Bộ sưu tập 250 hình ảnh và hiện vật đặc sắc về gốm Sài Gòn và vùng phụ cận trưng bày tại Bảo tàng TP HCM mang giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật cao.
Ngày 10/8, tại Bảo tàng TP HCM (65 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1), đã diễn ra trưng bày chuyên đề “Gốm Sài Gòn và vùng phụ cận – Nét đặc trưng văn hóa Nam bộ”.
Trưng bày do Bảo tàng TP HCM phối hợp Bảo tàng tỉnh Bình Dương tổ chức với hơn 50 hình ảnh và gần 200 hiện vật đặc sắc giới thiệu nguồn gốc, đặc điểm, ý nghĩa, giá trị di sản của bộ sưu tập gốm Sài Gòn và vùng phụ cận như: gốm Lái Thiêu (Bình Dương), gốm Biên Hòa (Đồng Nai), gốm Pháp do Sài Gòn đặt hàng…
Khách tham quan trưng bày. Ảnh: VOV
Lịch sử gốm Sài Gòn gắn liền với giai đoạn Sài Gòn – Chợ Lớn với nhiều làng nghề gốm nổi tiếng: lò Câu Mai, lò Hưng Lợi, lò Đồng Hoa… Điểm nhấn của trưng bày là cụm tượng và tiểu tượng trên mái nhà của người Hoa ở khu trưng bày gốm Sài Gòn.
Tại khu trưng bày gốm vùng phụ cận cũng có các loại sản phẩm bình hoa, bát…, với nhiều hoa văn đặc sắc. Đây là những sản phẩm gốm có từ cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.
Trưng bày chuyên đề đa dạng các bộ sưu tập gốm thờ cúng, gốm gia dụng với chất men phong phú, có giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật cao; đồng thời, góp phần làm rõ thêm các giai đoạn hình thành và phát triển của nghề làm gốm nói riêng và nghề thủ công truyền thống nói chung của Sài Gòn và vùng đất Nam bộ.
Quần thể tiểu tượng gốm Sài Gòn, men nhiều màu cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Ảnh: PLO
Theo Ban Tổ chức, ra đời vào cuối thế kỷ XVII, gốm Biên Hòa là sự kết hợp của hai dòng gốm Việt – Hoa, những di tích như Rạch Lò Gốm, Bến Miểng Sành… Sản phẩm ban đầu là: nồi, niêu, bình với bằng đất nung; hũ, khạp bằng sành phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt thường ngày của cư dân.
Sự ra đời của trường Mỹ Thuật Biên Hòa (1903) với sự truyền nghề của những nghệ nhân gốm Cây Mai đã tạo nên dòng gốm mỹ thuật đặc trưng với tên gọi “Gốm Mỹ nghệ Biên Hòa”.
Đầu thế kỷ XIX, bên cạnh dòng gốm Trung Quốc sản xuất du nhập vào Việt Nam, lúc bấy giờ còn có dòng gốm sản xuất tại Pháp cũng được các thương nhân Pháp sử dụng nhằm quảng bá, tuyên truyền nền văn hóa Pháp trong công cuộc khai phá các nước thuộc địa. Các sản phẩm gốm Pháp du nhập vào Việt Nam chủ yếu là đồ gốm gia dụng.
Một số hiện vật tại trưng bày chuyên đề. Ảnh: PLO
Đến khoảng giữa thế kỷ XIX, gốm Lái Thiêu là sự tổng hợp hài hòa của ba trường phái gốm Nam Trung Hoa: Quảng Đông (chuyên sản xuất tượng trang trí), Phúc Kiến (thường sử dụng men màu đen, màu vàng da lươn, sản phẩm chủ yếu là các loại chóe rượu, khạp…) và Triều Châu (với các loại đồ gia dụng: tô, chén, đĩa, bình men nhiều màu và men xanh trắng).
Tại trưng bày chuyên đề, bên cạnh những nội dung đặc sắc về gốm sứ Nam bộ, khách tham quan còn có dịp trải nghiệm làm và trang trí gốm cùng các nghệ nhân.
Thế Vũ
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/trung-bay-bo-suu-tap-gom-sai-gon-va-vung-phu-can-post259948.html