Tôi đi hầu đồng

22:27 | 05/11/2018

Cách đây hơn 10 năm, tình cờ trong một lần đi Hà Tây ăn giỗ, đang lúc đợi mọi người làm lễ và cỗ bếp cũng chưa xong. Chú V rủ: Ở làng này có một “cô đồng” mới nổi. Cháu có thích đi xem không? “Cô” phán đúng lắm. Tôi đang lưỡng lự. Từ trước đến giờ tôi đâu nào có thích xem bói. Cái trò mê tín dị đoan ấy chưa bao giờ cuốn hút tôi. Nhưng chú rủ nhiệt tình quá. Ừ, thì đi…

Ảnh Internet.

Mấy chú cháu khá vất vả cho con ngựa bốn bánh men theo con đê vào làng. Trên đường đi chú V tranh thủ giới thiệu: Cô đồng tên A, người PT, HT. Trước “cô” từng làm công an tại Hà Nội, tự dưng bị điên và được “giời” cho Lộc. Cô mở phủ này đã mấy năm. Rất đông con nhang đệ tử từ khắp mọi miền về hầu. Gia đình “cô” truyền thống có người… điên. Bà “cô” cũng bị điên nhưng không thụ được Lộc nhà Giời.

Tôi khá bất ngờ về lời giới thiệu của chú. Càng bất ngờ hơn khi được diện kiến “cô”. Trước mặt tôi là một thanh niên cao to, đẹp trai (như tài tử Hồng Kông). Giọng “cô” ngọt như mía lùi: Vào nhà ngồi đi, đến muộn thế này thì phải đợi lâu đấy!- “cô” đưa tay chỉ xuống chiếc chiếu cạnh điện thờ, cánh tay lướt thật mềm mại, uốn éo. Lúc này tôi mới kịp để ý đến Điện. Điện thờ to và nghi ngút khói hương. Trên Điện nào hoa quả, tiền vàng và hàng trăm thứ đồ cúng lễ. Hoa ở đây được kết thật cầu kỳ, toàn hoa tươi. Tôi nhẩm tính mỗi lẵng hoa kết đễ đến cả tiền triệu. Những mâm quả được xếp theo hình nón trông thật ngon và bắt mắt. Không biết có bao nhiêu mâm quả như thế. Những cây nến và đèn điện đắt tiền sáng lung linh huyền ảo.

Tôi đang lơ ngơ đứng nhìn bỗng nghe tiếng uốn éo phía sau lưng: “Con kia! Mày đến đây không thành tâm tao không xem cho đâu. Biến!” Chưa kịp hiểu gì “cô” tiếp: “Mày đi buôn dưa lê mà đến đây chứ không chủ ý đi từ nhà. Mày chưa thắp hương ở nhà trước lúc đi, “Cô” không xem được!”. Chú V vội vái lia lịa:

– Lạy cô! Cô xá tội cho cháu không biết, Cô thương!… Nó ở xa đến xin lạy cô nghìn lạy. Lần đầu tiên nó ghé Phủ, mong cô thương tình giúp đỡ…

Chú nói một thôi một hồi. Dường như cũng “thương tình” con bé tôi từ xa đến – như lời chú V, và dường như cái mặt tôi cũng… đáng đồng tiền (như tôi thầm nghĩ) và cũng vì đã vãn khách nên “cô” gật: “Vào bảo bà vãi bán cho một bộ bài rồi ra đặt lễ. Tao xin được thì mới xem, không thì vờ ê vê huyền về nhá!”- Cô kéo dài giọng kèm theo một câu chửi: “Bố con đĩ – xinh ghê!”

Đợi chừng 10 phút sau, “cô” ra điện. Khấn vái một hồi, “cô” tung hai đồng tiền cổ xin Âm – Dương. Nhìn cách “cô” tung thật điệu nghệ. Lần thứ nhất: Không được. “Cô” bảo: Các cụ cười mày đấy, đặt thêm lễ vào. Lễ đi. Tôi chưa hiểu lắm, chú V đặt thêm 20.000 vào đĩa để lên điện và 20.000 vào đĩa đưa “cô” khấn và bảo tôi chắp tay vái theo. Lần thứ hai: “Được rồi đấy! nỡm ạ!”, “cô” đưa tay quệt môi nhai trầu đỏ chót và bắt đầu “phán”:

– Số mày khổ như chó ấy con ạ… Nếu “cô” nói sai câu nào mày cứ dán … vào miệng cô… Mày đừng lấy thằng nào, rồi lại bỏ nhau thôi… Mày được phù về đường công danh sự nghiệp tiền bạc nhưng bị phá về đường tình duyên. Thân nhàn nhưng tâm khổ suốt đời. Số mày nếu lấy chồng cũng ít nhất phải bốn đời. Mà đừng có dại rước chồng về làm gì…

– Con phải làm sao bây giờ?

– Mày phải cắt duyên âm mới mong khá hơn được. Số nặng căn nặng quả lắm… Thật ra mày là người Âm lên đầu thai trên Trần nên bị trời hành. Hiểu không? Có căn ở Âm ấy! Không tin mày xem trong người, có một cái dấu (bà mụ đánh dấu) rất to (Đến đây thì tôi sợ thật. Chẳng lẽ Cô nhìn xuyên thấu người tôi chăng? Trong người tôi có một vết chàm to bằng đồng xu, tròn xoe mà hồi bé mẹ vẫn bảo là Bà Mụ đánh dấu).

– Lạy cô – tôi vái liên hồi

– Giờ phải làm lễ tiễn căn – Cô tiếp.

Chú V lạy lia lịa: Mong Cô chỉ bảo giúp! Cháu nó trẻ người non dạ! Lễ như thế nào Cô mách để cháu nó lo!

– Hai triệu rưỡi tất cả!

– Trời! Tôi thốt lên – Bằng cả hai tháng lương công chức của một Chuyên viên tầm tầm như tôi.

– Sao? Đấy là tiền mua đồ lễ. Còn Cô, Cô chỉ kêu hộ thôi. Tuỳ tâm. Nếu mày đồng ý thì Cô xin cho. Còn không thì…Vô tư. Sướng khổ mặc xác mày!

Cô còn phán một thôi một hồi nữa, rằng năm ngoái tôi gặp may về tiền bạc (cô nói rõ số tiền tôi kiếm được mới lạ), nếu năm năy tôi chịu khó lễ bái, cô sẽ cho Lộc rơi lộc vãi (khoảng 800 triệu!). Rồi nói về Bố, mẹ và mọi người trong gia đình tôi. Chẳng hiểu Cô nói như “Thánh” thật hay lúc đó đầu óc tôi mụ mẫm đi mà tôi thấy điều gì Cô nói cũng đúng hết.

Tôi đồng ý làm lễ tiễn căn và lễ cắt duyên âm hết 2.500.000đ.

Cô lấy sổ ra ghi ghi chép chép tên, tuổi, địa chỉ. Nói là để viết sớ và tôi giật thót mình khi Cô chìa tay: THÓC! Tôi đang ngơ ngác chưa hiểu thì Cô tiếp: “Thóc là tiền đấy. Có thế mà cũng không biết thì làm ăn gì được hả con?”.

Tôi lập bập rút 2.500.000 ra đặt, cô nhẩm tính đốt ngón tay và cho một cái hẹn: Ngày 19 âm tới, đẹp ngày. Cô sẽ kêu cho.

Xong việc, lẽ ra mấy chú cháu kéo nhau về nhưng chẳng hiểu sao tôi cứ nằn nì đòi ở lại xem Cô phán cho những người khác. Đã 7h tối nhưng khách ra vào vẫn nườm nựơp. Nhiều người ở tận Hà Nội và cả các tỉnh cũng đến đây. Phía ngoài nhà Cô ô tô đỗ một dãy dài. Tôi nhẩm tính: Mỗi ngày thu nhập của Cô lên đến hàng chục triệu (có khi hơn nhiều). Vì sau ngoài những giờ làm lễ cho con nhang đệ tử (hầu khoảng 1- 2 tiếng) Cô lui về “hậu trường” và ngồi lì từ sáng đến tối xem (bói) cho mọi người. Người lâu nhất là 10 phút, nhanh là 5 phút. Và Cô lại cho những cái hẹn để làm lễ. Người nhẹ thì vài trăm, người nhiều thì vài triệu. Tôi thấy ai ai cũng rút ví mà không hề… tiếc (Ai lại tiếc khi đến cửa Cô bao giờ).

Ảnh minh họa.

Trời bỗng đổ mưa sầm sập. Cô đang lễ cho mấy người khác, liếc qua tôi: Trời phạt mày đấy! Cô nghĩ đi nghĩ lại rồi, số mày như thế phải ra Trình đồng mở phủ thôi.

Tôi chưa hiểu, Cô giải thích:

– Mày phải hầu (đồng) ấy. Hầu mới mong giải được hết, chứ làm lễ không tao e không được.

– Lạy Cô!- giờ tôi cũng khá thuộc câu này – hầu là sao ạ?

– Ngày 19 âm, tắm rửa sạch sẽ. Đến đây thì biết. Tao sẽ cho mày “lên thớt”- nói rồi Cô quay sang mấy bà già bên cạnh đang chắp tay vái liên hồi: Con này Hầu đẹp phải biết!- Môi cô đỏ chót đưa đẩy.

Chú V vẫn chắp tay:

– Lạy Cô, Cô chỉ giúp, cháu cần chuẩn bị những gì?

– THÓC! chỉ cần nộp đủ thóc, có người lo cho hết!

– Bao nhiêu ạ?- Tôi lí nhí

Cô lại nhẩm tính trên đốt ngón tay:

– Mười triệu.

Tôi giật nẩy mình: – Sao nhiều thế ạ?

– Cái con này, đấy là tiền hương, tiền hoa, tiền mã, tiền sớ, tiền cho đội hát văn, cho đồng hầu giá. Còn Cô, Cô chỉ lễ hộ mày thôi. Mà lại còn tiền khăn ắo nữa. lần đầu mày hầu Cô phải sắm khăn cho và cả một bộ đồ lễ. Các giá Hầu Cô cho mượn áo, còn sau tự mày sắm dần… Dừng lại giây lát, Cô tiếp: Thôi khó khăn thì Cô lấy mày 9 triệu. Còn tiền phát lộc mày phải tự lo (khoảng 1,5 đến 2 triệu nữa)

Tôi đang chưa biết phải làm thế nào thì mấy bà cụ già ngồi đấy (không biết có phải người “tay trong” của Cô không?) liên mồm: Thôi cháu ạ, lễ cho thanh thản đầu óc. Với lại, Cô thiêng lắm, Cô kêu cho hết nạn liền. Mình có căn có quả, không hầu phải tội. Cuộc sống sẽ chẳng ra sao…

Chú V kéo tôi ra một góc: Thế nào, cháu quyết định chứ?

– Nhưng cháu… thấy hết nhiều tiền quá…

– Ừ, thì nhiều thật, nhưng số mày nặng thế. Cô nói rồi, lễ cho nhẹ bớt đi. Thiếu tiền thì vay K, bảo K nó lo cho. Đây là việc hệ trọng, không nói đùa được đâu!

Tôi nhìn xung quanh, mấy cô cậu từ Hà Nội về cũng đang rút ví ra đặt, người năm trăm, người một triệu… Cô Đồng A nói to: Chúng nó hạn ít, chỉ cần lễ bằng ấy thóc là được. Còn mày Cô phải làm lễ thật to, có 5 Ngựa một Voi. Có thuyền rồng đưa rước. mà Ngựa của mày Cô làm to bằng Ngựa thật, Voi dài 2m. Riêng tiền mã hết 4 triệu rồi.

Chẳng hiểu sao tôi cũng gật đầu đồng ý. Cô lên Lịch: Đúng 7h30’ ngày 19 âm có mặt. Ăn sáng xong là… “lên thớt” – Như lời cô.

Còn chuyện này khiến tôi quyết định “liều”: Sau khi nhận được tờ giấy ghi tên tuổi, địa chỉ của tôi, Tôi thấy Cô cầm điện thoại nhắn tin cho ai đó và một lúc sau có người gọi lại. Cô buôn với người ấy rất lâu. sau đó “phán” tiếp:

– Cô nói điều này nhá, nếu không đúng thì mày không bao giờ gặp Cô nữa: Ngày xưa mày làm người mẫu hay đã từng đi thi hoa hậu gì đó. Có đúng không? Các Ngài báo cho Cô là Mày trước đây khá nổi tiếng. Hồng nhan bạc phận con ạ. Mày đã chết hụt mấy lần. Có một người muốn giết mày đấy. Ai bảo xinh quá cơ. Nhưng mà âm phúc của mày lớn nên không ai hại được mày. Thôi, ngày 19 đến Cô lễ giải cho.

Tôi chỉ biết gật lia lịa…

Đợi đến 19 âm…Một ngày. Hai ngày…Một tuần. Hai tuần…

Tôi đếm từng ngày. Chỉ còn hai hôm nữa tôi phải đi gặp “cô”. Lúc ấy Tôi vẫn chưa hiểu Hầu đồng là gì, trình đồng mở phủ là gì. Chỉ thấy xót tiền. Chẳng gì cũng hơn 10 triệu. Chuyên này Bố Mẹ mà biết thì chết…

Còn một lý do nữa hết sức tế nhị là…Tôi chưa có đủ tiền. Định nói thật với mẹ để lấy số tiền tiết kiệm gửi mẹ cầm hộ từ năm ngoái nhưng không dám nói. Nhờ K thì không muốn. Từ trước đến giờ tôi có vay mượn ai bao giờ. Càng sát ngày, tôi càng lo.

Cuối cùng tôi quyết định gọi điện nói thật với “cô”. Rằng tôi không Hầu nữa, rằng số tiền 2 triệu rưỡi tôi đặt cọc chỉ để nhờ “cô” làm lễ tiễn căn và cắt duyên âm như lúc đầu thôi. Đáp lại lời tôi là một bài chửi (như tát nước) qua điện thoại: “Sao mày không báo sớm, “cô” đã đặt mã, viết sớ xong cả rồi. Riêng thuê đội hát Văn cũng ối tiền. Chuyện này sao có thể nói mà không làm đựơc. Thánh phạt chết!”

Sau một ngày “thương thảo” bằng chục cú điện thoại không thành công. Tôi quyết định “ra bài” cuối cùng:

Cô ơi, con chưa chuẩn bị đủ tiền…

Thế mày có bao nhiêu?- Cô quát lên trong điện thoại

Sao không vay anh K? (trước đây cô có quen K)

Tôi nói không thể và nhất nhất đòi thôi.

Cô tắt phụp máy.

Sáng hôm sau (ngày 19 âm). Cô cho người gọi tôi từ sớm. Tôi vẫn định đánh bài “bùng” nên không nghe điện thoại. Cô gọi cho T (em họ K) bảo T gọi cho tôi và thuyết phục tôi bằng được. Tôi vẫn không. Cô lại bảo bà cô K gọi điện, bà ở cùng làng với Cô). Bà nói tôi rất nhiều: Nào là chuyện này không thể đùa được, nếu cháu thiếu tiền cứ xin khất với “cô” một câu, khi nào có thì trả, nào là “cô” đã loan báo khắp nơi hôm nay có Lễ, mời mọi người già trẻ đến xem. Bà cũng được mời đến để thụ Lộc…

Không dừng được nữa rồi.

T gọi liên tục! Người nhà Cô gọi liên tục!

Đã đến giờ đăng đàn. Cô bắt đầu làm lễ. Tên tôi đã được đọc. Sớ đã dâng.

Sau khi làm lễ, Cô trực tiếp gọi điện cho K bảo K phải lái xe đưa bằng được tôi xuống để cắt tóc, nhận khăn.

Chẳng còn cách nào. Tôi lật đật ra xe. K không thôi càu nhàu.

40km, K phóng vèo vèo. 9h10. Tôi có mặt.

Mấy bà lão ra mắng tôi một thôi một hồi. Tôi vào “trình bầy hoàn cảnh” với “cô”. “Cô” vừa lên đàn xong, khoác trên ngườichiếc áo Rồng Phượng, đầu vấn khăn đóng, môi đỏ chót, mắt dán kim sa lấp lánh. Trông “cô” thật “xinh”.

Cô nói: “Nếu mày xin xá hầu thì “cô” làm cho, nhưng “cô” không đảm bảo là hết…hạn. Xá hầu thì rẻ hơn: 5 triệu. Tại mày không nói sớm, tên và đồ lễ “cô” đã sắm, mày phải trả tiền mã là 4 triệu (đây là tiền bắt buộc)”.

Tôi nhìn quanh, Cả một gian nhà đầy mã. Nào là Ngựa (5 con to như thật), nào Voi (đúng Voi dài 2m), nào thuyền rồng và một đoàn người đưa rước, nào hình nhân… Xếp dài từ trong nhà ra đến ngoài sân.

Bỗng thấy sợ…

Cô ra vỗ vai tôi: “Thôi, cô xin cho. Có bao nhiêu tiền thì trả hết tiền Mã. Còn lại lúc nào có trả “cô”, nhưng nhớ là trả trước ngày lễ tạ (Lễ tạ sau lễ chính khoảng 2 đến 3 tháng). Thôi đi thay quần áo đi. Thế là vui vẻ nhá!”- Cô quay sang K: “Em chưa thấy con nào Ngu và Liều như con này. Dám đùa với Thánh. May giờ vẫn kịp!”

Tôi lật đật vào phòng thay đồ. Một bộ phi bóng mầu hồng cánh sen may kiểu bà ba xẻ tà sực nức mùi nước hoa. Tôi ngột ngạt trong cái mùi nước hoa ấy.

Cô gọi ra điện làm lễ. Nhạc nổi lên, những bài hát chầu văn tôi chưa nghe bao giờ. Tim đập thình thịch.

Sau khi đi một vài đường cơ bản (nhẩy múa), Cô chắp tay khấn cho tôi và một cô bé nữa (cô bé mới 18 tuổi). Cô cắt tóc, đội khăn cho cả hai đứa, rồi làm phép, vẩy nước thánh – thứ nước gì đó mà tôi thấy ghê ghê bởi mùi nước hoa đặc quánh. Tai tôi ù đi bởi tiếng Sáo, tiếng Nhị tiếng hát Văn: “Nước này lấy ở biển Đông. Tắm cho Đồng tử, tắm cho Đồng tử sạch trong, sạch trong cõi lòng…”. Cô trình sớ và bắt hai đứa uống thứ nước gì như là Rượu pha lẫn sữa, cay cay ngọt ngọt, đặc đặc, có mầu nhờ nhờ mà đến giờ mỗi lần nghĩ lại tôi vẫn … ớn. Rồi trùm khăn (4 chiếc khăn xanh đỏ tím vàng loè loẹt), rồi mặc áo – Chiếc áo dài lễ mầu đỏ chót thêu rồng vàng, kim phượng…

Vì đến muộn nên tôi phải ngồi chờ sau cô bé kia lẽ ra tôi hầu trước. Tôi vừa xem vừa phì cười trước những cử chỉ, hành động của cô bé. Nghĩ một lát nữa đến lượt mình, tôi thấy vừa lo, vừa sợ vừa tức cười…

Hai tiếng rưỡi sau, cô bé kia hầu xong. Đến giờ ăn cơm. Tất cả mọi người đến dự (khoảng sáu, bẩy chục người) được mời ăn tại Phủ của “cô”. Những mâm cỗ đã được người nhà “cô” chuẩn bị trước. Vừa ăn “cô” vừa trêu tôi: “Tí nữa thì “cô” không cứu được mày. Ăn nhanh rồi lên thớt nhé”. Cô quay sang mấy bà già bên cạnh: “Các bà chuẩn bị xem nó nhẩy nhá! chắc sẽ rất tuyệt”.

Cơm nước xong, mọi người lại lên điện. Thú thực tôi chả biết mình phải làm gì và làm như thế nào. Dù hai Đồng già (tôi gọi thế) ngồi hai bên hầu giá tận tình chỉ bảo. Nhạc nổi lên, tùng cheng, cheng, tùng… đội hát văn hát liên tục.

Cô ra lễ và “nhẩy” mẫu cho tôi mấy đường cơ bản. Tôi làm theo như một cái máy. Hết mỗi giá hầu lại phát lộc cho mọi người ( Phát lần lượt cho hát văn, cho pháp sư, cho vãi, cho hầu giá và cuối cùng là tung tiền lên trời cho tất cả mọi người nhặt). Tiền phát lộc Cô ấn định là 2 triệu (đổi tiền lẻ từ 200 đồng con đến mười nghìn, đổi tại nhà Cô). Đúng quy định tôi phải hầu ba mươi sáu giá nhưng hình như thời gian có hạn (tôi thấy “cô” còn bận đi Trang điểm cô dâu và còn quá nhiều khách từ xa đến chàu chực mong được “cô” xem cho) và vì lần đầu tôi mới ra hầu nhẩy múa còn lóng ngóng nên “cô” chỉ cho tôi hầu những “giá” cơ bản như: Giá Cô, giá Cậu, giá Ông Hoàng Mười, giá Cô Chín, giá… gì nữa tôi không thể nhớ tên. Chỉ biết là tôi cũng hút thuốc, cũng ăn trầu, cũng múa đao, múa kiếm, cũng viết thư pháp như thật theo mỗi Giá các “ngài” nhập vào…

Hai tiếng. Kết thúc. Mệt nhoài. Thở không ra hơi.

Tôi bước xuống trong tiếng khen của mọi người:

Hầu đẹp quá!

Còn Cô thì được dịp “mở mặt”: Đấy, “cô” đã bảo rồi, mày có căn hầu tứ phủ, không theo thì chết. Rồi “cô” quay sang nói nhỏ với mọi người nhưng cũng đủ để tôi nghe thấy: Từ trước đến giờ chưa có đứa nào hầu xinh như con này!

Sau đó là chào ra về, kèm theo lời hẹn hai tháng rưỡi sau quay lại hầu tạ (giá hầu tạ chỉ rẻ bằng 1/4 hầu chính – có nghĩa là chỉ 2 triệu rưỡi) và cũng là hai tháng rưỡi sau trả nốt cô số tiền còn thiếu trong lần hầu này (tôi mới trả cho Cô 4 triệu tiền vàng Mã, còn nợ lại 5 triệu. Cũng “méo” mặt mới lo được thêm 2 triệu phát lộc. Vị chi “vụ” này ngốn của tôi 11 triệu).

May mắn hay giải được hết HẠN. Miễn bàn. Chỉ biết rằng lúc nào tôi cũng canh cánh lo khoản nợ phải trả Cô và lo làm sao 2 tháng rưỡi sau có thêm hai triệu rưỡi để đến Cô hầu tạ.

Thời gian trôi nhanh, tôi bận bịu với công việc mới, nơi ở mới. Lo sửa sang nhà cửa, thành lập Công ty. Bẵng đi đã gần một năm. Tôi quên Cô.

Hôm rồi Cô gọi điện cho K nhắc khéo: Bảo cái N đến cô lễ đi, mỗi năm nên lễ hai lần vào dịp đầu và cuối năm.

Chẳng thấy Cô nhắc gì đến lễ tạ và cái món nợ 5 triệu ấy nhưng tôi vẫn áy náy vô cùng.

Dù sao tôi cũng vẫn thành tâm và luôn làm điều Thiện. Năm qua tôi cũng gặp nhiều may mắn. (Riêng khoản LỘC 800 triệu “cô” cho chắc sẽ không đến với tôi bởi vì tôi… thất hứa hay sao ấy. Hi hi…).

Các bạn đọc bài này, tuỳ vào cảm nhận của mỗi người. Tin hay không là tuỳ. Chỉ biết rằng ngày ngày Cô vẫn “tiếp” hàng trăm lượt khách và không ít người trong số họ cũng ra “trình đồng mở phủ” như tôi.

 

Hà Linh Ngọc/VHVN

Video hay


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024