Theo các chuyên gia ẩm thực, từ chỗ là món ăn bị tẩy chay khi bắt đầu du nhập vào Việt Nam cách đây hơn 100 năm, bánh mì đã trở thành thương hiệu và niềm tự hào của ẩm thực Việt ngày nay.
Theo “vua bánh mì” Kao Siêu Lực, sự biến đổi từ hình thức cũng như chất lượng đến cách chế biến phong phú cho bánh mì đã nói lên nhu cầu ẩm thực cầu kỳ của người dân ngày càng cao.
Ngày 11/10, Báo Thanh Niên và Hiệp hội Siêu đầu bếp Việt Nam phối hợp cùng Trường ĐH Văn Lang, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế: “Hành trình bánh mì Việt Nam: Từ giao thoa văn hóa ẩm thực đến giá trị thương hiệu quốc gia” nhằm tôn vinh, quảng bá các giá trị ẩm thực của bánh mì Việt Nam, đồng thời góp phần quảng bá văn hóa ẩm thực bánh mì Việt Nam qua các thời kỳ cũng như thúc đẩy kích cầu du lịch thành phố.
Hội thảo quy tụ hơn 1.000 đại biểu, diễn giả, chuyên gia ẩm thực cùng bàn luận xoay quanh 4 chủ đề: Lịch sử bánh mì Việt, sự du nhập từ món ăn phương Tây trở thành ẩm thực bản địa; Sự giao thoa văn hóa và sáng tạo trong chế biến của bánh mì Việt; Bánh mì Việt hội nhập quốc tế và định vị thương hiệu; Sức hút, hấp dẫn của bánh mì Việt với thế giới.
TS Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Tập đoàn giáo dục Văn Lang cho biết, hiện nay, bánh mì là món ăn hết sức đặc trưng trong văn hóa ẩm thực của người Việt. Vì vậy, bánh mì hiện hữu rất nhiều trong đời sống hàng ngày của người dân, trên hè phố hay đến các bữa tiệc sang trọng, là một phần không thể thiếu trong ẩm thực của người Việt lẫn du khách quốc tế. Bánh mì dù có nguồn gốc từ nước ngoài nhưng đã thể hiện sự tiếp nhận và cải biến ẩm thực của người Việt Nam. Đối với du khách quốc tế, mỗi khi đến Việt Nam đều có nhu cầu tìm hiểu và thưởng thức bánh mì như để tìm hiểu rõ nét về nền văn hóa ẩm thực của người Việt Nam. Đối với người Việt, khi đi đâu xa cũng sẽ luôn nhớ về ẩm thực Việt Nam với món bánh mì…
Theo Tổng biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Ngọc Toàn, bánh mì Việt Nam có lịch sử hình thành từ bối cảnh lịch sử du nhập, sự tiếp nhận sáng tạo của người Việt Nam cho đến trở thành món ẩm thực được nhận diện thành thương hiệu quốc gia Việt Nam như hiện nay trên bản đồ ẩm thực thế giới. Trước kia, bánh mì vốn dĩ chỉ là món ăn đơn giản, nhưng ít ai nghĩ rằng, bản thân món ăn đơn giản này lại chứa đựng trong mình hành trình lịch sử, cụ thể là lịch sử mở rộng thuộc địa của người Pháp và phản ứng của người Việt với văn minh phương Tây diễn ra trong suốt gần 100 năm. Ban đầu, bánh mì từng bị tẩy chay vì nó là món ăn phương Tây. Những khách hàng đầu tiên mua bánh mì là học sinh trường Tây thời cũ, thông ngôn, bồi bàn… Lâu dần, bánh mì gắn bó với đời sống sinh hoạt thường nhật của người Việt Nam từ lúc nào không biết, trở nên thân thuộc, gần gũi.
Mỗi khi nhắc đến Việt Nam, du khách lại nhắc đến món ăn là bánh mì.
Ở góc độ chuyên gia, theo Tiến sĩ Vũ Thế Long – nhà nghiên cứu lịch sử ẩm thực và môi trường, sự ra đời và phát triển của bánh mì mang sắc thái Việt Nam là một ví dụ tuyệt vời, cho thấy sự gặp gỡ, giao thoa và phát triển đầy thú vị của hai nền văn minh lúa mì và lúa nước. Trong quá trình tìm hiểu về các loại bánh mì và nguyên liệu để làm nhân bánh, quá trình thao tác chế biến, pha trộn một cách tỉ mỉ, kỹ lưỡng chứng minh vì sao loại hình bánh mì Việt nam lại trở nên nổi tiếng, không chỉ ngon, lạ mà còn lành tính.
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Thúy Phượng, quyền Viện trưởng Viện Mekong, hành trình của bánh mì Việt Nam từ giao thoa văn hóa ẩm thực đến giá trị thương hiệu quốc gia là một hành trình “xoắn ốc”. Đó là hành trình một món “ngoại lai” được người Việt sáng tạo lại theo những cách độc đáo ngay tại Việt Nam, để rồi sau đó nó lại theo chân người Việt đi khắp thế giới và trở thành một trong những biểu tượng của ẩm thực đường phố Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới.
Bà Nguyễn Thị Thúy Phượng cũng cho rằng, những lần bánh mì Việt được vinh danh, quảng bá bởi các chuyên gia ẩm thực và truyền thông quốc tế lớn như: The Guardian, BBC, đầu bếp Anthony Bourdain… cho thấy sự giao thoa hoàn hảo giữa ẩm thực phương Tây và tinh túy của ẩm thực Việt. Hiện nay, bánh mì Việt rất gần với văn hóa sandwich phóng khoáng của phương Tây nhưng lại rất đỗi cầu kỳ, tinh tế và bí ẩn Á Đông nên vẫn nổi tiếng theo một cách riêng biệt. Thực tế, trong đời sống người Việt Nam hiện vẫn không ngừng sáng tạo, cải tiến và cho ra đời những biến tấu mới để tô đậm thêm sự định danh của món bánh mì dân dã trên bản đồ ẩm thực thế giới. Hành trình sau hơn 150 năm, kể từ khi bánh mì xuất hiện ở Việt Nam vẫn đang được tiếp nối.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến của các chuyên gia ẩm thực, nhà nghiên cứu cũng đề xuất lấy ngày 24/3 – ngày từ “bánh mì” được thêm vào từ điển Oxford là Ngày bánh mì Việt Nam và sẽ được tổ chức định kỳ hàng năm.
Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
https://baotintuc.vn/van-hoa/ton-vinh-quang-ba-gia-tri-cua-banh-mi-viet-nam-ra-quoc-te-20221011214111015.htm