Nguyễn Đình Thi vừa là nhà thơ, nhạc sĩ, nhà phê bình văn học. Ông cũng viết văn xuôi. Nhưng xưa nay, người ta thường gọi ông là nhà thơ Nguyễn Đình Thi. Có lẽ, thơ là sáng tạo nổi bật hơn cả của ông.
Nguyễn Đình Thi là nghệ sĩ đa tài, như Nguyễn Trọng Tạo. Giữa hai con người này có nhiều điểm chung. Họ giỏi “chế biến” nhiều “món”, và “món” nào cũng làm cho người thưởng thức thích thú.
Nguyễn Đình Thi (1924–2003), sinh ở ở Luang Prabang (Lào), nguyên quán tại làng Vũ Thạch, nay là phố Bà Triệu, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nguyễn Đình Thi từng tham gia Tổ Văn hóa Cứu quốc, tham dự Quốc dân Đại hội Tân Trào, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I, Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc. Như vậy, ở Nguyễn Đình Thi còn là một con người quan chức.
Ông cũng làm Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật. Có thể nói Nguyễn Đình Thi là nghệ sĩ toàn tài, ở lĩnh vực nào, người ta cũng nhắc đến ông. Về tiểu luận, ông có Mấy vấn đề văn học; về nhạc, ông có Người Hà Nội (1947), Diệt phát xít (1945); về kịch, ông có Con nai đen (1961), Nguyễn Trãi ở Đông Quan (1979)… Ông được nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I năm 1996.
Về thơ, Nguyễn Đình Thi có nhiều bài hay, nhất là những bài viết về quê hương đất nước. Thơ ở thể loại này của ông luôn giàu hình ảnh, nói lên được những cái đẹp nhất của quê hương, đất nước, những cái là của riêng Việt Nam.
Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả rập rờn
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều
Quê hương biết mấy thân yêu
Bao nhiêu đời đã chịu nhiều thương đau
Mặt người vất vả in sâu
Gái trai cũng một áo nâu nhuộm bùn
Đất nghèo nuôi những anh hùng
Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên
Đạp quân thù xuống đất đen
Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa
Việt Nam đất nắng chan hoà
Hoa thơm quả ngọt bốn mùa trời xanh
Mắt đen cô gái long lanh
Yêu ai yêu trọn tấm tình thuỷ chung
Đất trăm nghề của trăm vùng
Khách phương xa tới lạ lùng tìm xem
Tay người như có phép tiên
Trên tre lá cũng dệt nghìn bài thơ
Nước bâng khuâng những chuyến đò
Đêm đêm còn vọng câu hò Trương Chi
Đói nghèo nên phải chia ly
Xót xa lòng kẻ rời quê lên đường
Ta đi ta nhớ núi rừng
Ta đi ta nhớ dòng sông vỗ bờ
Nhớ đồng ruộng, nhớ khoai ngô
Bữa cơm rau muống quả cà giòn tan…
(Việt Nam đất nước ta ơi)
Có thể nói Việt Nam đất nước ta ơi là một trong số ít những bài thơ hay khi viết về đất nước. Bài thơ đẹp về hình ảnh, câu từ, và cấu tứ. Giọng thơ hiền, nhưng vẫn khiến người đọc nặng lòng.
Đất nước ta được yên bình như hôm nay đã trải qua biết bao nhiêu cuộc chiến chống giặc ngoại xâm. Có lẽ do chống giặc quá nhiều mà hầu như trong thơ của nhà thơ nào cũng có nhắc đến cảnh chiến tranh, không nhiều thì ít. Và Nguyễn Đình Thi cũng vậy.
Ông vẽ nên đất nước bằng những cây lúa, cánh cò, ngô khoai, rau muống, quả cà, những hình ảnh đã in sâu vào tâm hồn người Việt Nam. Ông cũng nhận ra rằng, đất nước ta những năm xưa kia còn nghèo. Nhưng từ mảnh đất nghèo đã sinh ra những anh hùng, thời nào cũng có, để bảo vệ cho giang sơn.
Cô gái trong bài thơ là cô gái chung tình, “yêu ai yêu trọn tấm tình thuỷ chung”, là mẫu người phụ nữ Việt Nam, mang văn hoá Việt Nam, lối sống Việt Nam. Đất nước trong bài thơ cũng hiện lên là đất nước có trăm nghề, mà khách phương xa tới tìm xem. Và không thể thiếu hình ảnh hoa thơm trái ngọt bốn mùa.
Nguyễn Đình Thi đã tô vẽ nên một đất nước Việt Nam tươi đẹp, người Việt Nam hiền hậu, chân chất. Nhưng khi có giặc ngoại xâm, thì những con người hiền hậu, chân chất đó sẽ dũng cảm đứng lên, nhưng sau khi súng gươm vứt bỏ sẽ lại hiền như xưa.
(*Loạt bài tôn vinh các cá nhân đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh)
Theo Truyền hình Pháp luật