Triển lãm mỹ thuật ‘Tranh, tượng Lê Công Thành’

7:38 | 26/09/2019

Nhằm tôn vinh những đóng góp to lớn của cố Họa sĩ, Nhà Điêu khắc Lê Công Thành đối với nền Mỹ thuật nước nhà, chiều 24 tháng 9 năm 2019, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng phối hợp cùng gia đình ông tổ chức triển lãm với chủ đề “Tranh, tượng Lê Công Thành”, giới thiệu 45 tác phẩm hội họa và điêu khắc của ông tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng (78 Lê Duẩn, thành phố Đà Nẵng).


Họa sĩ, Nhà Điêu khắc Lê Công Thành sinh ngày 01/2/1932 tại làng Hải Châu, nay thuộc quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Ông tốt nghiệp khóa Mỹ thuật Kháng chiến Tô Ngọc Vân (1955-1957) và có thời gian là giảng viên tại Khoa Điêu khắc, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Năm 1983, ông được bổ nhiệm làm Ủy viên Ban chấp hành, Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật, Phó Chủ tịch chuyên ngành điêu khắc Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa II (1983-1989). Lê Công Thành được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001; Giải A Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 1976; Giải nhì triển lãm 10 năm điêu khắc toàn quốc năm 1983 và nhiều giải thưởng danh dự khác. Ông qua đời ở tuổi 87 tại Hà Nội vào ngày 28/3/2019.

Là tác giả có một sự nghiệp điêu khắc đồ sộ và phong cách sáng tác độc lập, Lê Công Thành được giới mỹ thuật tôn là “vị thần cai quản của phái đẹp” với vô số các tác phẩm về người phụ nữ Việt Nam, là “cây đại thụ” của nền Điêu khắc Việt Nam của thế kỷ 20. Ông từng tham gia một số triển lãm tại Hong Kong (1991), Pháp (1997 và 2004), Hàn Quốc (2007), triển lãm với nhà điêu khắc Nguyễn Kim Thái (vợ của ông) năm 2008 và hai triển lãm tranh cá nhân 2017, 2018 tại Hà Nội.

Họa sĩ và bức tranh- Sơn dầu.

Trong sự nghiệp sáng tác, ông đã để lại nhiều tác phẩm giá trị cho mỹ thuật Việt Nam như: Tượng đài Núi Thành 1985, Bác Hồ và các cháu, Vân dại, Bà má nghiền trầu, Mẹ Âu Cơ (tại Công viên Biển Đông đường Phạm Văn Đồng, Đà Nẵng)… Đặc biệt, bức tượng điêu khắc Mẹ Âu Cơ (còn gọi Người đàn bà bọc trứng) là tác phẩm phóng to từ phác thảo của nhà điêu khắc Lê Công Thành, được hoàn thành vào cuối tháng 6/2007. Công trình gồm những hình khối đơn giản nhưng được chạm khắc tỉ mỉ, mang ý nghĩa về lịch sử, nguồn cội nhưng cũng rất hài hoà với không gian hiện đại của TP. Đà Nẵng, được xem là một trong những biểu tượng độc đáo của du lịch Đà Nẵng.

Nhận xét về Lê Công Thành, họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng: “Có thể nói, Nhà Điêu khắc Lê Công Thành cùng với nhà điêu khắc Nguyễn Hải là những nghệ sĩ tiên phong trong đổi mới ngôn ngữ Điêu khắc hiện đại ở Việt Nam. Lê Công Thành là nhà điêu khắc lao động nghiêm túc, cật lực, với một khối lượng tác phẩm đồ sộ cả về điêu khắc và hội họa. Tác phẩm của ông có nhiều tìm tòi sáng tạo với một cá tính và phong cách riêng, cách tân trong ngôn ngữ điêu khắc mang tính hiện đại, có giá trị nghệ thuật cao, có ảnh hưởng sâu sắc đến các thế hệ sau”.

Giám đốc Nghệ thuật Heritage Space (Hà Nội) Nguyễn Anh Tuấn  nói : “Điêu khắc của Lê Công Thành là sự tổng hòa học hỏi từ các tác gia điêu khắc lớn trên thế giới nhưu Picasso, Henry Moore, Brancusi…và các đặc điểm truyền thống Việt Nam như điêu khắc Chămpa, chạm khắc đình chùa Bắc bộ, tượng nhà mồ Tây nguyên…để tạo ra một ngôn ngữ sáng tạo vô cùng độc đáo, vừa có tính cá thể, lại vừa mang tính quốc tế cao”. Nhà điêu khắc kỳ cựu, họa sĩ Nguyễn Bằng Lâm (Hà Nội) chia sẻ: “Những tác phẩm của nhà điêu khắc Lê Công Thành là kết tinh của vốn sống, vốn hiểu biết dồi dào về nghệ thuật căng đầy trong huyết quản; là kết quả của sự sáng tạo miệt mài, đam mê đổi mới không ngừng nghỉ và còn là thành công của một nghệ sĩ luôn khao khát xây dựng một phong cách độc đáo cho riêng mình”.

Ngoài điêu khắc, ông cũng dành thời gian cho hội họa. Năm 2017, triển lãm Tranh giấy Lê Công Thành tại Hà Nội cũng thu hút được sự quan tâm của nhiều khán giả, người trong nghề. Những bức tranh triển lãm này được chọn từ hơn 300 tác phẩm sáng tác trong hơn 30 năm của nhà điêu khắc Lê Công Thành. Chúng vẫn tập trung mô tả vẻ đẹp phồn thực của người phụ nữ với những ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Màu sắc, bố cục trong tranh của ông hướng đến sự tối giản, nhưng có chiều sâu.

Triển lãm mỹ thuật với chủ đề “Tranh, tượng Lê Công Thành” tại Đà Nẵng sẽ kéo dài từ nay đến đến hết ngày 9/10/2019.

Một số tác phẩm tại triển lãm:

 

Trần Trung Sáng

 

Video hay


Cùng chuyên mục

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả