Các nhà sáng tạo ở Hollywood đang đình công. Hành động của họ chỉ ra những biến động mà ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ và thế giới đang phải đối mặt: Liệu trí tuệ nhân tạo có tiếp quản phim trường?
Hollywood đang rơi vào bế tắc. Các nhà biên kịch tại đây đã đình công từ tháng 5/2023. Bây giờ, vào cuối tháng 7, các diễn viên cũng tham gia cùng họ vào những cuộc đình công kéo dài. Họ rời khỏi phim trường, rời buổi ra mắt phim và hủy các cuộc phỏng vấn quảng cáo. Những ảnh hưởng của cuộc đình công ở Hollywood đang được cảm nhận trên phạm vi quốc tế.
Trong một ngành kinh doanh vẫn đang chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, lạm phát và sự gia tăng của các dịch vụ phát trực tuyến, các nhà biên kịch và diễn viên không chỉ đình công vì mức lương đủ sống mà trên hết là để được bảo vệ khỏi trí tuệ nhân tạo (AI).
Mối quan tâm về khai thác kỹ thuật số
Thực sự, AI có thể báo trước một sự thay đổi lớn trong sản xuất phim và truyền hình. Điều này báo động cho các hiệp hội đại diện cho các nhà biên kịch và diễn viên về một tương lai không mấy sáng sủa. Các nhà văn sợ rằng những chương trình như ChatGPT có thể được sử dụng để viết toàn bộ kịch bản. Trong khi đó, các diễn viên đang đấu tranh để giành quyền đối với hình ảnh và giọng nói của chính họ: Các thuật toán hiện đại có thể tạo ra một hình ảnh kỹ thuật số giống họ để có thể sử dụng vô tận mà không cần trả thêm tiền, và điều tương tự cũng có thể được thực hiện với giọng nói, các nhà sáng tạo Hollywood lo ngại cho biết.
Hollywood đã âm thầm sử dụng công nghệ AI để viết kịch bản phim và tạo ra những diễn viên quần chúng từ lâu. Trong bộ phim Avengers: Infinity Wars (năm 2018), khuôn mặt của Thanos (nam diễn viên Josh Brolin thủ vai) được tạo ra một phần nhờ trí tuệ nhân tạo. Những cảnh quay đám đông và trận chiến trong các bộ phim Chúa tể của những chiếc nhẫn cũng dùng AI. Gần đây loạt phim Indiana Jones tiếp tục ứng dụng công nghệ này để giúp nhân vật của Harrison Ford trông trẻ hơn. AI cũng được sử dụng để hiệu chỉnh màu sắc, tìm cảnh nhanh hơn trong quá trình sản xuất hậu kỳ, loại bỏ vết trầy xước và bụi khỏi cảnh quay…
Bóng ma của việc khai thác kỹ thuật số mới đang gieo rắc nỗi sợ hãi không chỉ ở Hollywood mà cả các phim trường châu Âu. Vì vậy, đang có sự đoàn kết mạnh mẽ ở bên này Đại Tây Dương với các đồng nghiệp ở Mỹ, vì hoàn cảnh của những người sáng tạo ít nhiều giống nhau ở mọi nơi.
Trong khi công chúng nghĩ về các diễn viên Hollywood là những ngôi sao toàn cầu như Tom Cruise, Meryl Streep hay Leonardo DiCaprio, kiếm được hàng triệu USD cho mỗi bộ phim, thì thực tế là hầu hết các thành viên của hiệp hội diễn viên SAG-AFTRA đều phải sống từ đồng lương này đến đồng lương khác, chật vật trả tiền thuê nhà hoặc đủ điều kiện mua bảo hiểm y tế.
Tình hình ở Đức cũng tương tự, nơi 70% diễn viên của nước này kiếm được ít hơn 30.000 euro (33.400 USD) mỗi năm và 60% kiếm được ít hơn 20.000 euro. Theo trang chủ của hiệp hội diễn viên Đức, chỉ 4% diễn viên kiếm được hơn 100.000 euro mỗi năm. Hầu hết họ đang vật lộn với việc mất thu nhập do đại dịch và lạm phát, cũng như các phương thức thanh toán không rõ ràng của các dịch vụ phát trực tuyến và giờ là mối đe dọa của trí tuệ nhân tạo.
Ngay cả những siêu sao như Leonardo DiCaprio cũng sẽ phải lo lắng về việc AI sẽ sử dụng hình ảnh của họ như thế nào trong tương lai.
‘Nhu cầu hành động lớn’
Nhiều người trong ngành điện ảnh, cả ở Mỹ và Đức, đang lo lắng về tương lai của họ.
Hans-Werner Meyer, thành viên hội đồng quản trị của Bundesverband Schauspiel (BFFS) ở Berlin, Hiệp hội các diễn viên lớn nhất của đất nước, cho biết: Về mặt cấu trúc và tình hình thị trường, chúng ta có những vấn đề giống nhau. Nhưng không phải tất cả các khía cạnh đều giống nhau. Ông nói: “Ở Mỹ, nhà sản xuất và nhà phân phối thường là người sử dụng lao động. “Cấu trúc ở đó đơn giản hơn: Một bên là công đoàn rất mạnh, bên kia là nhà phân phối/người sử dụng lao động mạnh. Đó là một tranh chấp lao động cổ điển”, Meyer chia sẻ thêm.
Còn ở Đức, những người hưởng lợi từ việc sản xuất – dịch vụ phát trực tuyến và đài truyền hình – không đồng thời là người sử dụng lao động. Điều đó gây khó khăn cho việc điều chỉnh vấn đề thương lượng tập thể phức tạp.
Tuy nhiên, từ quan điểm của người sáng tạo và người biểu diễn, cần có quy định rất lớn về việc sử dụng trí tuệ nhân tạo. Meyer không phải là người duy nhất thấy như vậy. Jan Herchenröder, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Nhà biên kịch Đức, đồng ý quan điểm cho rằng: “Chúng tôi nhận thấy nhu cầu hành động rất, rất lớn ở đây!”.
Hiện hiệp hội Biên kịch Mỹ đã yêu cầu Liên minh các nhà sản xuất phim và truyền hình (AMPTP) không được sử dụng công nghệ AI để viết hoặc viết lại tài liệu văn học, không thể được sử dụng làm tài liệu nguồn và tác phẩm của các nhà biên kịch “không thể được sử dụng để huấn luyện AI.
Theo bà Fran Drescher, cựu ngôi sao của The Nanny và là Chủ tịch của Hiệp hội Diễn viên Màn ảnh – Liên đoàn Nghệ sĩ Truyền hình và Phát thanh Mỹ (SAG-AFTRA), gọi việc ngoại hình của các diễn viên bị “scan” và AI sẽ thay thế họ diễn xuất là “xúc phạm và thiếu tôn trọng nghệ sĩ. Các diễn viên cần bảo vệ chân dung kỹ thuật số của các diễn viên để hình ảnh của họ không bị sử dụng bất hợp pháp”.
Nhiều nhà sáng tạo lo lắng một ngày nào đó gần đây, giải Oscar danh giá sẽ thuộc về một tác giả AI.
Người sáng tạo yêu cầu một hệ thống bồi thường
Ông Herchenröder, Hiệp hội Nhà biên kịch Đức, đang kêu gọi những người sáng tạo phải được nhận tiền bồi thường, kể cả hồi tố. Ông nói, để làm được điều đó, cần phải có sự minh bạch, cũng như một hệ thống thanh toán, “để các tác phẩm được bảo vệ hợp pháp và những gì được sử dụng làm dữ liệu cũng được trả thù lao!”. Hans-Werner Meyer, thành viên hiệp hội diễn viên Đức cho biết, các diễn viên có tổ chức đang đòi hỏi điều gì đó tương tự.
Theo ông Herchenröder, “công nghệ đã có, giờ là lúc phải đưa ra có những chế tài, quy định để sử dụng nó”. Hiện đạo luật Trí tuệ Nhân tạo Châu Âu (Đạo luật AI) đã được xây dựng nhằm tạo ra một khung quy tắc cơ bản đối với các lĩnh vực sáng tạo nói chung và đối với ngành công nghiệp điện ảnh nói riêng.
Herchenröder nhấn mạnh, việc quyết định liệu AI có được sử dụng hay không và nếu có thì ở dạng nào, tất cả chủ quyền đối với việc sử dụng AI thuộc về các tác giả. “Chúng tôi chỉ đơn giản cho rằng, trong tương lai, người xem vẫn muốn những câu chuyện về thế giới của họ được kể bởi những người khác, chứ không phải AI”.
Nguyễn Hoàng
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/tri-tue-nhan-tao-lan-san-dien-anh-dien-vien-va-bien-kich-so-loi-thoi-post258287.html