Năm 2019 là một năm hoạt động đầy sôi nổi của Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc. Các đơn vị thành viên của Viện đã chủ động tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi theo chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị góp phần làm phong phú các hoạt động bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc của Viện đề ra.
Hoàn thành chuyển đổi tên Trung tâm thành Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc
Được sự ủng hộ của Lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong khâu ổn định tổ chức chuyển đổi từ Trung tâm lên Viện, Viện đã hoàn thành việc chuyển đổi tên cơ quan một cách thuận lợi. Từ đó, dễ dàng xây dựng Điều lệ mới của Viện, Hoàn chỉnh Hội đồng quản lý, Ban Lãnh đạo của Viện; Xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của Viện.
Trong công tác Viện, đã hướng dẫn các đơn vị thành viên chuyển đổi con dấu và tổ chức cơ quan từ Trung tâm sang Viện, thời gian qua có một đơn vị chuyên đổi xong như Văn phòng đại diện khu vực đồng bằng Bắc Bộ chuyển thành Trung tâm NCBT&PHVHDT khu vực đồng băng Bắc bộ và chuyên đổi con dấu, Trung tâm nghiên cứu và phát huy âm nhạc dân tộc.
Viện đã kết nạp thêm 2 thành viên mới như Công ty tổ chức sự kiện và truyền thông Phúc Hưng, Trung tâm đào tạo phát triển tài năng nghệ thuật dân tộc Bảo Hà; Thành lập thêm Văn phòng đại diện của Viện tại tỉnh Phú Thọ; Củng cố Ban thường trực Hội thơ Đường bổ sung nhà thơ Kim Quốc Hoa làm Phó Chủ tịch phụ trách Hội thơ Đường để chuẩn bị cho các hoạt động của Hội vào đầu năm 2020 như tổ chức ngày hội thơ Đường, tham gia ngày thơ Việt Nam, tổ chức Đại hội lần thứ 3 Hội thơ Đường. Củng cố lại Văn phòng của Viện để làm tốt chức năng tổng hợp, tham mưu cho lãnh đạo; tổ chức và theo dõi các hoạt động cuả các đơn vị thành viên của Viện, làm tốt công tác tài chính kế toán theo đúng pháp luật và Quy chế hoạt động của Viện. Phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng thành viên Văn phòng.
Ngoài ra trong công tác chuyên môn, Viện cũng gặt hái được rất nhiều thành công trong một năm hoạt động sôi nổi.
Viện đã tổ chức nghiên cứu đề tài khoa học: Sắc phục tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt do PGS-TS Đoàn Thị Tình làm chủ nhiệm đề tài. Đề tài hoàn thành đã được nghiệm thu, chuẩn bị in thành sách phát hành rộng rãi. Đây là một cố gắng lớn của PGS-TS Đoàn Thị Tình trong điều kiện có nhiều thay đổi về cơ cấu tổ chức, đặc biệt là nguồn tài chính khó khăn của Viện.
Lãnh đạo của Viện đã tập trung chỉ đạo các đơn vị thành viên của Viện hoạt động đều và tích cực công tác chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, cụ thể :
Tạp chí Văn hiến VN số in đã khắc phục khó khăn về tài chính đảm bảo xuất bản đều mỗi tháng 1 số có chất lượng về nội dung, hình thức đẹp vẫn được nhiều bạn đọc yêu thích. Đặc biệt Tạp chí còn phối hợp với Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Hội Nghệ sĩ Sân khấu, Trung tâm bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu tổ chức Hội thảo: “Xuân Trình – nhà viết kịch, nhà lãnh đạo sân khấu tiên phong của sự nghiệp đổi mới”. Hội thảo đã mang lại không khí sân khấu bằng vở diễn “Bạch đàn liễu” của tác giả Xuân Trình. Hội thảo đã thu hút nhiều nhà nghiên cứu, đạo diễn, tác giả và các diễn viên uy tín tham dự. Tạp chí còn phối hợp với Hội Nhà văn, Hội Nghệ sĩ sân khấu tổ chức giới thiệu tập thơ của nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ viết về cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chủ tịch với 12668 câu thơ lục bát, một thể thơ dân tộc dễ đọc, dễ nhớ và dài nhất từ trước tới nay. Tác phẩm cũng được nhiều nhà văn, nhà thơ đánh giá cao.
>> ‘Bạch đàn liễu’ đốn tim khán giả Thủ đô sau 46 năm vắng bóng
>> Rạp Đại Nam bùng nổ cảm xúc trong hội thảo Quốc gia về Nhà viết kịch Xuân Trình
Tạp chí điện tử Văn hiến thường xuyên cập nhật các thông tin về hoạt động văn hóa nghệ thuật, các sự kiện chính trị thời sự nóng hổi đã thu hút hàng vạn độc giả mỗi ngày. Tạp chí có đội ngũ phóng viên thường trú ở nhiều khu vực đã cập nhật thông tin rộng rãi, phong phú về các hoạt động văn hóa, nghệ thuật làm cho tờ tạp chí sinh động, hấp dẫn.
Hội thơ Đường luật vẫn duy trì đều thơ Đường tham gia ngày thơ Việt Nam hàng năm vào rằm tháng giêng ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội. Các Chi hội thơ Đường cũng tích cực tham gia ngày hội thơ đầu năm ở các tỉnh. Đặc biệt năm nào Hội cũng tổ chức ngày Hội thơ Đường vào dịp Xuân. Năm 2019 Hội tổ chức ngày hội thơ Đường ở Bà Rịa thu hút gần 1000 hội viên các tỉnh trong cả nước về tham dự. Đây là hoạt động thường niên sôi nổi và đông vui nhất, tạo khí thế cho các hội viên sáng tạo trong các sáng tác mới về thơ Đường. Hội đã phối hợp với Ủy ban nhân dân thị xã Từ Sơn – Bắc Ninh tổ chức Hội thảo thơ Đường thời Lý. Hội thảo đã thu hút được nhiều Giáo sư, Tiến sĩ, nhà nghiên cứu, giảng viên, nhà thơ tham dự với nhiều tham luận có giá trị về nghiên cứu, học thuật về cách tiếp cận của thơ Đường thời Lý.
Ngoài ra Hội thơ Đường còn tổ chức 2 chuyến đi về các vùng xa, vùng lũ lụt hỗ trơ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, gặp thiên tai, tạo điều kiện cho các em được tiếp tục đi học, một việc làm thiện nguyện rất có ý nghĩa của Hội thơ Đường hàng năm. Công đoàn của Viện và Chi hội Nhà báo Tạp chí Văn hiến cũng tham gia hỗ trợ Hội thơ Đường thực hiện các chương trình từ thiện.
Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc mặc dù gặp nhiều khó khăn về tài chính, nhân sự, địa điểm hoạt động nhưng đã biết khắc phục và thu hút cộng tác viên để thực hiện được nhiều chương trình có ý nghĩa như tổ chức đi điền dã ở Ninh Bình, Thanh Hóa để thực hiện dự án. Trung tâm còn phối hợp với Ủy ban nhân dân, Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình tổ chức cuộc thi Hát xẩm đầu tiên vào đầu tháng 12/2019. Trung tâm cho ra mắt 2 MV xẩm tuyên truyền về văn hóa giao thông. Phó giám đốc Trung tâm Nguyễn Quang Long có bài tham luận tham gia hội thảo của Bộ VH-TT-DL về cách mạng 4.0 với công nghệ trí tuệ nhân tạo tác động đến âm nhạc truyền thống. Trung tâm đã phối hợp với Ủy ban Quận Hoàn Kiếm duy trì giới thiệu âm nhạc dân gian tại sân khấu đền vua Lê thuộc tuyến phố đi bộ trong 3 đêm ở Hồ Hoàn Kiếm. Trung tâm còn kết hợp với các Đài truyền hình VTV, VTC, VOV giới thiệu các tác phẩm âm nhạc dân gian qua các chương trình. Trung tâm còn tổ chức việc đào tạo cho những người yêu thích âm nhạc dân tộc, cho thế hệ trẻ và cả học sinh người nước ngoài muốn học kéo đàn nhị và Hát xẩm.
Đoàn múa rối nước mini của Viện đã tổ chức biểu diễn cho các em học sinh ở một số trường tiểu học về các tích trò truyền thống và các tích trò mới giáo dục xây dựng nếp sống văn hóa giao thông, chấp hành luật giao thông. Đoàn đã đi biểu diễn ở nhiều nước theo lời mời giao lưu văn hóa như Trung Quốc, Pháp, Ý, Đức v.v… Các buổi biểu diễn của đoàn đã được khán giả nhiệt liệt hoan nghênh; Đã có nhiều bài báo ở các nước viết, ca ngợi nghệ thuật dân tộc Việt Nam lạ, độc đáo, hấp dẫn.
Trung tâm múa rối nước mini Đậu Homemade ở Thành phố Hồ Chí Minh do NS Hương Giang làm Giám đốc, đã tổ chức hơn 100 buổi biểu diễn ở số 1 Nguyễn Văn Tráng và 52 Lê Lai Quận 1, TP HCM cho khách trong nước và quốc tế với hàng ngàn người xem, kết hợp với giới thiệu ẩm thực dân tộc Việt. Trung tâm còn tổ chức biểu diễn ở các trường học trong thành phố.
Trung tâm văn hóa quan họ truyền thống khu vực Bắc Giang có 25 CLB tham gia sinh hoạt. Hàng năm trung tâm tổ chức liên hoan, thi hát dân ca giữa các CLB. Trung tâm còn tổ chức giao lưu với các đơn vị quan họ trong và ngoài tỉnh để nâng cao trình độ chuyên môn, nghệ thuật hát quan họ.Trung tâm còn tổ chức sáng tác những bài quan họ lời mới ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi Đảng phục vụ cho các cuộc sinh hoạt chính trị trong tỉnh, được Nhà nước tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú cho Giám đốc Nguyễn thị Bích Độ.
Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc khu vực đồng bằng Bắc bộ đã nhanh chóng làm thủ tục chuyển đổi tên từ Văn phòng sang Trung tâm và chuyển đổi con dấu theo tên của Viện. Năm qua Trung tâm đã tổ chức cho văn nghệ sĩ trong khu vực đi thực tế ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ để nghiên cứu sáng tác. Ban Giám đốc phối hợp với phòng văn hóa nghệ thuật thành phố Nam Định tổ chức đi khảo sát thực tế ở Vũng Tàu; tổ chức 2 chuyến đi thực tế cho các văn nghệ sĩ về các xã đạt chuẩn nông thôn mới trong tỉnh Nam Định. Trung tâm đã phối hợp với 5 ngành ở trong tỉnh tổ chức triển lãm tranh thiếu nhi vẽ tuyên truyền về an toàn giao thông kéo dài trong 7 ngày ở thành phố Nam Định. Trung tâm còn phối hợp với Ban tổ chức Hội thảo Xuân Trình dựng trích đoạn vở kịch “Đợi đến mùa xuân” của Xuân Trình để biểu diễn phục vụ hội thảo.
Văn phòng đại diện của Viện ở khu vực miền Trung đóng tại Đà Nẵng đã phối hợp với Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo nghệ thuật Tuồng ở Quảng Nam xưa và nay (Đã có bài đăng trên Tạp chí Văn hiến VN). Văn phòng còn tổ chức triển lãm tranh dán giấy của họa sĩ Trần Trung Sáng, triển lãm An toàn giao thông xây dựng nếp sống văn hóa giao thông, triển lãm mỹ nghệ kim hoàn v.v…
Văn phòng đại diện ở Thành phố Hồ Chi Minh đã phối hợp với Viện tổ chức các sự kiện ở phía Nam; Tuyên truyền về Văn hóa giao thông. Văn phòng còn phối hợp với Hội chữ thập đỏ ở các tinh giúp đỡ đồng bào bị lũ lụt, thiên tai. Giúp các em học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn bằng xe đạp, cặp, sách vở được nhiều địa phương, đơn vị gửi thư cảm ơn, tặng bằng khen đến Văn phòng, là cơ quan đại diện năng động trong công tác, có ý thức đóng góp tài chính cho Viện.
Trung tâm văn hóa ẩm thực khu vực phía Bắc đã đi khảo sát, nghiên cứu các món ăn dân tộc ở các tỉnh để nâng cao chuyên môn của trung tâm. Đơn vị còn thường xuyên tài trợ cho Viện về tài chính, vật tư và tham gia cùng Viện tổ chức các sự kiện như ngày Hội thơ Đường ở Bà Rịa, Kỷ niệm 19 năm truyền thống của Viện v.v…
Văn phòng đại diện của Viện ở khu vực Việt Bắc tuy còn gặp khó khăn trong việc làm thủ tục xác định tư cách pháp nhân ở địa phương nhưng cũng đã tổ chức được một số hoạt động thể hiện vai trò, vị trí của đơn vị như tổ chức cho văn nghệ sĩ đi thực tế sáng tác ảnh ruộng bậc thang ở Y Tý (Lào Cai),Hoàng Xu Phì (Hà Giang), Mù Cang Chải (Yên Bái)… Văn phòng đã phối hợp với Hội Văn nghệ, báo Văn nghệ Thái Nguyên tặng 500 cuốn sách cho thư viện xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn; xuất bản sách ảnh Nhà tưởng niệm Bác Hồ 1000 cuốn bằng nguồn kinh phí xã hội hóa phát hành rộng rãi; tham gia các cuộc hội thảo văn hóa ở khu vực v.v…
Ngoài ra một số đơn vị mới gia nhập vào Viện cũng đã có những hoạt động thiết thực như Công ty tổ chức sự kiện, truyền thông Phúc Hưng đã tổ chức lễ dâng hương báo công ở Đền Trần, Côn Sơn, Kiếp Bạc. Trung tâm Đào tạo phát triển tài năng nghệ thuật dân tộc Bảo Hà đã tổ chức các lớp đào tạo các em về múa dân gian, sử dụng nhạc cụ dân tộc v.v…
Những khó khăn tồn tại và phương hướng năm 2020
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Viện còn tồn tại một số khó khăn nhất định.
Một số nhà nghiên cứu có uy tín của Viện bị ốm yếu do tuổi cao sức khỏe giảm sút hoạt động có mức độ như GS-TSKH Phan Đăng Nhật, GS-TS Lê Ngọc Canh, GS Hoàng Chương v.v… điều đó có ảnh hưởng phần nào đến hoạt động nghiên cứu khoa học của Viện trong năm 2019.
Viện hoạt động theo mô hình xã hội hóa về tài chính do đó phụ thuộc vào ngân sách chung. Khó khăn về tài chính của các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp đã ảnh hưởng đến việc liên kết tổ chức các sự kiện, hoạt đông văn hóa xã hội, thậm chí trong hoạt động nghiên cứu khoa học.
Tổ chức của Viện mới được củng cố lại từ Trung tâm chuyển sang Viện, nhân sự lãnh đạo mới bổ sung, các khâu thủ tục hành chính kéo dài đã ảnh hưởng phần nào đến hoạt động chuyên môn của Viện.
Bước sang năm 2020, đất nước ta sẽ diễn ra nhiều sự kiện chính trị lớn có tính chất quốc tế, đi liền đó là các hoạt động văn hóa xã hội sẽ sôi nổi, rộng rãi trong cả nước. Dự kiến năm 2020 Viện đề nghị xin Liên hiệp Hội Việt Nam cho phép nghiên cứu 2 đề tài khoa học cấp Bộ và tổ chức 3 hội thảo cấp quốc gia. Chuẩn bị tốt mọi mặt để tiến tới kỷ niệm 20 năm truyền thống của Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hoá Dân tộc, này là Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hoá Dân tộc. Đây là sự kiện đặc biệt để mỗi thành viên của Viện phát huy hơn nữa vai trò của các nhà nghiên cứu khoa học, các văn nghệ sĩ phát huy truyền thống, cống hiến tài năng để xây dựng Viện nghiên cứu vững mạnh toàn diện những năm tới
Chỉ đạo các đơn vị thành viên, các cơ quan đại diện tổ chức thành công các hoạt động như:
Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Ban An toàn giao thông tổ chức sự kiện Văn hóa giao thông vào tháng 3 năm 2020.
Hội Thơ Đường tổ chức thành công ngày hội thơ Đường tại thành phố Hà Tinh; Tổ chức Đại hội hội thơ Đường lần thứ 5; Tổ chức Hội thảo thơ Đường thời Lý-Trần và các hoạt động khác theo chương trình của Hội thơ Đường.
Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc tiếp tục duy trì quảng bá âm nhạc dân tộc; Kết hợp với Đại học Temple của Mỹ xây dựng dự án “Bảo tồn và phát huy nghệ thuật Hát xẩm”; Kết hợp với UBND tỉnh Ninh Bình.
Viện Văn hóa nghệ thuật tổ chức hội nghị về nghệ thuật hát xẩm lần thứ nhất; Tổ chức chương trình “Xẩm và Đời 2”; Tổ chức chương trình “Ơn nghĩa sinh thành 4”; Sản xuất và phát hành 2 album xẩm; Tiếp tục đào tạo âm nhạc dân gian.
Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc khu vực đồng băng Bắc bộ tổ chức trại sáng tác văn học tại Nha Trang trong 15 ngày; Xuất bản đầu sách giới thiệu các văn nghệ sĩ trong khu vực; Xúc tiến các bước để tiến tới thành lập Câu lạc bộ thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tại Nam Định.
Văn phòng đại diện khu vực Việt Bắc sẽ tổ chức triển lãm ảnh ruộng bậc thang tại Hà Nội và Thái Nguyên, xuất bản tập sách ảnh ruộng bậc thang; Phối hợp tổ chức hội thảo phục dựng nhà sàn Bác Hồ ở Tỉn Keo, xã Phú Định, huyện Định Hóa; Khảo sát lễ hội của người La Chí hay người Dao ở Hoàng Xu Phì (Hà Giang) và Y Tý (Lào Cai); Xuất bản cuốn sách du lịch Bắc Hà (Lào Cai) và cuốn sách về ATK ở Định Hóa, Thái Nguyên và các hoạt động thường xuyên khác.
Các đơn vị khác như Tạp chí Văn hiến Việt Nam số in và Tạp chí điện tử Văn hiến vẫn duy trì đều chuyển tải và phát hành các số tạp chí đúng tôn chỉ, mục đích với chất lượng cao được bạn đọc đón nhận.
Năm 20120 là năm diễn ra hiệu sự kiện chính trị của đất nước, như Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc & Kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, 45 năm ngày giải phóng Miền Nam, 75 năm Cách mạng Tháng tám và Quốc khánh 2/9.
Các thành viên của Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được quyết tâm hoàn thành kế hoạch năm 2020 là góp phần thiết thực lập thành tích chào mừng Lễ kỷ niệm 20 năm truyền thống của Viện vào ngày 01/06/2020.
Đình Tuyến