Anh Bùi Văn Luân, sinh năm 1985, dân tộc Mường, xóm Lán Ráy (xã Bình Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) bỏ công việc ở Hàn Quốc với mức lương 1.500 đô la để về quê nuôi gà thả đồi, mỗi năm thu lãi hơn 170 triệu đồng.
Thời gian gần đây, mô hình chăn nuôi gà ta, gà Đông Tảo, gà Lạc Thủy thả đồi đang phát triển mạnh ở một số địa phương của huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Bước đầu mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ chăn nuôi vươn lên làm giàu. Anh Luân là một trong những hộ như thế.
Anh Luân chia sẻ: Thời gian trước, tôi đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc làm công việc cơ khí, với mức lương 1.500 đô/tháng. Cũng do xa gia đình, kiếm được tiền nơi xứ người nhưng không thấy thoải mái nên sau đó 4 năm làm việc ở nước ngoài, tôi đã quyết định trở về quê nhà phát triển kinh tế gia đình.
Lúc đầu, anh đầu tư xây chuồng trại nuôi lợn nhưng không mang lại hiệu quả như mong đợi. Sau đó anh nảy ra ý tưởng nuôi gà ta, gà Đông Tảo, gà Lạc Thủy thả đồi. Nghĩ là làm, anh cải tạo lại chuồng trại rồi đến tỉnh Hưng Yên và về Sơn Tây, huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) mua giống gà về nuôi.
Khi bắt đầu nuôi gà thả đồi, anh Luân không có nhiều kinh nghiệm nên đàn gà hay dịch bệnh, kém phát triển, hiệu quả kinh tế thấp. Anh đã tự lên mạng tìm hiểu các kỹ thuật nuôi gà, cách chăm sóc gà thả vườn và khẩu phần ăn cho đàn gà. Bên cạnh đó, anh còn đi tham quan học hỏi kinh nghiệm các mô hình chăn nuôi gà thả vườn, gà thả đồi lớn ở nhiều tỉnh để về áp dụng vào trang trại của mình. Nhờ vậy, mà đàn gà của gia đình anh luôn phát triển khỏe mạnh.
Theo kinh nghiệm nuôi gà thả vườn của anh Luân: Khi chọn mua giống gà về nuôi, tôi chọn những con gà nhanh nhẹn, mắt sáng, chân to, tránh mua những con gà giống khô chân, khoèo chân… Để đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng cho đàn gà, thức ăn được tôi chia ra từng khẩu phần riêng theo từng tháng tuổi của gà.
Nhằm đáp ứng được lượng lớn thức ăn cho đàn gà, anh Luân cùng gia đình tận dụng diện tích nương rẫy sau nhà trồng ngô và sắn làm thức ăn dự trữ. Vì vậy, mà anh đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó, anh Luân còn tận dụng tối đa diện tích đồi sau nhà rào chắn xung quanh nên lượng thức ăn ngoài tự nhiên cho đàn gà như cỏ, giun, dế… luôn dồi dào.
Ông Đinh Tất Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, cho hay: Mô hình nuôi gà thả đồi của hội viên Bùi Văn Luân rất đáng để nhân rộng đến với các hội viên khác. Mặc dù còn trẻ tuổi nhưng anh Luân rất tích cực tìm tòi, đổi mới tư duy trong chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tuyên truyền đến các hội viên ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt trên 1 diện tích đất canh tác. Đồng thời, phối hợp với Công ty dịch vụ vật tư nông nghiệp huyện tiếp tục cung ứng phân bón trả chậm cho nông dân từ 300 – 500 tấn phân bón. Phối hợp với các tổ chức, cá nhân có thông tin kịp thời để hỗ trợ xây mô hình về tiêu thụ nông sản cho nông dân, giúp bà con vươn lên làm giàu ở địa phương…”, ông Đinh Tất Thắng.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tuyên truyền đến các hội viên ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt trên 1 diện tích đất canh tác. Đồng thời, phối hợp với Công ty dịch vụ vật tư nông nghiệp huyện tiếp tục cung ứng phân bón trả chậm cho nông dân từ 300 – 500 tấn phân bón. Phối hợp với các tổ chức, cá nhân có thông tin kịp thời để hỗ trợ xây mô hình về tiêu thụ nông sản cho nông dân, giúp bà con vươn lên làm giàu ở địa phương…”, ông Đinh Tất Thắng.
Theo Danviet