Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra ngày càng khốc liệt và ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống và môi trường sản xuất của các doanh nghiệp. Đặc biệt, cách mạng công nghiệp 4.0 đào thải nhiều ngành nghề và cũng sinh ra những nhiều ngành nghề mới.
Hiện, nhu cầu về nhân lực không chỉ vững chuyên môn mà còn phải giỏi kỹ năng, ứng dụng công nghệ và nhạy bén trong công việc ngày càng gia tăng. Do đó, việc gắn kết nhà trường và doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tế là nội dung quan trọng cần được đẩy mạnh nhằm phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh mới.
Được biết, tỉnh Phú Yên hiện có 19 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), trong đó có 03 trường Cao đẳng; 01 trường Trung cấp; 15 Trung tâm GDNN – GDTX và Trung tâm dạy nghề. Thực hiện phương châm gắn GDNN với thị trường lao động, doanh nghiệp và các trung tâm dịch vụ việc làm, các cơ sở GDNN đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, từng bước nâng cao tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo, tạo niềm tin trong xã hội đối với công tác đào tạo nghề. Do vậy, chiến lược phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn lao động chất lượng cao là một trong những yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Đối với các doanh nghiệp hiện nay, nguồn nhân lực có tay nghề và chuyên môn cao đang trở thành nhu cầu cấp thiết. Xuất phát từ vấn đề này, Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung (MITC) đã gắn kết với các doanh nghiệp thực hiện đào tạo “kép” để học sinh, sinh viên sau khi ra trường có việc làm ngay.
Thực tế, mô hình đào tạo “kép” đã mang lại hiệu quả thiết thực như: Học sinh, sinh viên được các giảng viên có kinh nghiệm thực tế giám sát, hỗ trợ, đồng thời được các chuyên gia có kinh nghiệm của doanh nghiệp tham gia hướng dẫn trên giáo trình, tài liệu giảng dạy được hai bên phối hợp biên soạn; Giúp cơ sở đào tạo không tốn nguồn lực, doanh nghiệp không phải đào tạo lại, giảm chi phí đào tạo, thu hút học sinh, sinh viên vào học nghề; Giúp học sinh, sinh viên rèn luyện thêm các kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm hoặc củng cố thêm các kiến thức đã học ở trường; Sau khi kết thúc chương trình đào tạo, học sinh, sinh viên có cơ hội làm việc chính thức ngay tại doanh nghiệp.
Trong những năm qua, hoạt động gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp toàn tỉnh Phú Yên được đẩy mạnh và đi vào chiều sâu, thu hút được nhiều doanh nghiệp cùng đồng hành giải quyết bài toán nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, tạo dựng việc làm bền vững và nâng cao kỹ năng tay nghề cho người lao động.
Theo đó, ngày 29/04/2021, Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung đã chính thức ban hành Quy chế tổ chức triển khai đào tạo kép. Một trong những nội dung quan trọng là tổ chức thực hiện mô hình đào tạo “kép” bằng việc hướng dẫn, chỉ đạo các khoa chuyên môn phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức đào tạo cho học sinh, sinh viên theo chương trình đào tạo cụ thể của từng ngành, nghề. Từ năm học 2020-2021 đến nay, có ít nhất 20% tổng khối lượng các chương trình đang đào tạo tại nhà trường có sự tham gia giảng dạy, đánh giá từ phía các doanh nghiệp. Những kết quả ban đầu đạt được là rất đáng ghi nhận.
Trong thời gian tới, Nhà trường sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với doanh nghiệp triển khai có hiệu quả mô hình đào tạo kép giúp cho học sinh, sinh viên cải thiện cơ hội việc làm, cơ hội nâng cao kỹ năng đáp ứng những đổi mới mới nhất của thời đại kỹ thuật số, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mở rộng cơ hội tham gia xã hội và hội nhập của học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Trong thời gian tới, tăng cường hợp tác hiệu quả giữa nhà trường và doanh nghiệp trong công tác đào tạo. Để đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển giáo dục nghề nghiệp theo mô hình liên kết nhà trường với doanh nghiệp cần sự vào cuộc của các đơn vị và các Bộ, Ngành liên quan với các nhóm giải pháp đồng bộ cần triển khai trong vấn đề này. Qua đó, các doanh nghiệp cần chủ động liên kết đào tạo với các nhà trường, tạo điều kiện tốt nhất để giảng viên, sinh viên được thực tập, thực hành tại nơi sản xuất của doanh nghiệp; tiếp nhận những sinh viên đã từng thực tập tại doanh nghiệp trước đây vào làm việc, tham gia vào quá trình sản xuất nhằm tận dụng nguồn nhân lực không phải đào tạo lại; cùng nhà trường tham gia xây dựng chương trình đào tạo nhằm kịp thời bổ sung, điều chỉnh những chương trình mang tính thiết thực, gắn với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp.
Song song với đó, doanh nghiệp có thể kết hợp với nhà trường đào tạo ngắn hạn nguồn nhân lực của doanh nghiệp nhằm nâng cao trình độ kỹ năng nghề và cập nhật kiến thức mới, mối quan hệ hợp tác với nhà trường cũng sẽ là một kênh quảng bá và nâng cao uy tín thương hiệu của doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể cùng với nhà trường hợp tác sản xuất nhằm khai thác các máy móc, thiết bị của nhà trường phục vụ cho lĩnh vực sản xuất đồng thời tạo cơ hội cho giáo viên và sinh viên tiếp cận các công việc sản xuất sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Bên cạnh đó, tăng quyền tự chủ cho nhà trường. Nhà trường cần được tự chủ và chủ động về quy mô đào tạo, hình thức tuyển sinh, xây dựng chương trình đào tạo, thu chi nguồn tài chính. Nhà trường cần có các chiến lược, kế hoạch cụ thể theo từng giai đoạn và hằng năm về hợp tác đào tạo và tuyển dụng với doanh nghiệp để điều chỉnh, hoàn thiện chương trình đào tạo và chuẩn bị các điều kiện bảo đảm chất lượng phù hợp, đáp ứng với nhu cầu của doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho bộ phận làm nhiệm vụ đầu mối hợp tác đào tạo với doanh nghiệp; nâng cao năng lực ngoại ngữ, tin học, kỹ năng giao tiếp và các kỹ năng mềm khác cho người làm công tác hợp tác đào tạo với doanh nghiệp của nhà trường.
Tin rằng, khi các sinh viên được đào tạo theo tiêu chuẩn cập nhật từ doanh nghiệp và có cơ hội tìm kiếm việc làm với tỷ lệ thành công cao sau khi tốt nghiệp. Vì lẽ đó, việc gắn kết nhà trường và doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tế là nội dung quan trọng cần được đẩy mạnh nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của Trường cao đẳng Công Thương miền Trung trong bối cảnh mới.
Thanh Việt – Nguyệt Cầm