Mới đây, giới mỹ thuật nói riêng và công chúng đã có màn tranh luận “nảy lửa” xung quanh màu sắc các bức tượng được đặt tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội). Câu chuyện bắt nguồn từ việc, sau một thời gian tạm dừng đóng cửa bởi dịch Covid-19, nhằm thay đổi cảnh quan công viên này đã tiến hành sơn lại các bức tượng trong khuôn viên.
Sự tùy tiện trong cách làm
Điều đáng nói, không biết căn nguyên là do việc thiếu hiểu biết hay chỉ là cách nghĩ đơn thuần mà các bức tượng có tuổi đời gần 60 năm đã được dùng sơn công nghiệp để thay đổi màu sắc. Cùng với đó, các bức tượng cũng đều được sơn theo một công thức chung là “tóc màu đen, mắt màu đen và môi màu đỏ”. Ngay sau khi hoàn thành, lập tức các bức tượng đã nhận được hàng trăm ý kiến phản hồi từ người dân mà cả giới mỹ thuật. Trong đó đa phần là những bức xúc về cách làm tùy tiện, thủ công và thiếu tính nghệ thuật tại Công viên Thống Nhất.
Với những người dân, hầu hết đều cho rằng các bức tượng dường như đã biến thành trò chơi “tô tượng” của trẻ em. Nặng nề hơn nhiều ý kiến cho rằng cách phối màu còn kém hơn trình độ của một đứa trẻ. Còn với giới làm mỹ thuật đa phần nhìn nhận, việc sơn lại màu sắc các bức tượng là cách làm bột phát. Bản thân công viên Thống Nhất khi tiến hành làm việc này đều không xin ý kiến của các chuyên gia trong ngành mỹ thuật. Việc sơn các bức tượng đã làm ảnh hưởng lớn đến cảnh quan chung của chính công viên Thống Nhất.
Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn- Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam: Giá mà họ hỏi ý kiến chuyên môn khi chưa bắt đầu thì tốt hơn, đỡ tốn kém hơn rất nhiều. Công viên Thống Nhất hơn 60 năm nay là nơi ngắm cảnh, đi dạo của người dân và du khách, cả khách nước ngoài mà lại có những bức tượng “lệch pha” màu mè đúng là xấu quá.
Cũng theo ông Đoàn, đây không chỉ là công trình trang trí đơn thuần mà là những tượng có tuổi đời trên 60 năm nay. Nó chứa đựng nhiều giá trị tinh thần và gắn với ký ức của nhiều người. 17 bức tượng có màu thời gian qua bao năm tháng nên mỗi lần thay đổi màu sơn tượng phải hiểu màu ngày xưa của nó là gì. Đó là những tượng bằng bê tông – xi măng nên có sơn lại cũng phải sơn màu trắng. Nó chỉ phù hợp với màu đơn sắc thôi, không thể xanh đỏ được. “Các bức tượng không chỉ gây mất mỹ cảm cho những du khách đến dạo trong công viên mà nhiều người Hà Nội cũng phản ứng mạnh vì họ thấy không đẹp”- ông Đoàn bày tỏ.
Trước những phản ứng dữ dội của giới mỹ thuật lẫn người dân về việc sơn mới 17 bức tượng với những màu sắc loè loẹt, Công viên Thống Nhất đã cho sơn lại màu trắng.
Tìm giải pháp căn cơ
Câu chuyện sơn tượng tại Công viên Thống Nhất thực tế cũng chỉ là một trong vô vàn những bất cập trong việc trang trí các công trình công cộng thời gian qua. Trước đó, câu chuyện 12 con giáp ở Đồ Sơn (Hải Phòng), tuyến phố “đồng phục” tại Hà Nội… và mới đây là việc trang trí các bốt điện đã tốn khá nhiều giấy mực của báo chí, cũng như những tranh luận của giới mỹ thuật trên các diễn đàn mạng xã hội. Ở đó, thực tế về ý tưởng những người thực hiện đều chung một mục đích là tạo nên cảnh quan mới, đẹp hơn cho không gian công cộng. Nhưng khi thực hiện, dường như với nhiều người chỉ là theo “sở thích” của cá nhân, thậm chí là sự chi phối của các đơn vị tài trợ trong khi vai trò của tư vấn quan trọng của những người làm mỹ thuật, kiến trúc đô thị dường như không được “đặt nặng”.
Nhìn nhận về thực tế này, KTS Phạm Thanh Tùng- Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam cho rằng: Chúng ta đang hiểu sai về việc trang trí không gian công cộng. Bởi ngay việc trang trí một đường phố ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hay Hải Phòng đã là hoàn toàn khác nhau. Ở đây, việc trang trí không chỉ để làm đẹp cho cảnh quan chung mà còn là những biểu đạt về văn hóa của từng địa phương. Cũng theo ông Tùng, việc trang trí ở đây còn cần có sự tham gia của các nhà thiết kế, kiến trúc sư, các nghệ sĩ mỹ thuật có kinh nghiệm để đảm bảo được tính ổn định cho không gian. Nếu như cần làm mới, mỗi năm chúng ta có thể thay đổi một chút về màu sắc chứ không nên trang trí lúc nào cũng thật to, thật cao như thế không chỉ không đẹp mà còn vô cùng tốn kém. Ngoài ra, việc trang trí ở đây phải làm sao gần gũi với ngay chính con người, văn hóa ở từng địa phương, vùng miền.
Đồng quan điểm, KTS Ngô Viết Nam Sơn bày tỏ: Với việc trang trí các không gian công cộng nên bắt đầu bằng việc xây dựng một kịch bản chi tiết cho việc trang trí. Đội ngũ xây dựng kịch bản không chỉ là những cán bộ của các sở ngành liên quan, mà cần có những người có chuyên môn, năng lực trong lĩnh vực này. Nếu việc trang trí được xã hội hóa nên mời thêm đại diện các nhà tài trợ để ngay từ khâu thiết kế, cân đối được yêu cầu trang trí đảm bảo được quyền lợi của nhà tài trợ. Kinh nghiệm trang trí đường phố của nhiều thành phố khác trên thế giới, như Paris (Pháp) chẳng hạn, một khi đã có sự bàn bạc trước, các nhà tài trợ sẽ hiểu rằng không nên quảng cáo “thô”, vừa mất mỹ quan chung và vừa ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của họ. Sau khi có kịch bản, có thể chia thành từng hạng mục thực hiện và giao cho các nhà thầu thi công.
Theo Đại đoàn kết