Việc TP HCM và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ thống nhất ký kết hợp tác trên 5 lĩnh vực kỳ vọng sẽ đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương, của toàn vùng và cả nước.
Trong 2 ngày 14 và 15-4, tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã diễn ra hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa TP HCM và 6 tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ (Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận). Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM, cùng lãnh đạo 6 tỉnh Nam Trung Bộ đã tham gia hội nghị.
Không hợp tác chung chung
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho rằng TP HCM được xem là động lực, là đầu tàu dẫn dắt với vai trò của một trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục – đào tạo… lớn nhất cả nước; là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới.
Trong khi đó, vùng duyên hải Nam Trung Bộ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có. Do đó, việc tiếp tục xây dựng, ký kết chương trình hợp tác giữa TP HCM và các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ với những định hướng mới, có hiệu quả, trọng tâm hơn là rất cần thiết.
Hội nghị lần này xác định 5 quan điểm phát triển. Trong đó, hội nghị nhấn mạnh việc liên kết, tạo lập không gian kinh tế chung cho phát triển kinh tế của toàn vùng để phát huy tốt nhất lợi thế so sánh của các tỉnh, thành trong vùng. Hội nghị cũng đưa ra 9 lĩnh vực trọng tâm phát triển trong thời gian tới, gồm: công thương, du lịch, nông nghiệp, lao động – thương binh và xã hội, khoa học – công nghệ, giáo dục, truyền thông, y tế, xúc tiến thương mại – đầu tư.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết nhằm sớm triển khai thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế – xã hội trong vùng, TP HCM và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ thống nhất ký kết thỏa thuận hợp tác trên 5 lĩnh vực trong giai đoạn 2023-2025. Các lĩnh vực này gồm: Phát triển du lịch; kết nối cung – cầu, xúc tiến đầu tư – thương mại; phát triển khoa học – công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực; phát triển nông nghiệp; hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, TP HCM cũng xác định một số nội dung cụ thể hợp tác với từng địa phương.
“Lần này chúng ta ký kết hợp tác chỉ trong 3 năm. Đây là cách làm mới, xác định có thời gian và phải có sản phẩm. Chúng ta không hợp tác chung chung. Do vậy, sau khi ký thỏa thuận hợp tác, TP HCM cùng các địa phương sẽ cụ thể hóa thành các chương trình, công trình, đề án, dự án cụ thể” – ông Hoan nêu rõ.
Lập Hội đồng Điều phối liên kết vùng
Bàn về những chương trình hợp tác, lãnh đạo các địa phương đề nghị cần có sự thống nhất trong từng lĩnh vực để tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các tỉnh, thành và doanh nghiệp (DN).
Đồng tình về vấn đề này, ông Đào Mỹ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, kiến nghị cần đánh giá, xác định trọng tâm phát triển cho từng tỉnh, thành chứ không nên dàn trải, để sản phẩm của địa phương này không lặp lại ở địa phương khác. Bên cạnh đó, TP HCM cần quan tâm hỗ trợ DN các tỉnh đưa những sản phẩm đặc trưng, đặc sản vùng miền vào tiêu thụ tại thị trường thành phố.
Trong khi đó, ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, đề nghị nghiên cứu thành lập Hội đồng Điều phối liên kết vùng. Đồng thời, tập trung phát triển lợi thế về du lịch, nhất là du lịch biển, để khai thác lợi thế của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và tiềm năng du khách từ TP HCM.
Theo ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, nên có cơ quan thường trực để đánh giá, định lượng kết quả hợp tác, kịp thời đề xuất tháo gỡ khó khăn phát sinh trong quá trình hợp tác.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi khẳng định việc thành phố và 6 tỉnh ký kết hợp tác là hợp tác chung của cả vùng, chứ không phải từng địa phương như trước đây. Nhu cầu hiện nay cần liên kết với nhau hợp tác phát triển, tránh tình trạng cạnh tranh tiêu cực làm mất động lực phát triển của vùng, của từng địa phương.
Đồng tình với đề xuất thành lập Hội đồng Điều phối liên kết vùng, ông Phan Văn Mãi đề nghị mỗi địa phương cử một lãnh đạo tham gia tổ điều hành, cử một cơ quan thường trực và cơ quan chuyên ngành phục vụ chương trình hợp tác. Trong tháng 4-2023 này, TP HCM chịu trách nhiệm hệ thống lại toàn bộ nội dung, xây dựng kế hoạch cụ thể và gửi các tỉnh xin ý kiến, thống nhất sẽ ban hành chính thức chương trình thực hiện. TP HCM sẽ lập một nền tảng số cập nhật thông tin về kết quả chương trình hợp tác, cập nhật hằng tháng.
Theo ông Phan Văn Mãi, lực lượng triển khai chương trình này có hiệu quả nhất chính là DN. Do đó, TP HCM đề nghị chính quyền các địa phương đồng hành, tạo điều kiện cho DN triển khai các chương trình. Trong quá trình triển khai nếu phát sinh vướng mắc thì các tỉnh, thành cần phối hợp tháo gỡ ngay.
Hợp tác thương mại đạt trên 2,35 triệu tỉ đồng
Trong những năm qua, TP HCM và 6 tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ đã ký kết, triển khai nhiều chương trình hợp tác, góp phần vào việc phát triển kinh tế – xã hội tại các địa phương và cả nước ở 14 lĩnh vực chính cũng như nhiều lĩnh vực khác.
Cụ thể, ở lĩnh vực thương mại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của vùng giai đoạn 2013 – 2021 ước đạt trên 2,35 triệu tỉ đồng, tăng bình quân 8,91%/năm. Du lịch phát triển phong phú với nhiều công ty nổi tiếng của TP HCM đã có mặt tại khu vực này như Saigontourist, Vietravel, Bến Thành tourist, Chợ Lớn. Ngành y tế cũng đã thực hiện chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực và thực hiện các chương trình quốc gia cho 25 cơ sở y tế của 6 địa phương…