Tổ chức kỷ niệm 50 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Ninh Bình

9:31 | 29/08/2022

Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Công ước UNESCO 1972) sẽ diễn ra tại Ninh Bình vào ngày 6/9 cùng các hoạt động phụ trợ khác.


Dòng Ngô Đồng vàng rực, Khu du lịch Tam Cốc – Bích Động nằm trong Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình). Ảnh tư liệu: Minh Đức/TTXVN

Đây là hoạt động do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Ninh Bình và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp thực hiện nhân dịp chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay từ ngày 5 – 7/9.

Cùng với lễ kỷ niệm là triển lãm ảnh về di sản thế giới diễn ra tại sảnh chính, Trung tâm Hội nghị tỉnh Ninh Bình. Sau đó, triển lãm tiếp tục diễn ra tại Khu Du lịch sinh thái Tràng An phục vụ khách tham quan, du lịch từ ngày 7 – 18/9. Triển lãm giới thiệu nhiều bức ảnh đẹp về các khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam, góp phần quảng bá, xúc tiến du lịch, giới thiệu đất nước, con người đến bạn bè quốc tế, khách du lịch trong và ngoài nước. Bên cạnh đó là phần chiếu phim ngắn, giới thiệu các khu di sản, kinh nghiệm, điển hình hay trong công tác bảo tồn, phát huy di sản thế giới tại Việt Nam. Nhân dịp này, Văn phòng UNESCO Hà Nội tổ chức trao giải cuộc thi vẽ tranh về di sản.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UNESCO đã lựa chọn chủ đề chính cho lễ kỷ niệm 50 năm Công ước 1972 là “50 năm tới: Di sản thế giới – nguồn lực cho tự cường, tính nhân văn và đổi mới sáng tạo” (World Heritage for Resilience and Sustainable Development) trong bối cảnh các quốc gia đẩy mạnh nỗ lực thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững và tăng cường năng lực ứng phó với các thách thức toàn cầu, nhất là biến đổi khí hậu, dịch bệnh…

Ngày 16/11/1972, tại kỳ họp lần thứ 17 diễn ra ở Paris (Cộng hòa Pháp), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Đây là Công ước quốc tế duy nhất kết hợp giữa việc bảo vệ di sản văn hóa và di sản thiên nhiên, có ảnh hưởng sâu rộng nhất, được các quốc gia thành viên nghiên cứu áp dụng trong việc bảo vệ và quản lý di sản thế giới. Đến năm 2020, đã có 194 quốc gia phê chuẩn và trở thành thành viên của Công ước này. Việt Nam chính thức phê chuẩn tham gia Công ước từ ngày 19/10/1987.

Từ khi tham gia Công nước đến nay, Việt Nam đã có 8 di sản văn hóa, thiên nhiên và hỗn hợp được ghi vào Danh mục di sản thế giới. Cũng từ sau năm 1987, Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng về nhận thức, lý luận và thực tiễn trong lĩnh vực bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Việc này được thể hiện qua hệ thống pháp luật về di sản văn hóa được xây dựng dần tiệm cận với tinh thần của Công ước. Bộ máy quản lý di sản thế giới từ trung ương đến địa phương đang được củng cố, các nguồn lực để bảo vệ di sản thế giới được ưu tiên, huy động tối đa, đồng thời luôn tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế để bảo vệ di sản thế giới… Các di sản thế giới tại Việt Nam đã đóng góp hiệu quả, tích cực vào phát triển bền vững kinh tế – xã hội, tạo công ăn việc làm tại địa phương, cộng đồng, góp phần phát triển du lịch, thương mại, đầu tư, quảng bá hình ảnh quốc gia, văn hóa, lịch sử, truyền thống của Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Trong khuôn khổ cơ chế UNESCO nói chung và Công ước bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới nói riêng, Việt Nam là thành viên có trách nhiệm, uy tín, luôn hoàn thành tốt, chất lượng các nghĩa vụ thành viên, được cộng đồng quốc tế công nhận, đánh giá cao. Đặc biệt, trong giai đoạn 2013 ­- 2017, Việt Nam được tín nhiệm, bầu là thành viên Ủy ban Di sản Thế giới, cơ quan gồm 21 quốc gia đại diện các nước thành viên Công ước UNESCO 1972 thúc đẩy công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới trên phạm vi toàn cầu.

Trong bối cảnh UNESCO khuyến khích các quốc gia thành viên tổ chức kỷ niệm 50 năm Công ước, hướng tới Lễ kỷ niệm toàn cầu tại Florence, Italy vào tháng 11/2022, lễ kỷ niệm tại Việt Nam dự kiến sẽ mở đầu cho chuỗi các hoạt động thế giới kỷ niệm Công ước 1972 và đánh dấu 35 năm Công ước được thực thi ở Việt Nam.
Việc tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Công ước 1972 tại Việt Nam sẽ góp phần thể hiện vai trò, đóng góp, trách nhiệm của nước ta cùng cộng đồng quốc tế tôn vinh, phát huy hơn nữa giá trị của Công ước đặc biệt quan trọng này. Buổi lễ cũng sẽ đóng góp vào việc quảng bá thành tựu của Việt Nam trong bảo tồn và phát huy di sản thế giới tới các nước thành viên UNESCO, đông đảo cộng đồng quốc tế, khẳng định vị thế của Việt Nam trong khuôn khổ cơ chế UNESCO, cụ thể hóa các biện pháp triển khai thực hiện Bản Ghi nhớ hợp tác Việt Nam – UNESCO giai đoạn 2021 – 2025, tạo điều kiện thuận lợi để nước ta ứng cử là thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023 – 2027, tăng cường hơn nữa hợp tác Việt Nam – UNESCO trong thời gian tới…

Thanh Giang (TTXVN)

Nguồn Báo Tin tức

https://baotintuc.vn/van-hoa/to-chuc-ky-niem-50-nam-cong-uoc-bao-ve-di-san-van-hoa-va-thien-nhien-the-gioi-tai-ninh-binh-20220828153550695.htm


Cùng chuyên mục

ĐẮK LẮC: Thành phố Buôn Ma Thuột chú trọng phát triển du lịch cộng đồng

ĐẮK LẮC: Thành phố Buôn Ma Thuột chú trọng phát triển du lịch cộng đồng

Triển lãm ảnh nghệ thuật “Quân đội Anh hùng – Cựu Chiến binh gương mẫu”

Triển lãm ảnh nghệ thuật “Quân đội Anh hùng – Cựu Chiến binh gương mẫu”

Tăng cường đảm bảo an ninh, xây dựng biên giới “đoàn kết – hòa bình – hữu nghị”

Tăng cường đảm bảo an ninh, xây dựng biên giới “đoàn kết – hòa bình – hữu nghị”

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN