Trao tặng giải thưởng Đào Tấn năm 2022

16:36 | 29/05/2023

Sáng 29/5, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc và Tạp chí Văn hiến Việt Nam đã tổ chức trao Giải thưởng Đào Tấn năm 2022 cho 15 tập thể, cá nhân.


Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt hội đồng Giải thưởng Đào Tấn, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hiến Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức giải khẳng định, Giải thưởng Đào Tấn là một giải thưởng uy tín và được trao cho các tập thể, cá nhân trong lĩnh vực sân khấu, văn học, âm nhạc xuất sắc, đóng góp tích cực cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống dân tộc.

Đồng chí Phạm Quang Nghị (bìa trái), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội trao Giải thưởng Đào Tấn cho NSND Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.

“Sau 4 năm tạm dừng vì dịch bệnh COVID-19 và những lý do bất khả kháng, giải thưởng đã được khởi động lại, kịp thời động viên, khuyến khích các tác giả và tập thể. Điều đặc biệt ở giải thưởng mà chúng tôi luôn giữ được là không chỉ trao cho các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp mà chúng tôi còn trao cho các đoàn tuồng bán chuyên nghiệp. Năm nay, chúng tôi vinh danh Đội tuồng làng Kẻ Gám (xã Xuân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) là đội tuồng có từ thời cụ Đào Tấn làm Tổng đốc An Tĩnh. Điều đáng quý là sau bao năm, các thế hệ người làng Kẻ Gám vẫn giữ được tuồng”, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa nhấn mạnh.

Trong buổi lễ, Ban Tổ chức đã trao giải thưởng theo 3 hạng mục. Về đoàn nghệ thuật tuồng bán chuyên nghiệp vinh danh đội tuồng làng Kẻ Gám (xã Xuân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) và câu lạc bộ tuồng xã Thạch Lỗi (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương).

Về các nghệ sĩ xuất sắc vinh danh cố nhà điêu khắc Nguyễn Sang với bộ tượng danh nhân và các bà mẹ Việt Nam anh hùng; nhạc sĩ Đình Thậm, tác giả 2 ca khúc xuất sắc cảm hứng từ cuộc đời và tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nhà thơ Trần Nhuận Minh với bộ sách nghiên cứu phê bình “Thời gian lên tiếng”, “Đi tìm sự thật”, “Đối ngoại văn chương” (đồng tác giả Nguyễn Đức Tùng); nhà viết kịch Hoàng Thanh Du với kịch bản “Lá đơn thứ 72” về Chủ tịch Hồ Chí Minh; PGS.TS, họa sĩ Đoàn Thị Tình với các công trình công nghiên cứu “Trang phục người Việt xưa và nay”, “Hóa trang mặt nạ sân khấu tuồng”, “Mỹ thuật sân khấu Việt Nam”; nghệ sĩ Phan Thanh Liêm với sân khấu múa rối nước thu nhỏ; nghệ sĩ Bình Tinh, Đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long; Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán với bộ ảnh văn nghệ sĩ Việt Nam; GS. VS, họa sĩ, nhà điêu khắc Ngô Xuân Bính với hai triển lãm “Ego người” và “Thông linh” tại Bảo tàng Hà Nội; NSND Thúy Mùi, đạo diễn sân khấu chèo xuất sắc.

Về vở diễn và đơn vị nghệ thuật sân khấu xuất sắc vinh danh vở diễn xuất sắc “Bên dòng Long Khốt” (kịch bản: Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng; đạo diễn: TS. NSND Triệu Trung Kiên) và nghệ sĩ xuất sắc Thu Mỹ, Nghệ thuật cải lương Long An; sân khấu Lệ Ngọc; vở diễn xuất sắc “Ván cờ oan trái” của Nhà hát Chèo Hưng Yên (kịch bản: Bùi Vũ Minh; đạo diễn: NSND Thúy Mùi) và 2 nghệ sĩ xuất sắc Nguyễn Thu Phương, Nguyễn Tiến Tùng.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ và NSND Thúy Mùi trao Giải thưởng Đào Tấn cho 2 đoàn nghệ thuật bán chuyên nghiệp.

Xúc động khi nhận giải thưởng, nhà biên kịch Hoàng Thanh Du khẳng định, đây là điều hết sức vinh dự, tự hào và cũng là động lực hơn nữa để anh “cháy” với nghề. “Tác phẩm “Lá đơn thứ 72” được tôi viết dưới góc độ xây dựng Đảng và đáng mừng là khi được công chiếu rất nhiều đồng chí lãnh đạo và nhân dân quan tâm, ủng hộ”, nhà biên kịch Hoàng Thanh Du nói.

Còn nhạc sĩ, NSƯT Đình Thậm cho rằng, hai ca khúc “Thắm mãi tình anh” và “Đừng tưởng” được hội đồng trao giải thưởng chính là tấm lòng, sự cảm kích, niềm tự hào của tác giả khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giương cao ngọn cờ trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm”.

Có mặt tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tâm đắc khi Giải thưởng Đào Tấn đã tôn vinh đến những câu lạc bộ, đội tuồng không chuyên ở cấp độ làng, xã.

“Họ là những người nông dân “chân lấm tay bùn” nhưng vẫn yêu tuồng, giữ tuồng như “mạch máu” trong cơ thể. Đó là một điều rất đáng quý, đáng trân trọng. Ý nghĩa cao quý, nhân văn nhất của văn nghệ chính là đi vào đời sống nhân dân và phục vụ nhân dân”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh.

Ngô Khiêm

Nguồn: CAND.com.vn

https://cand.com.vn/Chuyen-dong-van-hoa/trao-tang-giai-thuong-dao-tan-nam-2022–i695064/


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024