Ngày 16/6, tại di tích Hiển Lâm Các – Thế Miếu (Đại Nội Huế), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã khai mạc Triển lãm chủ đề “Giang sơn Việt Nam trên Cửu Đỉnh”.
Triển lãm giới thiệu 32 hình ảnh tiêu biểu về biển, sông, núi trên khắp mọi miền của tổ quốc được đúc nổi trên Cửu Đỉnh. Không gian của triển lãm được sắp xếp thành 9 cụm pa nô theo các chủ đề để du khách có cái nhìn tổng quan về các địa danh, sông, núi, biển khi tham quan Cửu Đỉnh.
Tham quan, tìm hiểu về bảo vật quốc gia Cửu Đỉnh tại sân Thế Miếu, Đại Nội Huế – Ảnh. S.Thùy
Cửu đỉnh là 9 đỉnh lớn bằng chất liệu đồng, được khởi công đúc từ tháng 12/1835 và hoàn thành sau hơn một năm. Đến tháng 3/1837, triều đình nhà Nguyễn tổ chức lễ tạ và đặt Cửu Đỉnh ở phía trước Thế Tổ Miếu cho đến tận ngày nay. Đây được xem là biểu tượng cho quyền lực, sự chính thống, mong muốn trường tồn của vương triều Nguyễn, thể hiện sự hiểu biết sâu sắc của người Việt xưa về đất nước, về vạn vật.
Dưới thời Minh Mạng, nhà vua đã ra dụ rằng: “Đỉnh là để tỏ ra ngôi vị đã đúng, danh mệnh đã tụ lại. Thực là đồ quý trọng ở nhà tôn miếu. Xưa các minh vương đời tam đại lấy kim loại do các quan mục bá chính châu dâng cống, đúc 9 cái đỉnh để làm báu vật truyền lại đời sau. Nay muốn phỏng theo đời xưa; đúc 9 cái đỉnh để nhà Thế Miếu. Đó là để tỏ ý mong rằng muôn năm bền vững, dõi truyền đời sau”.
Mỗi đỉnh của Cửu Đỉnh đúc nổi 17 hình ảnh trang trí mang đề tài hình cây cỏ, muông thú, cảnh vật, địa danh và hai chữ Hán mang tên đỉnh. Các hình đúc nổi trên mỗi đỉnh được bố trí lần lượt theo 3 hàng quanh thân đỉnh và đều có tên chữ Hán kèm theo.
Hình ảnh sông Nhĩ Hà, đoạn sông Hồng chảy qua địa phận Hà Nội được khắc trên Tuyên Đỉnh.
Trong đó, có 34 hình ảnh các địa danh nổi tiếng, trải dài trên lãnh thổ đất nước được chạm khắc hết sức tinh tế thể hiện một cái nhìn tổng thể, một bức tranh toàn cảnh của giang sơn Việt Nam thống nhất.…
Các hoa văn trang trí này thể hiện sự đa dạng, phong phú về kiểu thức và chủ đề trang trí, thể hiện một cách tổng quát các hình ảnh của vũ trụ, sinh vật, thực vật, địa danh sông núi, đồ tạo tác… có thể coi là một bộ bách khoa toàn thư sống động về đất nước Việt Nam thời đó.
Với những giá trị quan trọng về văn hóa, lịch sử, năm 2012 Cửu đỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. Hiện nay, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã hoàn thành việc xây dựng hồ sơ di sản tư liệu cho Cửu đỉnh, trình UNESCO công nhận Cửu đỉnh là Di sản tư liệu thế giới.
Nhiều nhà nghiên cứu tại Huế tham gia triển lãm – Ảnh: BM
Những hình ảnh được chạm khắc tinh xảo trên Cửu đỉnh – Ảnh: BM
Du khách tìm hiểu các bức tranh trên Cửu đỉnh được trưng bày tại Hiển Lâm các, Đại nội Huế – Ảnh: B.M
Triển lãm thu hút nhiều người trẻ tham gia – Ảnh: B.M
Bích Thùy
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/trien-lam-giang-son-viet-nam-tren-cuu-dinh-tai-dai-noi-hue-post251965.html#p-3