đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và hội nhập quốc tế; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao trong xu hướng nền hành chính hội nhập và phục vụ; kinh nghiệm quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho nền công vụ.
Hội thảo “Đào tạo nhân lực cho nền công vụ đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và hội nhập quốc tế” bao gồm phiên tổng thể và phiên chuyên đề. Phiên chuyên đề được chia làm 2 phiên được tổ chức tại phòng A104 (phiên 1) và phòng D402 (phiên 2) Trường Đại học Nội vụ Hà Nội. Phiên tổng thể được diễn ra sau khi khai mạc, bao gồm các tham luận:
Tham luận 1: “Tầm nhìn Việt Nam 2045 và Chiến lược đưa Việt Nam trở thành một quốc gia thịnh vượng”, PGS. TS. Vũ Minh Khương – Thành viên Hội đồng Cố vấn- Viện Quản trị Chandler, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.
Tham luận 2: “Những thách thức về đào tạo trong bối cảnh phát triển của nền công vụ Pháp”, Ông Jean-Marc Chneider, Giám đốc phụ trách nhân sự và hợp tác quốc tế, Tổng cục Hành chính và công vụ, Bộ Cải cách nhà nước, phân cấp và công vụ, Cộng hòa Pháp.
Tham luận 4: “Phát triển lãnh đạo cấp cao trong nền công vụ”, Ông Wu Wei Neng – Giám đốc Điều hành, Viện Quản trị Chandler, Singapore.
Tham luận 5: “Giới thiệu về Cơ quan Giáo dục chuyên nghiệp (EnAIP) vùng Piemonte, Cộng hoà Ý”, Ông Sergio Pugliano – Tổng Giám đốc Cơ quan giáo dục chuyên nghiệp (EnAIP) vùng Piemote, Cộng hòa Ý.
Phiên chuyên đề 1: Nội dung, giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho nền công vụ đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và hội nhập quốc tế do PGS. TS. Nguyễn Minh Phương – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội; Ông Thomas Fauconnier – Phó Giám đốc Tuyển dụng và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Cộng hoà Pháp; Ông Wu Wei Neng – Giám đốc Điều hành, Viện Quản trị Chandler, Singapore điều hành với 5 tham luận được trình bày.
Tham luận 1: “Tiếp tục đổi mới hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ở Việt Nam hiện nay”, PGS.TS. Nguyễn Minh Phương – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội.
Tham luận 2: Ông Thomas Fauconnier – Phó Giám đốc Tuyển dụng và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Cộng hoà Pháp.
Tham luận 3: “Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”, PGS.TS. Đặng Khắc Ánh – Trưởng khoa Quản lý xã hội, Học viện Hành chính Quốc Gia.
Tham luận 4: “Hành chính công trong xu thể phát triển và các vấn đề đặt ra trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ở Việt Nam”, PGS.TS. Văn Tất Thu – Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ.
Tham luận 5: “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong xu hướng xây dựng nền hành chính phục vụ và yêu cầu đặt ra đối với hoạt động quản lý nhà nước”, GS. TS Nguyễn Hữu Khiển – Nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc Gia.
Phiên chuyên đề 2: Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao trong xu hướng nền hành chính hội nhập và phục vụ do TS. Lê Thanh Huyền – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội; Ông Jean-Marc Chneider, Giám đốc phụ trách Nhân sự và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Hành chính và Cộng vụ, Bộ Cải cách nhà nước, Phân cấp và Công vụ, Cộng hoà Pháp; Ông Sergio Pugliano – Tổng Giám đốc Cơ quan giáo dục chuyên nghiệp (EnAIP) vùng Piemote, Cộng hòa Ý điều hành với các chuyên đề cụ thể:
Tham luận 1: “Sự biến chuyển trong công tác quản lý nguồn nhân lực của nền công vụ Pháp”, Ông Jean-Marc Chneider – Giám đốc phụ trách Nhân sự và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Hành chính và Cộng vụ, Bộ Cải cách nhà nước, Phân cấp và Công vụ, Cộng hoà Pháp.
Tham luận 2: “Các vấn đề trong lưu trữ văn bản điện tử: Kinh nghiệm của Liên bang Nga”, GS. Mikhail Vasilevich Larin – Trưởng khoa Hệ thống quản lý lưu trữ điện tử, Viện Lịch sử và Lưu trữ, Đại học Nhân văn Quốc gia Nga.
Tham luận 3: “Bảo quản hồ sơ, kiến thức và bộ nhớ (Quan điểm về chu trình 100.000 năm)”, Bà Anna Anastasia Pettersson – Trưởng phòng Lưu trữ, Công ty Quản lý chất thải và nhiên liệu hạt nhân Thuỵ Điển.
Tham luận 4: “Nhân lực chất lượng cao trong xu hướng hành chính hội nhập và phục vụ”, TS. Tạ Ngọc Hải – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức nhà nước.
Phát biểu tổng kết Hội thảo, PGS.TS Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ trân trọng cám ơn và đánh giá cao sự tham gia đông đảo và tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu đã đem lại thành công cho Hội thảo. Thứ trưởng Triệu Văn Cường cho rằng, nội dung các tham luận đã tập trung làm sáng rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong bối cảnh hội nhập và xây dựng nền hành chính phục vụ đối với Việt Nam. Các tham luận của các chuyên gia, các nhà khoa học đến Singapore, Italia, Pháp,… đã chia sẻ kinh nghiệm hết sức quý báu trong đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho nền công vụ. Qua đó đã gợi mở, định hướng nhiều nội dung quan trọng cho các nhà khoa học, nhà quản lý thực tiễn tại Việt Nam tiếp tục tham mưu cho các cơ quan quản lý, các cơ quan nghiên cứu, giảng dạy và đào tạo hoàn thiện nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Sau 1 ngày làm việc với 1 phiên toàn thể, 2 phiên thảo luận chuyên đề, Hội thảo đã thành công tốt đẹp. Hội thảo có sự tham dự của hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đến từ 09 quốc gia, cùng toàn thể lãnh đạo các đơn vị, các Giảng viên của Trường Đại học Nội Vụ Hà Nội.
Với hơn 40 bài tham luận trong tài liệu Hội thảo, trong đó có 14 tham luận trình bày trực tiếp, 9 ý kiến trao đổi tại các phiên thảo luận. Nội dung các bài tham luận, các ý kiến trao đổi trực tiếp đã đi sâu, tập trung phân tích làm rõ: Đặc trưng bối cảnh hội nhập quốc tế, của cách mạng công nghiệp 4.0 và yêu cầu nền hành chính phục vụ đang đặt ra những cơ hội và thách thức; yêu cầu, nhiệm vụ mới trong đào tạo nhân lực và nhân lực chất lượng cao cho nền công vụ; Những chia sẻ rất quý báu từ thực tiễn các nước của các chuyên gia quốc tế đến từ Pháp, Singapore, Ý về những thách thức và vấn đề đặt ra trong đào tạo đội ngũ lãnh đạo cấp cao để nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia.
Các chuyên gia cũng đã giới thiệu về mô hình, và những đổi mới trong công tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cho nền công vụ như mô hình 70%-20%-10%; mô hình học hỏi, đào tạo dẫn dắt của người điều phối chia sẻ và trao đổi; Cách thức thu hút, đón nhận nhân tài từ khu vực tư vào khu vực công của Pháp; quá trình cải cách xắp xếp lại hệ thống các trường đào tạo của Pháp và Singapore.
Các chuyên gia cũng đề xuất về đào tạo liên tục, đào tạo suốt đời đối với công chức; về các nội dung, loại hình đào tạo cho từng đối tượng công chức cấp cao, cấp trung và cấp thấp; Hội thảo cũng nhận được những chia sẻ kinh nghiệm của chuyên gia đến từ Thụy Điển trong cách thức xây dựng pháp luật về lưu trữ, nội dung, quy trình, cách thức, công nghệ lưu trữ kỹ thuật số của Thụy Điển và đào tạo công chức làm công tác lưu trữ phục vụ cộng đồng tại Thuỵ Điển; kinh nghiệm của Liên bang Nga về lưu trữ và bảo quản tài liệu điện tử; Các bài tham luận và trao đổi của chuyên gia Việt Nam tập trung trao đổi về: Thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao cho nền công vụ, những kết quả đạt, hạn chế, nguyên nhân hạn chế và những khó khăn thách thức mà Việt Nam vượt qua trong thời gian tới; các giải pháp cần thực hiện để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nhân lực đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và hội nhập quốc tế: Như đổi mới về tư duy; đẩy mạnh giáo dục và nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ công chức về nội dung, tính tất yếu của nền hành chính phục vụ; Chuẩn hoá và đào tạo bắt buộc đối với đội ngũ công chức viên chức theo ngạch/bậc và vị trí việc làm; đổi mới về nội dung, chương trình hình thức và cách thức đào tạo bồi dưỡng; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp chiến lược …
Các chuyên gia Việt Nam cũng đề xuất: Chiến lược phát triển Việt Nam cần ưu tiên số 1 cho phát triển nhân lực, trong đó đột phá vào đội ngũ lãnh đạo; bên cạnh việc đào tạo của Nhà nước, mỗi cán bộ công chức cần có ý thức tự đào tạo và học hỏi suốt đời để nâng cáo năng lực đáp ứng với yêu cầu công việc và bối cảnh mới.
Qua những tham luận và thảo luận tại Hội thảo đã gợi mở, định hướng nhiều nội dung quan trọng cho các nhà khoa học, nhà quản lý thực tiễn tại Việt Nam tiếp tục tham mưu, khuyến nghị cho các cơ quan quản lý, các cơ quan nghiên cứu, giảng dạy và đào tạo hoàn thiện nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Trong lời phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Bá Chiến, Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội đã nhấn mạnh: “Hội thảo, không chỉ thành công tốt đẹp khi đã hoàn thành các chương trình đề ra, mà còn tạo nên một diễn đàn giao lưu, kết nối, trao đổi học thuật sôi nổi giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước. Hội thảo cũng là cơ hội để kết nối thông tin và chia sẻ tri thức giữa các chuyên gia, các nhà khoa học đam mê nghiên cứu khoa học quản lý công, quản trị nhà nước. Đồng thời thắt chặt mỗi quan hệ hữu nghị giữa Trường Đại học Nội vụ Hà Nội với các các cơ quan, đơn vị trong và ngoài nước”.
PGS.TS Nguyễn Bá Chiến thay mặt Ban Tổ chức Hội thảo, thay mặt Trường Đại học Nội vụ Hà Nội xin gửi lời cảm ơn trân thành và sâu sắc tới quý vị đại biểu khách quý, các chuyên gia, các nhà khoa học đã tham dự Hội thảo./.
PV