Những năm gần đây bộ phim truyền hình “Tam Quốc” (phiên bản năm 2009) do Nhà biên kịch Chu Tô Tiến cải biên được nhiều khán giả yêu thích. Song cũng không ít khán giả chưa hài lòng vì một số trường đoạn phim không giống như nguyên tác “Tam Quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung. Chu Tô Tiến sinh năm 1953 tại Liên Thủy, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ông là lứa tác giả trưởng thành sau Cách mạng Văn hóa. Khởi nghiệp sáng tác vào năm 1971, đến năm 1982 ông được kết nạp vào Hiệp hội Tác gia Trung Quốc rồi tham gia Ban Chấp hành Hiệp hội; được phong danh hiệu Tác gia cấp 1 Quốc gia. Ông còn là Nhà biên kịch xuất sắc của Trung Quốc hiện nay, nhiều phim truyền hình của ông được công chúng Việt Nam yêu thích, như: “Chiến tranh Nha Phiến” (1997), “Vương triều Khang Hy” (2001 ), “Chu Nguyên Chương” (2004 ) và đặc biệt là “Tam Quốc” (2009). Năm 2013, với thu nhập nhuận bút tính theo thuế là 14 triệu Nhân dân tệ ông đã được xếp thứ 10 trong danh sách Trung Quốc Tác gia Phú hào bảng.
Để giúp bạn đọc hiểu thêm về vấn đề này, chúng tôi xin dịch và giới thiệu đến bạn đọc bài của Nhà biên kịch Chu Tô Tiến trao đổi với phóng viên của Tuần báo Tam liên Sinh hoạt (Life Week) về quá trình cải biên tác phẩm “Tam Quốc diễn nghĩa” thành kịch bản phim truyền hình “Tam Quốc” (2009 ). Sau đây là toàn văn cuộc trò chuyện:
Phóng viên: Chúng ta cùng trò chuyện về “Tam Quốc” nhé. Khi nhiệm vụ biên kịch rơi vào tay ông, trước đó ông có chuẩn bị và thiết tưởng gì không?
Chu Tô Tiến: Câu chuyện “Tam Quốc” mọi người đều thuộc, cho nên tôi cũng chỉ chuẩn bị trên tài liệu đã có mà thôi, trong thực tế thì chẳng tốn là bao công sức, huống chi đây là một bộ tiểu thuyết chứ không phải lịch sử, và so với lịch sử thì có nhiều khác biệt lắm. Nhưng đó lại là một bộ tiểu thuyết rất là kinh điển. Cho nên điều đầu tiên tôi nghĩ đến là phương pháp, tính kinh điển của bản thân tác phẩm vốn đã huy hoàng, nên bất cứ sự cải biến nào đều có thể dẫn đến bất mãn.
Tác phẩm kinh điển này 15 năm trước đã được dựng thành phim truyền hình rồi, lần này chỉ là dựng lại. Trong tim của nhiều người đều có bộ “Tam Quốc”, vậy lần này phải làm thế nào, không cách gì hơn là phải làm cho mọi người được gặp lại người bạn của mình sau 15 năm xa cách, chỉ cần anh ta bước qua cửa là có thể nhận ra ngay, nhưng anh ấy lại mười phần tươi trẻ. Đồng thời “Tam Quốc” cũng không thể nào có sự thay đổi một cách quá lố, không thể dùng biến tính thủ thuật, chỉ có thể dùng chỉnh dung thủ thuật mà thôi. Từ ý nghĩa trên, sáng tác kịch bản “Tam Quốc” đòi hỏi phải có đầu tư tương đối lớn, chủ yếu không phải tập trung ở câu chuyện mà phải tập trung ở nhân vật, ở tính cách nhân vật và một số tình tiết ý cảnh mang tính điển hình.
Phóng viên: Trong khi sáng tác kịch bản mới này ông có những đột phá nào không?
Chu Tô Tiến: Không dám nói là đột phá, nhưng những chỗ sáng tạo thì rất nhiều. Trước tiên là nhân vật, trong “Tam Quốc diễn nghĩa” mở đầu bằng Đào viên kết nghĩa, vì tôi thấy không hay, ý cảnh ấy có thể chỉ cần xuất hiện đằng sau đài từ là đủ. “Tam Quốc” của tôi mới mở ra đã là Tào Tháo – Tào Tháo thích Đổng – và sau đó thành phần của Hý kịch hóa cứ thế diễn ra, bắt đầu từ tiếng hắt hơi của Đổng Trác. Trong bộ phim này Tào Tháo là một nhân vật vô cùng quan trọng, vì đó là nhân vật sáng tạo kiệt xuất của “Tam Quốc diễn nghĩa”. Theo cùng là các nhân vật khác, những nhân vật này cũng không phải do tôi tạo ra, mà là được cung cấp từ “Tam Quốc diễn nghĩa”, có khi trong sách chỉ là một vài câu nói, tôi đã từ đó mà phát triển ra, để nó chi phồn diệp mậu. Tất nhiên câu chuyện phải hay, phải có gửi gắm ý nghĩa nhân sinh, phải sống động như thật.
Phóng viên: Có phải khi viết ông đã dựa theo tiểu thuyết?
Chu Tô Tiến: Tiểu thuyết có 120 hồi, đến hồi 89 thì Gia Cát Lượng mất, tôi cho rằng đến đó thì tinh hoa “Tam Quốc” đã tận. Nhưng có một điều, cứ giữ theo “Tam Quốc diễn nghĩa” để triển khai câu chuyện thì rất hay.
Phóng viên: Vậy ông nói xem một vài ví dụ cụ thể để nhân vật có thể “chi phồn diệp mậu”?
Chu Tô Tiến: Thí dụ nói cảnh Tào Tháo giết cả nhà Lã Bá Xa, “Thà để ta phụ người thiên hạ, chứ không để người thiên hạ phụ ta”. Chạy trốn trong cơn mưa lớn, đến nữa đường thì bỗng dưng Tào Tháo dừng lại, Trần Cung ngỡ rằng Tào Tháo muốn quay lại an táng Lã Bá Xa. Nhưng không phải. Tào Tháo lại nói là rượu thịt đang còn đặt trên bàn, mưa lớn thế này, chúng ta đói đến ruột réo lên ầm ầm, nếu cứ thế này mà chạy thì trời chưa sáng đã bị chết đói chết cóng rồi, chúng ta quay về ăn thịt uống rượu đi. Trần Cung vô cùng tức giận, nhưng Tào Tháo thì sau khi an táng Lã bá Xa còn kính ông ta một chén rượu. Lại như cảnh Tam cố thảo lư, vốn Trương Phi tính tình rất là nóng nảy, đến lần thứ ba thì không còn kềm chế được, nói: Ta phóng một mồi lửa thiêu rụi thảo lư, coi lần này có ra hay không ra. Quan Vũ lập tức kéo lấy tay, mắng cho vài câu. Trong kịch của tôi, đã cho Trương Phi phóng lửa thật.
Phóng viên: Nhưng nhân dân đã thuộc lòng câu chuyện, ông sửa đổi như vậy liệu công chúng có tiếp nhận không?
Chu Tô Tiến: Tôi cho rằng chẳng có gì trở ngại. Tôi thấy đó không phải sửa đổi, là việc phải xảy ra như vậy thôi, nguyên tác cũng đã nói mà. Chỉ có điều nguyên tác nói dài 3 tấc, tôi cho nó dài thành 5 tấc, vậy mới đủ. Trương Phi tính tình như thế sao lại chỉ nói nói rồi thôi, cho nên sau khi Gia Cát Lượng xuống núi đã đùa với Trương Phi: Dực Đức, ngài còn nợ ta một tòa thảo lư đấy. Trương Phi đáp: Ông giúp ca ca ta giành thiên hạ, được thiên hạ rồi ta sẽ làm cho ông một tòa thảo lư rộng 800 dặm. Như thế có phù hợp với tính cách của Trương Phi không?
Phóng viên: Rất nhiều người sẽ không đi theo con đường do ông sáng tác đâu.
Chu Tô Tiến: Tôi chuẩn bị để mạo hiểm rồi, nhưng hầu hết những đạo diễn, diễn viên đã xem qua câu chuyện này đều rất thích, chẳng phải chúng tôi đã quay xong bộ phim giống như kiểu 15 năm trước đây sao? Nếu như “Tam Quốc” đã không có một chút gì thay đổi, đó mới thật là tồi tệ …
Phóng viên: Nhiều thứ đã bị ông cắt mất rồi?
Chu Tô Tiến: Cũng có cắt đi nhiều. Hai phần năm câu chuyện “Tam Quốc diễn nghĩa” trước đây chẳng có liên quan gì đến“Tam Quốc”, “Tam Quốc” chỉ được kiến lập sau thích Đổng đại chiến. Còn chuyện Thập bát lộ chư hầu, đem câu chuyện này tập trung đến phương diện nào? Lúc đó vẫn là Thục Ngụy, nên Tào Tháo và Lưu Bị là tuyến mệnh mạch cơ bản. Hơn nữa “Tam Quốc diễn nghĩa” được xác lập từ phương diện giá trị đạo đức, một bên là trung, một bên là gian; một bên là thiên tử, một bên là loạn tặc. Còn “Tam Quốc” của tôi thì không phải.
Phóng viên: Nhưng người đời sau khi xem “Tam Quốc diễn nghĩa” đều từ phương diện trung gian, tốt xấu để phán đoán.
Chu Tô Tiến: Điều đó không tốt, nó có thể làm suy giảm cực lớn giá trị và mị lực của nhân vật. Huynh đệ chi tình, kết nghĩa là thứ quý báu, nhưng cũng có những thứ rất đáng trân quý khác, thí dụ như đối với bằng hữu, đối với giá trị và tôn nghiêm của con người. Trung nghĩa là rất tốt, cũng là truyền thống của phương Đông, thế nhưng nếu trung nghĩa với quốc gia được quy kết thành trung nghĩa với đế vương, thì nó đã vượt ra khỏi thị phi yêu ghét rồi. Thí dụ một ngưởi rất ác, nhưng đó là anh tôi, nên tôi cứ trung với anh ta, với tôi đó không phải là cái nên được tuyên dương. Tôi muốn xem trung nghĩa như một thành tố của nhân tính, được tách ra từ nhân cách, sự giàu có của câu chuyện, không phải là cái chỉ nói về giá trị đạo đức.
Phóng viên: Nếu theo góc độ này mà nói, thì việc thể hiện tính cách của nhân vật Tào Tháo, tình nghĩa huynh đệ của Lưu, Quan, Trương, lại còn Gia Cát Lượng một đời trung với Lưu Bị sẽ thế nào, những điều này trong sáng tác của ông có gì khinh trọng?
Chu Tô Tiến: Tào Tháo trong “Tam Quốc diễn nghĩa” cơ bản là một vai ác, nhưng tôi muốn nói nhiều đến hùng tài đại lược của ông ấy hơn. Tào Tháo đại gian đại ác, nhưng ông cũng cực kỳ yêu quý hiền tài. Ông ấy có thể không yêu con, không yêu vợ, nhưng ông yêu tướng quân của mình. Khi ông ta nghe đọc (mà cứ như nghe hát) bài Hịch văn thảo tặc của Trần Lâm, ông đã nhảy dựng lên, nhưng câu đầu tiên là mắng Tào Phi, Tào Thực: “Sao chúng bây không viết ra được kiểu văn chương như thế này hả?” Đối với Triệu Tử Long, thì hạ lệnh không được bắn tên, Hạ Hầu Đôn và cả Trương Liêu đều khuyên ông: “Chẳng lẽ người đã quên chuyện của Quan Vũ rồi sao? Thừa tướng, người không được cứ thấy một người là yêu một người.” Còn câu chuyện đem ngựa Xích Thố tặng cho Quan Vũ, trong sách nói “một tiếng ngựa hí”, Tào Phi dắt ngựa đi ra. Tôi viết thêm, Tào Tháo nói: “Con của ta cứ hằng mong được ngựa này, ta cho rằng nó không xứng.” Chỉ cần thêm một chút là được ngay.
Phóng viên: Ngoài dựa vào “Tam Quốc diễn nghĩa”, trong khi sáng tác ông có sử dụng tư liệu nào khác không?
Chu Tô Tiến: Đương nhiên là phải đọc các truyện từ “Tam Quốc chí”. Xin dẫn ví dụ, như trong trường đoạn kịch Bạch Môn Lâu sát Lã Bố, sách “Tam Quốc chí” viết: Khi áp giải Trương Liêu lên, đầy khí tiết nam tử; còn khi áp giải Lã Bố lên, trói chặt lại trông giống như đòn bánh tét. Những cái đó thì chẳng có gì. Nhưng sau đó lại xuất hiện một nhân vật quan trọng – Trần Cung. Trong “Tam Quốc diễn nghĩa” đã cho Trần Cung chửi Tào Tháo, Tào Tháo không nhịn được, cuối cùng đã giết ông ta. Trong “Tam Quốc chí – Trần Cung truyện” viết: Trần Cung chỉ cầu được chết và nói, ông chẳng giết ta, thì chuyện năm xưa của ông ta sẽ đem đi kể khắp nơi.
Tào Tháo mới hỏi: Ông chết rồi thì mẹ già của ông sẽ ra sao? Trần Cung nói rằng: Ta nghe người xưa nói, “Người muốn lấy thiên hạ không giết phụ nữ trẻ con”, ông không thể giết mẹ của ta. Tào Tháo lại hỏi: Còn đứa con gái 5 tuổi và đứa con trai 3 tuổi của ông ai sẽ nuôi dạy? Trần Cung đáp rằng: “Không giết phụ nữ trẻ con”, ông cũng không thể sát hại chúng nó. Tào Tháo nói: Ông thật muốn đi sao? Thôi để ta tiễn ông vậy. Sau đó nắm tay Trần Cung đi đến chỗ hành hình. Cái đó là do tôi thêm vào, nhưng những câu thoại là trong “Tam Quốc chí”, so với “Tam Quốc diễn nghĩa” thì hay hơn, rất có mị lực, lại rất phù hợp với cảm thụ của tôi với nhân vật này.
Phóng viên: Rất nhiều danh tác được cải biên thành phim truyền hình, mọi người cứ vừa xem vừa chửi.
Chu Tô Tiến: Có thể “Tam Quốc” cũng chịu số phận như thế, tôi không thể biết được. Sự phản ứng đầu tiên của mọi người thông thường vì thấy khác, đó là điều nhất định. “Tam Quốc” không chỉ là một bộ phim, mà nó có thể là vấn đề đàm luận mang tính xã hội. Những điển hình nổi tiếng đều có số phận như thế, đó cũng là điều bình thường thôi. Nếu như đại bộ phận người xem đều thấy không thể tiếp nhận được, thì phải khẳng định người biên kịch sai rồi. Những khen chê trên mạng xã hội tôi không quan tâm lắm, tôi quam tâm hơn ở những ý kiến của các mẹ, các cha, đó mới là những lời chân thực nhất.
Phóng viên: Lời thoại của “Tam Quốc” so với bản trước có gì khác biệt?
Chu Tô Tiến: Đài từ của bản trước là nữa bạch thoại nữa văn ngôn, còn tôi đã cố ý dùng bạch thoại. Tôi đã đặt cho mình tiêu chuẩn là, phàm những văn nhân mưu sĩ thì mở miệng là thành văn, còn những người xuất thân là võ sĩ thì ăn to nói lớn. Nhưng những người siêu việt như Tào Tháo, thì có khi xuất khẩu thành văn, cũng có khi âm thanh của họ phát ra giống như cầm thú vậy. Đài từ tốt thì đứng sau bức màn cũng nghe được rõ ràng cảm xúc, khi đài từ đã tốt thì chỉ cần một câu nói có thể định ra ngay, không cần thấy cũng biết là ai đang nói.
Phóng viên: Khi La Quán Trung viết “Tam Quốc diễn nghĩa” chắc cũng có nhiều hạn chế do thời cuộc.
Chu Tô Tiến: Có rất nhiều nguyên nhân. Trong “Tam Quốc diễn nghĩa” cũng đã nói rất rõ ràng. La Quán Trung trên cơ bản là một văn nhân bất đắc chí, ông vốn có huyết thống xa với hoàng tộc, nên có chút chờ giá mua danh. Khi viết sách này là trong thời loạn lạc, lúc đó ông luôn khao khát có được một vị Thánh Quân, nhưng vị Thánh Quân ấy phải thuận theo thiên đạo, chứ không phải là nghịch tặc. Mà đặc điểm lớn nhất của vị Thánh Quân này là cái gì chứ? Đó là phải được một nhóm đại thần là văn nhân giống như Tư Mã Ý, giống như Gia Cát Lượng dốc lòng trợ giúp.
Từ góc độ tiểu thuyết mà nói thì đó là cuốn tiểu thuyết thông thường, nhưng từ câu chuyện trên mà nói thì đó là truyện rất vĩ đại. Vì sao nói là vĩ đại, bởi chí ít nó đã tạo được vài chục câu chuyện kinh điển bất diệt với thời gian, như: Thảo thuyền tá tiễn, Không thành kế, Tào Tháo thích Đổng, Bạch Môn Lâu, Xích Bích đại chiến… Mà những câu chuyện này nếu đặt trong quan hệ với lịch sử của nhân loại thì cũng đều là những câu chuyện kinh điển. Đem kịch của Shakespeare, đem thơ của Goethe, đem truyện thần thoại của Hy Lạp ra đây, đặt trên cùng một mặt bằng mà nói, “Tam Quốc diễn nghĩa” của chúng ta chẳng hề xấu hổ. “Tam Quốc diễn nghĩa” là bộ lịch sử hư cấu, nhưng là bộ truyện anh hùng vĩ đại.
Phóng viên: Có phải khi viết kịch bản này ông đã ý thức được những hạn chế của nó, sau đó đã hồi tỵ và bỏ đi những thứ ấy?
Chu Tô Tiến: Khi đọc tiểu thuyết thì cái hay và không hay, không cần suy nghĩ cũng biết rồi. Cái bộ phận nào của anh cần mời gọi nhất cũng là cái mà anh có thể nương tựa nhất, đó chính là trực giác. Anh cứ nghĩ mà xem bao nhiêu anh hùng tráng chí, bao nhiêu binh khí, bao nhiêu trung nghĩa, cùng với những ý cảnh điển hình… Những thứ ấy, là hạt kim cương đính trên chiếc trâm vàng, hãy giữ chặt lấy nó, thế là đủ./.
Huỳnh Phước Liên/VHVN